Thứ Bảy Tuần 32 TN: Thánh Anbertô Cả

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/11/2014 01:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 32 TNTh. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT

Bài đọc (3 Ga 5-8)
Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý.

Tin Mừng (Lc 18, 1-8)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:
“Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’”.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”


Thánh Albertô Cả, Giáo hoàng Tiến sĩ HT (1206-1280)

Ngài là người Đức, là tu sĩ Dòng Đa Minh hồi thế kỷ XIII, và có ảnh hưởng vị thế của Giáo hội đối với triết học của Aristote (triết gia Hy Lạp nổi tiếng, 384-322 trước CN) đã đưa vào Âu châu bằng sự phát triển Hồi giáo.
Các sinh viên triết biết ngài là thầy của Thánh Thomas Aquinas. Thánh Albertô cố gắng hiểu các bài viết của Aristote mà Thánh Thomas Aquinas đã phát triển bản tổng phổ của sự khôn ngoan Hy Lạp và thần học Kitô giáo. Thánh Albertô nhận biết ngài là học giả cần mẫn.
Ngài là con cả trong một gia đình giàu có người Đức danh giá, được học về nghệ thuật tự do. Dù bị gia đình phản đối dữ dội, ngài vẫn vào Dòng Đa Minh. Ngài đã viết bản tóm lược các kiến thức về khoa học tự nhiên, luận lý học, tu từ học, toán học, thiên văn học, đạo đức học, kinh tế học, chính trị và siêu hình học. Ngài phải mất 20 năm mới hoàn tất bản tóm lược này. Ngài nói: “Ý định của chúng tôi là tạo ra những phần kiến thức dễ hiểu đối với người Latin”.
Ngài đạt được mục đích khi còn đang dạy tại Paris và Cologne. Ngài là giám tỉnh Dòng Đa Minh và được bổ nhiệm làm giám mục GP Regensburg một thời gian. Ngài bảo vệ các dòng hành khất (mendicant orders) và giảng về Thập Tự Quân ở Đức và Bohemia. Ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội, là bổn mạng của các khoa học gia và triết gia.


THÁNH ALBERTÔ CẢ

Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
(1206 - 1280)

Thánh Albertô là một người thuộc thế hệ đầu của dòng Đaminh, Dòng được thành lập năm 1216. Ngài góp phần lớn trong những tiến triển quan trọng về trí thức trong thế kỷ XIII và Đức giáo hoàng Piô XII năm1941 đã đặt Ngài làm thánh bảo trợ cho những ai say mê nghiên cứu các ngành khoa học tự nhiên.

Ngài sinh ra tại Swabia có lẽ vào năm 1206, là con trưởng thuộc một gia đình quí phái trong binh nghiệp. Điều người ta biết rõ về người thiếu niên Đức này là lòng yêu thích nghiên cứu học hành và thiên nhiên. Khi thì Ngài học với các thầy dòng Benedictô, khi thì Ngài lạc lõng trong miền quê, say mê quan sát cây cỏ khám phá các loại cây và để cho năng khiếu chín mùi trước cảnh sắc của tạo hóa.

Cuối cùng Albertô đã bỏ rơi truyền thống hiệp sĩ của gia đình. Một người cậu đã dẫn Albertô tới Bologne để hoàn tất việc học hành. Ngài nghe một bài giảng của chân phước Giocdano (Jordain) miền Saxe thuộc dòng Đaminh và cảm thấy được Chúa gọi, nhưng lại ngập ngừng vì mới 16 tuổi. Ông cậu muốn Albertô quên đi ý tưởng này. Nhưng ở Padua, Albertô gặp lại chân phước Giocđanô và sau một cuộc đàm thoại đã nói với Ngài: - Thưa thầy ai đã tỏ lộ lòng con cho Ngài?

Từ đây không ai ngăn cản nổi ơn kêu gọi của Albertô nữa. Ngài vào nhà tập dòng anh em giảng thuyết. Lời cầu nguyện của Ngài diễn tả một ước muốn sống tự thoát: - "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con kêu lên Chúa, xin Chúa đừng để con bị quyến rũ bởi những lời hão huyền về danh giá gia đình, về uy thế của dòng tu, về sự lôi cuốn của khoa học".

Dưới ánh sáng chân lý Ngài đã tuân theo, Albertô nhiệt thành nghiên cứu khoa học và trở thành tu sĩ thánh thiện, nhà tư tưởng lớn, giáo sư siêu việt, nhà sưu tầm bách khoa tài ba. Ngài có sự hiểu biết uyên bác đặc biệt như một số những nhà trí thức lớn thời Trung cổ.

Luôn luôn tìm gia tăng những hiểu biết, Albertô rảo qua khắp nước Đức, thu thập những ý niệm về các loại súc vật cây cỏ, trước tác những tác phẩm về khoa học tự nhiên. Ngài quan tâm tới các thuyết của Aristote và tìm cách Kitô hóa các lý thuyết đó. Ngài lần lượt dạy học tại Cvologne, Pribourg, Ratisbonne, Strasbourg, Ngài sẽ ảnh hưởng trọng yếu tới người học trò thiên phú này là "bò câm", Ngài tiên báo rằng: - Tiếng rống của con bò này sẽ vang dội khắp nơi.

Khoảng năm 1240, Ngài tới Paris giữ ghế giáo sư tại đây. Các lớp học quá nhỏ không đủ để dung nạp hết các thính giả của Ngài, Ngài phải dạy họ tại công trường nay vẫn còn giữ tên Ngài: công trường Maubert hay Albertô cả. Lời Ngài có uy tín đến nỗi để chấm dứt cuộc tranh luận chỉ cần nói: "Thày Albertô đã nói vậy".

Tài năng Ngài lan rộng tại đại học Paris, đại học danh tiếng nhất thế giới. Ngài trú ngụ tại nhà dòng thánh Giacobê, viết nhiều tác phẩm về nhiều đề tài khác nhau: thần học, toán học, luân lý, chính trị, triết học, hình học, điạ chất học. Người ta kể rằng: ngày kia một thày dòng Đaminh vô danh đến trước mặt thánh Albertô, tội nghiệp cho sự lao lực của Ngài và khuyên Ngài nghỉ ngơi lo lắng tới sức khỏe. Đây lại chẳng phải là một thần dữ mặc lốt thày dòng sao? Để trả lời, thánh làm dấu thánh giá. Thế là hết các cám dỗ, satan trốn mất.

Vua thánh Luy (Louis) tỏ lộ tình nghĩa với thày dòng thời danh này và trao cho Ngài nhiều kỷ vật quí báu trước khi nghe về Đức, bởi vì thánh Albertô được đặt làm giám tỉnh. Vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài giã từ căn phòng sách vở và học trò, suốt ba năm Ngài đi bộ, không tiền của, ăn xin để thăm các nhà dòng và lập nhiều nhà mới. Roma kêu mời Ngài để làm sáng tỏ cuộc tranh cãi giữa các giáo sĩ. Albertô được một thời an bình trong dòng để dạy học và viết lại những quan sát và suy tư của mình. Nhưng Đức giáo hoàng buộc Ngài nhậm chức Đức giám mục Ratisbonne, một trách vụ nặng nề.

Trong trung tâm giàu có phồn thịnh này, người ta kể lại rằng: Đức giám mục không có lấy "một đồng tiền trong két, một giọt rượu trong hầm, một nhúm bột trong vựa". Dầy vậy, thánh Alberto vẫn trả hết nợ và xây dựng một nhà thương. Khi đã hoàn thành công cuộc hết sức có thể, Ngài xin từ chức để trở lại đời sống một tu sĩ đơn giản. Năm 1623 theo lệnh Đức giáo hoàng, Ngài đi kêu gọi nghĩa binh trong các làng quê nước Đức.

Một năm sau Đức giáo hoàng qua đời và Ngài ngừng công việc lại. Thánh Albertô thấy cần được hồi tâm. Ngài lui về tu viện Surtzbourg và đắm mình vào cuộc nghiên cứu và chỉ đi sửa lại những cuộc tranh luộn. Một lần nữa lại được rảo qua các đô thị lớn nước Đức, Ngài thánh hiến các thánh đường, truyền chức cho các giáo sĩ. Năm 1270 Ngài đến dạy tại Cologne. Ở Công đồng Lyon, Ngài bênh vực Rodolphe I miền Habbsourg. Bảy năm sau, tức năm 1277, dầu đã già Ngài buộc phải đi Paris để bênh vực cho giáo thuyết học trò mình là Tôma Aqunô.

Albertô hoàn toàn già nua, Ngài chọn cho mình một phần mộ trong dòng và mỗi ngày đến đọc Kinh nhật tụng cầu cho kẻ chết, để cầu cho chính mình. Dần dần Ngài đâm ra lú lẫn. Một lần có du khách hỏi thăm Ngài trả lời chắc nịch: "Albertô không còn ở đây nữa, ông ta ..."

Ngài qua đời êm ái tại phòng riêng giữa các anh em đứng đầy chung quanh, Ngài được phong làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.

Nguồn: 
 Theo vết chân Người

Suy niệm 1: CẦU NGUYỆN LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI KITÔ

Cầu nguyện là điều cần thiết trong cuộc sống. Không cầu nguyện, chúng ta không thể có sự sống thần linh trong tâm hồn. Cầu nguyện được ví như cá cần nước, con người cần hơi thở, như cành cần nhựa sống từ thân cây… Tuy nhiên, điều ta cầu xin đôi khi cũng phải xem lại vì có những lời cầu xin của chúng ta không đẹp lòng Chúa. Hoặc cũng có đôi khi Chúa muốn kéo dài thời gian để tăng thêm niềm trông cậy của chúng ta…
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh bà góa nghèo kiên trì xin ông thẩm phán xử oan cho bà là một ví dụ. Mặc cho ông thẩm phán có lạnh nhạt, bất công và không sợ gì ai hết, nhưng cuối cùng, ông ta sợ sự kiên trì của bà góa kia…
Điều quan trọng là chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ qua lời con cái nài xin. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không kiên trì đủ hay cũng có khi lời cầu nguyện của chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế Ngài không ban cho đúng ý ta xin hoặc Ngài ban những ơn khác tốt đẹp hơn.
Trong thực tế, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa dường như không màng chi đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa tâm tưởng của con người. Sự khôn ngoan của Ngài vượt trội suy đoán và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tư tưởng của Ngài thì toàn diện, nên không bị giới hạn vào không gian hay thời gian… Nhưng chung quy lại thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách đặc biệt bằng một thứ tình yêu cao cả. Phần còn lại của chúng ta là kiên trì, trung thành, khiêm tốn để để đón nhận ơn lành của Ngài trong lòng mến cũng như biến cải đời sống hằng ngày cho tốt hơn mà thôi.
Hình ảnh và thái độ của bà góa nghèo kiên trì trước cửa quan cho chúng ta thấy: trong đời sống đức tin của mình đôi khi cũng cần phải như vậy, vì: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”; “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu”.
Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con, Ngài luôn trung thành với lời đã hứa, Ngài luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin tưởng vững chắc. Xin lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này. Amen.


Suy niệm 2

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay chính là cần phải biết kiên trì cầu nguyện, tin tưởng Chúa sẽ nhận lời. Để trình bày sứ điệp này, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh rất cụ thể qua câu chuyện bà góa và ông quan tòa. Ông quan tòa được diễn tả là: “Chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì” thế mà cũng phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Điều này muốn nói lên rằng Thiên Chúa cũng sẽ nghe theo lời van xin của chúng ta nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện.
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người?” (Lc 18, 7)
Lời khẳng định của Chúa Giêsu đem lại nguồn an ủi thật to lớn. Ở một nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người cha thế gian còn biết cho con cái mình những của tốt lành, huống chi là Cha trên trời.
Thế nhưng, không phải điều nào con người xin Chúa cũng nhậm lời cả đâu. Thiên Chúa là người cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn quan tâm chăm sóc từng con người. Và có thể nói là lúc nào Ngài cũng ở bên con người, đồng hành cùng con người. Nếu là một người có đức tin mạnh mẽ, thiết nghĩ không cần phải cầu xin điều gì, bởi mỗi người đều được Chúa quan phòng tất cả. Chúa biết nhu cầu của mỗi người. Chúa biết con người cần gì, thiếu gì,… Thế nhưng, là con người, ai cũng muốn có thêm điều này điều kia; muốn được điều này điều kia,… và không tránh khỏi một điều là con người muốn những điều không phù hợp, không cần thiết cho mình. Và lẽ dĩ nhiên, không người cha nào lại cho con cái mình những điều không có ích gì, thậm chí làm hại nữa.
Vào những dịp lễ tết, người ta thường chúc nhau: “Vạn sự như ý”. Lời chúc rất đẹp; nhưng để lời chúc đó đẹp hơn, hay hơn, chúng ta nên thêm vào chữ “Chúa”“Vạn sự như ý Chúa”. Thiết nghĩ, đây là lời chúc đẹp nhất dành cho mỗi Kitô hữu. “Vạn sự như ý”, có khi chỉ là ý mình. Nhưng nếu chúc nhau: “Vạn sự như ý Chúa”, điều này thật tuyệt vời! Bởi vì khi chúc nhau như vậy, con người ý thức mọi sự đều nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Có khi đó là những điều trái ý, những khó khăn thử thách, những nỗi buồn đau, nhưng tin rằng Chúa có thể biến tất cả những điều đó nên tốt đẹp.
Thiết nghĩ, nếu ai cũng ý thức xin những điều đẹp ý Chúa thì tuyệt vời biết bao. Chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời ngay thôi.
Hôm nay là thứ bảy, kính nhớ Đức Mẹ Maria, Mẹ là một mẫu gương tuyệt vời cho thái độ sống hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa. Những gì Mẹ xin, những gì Mẹ muốn, những gì Mẹ làm, đều theo sự soi sáng của thánh ý Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con nhận biết rằng Ngài là một người Cha giàu lòng thương xót, luôn quan tâm và yêu thương con cái mình. Xin cho con biết xin những điều đẹp ý Chúa và kiên trì chờ đợi. Amen!


Suy niệm 3: CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG CẬY TRÔNG

“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Con người thời nay, trong đó có không ít các ki-tô hữu, ngày càng ưa chạy theo lối sống thực dụng. Họ thích những bàn tay làm ra nhiều của cải vật chất hơn là đôi tay chắp lại cầu nguyện; mà nếu có cầu nguyện thì mang tâm trạng “ăn xổi ở thì” muốn “cầu được ước thấy” ngay trước mắt. Với não trạng thực dụng này, người ta dễ chán nản, buông xuôi vì nghĩ rằng Thiên Chúa chậm trễ hoặc không đáp lại lời họ kêu xin. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết kiên trì trong lời cầu nguyện. Với niềm tin vững vàng và lòng cậy trông tha thiết vào Thiên Chúa là Cha nhân ái, chắc chắn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Ngài đoái nhận lời. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất không phải theo tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, mà là theo sự khôn ngoan vô lượng và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.
Mời Bạn: Tin tưởng vào tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải biết kiên trì và trung thành trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình. Không phải cầu nguyện chỉ để xin được điều này điều khác như ý muốn, nhưng đó là biểu hiện của sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Cha trên trời.
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng cách đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi cầu nguyện, bạn đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi muốn xin Chúa điều gì, bạn hãy xem xét điều mình xin có phù hợp với những gì Chúa dạy cầu nguyện theo kinh Lạy Cha hay không.
Cầu nguyện: đọc kinh Trông Cậy.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu. Chúa có thể làm mọi sự. Chúa lại có một tình yêu vô bờ bến. Chúa luôn yêu thương chúng con vô ngần. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín về quyền năng của Chúa để chúng con biết phó thác cho Chúa. Xin cho chúng con luôn ở lại trong tình yêu quan phòng của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời với những rủi roi, bất trắc. Dòng đời nhiều khi có những khúc quanh của trở ngại, của khổ đau. Có nhiều khi chúng con đánh mất đức tin trong những biến cố đau thương của cuộc đời. Chúng con chao đảo đức tin vì một chút sóng gió xảy đến với gia đình chúng con. Chúng con thất vọng, buông xuôi về những rủi ro xảy tới trong công việc làm ăn. Xin tha thứ cho những yếu lòng của chúng con vì đã nhiều lần chúng con nghi ngờ sự hiện diện của Chúa. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa để chúng con cùng với Chúa vượt qua những giông bão cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trao vào tay Chúa những khó khăn, những thử thách chông gai trong niềm tin trung kiên vào Chúa. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa qua ơn bình an của tâm hồn. Amen.
 
Suy Niệm 4: Tín thác vào Thiên Chúa

Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có một tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 5: Ơn huệ Chúa ban

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện.
Trong một lớp học nọ, một học sinh trung học không bao giờ để cho cô giáo của cậu được yên, lúc nào cậu cũng tìm cách quấy phá cho cô tức giận. Một buổi sáng nọ, trước giờ lớp cô giáo đang ngồi loay hoay viết thì cậu học sinh xuất hiện. Không một chút kính nể, cậu hỏi cô:
- Cô đang làm gì đó?
Cô giáo trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện với Chúa.
Liếc mắt thấy những dòng chữ bằng tốc ký, cậu học sinh tấn công:
- Chúa mà cũng biết đọc được tốc ký à?
Cô giáo vừa xếp tờ giấy cho vào cuốn Kinh Thánh vừa trả lời:
- Chúa có thể làm được mọi sự, ngay cả nhậm lời cầu xin của tôi.
Thừa lúc cô giáo chuẩn bị để bắt đầu lớp học, cậu học trò lanh tay rút tờ giấy từ quyển Kinh Thánh và cho vào cuốn sách của mình.
Hai mươi năm sau, người học trò ngổ ngáo ngày xưa nay đã là giám đốc của một công ty. Một hôm, anh tình cờ xem lại cuốn sách của thời trung học, mẫu giấy của cô giáo mà anh đã đánh cắp và cho vào cuốn sách của mình giờ đây đã nhạt màu, anh cho mẩu giấy vào trong ví của mình. Trở lại văn phòng, anh xin cô thư ký đọc giùm mẩu giấy được viết bằng tốc ký, mẩu giấy có chứa đựng một lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, với sự chọc phá của Bill, chắc con không thể nào tiếp tục dạy ở lớp này nữa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn em, em có thể là một người rất tốt mà cũng có thể là một người rất xấu".
Vài tuần lễ sau đó, Bill truy tìm chỗ ở của cô giáo ngày xưa, anh cám ơn cô vì đã cầu nguyện cho anh. Lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm lời ngoài sự mong đợi của cô: "Hãy xin thì sẽ được. Khi các con cầu nguyện và xin bất cứ điều gì, hãy tin rằng mình sẽ nhận được thì các con sẽ được ban cho điều các con cầu xin".
Với tất cả những ai tin tưởng cầu xin, lời hứa của Chúa Giêsu luôn được thực hiện. Triết gia Pascal của Pháp đã nói: "Lời cầu nguyện là một trong những cách thế mà Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài cho chúng ta, cũng như Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người biết suy tư. Cũng thế Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người cầu nguyện. Không phải tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình để tạo ảnh hưởng trên người khác, nhưng ai cũng có thể tạo ảnh hưởng trên người khác bằng lời cầu nguyện của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải như những kẻ bàng quan trước quyền năng sáng tạo của Ngài, mà như những kẻ chia sẻ quyền năng của Ngài. Ðây chính là ý nghĩa của kiểu nói "được tạo thành giống như hình ảnh của Thiên Chúa". Bác sĩ Alexis Carell, người đã từng được trao giải thưởng Nobel y khoa hồi năm 1912 đã tóm tắt về sức mạnh của sự cầu nguyện như sau: "Cầu nguyện là một năng lực mãnh liệt nhất mà con người có thể làm phát sinh được". Ảnh hưởng của lời cầu nguyện trên tâm trí và thân xác con người là điều có thể chứng minh được qua các hạch nội tiết trong cơ thể.
Cầu nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của trái đất, đó là sức mạnh mà Chúa Giêsu nói đến qua hình ảnh của người đàn bà góa kiên trì trong Tin Mừng hôm nay. Ông quan tòa đứng ra xử án không phải vì lòng công bình hay vì lòng tốt mà chỉ vì không chịu đựng nổi sự quấy rầy của bà góa. Thiên Chúa nhậm lời con người không phải vì sợ con người quấy rầy mà chỉ vì lòng tốt đối với con người mà thôi. Nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện là tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa vậy. Kiên trì trong lời cầu nguyện cũng là ân huệ của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được kiên trì trong sự cầu nguyện và cảm nhận được những điều chúng ta cầu xin.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
Suy Niệm 6: Bà góa quấy rầy quan tòa

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (Lc. 18, 1)
Ngày Con Người trở lại cần chờ đợi, cần sẵn sàng. Trong thời gian đó, môn đệ phải đương đầu với thế gian thù ghét, lòng tin và lòng trông cậy liều mình suy sụp. Vậy để kiên trì cho đến cùng, Đức Giêsu khuyên các ông cầu nguyện không ngừng, không mệt mỏi.
Với kẻ bất lương: phải quấy rầy.
Những quan tòa bất lương và tham tiền, họ không kính sợ Thiên Chúa, chẳng nể người ta. Có đầy rẫy trong Kinh thánh, nhất là đối với các bà góa và cô nhi càng bị họ bỏ rơi và cũng chẳng có thể được luật nào bảo vệ, Đức Giêsu đưa ra một trường hợp cổ điển về một quan tòa gian ác từ chối trả lại công lý cho một bà góa. Chắc bà có một số tài sản, còn quan tòa không muốn xử vì không nhận được quà cáp, rượu chè theo thường lệ, người ta thấy bà góa chắc được kiện, nên bà đến kêu quan tòa mọi ngày để gián đoạn những vụ xử khác ở pháp đình, bà khăng khăng kêu nài công lý xử cho bằng được. Sau cùng, quan tòa thấy bà bướng bỉnh cố chấp, để yên chuyện và khỏi bị quấy rầy, quan phải trả lại công lý cho bà.
Với Thiên Chúa: phải cầu nguyện không ngừng.
Ở đây, Đức Giêsu muốn, không chỉ nêu gương cần thiết phải kiên trì cầu nguyện, mà còn cho thấy cuối cùng lời cầu nguyện chắc chắn sẽ được nhận lời. Nếu quan tòa chẳng sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì và chỉ vì lý do ích kỷ bị quấy rầy, còn lo xử cho bà góa, thì Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, lại không rung cảm trước những tiếng kêu thống thiết của những kẻ Ngài đã tuyển chọn sao! Vậy phải liên tục cầu nguyện ngày đêm không dứt, vì lời cầu nguyện kiên trì của kẻ được tuyển chọn, của chi thể Hội thánh, luôn luôn được thương xót. “Chính Ngài sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Ngài đã chọn”, nên sẽ rút ngắn những ngày khốn khó cho họ.
Nếu Thiên Chúa hình như để kẻ được tuyển chọn phải chờ đợi, chính là để thử thách đức tin và sự kiên trì của họ trước những xô đẩy bỏ đạo xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Thiên Chúa luôn trung tín, nhưng con người dù gặp thử thách còn vững tin cho đến cùng không? Đó là sự thách đố mà Đức Giêsu tung ra cho các môn đệ để nhắc nhở các ông về sự nguy hiểm, đồng thời kích thích các ông phải quyết tâm giữ vững đức tin cho đến cùng.
RC
 
SUY NIỆM 7:

Bài Tin Mừng có ít nhất hai điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là:
- Bà góa bị ăn hiếp!
- Và ông quan tòa bất chính.
1. Hình ảnh bà góa bị ăn hiếp
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa bị ăn hiếp. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa. Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!
Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu khác hay khó khăn khác.
Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng trách phạt.
Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được minh xét, để được giải thoát khỏi tội lỗi, ma qủi và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.
2. Hình ảnh ông quan tòa bất chính
Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su, trong các câu 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!
Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:
- Một bên là vị quan tòa bất chính, còn bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và thương xót.
- Một bên là bà góa xa lạ đối với vị quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn”, là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời trong Đức Ki-tô.
- Một bên vị quan tòa minh xét cho bà góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình thương và lòng thương xót.
- Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.
3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh
Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã  minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.
*  *  *
Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai?
Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Đức Tin vừa qua, nghĩa là để cho Chúa đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn; và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận