Thứ Ba tuần 29 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 24/10/2017 03:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 29 thường niên.

"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".

 

Lời Chúa: Lc 12, 35-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy".

 

 

 

Suy Niệm 1: Tỉnh Thức

Trong quyển truyện có tựa đề: "Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng 8/1990, tác giả đã miêu tả sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ như sau: Tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không thiêng liêng cho bằng mối tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ chỉ là một thứ bịa đặt lừa bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu dương bề ngoài, cuồng tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần bất hảo trong xã hội.

Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện. Tuy nhiên, với thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô hữu hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người ngoài Kitô giáo. Sự thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái sinh hoạt giáo xứ, nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình liên đới; đó là những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.

"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố, nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái, yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Hạnh Phúc Của Nước Trời

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.

Trong một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con mình ra đi để cứu nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều việc thiện, nhiều việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết quả trở về trong hân hoan vì những thành quả của các con mình.

Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Lạy Thiên Chúa,

Xin giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ khôn ngoan luôn chờ đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả nỗ lực mang tình yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất cả anh chị em con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Phải sẵn sàng

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay.” (Lc. 12, 35-36)

Trong đời sống con người, Đức Giêsu tự tỏ mình ra bằng nhiều cách khác nhau xuyên qua những biến cố. Kitô hữu phải luôn sẵn sàng nhận ra Người, đón rước và đi theo Người. Người dẫn ta đi đâu, đến đâu ta không biết. Như Thiên Chúa đã nói với tổ phụ Áp-ra-ham: Con hãy đứng dậy, lìa bỏ tất cả và sẽ đi đến xứ sở Ta chỉ cho con. Ông đi đến hết chỗ này qua chỗ khác hướng về nơi không biết. Ước chi Kitô hữu học lấy bài học tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng theo thánh ý Chúa như ông Áp-ra-ham.

Sẵn sàng đón rước Chúa đến:

Đức Giêsu bảo các môn đệ phải luôn luôn thắt lưng để lo phục vụ, nghĩa là sẵn sàng làm việc hay chuẩn bị lên đường trong mọi hoàn cảnh. Luôn luôn sẵn sàng lên đường như dân Do thái chuẩn bị hành trình trở về đất hứa để mừng lễ Vượt qua, lễ đón mừng Đấng Thiên sai cứu thế.

Đức Giêsu còn nói hãy cầm đèn cháy sáng để mở ngay cho chủ lúc chủ đi ăn cưới về, dù chủ có về trễ. Đó là lời khuyên bảo phải luôn luôn mau lẹ đáp lại tiếng Chúa gọi trong mọi biến cố, mọi cảnh ngộ. Trong Thánh kinh, trong kinh nguyện, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đều thông dịch cho chúng ta hiểu qua hành động, qua dấu chỉ thời đại, vì Người luôn luôn bước tới ngày quang lâm để dẫn đưa chúng ta đi với Người.

Phúc cho những ai chủ thấy vẫn tỉnh thức, những ai chiến đấu kiên cường chống lại những dục vọng và những ươn hèn của xác thịt đang ru ngủ họ trong u mê tăm tối. Và đặc biệt hạnh phúc hơn nữa cho những ai vẫn luôn luôn sẵn sàng chờ đợi dù còn lâu Chúa mới đến.

Lãnh nhận phần thưởng:

Mỗi lần gặp Chúa là mỗi lần Kitô hữu được bình an và hạnh phúc, nhờ đó họ càng tỉnh thức, sống tỉnh táo hơn. Phần thưởng sau cùng là được mời vào tham dự tiệc nước trời. Những người vẫn luôn luôn tỉnh thức tới cùng sẽ được mời vào đồng bàn với Chúa, được Chúa chia sẻ vinh quang của Ngài đến muôn đời.

RC

 

Suy niệm 4:

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời? 
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác. 
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ? 
Có thứ chờ tính được bằng thời gian. 
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng. 
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau. 
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969, 
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot. 
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra. 
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến. 
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người. 
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra. 
Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống. 
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về. 
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng. 
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ, 
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên. 
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động. 
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ. 
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35). 
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc, 
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng, 
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng. 
Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về. 
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này. 
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả. 
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36). 
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng, 
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ, 
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm. 
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ. 
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều. 
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh. 
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, 
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37). 
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ. 
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn. 
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ. 
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38). 
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến. 
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn. 
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm. 
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi. 
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

Cầu nguyện:


Lạy Chúa, con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, 
không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. 
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. 
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu 
là con có thể tạo ra sa mạc. 
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa 
mà con đã bỏ mất : Khi chờ một người bạn, 
chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói. 
Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, 
khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ. 
Thay vì bực bội hay nóng ruột 
con lại thấy mình sống an bình 
trong sự hiện diện của Chúa. 
Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày 
giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa. 
Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra những sa mạc mới 
và vui vẻ bước vào. (gợi hứng từ Madeleine Delbrêl). 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

 SUY NIỆM:

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai nhắc nhớ chúng ta: “Hãy sẵn sàng”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu .

Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng điều này đâu có chắc chắn, và chỉ là hi vọng mà thôi. Hơn nữa, môi trường và hoàn cảnh chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng nữa.

1. Người tôi tớ

Vì thế, khi nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, Lời Chúa đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống: đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta:
Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.

Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ.

– “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (c. 35)

– Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (c. 42)

Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: “Còn lâu chủ ta mới về!” Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tì”: Đó là đón nhận như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình, con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của chúng ta nữa.

Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ, để sống tâm tình của người tôi tớ hay nữ tì, chúng ta không chỉ không bị mất mát, nhưng còn được gấp trăm, như tổ phụ Abraham đối với người con duy nhất và yêu quí của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người khác, trong bổn phận hay sứ vụ, kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy rằng, khi đó sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất chính mình.

2. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa

Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến độ khiến chúng ta có thể sống tâm tình của người tôi tớ, từ bỏ quyền làm chủ mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng:

– “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (c. 32)

– “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (c. 37)

Trên thế gian này không có người chủ nào hành động như “ông chủ Giê-su” của chúng ta: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hàng ngày đối với từng người trong chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày, cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng, mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.
Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (c. 34). Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn luôn dành cho mỗi người chúng ta?

3. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.
Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện và để sống tâm tình sẵn sàng của người tôi tớ khôn ngoan và trung tín, không có cách nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay với một giai đoạn sống của chúng ta.

– Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.

– Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:

– Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không.

– Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Hiện nay có những người đi qui tụ người ta để chờ ngày tận thế! Nhưng hình như đó là cớ để lừa gạt.

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (October 24): “Blessed are they who open at once when he knocks”

 

Scripture:  Luke 12:35-38

35 “Let your loins be girded and your lamps burning, 36 and be like men who are waiting for their master to come home from the marriage feast, so that they may open to him at once when he comes and knocks. 37 Blessed are those servants whom the master finds awake when he comes; truly, I say to you, he will gird himself and have them sit at table, and he will come and serve them. 38 If he comes in the second watch, or in the third, and finds them so, blessed are those servants!

Thứ Ba     24-10           Phúc cho ai mở cửa ngay khi chủ gõ cửa

 

Lc 12,35-38

35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

Meditation: How do you react when someone who is in a position of power and authority shows up unexpectely to see what you are doing and you are caught off guard? The Boy Scouts have as their motto, Be Prepared! Jesus’ master-servant parables seem to extol the virtue of preparedness. But there is something deeper and even more important behind it. There is an element of surprise in the story of the master returning home at a late hour after attending a marriage feast. Will the master catch his servant sleeping rather than keeping watchful guard? And what about the reward promised for those who faithfully perform their duty, day in and day out, no matter what the circumstances?  The image Jesus uses here is a great wedding feast in which the master honors his guests by seating them himself and personally waiting on them. What a great reversal – the master becomes a servant to show his geat respect and honor for his beloved guests!

 

This parable contains a lesson in faithfulness and a warning against sloth.Why is faithfulness so important to God? For one, it’s the foundation for any lasting and meaningful relationship. Faithfulness or fidelity allows us to persevere in living out an unswerving commitment. The Lord is committed to us in a bond of unbreakable love and fidelity. That is what covenant means – keeping one’s word, promise, and commitment no matter how tough or difficult it gets. Faithfulness is a key character trait of God and one that he expects of us. Fortunately God gives the grace and strength to be faithful. He also rewards faithfulness. Why is fidelity, commitment, and faithfulness so difficult today? Many today in western society extol freedom over fidelity and don’t want to be bound to an unknown or uncertain future. It’s regarded as inconvenient and a burden to the pursuit of the individual’s interests. We badly need to recover this virtue, not only for our own sake, but for the sake of future generations as well. If we want to pass on the faith then we need to first be faithful models for our young people.

 

Faithfulness demands consistency, a determination to stay the course and see the task to its completion. Cal Ripken, an American baseball player for the Baltimore Orioles, is a sports hero and a legend to many simply because he always showed up for the game and gave his best. He didn’t miss one game in 16 years of playing baseball! That’s a total of 2,632 consecutive games. Only one other baseball player in history has come close to that record. In 1983 he hurt his hand sliding on artificial turf and was unable to grip the bat at first; he somehow gritted his teeth and got five hits that night, two of them home runs.

 

God loves faithfulness. That is why we can always expect God to give us what he promises. In turn, God expects us to be faithful to him and to one another. How can we grow in faithfulness? God’s grace shows us the way. When we are faithful in the little tasks and promises we make, we learn to be faithful in the bigger and more important responsibilities and tasks entrusted to us. Our reward is the Lord Jesus himself who shares with us his joy and friendship – “well done good and faithful servant ..enter into the joy of your Master” (Matthew 25:21).

 

“Lord Jesus, you are faithful even when I fail. Help me to persevere in faithfulness and not shrink back in the face of challenges or difficulties. May I never forget your presence with me and may I always be ready to receive you when you call me to your home.”

Suy niệm:  Bạn phản ứng thế nào khi ai đó có quyền lực bất ngờ xuất hiện để xem những gì bạn đang làm và bạn không cảnh giác? Đội Hướng đạo ngành nam có phương châm của họ là “Hãy sẵn sàng!” Dụ ngôn về người chủ và đầy tớ của Ðức Giêsu có vẻ như khen ngợi đức tính sẵn sàng. Nhưng có cái gì đó sâu xa hơn và thậm chí còn quan trọng hơn đằng sau nó. Có một yếu tố bất ngờ trong câu chuyện của chủ trở về nhà muộn, sau khi tham dự tiệc cưới. Vậy người chủ sẽ bắt được người đầy tớ đang ngủ thay vì đang tỉnh thức coi nhà không? Còn phần thưởng mà ông chủ đã hứa cho những người đầy tớ trung tín làm tròn bổn phận của mình ngày và đêm, cho dù có vấn đề gì xảy ra thì sao? Hình ảnh Ðức Giêsu sử dụng ở đây là một bữa tiệc cưới lớn trong đó người chủ kính trọng những vị khách của mình qua việc xếp chỗ ngồi cho họ, và chính mình trực tiếp chờ đợi họ. Một sự đảo lộn hoàn toàn – người chủ trở thành đầy tớ để tỏ lòng kính trọng của mình với những vị khách thân yêu của mình!

 

 

Dụ ngôn này cũng hàm chứa bài học về sự trung tín và chống lại sự lười biếng. Tại sao sự trung tín lại quan trọng đối với Chúa như thế? Trước hết, nó là nền tảng của bất kỳ mối quan hệ bền vững và ý nghĩa nào. Lòng trung tín cho chúng ta sự kiên vững khi sống lời cam kết bền vững. Thiên Chúa cam kết với chúng ta với mối dây yêu thương và sự trung tín vững chắc. Đó chính là ý nghĩa của giao ước, giữ lời hứa, cho dù có gặp khó khăn hay trở ngại cách mấy đi nữa. Trung tín là nét đặc điểm chủ yếu của Thiên Chúa, và cũng là điều Người hằng mong đợi nơi chúng ta. Chúng ta thật may mắn luôn được Chúa ban cho ơn sủng và sức mạnh để trở nên trung tín. Người cũng ban thưởng cho những tôi tớ trung tín. Tại sao lòng trung tín ngày hôm nay xem ra quá khó khăn? Nhiều người trong xã hội phương Tây ca tụng sự tự do hơn lòng trung tín, và không muốn bị bó buộc vào một tương lai không chắc chắn. Nó được xem như sự bất tiện và gánh nặng cho sự theo đuổi những sở thích cá nhân. Chúng ta rất cần phục hồi lại nhân đức này, không chỉ cho lợi ích riêng mình, mà còn cho lợi ích của các thế hệ tương lai nữa. Nếu chúng ta muốn truyền bá đức tin, trước hết chúng ta phải là những mẫu mực trung tín về đức tin cho giới trẻ.

 

Trung thực đòi hỏi sự kiên định, sự quyết tâm theo đuổi công việc cho đến lúc hoàn thành. Cal Ripken, một cầu thủ bóng chày của Mỹ chơi cho đội Orioles Baltimore, là một anh hùng thể thao và một huyền thoại đối với nhiều người, đơn giản chỉ vì ông luôn có mặt trong các trận đấu, và luôn luôn chơi hết sức mình. Ông không bỏ lỡ một trận nào trong suốt 26 năm chơi bóng chày! Tổng số là 2.632 trận đấu liên tiếp. Chỉ có một cầu thủ bóng chày khác trong lịch sử đã đến gần con số kỷ lục đó. Năm 1983, ông bị thương ở tay vì bị trượt trên nền đất nhân tạo và không thể bắt được cú đánh lúc ban đầu; nhưng không biết làm sao ông cắn chặt răng và đánh trúng được 5 cú tối hôm đó, hai cú trong số đó ghi được bàn thắng.

Thiên Chúa yêu thích sự trung tín. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn luôn có thể trông đợi Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì Người hứa hẹn. Trái lại, Thiên Chúa mong đợi chúng ta trung tín với Người và với nhau. Làm thế nào chúng ta có thể lớn lên trong sự trung tín? Ơn sủng Chúa chỉ cho chúng ta con đường. Khi chúng ta trung tín trong những việc và những lời hứa nho nhỏ chúng ta thực hiện, chúng ta học được cách trung tín trong những trách nhiệm và công việc quan trọng được giao phó cho chúng ta. Phần thưởng của chúng ta là chính Ðức Giêsu, Đấng chia sẻ với chúng ta niềm vui và tình bạn của Người – “Hỡi người tôi tớ tốt lành và trung tín… hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn trung tín cả khi con sa ngã. Xin giúp con kiên trì trong sự trung tín và không thối lui khi gặp những khó khăn gian khổ. Chớ gì con không bao giờ quên sự hiện diện của Chúa với con và chớ con luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Chúa khi Chúa đến gọi con về nhà Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận