Lễ An Táng Thân Mẫu Lm Tađêô Nguyễn Quang Trung.

Đăng lúc: Thứ hai - 15/02/2016 20:02 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Lễ An Táng Thân Mẫu Lm Tađêô Nguyễn Quang Trung.

Sáng ngày 15.2.2016, tại Nhà thờ Thanh Hải, Cha Tổng đại diện Giáo phận Phan thiết chủ tế Thánh lễ an táng Bà Cố Anna Nguyễn Thị Ngọt, thân mẫu Lm Tađêô Nguyễn Quang Trung, Quản xứ Hòa Vinh. Quý cha Hạt trưởng và hơn 70 cha đồng tế. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ, giáo dân Thanh hải và Hòa vinh cùng hiệp thông cầu nguyện tiễn biệt Bà Cố đến nơi an nghĩ cuối cùng.

xem hinh

Bà Cố Anna đã hoàn tất cuộc đời trong tuổi thọ 80 đáng kính. Bà đã bước qua tuổi “bát thập như đại phúc”. Một cuộc sống đạo hạnh tốt lành của Bà Cố Anna được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Sách Khải huyền viết: “Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14,13). Bà được chết trong Chúa, từ nay hết đau khổ nhọc nhắn, giả từ cuộc sống trần gian để về với Chúa.Trong sự tiễn đưa ấm áp của gia đình, con cháu, các linh mục, tu sĩ nam nữ, những người thân yêu, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời. Bà thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu. Những người thân trong tang quyến, đoàn con cháu, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của Bà vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà.

Cha Tổng giảng lễ.


Anh chị em thân mến,
Lời Chúa, không những sẽ giải thoát chúng ta khỏi những u ám nặng nề của sự thất vọng, mà còn thắp lên cho chúng ta niềm hy vọng tuyệt đối, mà còn biến nỗi buồn thành niềm vui, biến chia ly đời này thành sum họp trùng phùng vĩnh cửu, biến niềm thương nỗi nhớ thành địa chỉ khẩn cầu với trọn niềm thương yêu tin tưởng…Vâng, đúng như thế, Lời Chúa hôm nay gửi đến cho chúng ta niềm vui, niềm hy vọng:
Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha rằng:
"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.. .”
Người bé mọn ấy là ai? Có phải những người chân quê, thấp bé, nhỏ con, ít học hay nghèo nàn lạc hậu? có phải là những người học ít, hiểu ít, giàu ít, đẹp ít, quyền hành ít, hay còn thua kém chưa hơn người.  Thưa không. Chúa không có ý nói đến cái vốn học, cái vốn tiền, cái vốn trí thức, cái vốn quyền hành, mà Chúa muốn nói đến lòng đơn sơ, hiền lành, khiêm nhượng, cái tâm ngay chính, cái tánh thánh thiện, cái ý tốt lành….
Chúng ta có thể thấy người bé mọn ấy là những mục đồng, những người chăn cừu nơi đồng be lem; nhưng cũng có thể nhận ra người bé mọn ấy chính là ba nhà thông thái, ba đạo sĩ, ba nhà chiêm tinh gia hiểu biết nhiều về thiên văn, về vũ trụ… Họ đã  được mạc khải mầu nhiệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Và trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chúng ta có thể thấy nhiều con người bé mọn khác được đón nhận ơn mạc khải. Thế thì người bé mọn ấy cũng có thể là giám mục, là linh mục, là giáo dân, là tất cả những ai bằng lòng chọn lấy Chúa Giê-su và sống theo cách sống hiền lành khiêm nhượng của Ngài.
Tất cả đều có thể đón nhận ơn mạc khải của Thiên Chúa, đó là Đức Tin Công Giáo, đó là nhận biết có một Thiên Chúa là Cha quyền năng vô biên và yêu thương hết mực, nhận biết Chúa Con, đấng Cứu chuộc trần gian, nhận biết Chúa Thánh Thần với nguồn ơn thánh hóa; đó là nhận biết có cuộc sống đời sau nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Con Thiên Chúa….
Cụ thể hơn cả, ơn mạc khải, chính là ơn nhận biết và tin vào Đức Giê-su, Lời mạc khải của Thiên Chúa, chính là nhận lấy Giáo Lý của Chúa Giê-su làm con đường sống cho mình, nhận lấy gương sống hiền lành khiêm nhượng của Chúa Giê-su để làm kim chỉ nam cho đời mình trong hành trình Đức Tin Công Giáo…
"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”.
“Và kẻ mà Người con muốn mạc khải cho”.
Kẻ ấy, còn ai khác, chính là mỗi chúng ta, khi chúng ta biết đơn sơ khiêm nhường mà cất đi cái gánh nặng cuộc đời này vào trong trái tim xót thương của Chúa Giê-su, Đấng đã gánh thay cho chúng ta mọi gánh nặng, còn nặng nề hơn nữa.
“Và kẻ mà Người con muốn mạc khải cho”.
Kẻ ấy, còn ai khác, chính là mỗi chúng ta, khi chúng ta biết học nơi Chúa bài học chiến thắng thần dữ kiêu căng chính là đức hiền lành khiêm nhượng.
“Và kẻ mà Người con muốn mạc khải cho”.
Kẻ ấy, còn ai khác, chính là mỗi chúng ta, người biết mình là chiếc bình sành dễ vỡ, lại chứa đựng cả kho táng quí giá, nên đã tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Chúa với lòng khiêm nhượng đơn sơ, với đức hiền lành nhẫn nhục…
Vâng, anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta dám nói mình thánh thiện và chắc mẫm một tấm vé đi thẳng vào Nước Thiên Chúa,
Làm linh mục, hay ông cố bà cố của một linh mục, cũng  không phải là tiêu chuẩn để thẩm định sự thánh thiện của một con người.
Có làm ông kia bà nọ trong giáo hội trong xã hội, hay có làm bao nhiêu việc tốt việc từ thiện…vẫn chưa phải là tiêu chuẩn để xác nhận con người ấy chắc một tấm vé đi thẳng đến sự phục sinh, đi thẳng vào Thiên Đàng,
Nhưng những ai học và sống với Chúa Giê-su sự hiền lành khiêm nhượng trong lòng, sẽ luôn có niềm hy vọng tối ưu. Vì Chúa phán:
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.(29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.(30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
Ước gì, qua cuộc sống trần gian và tại đây, mọi người có thể nhận ra sự hiền lành khiêm nhượng của Bà cố An-na, thân mẫu của Cha Tadeo Nguyễn Quang Trung, như tín hiệu niềm hy vọng tối ưu, để chúng ta biến nỗi buồn thành niềm vui thanh khiết và chính đáng.
Vậy, phút này đây, chúng ta có thể nói lời ngợi khen, tạ ơn, chúc mừng, xin lỗi, chia tay, và khẩn cầu với người quá cố. Vâng,
-Hãy nói lời ngợi khen Chúa vì Chúa đã dựng nên chúng ta cách lạ lùng, dựng nên bà cố Anna cách lạ lùng. Ngợi khen Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta Đức Giê-su là Đấng Hiền Lành Khiêm Nhượng, để chúng ta học và sống đức hiền lành khiêm nhượng, trở nên vũ khí sắc bén chống lại ba thù, chống lại satan kiêu căng, hung hãn…
-Hãy nói lời tạ ơn Chúa, vì Chúa đã mời gọi chúng ta sống “hiền lành khiêm nhượng”, như là Chúa đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa vàng quí giá, để mở cửa kho báu vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa hằng sống, Nước trường sinh.
-Hãy nói lời chúc mừng bà cố Anna, vì qua cuộc đời đơn sơ, hèn mọn, tín thác, bà đã chiến đấu, đã nỗ lực từng giây phút, để thực sự sống đời hiền lành khiêm nhượng, để đạt đạo, đạt được con đường hiền lành khiêm nhượng của Chúa Giê-su, đã thủ đắc chiếc chia khóa của ơn mạc khải Nước Chúa.
-Hãy nói lời xin lỗi bà cố Anna, vì những xúc phạm thường có của chúng ta đối với những người con người bé mọn, hèn kém, khi chưa ngộ ra rằng:  sự bé mọn ấy ẩn chứa một linh đạo “hiền lành khiêm nhượng” trong lòng/ của những con người khát khao nên giống Chúa Giê-su.
-Hãy nói lời tạm biệt, tạm chia tay với bà cố Anna trong giây phút này, chia tay một con người tầm thường nhưng lại là một tấm gương nhân đức, chia tay một con người đã tắt hơi nhưng sinh khí vẫn còn, chia tay một người mẹ qua đời nhưng tình thương đương ở lại, chia tay một tín hữu được Chúa gọi về trước chúng ta nhưng để lại cho chúng ta niềm hy vọng đáng sống….và tạm chia tay với lời hò hẹn sẽ gặp lại nhau trong Nước Trời.
-Hãy nói lời nhờ vả, khẩn xin, vì tin rằng, những người đã ra đi trước chúng ta, sau khi được thanh luyện, Chúa sẽ ban thưởng cuộc sống mới như cuộc sống của các thánh, được hầu kề, được thân mật với Chúa. Với ý nghĩa đó, ông bà cha mẹ có thể bầu cử cho chúng ta, có thể khẩn khoản nài xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần cho cuộc sống hôm nay và mai sau….
Cuối cùng, hiệp với lễ dâng là chính Đức Giê-su hiến tế, trong thánh lễ này, chúng ta nguyện xin Chúa xót thương, tha thứ và ban thưởng nước Thiên Chúa trường sinh, vĩnh phúc cho bà cố An-na, như Chúa đã hứa ban cho những người công chính:
“Người công chính sẽ sống muôn đời. Họ sẽ được Ðức Chúa ân thưởng và được Ðấng Tối Cao hằng quan tâm săn sóc. Quả vậy, họ sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang dành cho bậc vương giả, và ngọc miện rực rỡ chói ngời từ bàn tay Ðức Chúa”.
A men.


Cuối thánh lễ, cha Quản xứ Thanh hải cử hành nghi thức tiễn biệt.
 
Đối với người Kitô hữu, giờ chết là giờ về với Chúa, về nơi Chúa đã dọn sẵn cho mình (x. Ga 14,1-6), ngày đó không phải là ngày sầu thương tang tóc mà là một ngày vui mừng. Chính vì thế, các bổn đạo đầu tiên gọi ngày chết là Dies natalis, ngày Sinh nhật trong Nước Trời. Với ý nghĩa đó, ông Walfany Goethe đã gọi “con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”. Giờ chết là ngày khải hoàn sau bao năm phải chiến đấu khổ cực ở trần gian.
Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.
Bà Cố ra đi trong lòng mến, đoàn con cháu ở lại trong lòng tin. Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa Bà về nhà Cha trên trời, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Luôn tin rằng Bà đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa quang lâm. Như thế có thể hát lên với Ông Gióp : Tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống,và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.
 
Bà Cố Maria ra đi trong niềm hạnh phúc và hy vọng sống trong sự sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh. Nguyện xin Chúa nhân lành đoái thương đón nhận và dẫn đưa Bà về dự tiệc vui muôn đời.  
                                      
 BTT
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận