Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Phan Thiết: Kỷ niệm 10 năm thành lập

Đăng lúc: Thứ hai - 07/03/2016 14:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HIỆP HỘI MẾN THÁNH GIÁ TẠI THẾ PHAN THIẾT:
KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP (2006 - 2016)

 
9 giờ sáng Chúa Nhật ngày 6/3/2016, Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Phan Thiết - Phêrô Nguyễn Xuân Anh - đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế tại Nguyện đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết. Đồng tế với ngài trong thánh lễ có cha Đặc Trách Hiệp hội Giuse Đặng Văn Nam; có đông đảo quý nữ tu, quý khách mời và đặc biệt hơn 600 hội viên của gia đình Hiệp hội về tham dự.

xem hinh

Cách đây hơn 300 năm, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá đã có sáng kiến thành lập Hiệp hội “Những người Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh”. Hiệp hội này gồm những tín hữu nam nữ sống linh đạo Mến Thánh Giá giữa đời để góp phần Phúc Âm hoá thế giới.
Ngày 2/1/1679, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI ban Sắc lệnh “Cum sicut” chính thức công nhận Hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Hiệp hội này tồn tại cho tới thời bách hại đạo những năm 1712 ở Đàng Ngoài rồi biến mất.
Mãi đến năm 1986, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các Hội dòng Mến Thánh Giá tái lập và làm hồi sinh Hiệp hội đạo đức này.
Ngày 14/11/2006, với quyết định Số 0306/QĐGM của Đức cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan – nguyên Giám Mục Giáo phận Phan Thiết – Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết chính thức được thành lập.
Đến nay, sau gần 10 năm sống phục vụ theo tinh thần linh đạo Mến Thánh Giá qua những bước thăng trầm của đời sống đức tin và gia đình, Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế Phan Thiết hiện có 642 Hội viên hiện diện trong 17 nhóm tại các giáo xứ của Giáo phận Phan Thiết. Trong đó có 127 Hội viên đã Cam Kết Vĩnh Viễn, 340 Cam Kết Tạm, 175 Hội viên đang trong giai đoạn tìm hiểu và 12 Hội viên đã qua đời.

Mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế Phan Thiết hôm nay, mượn lời kết trong bài chia sẻ của Cha Tổng Đại Diện “Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em Mến Thánh Giá Tại Thế lại tiếp tục hành trình MẾN THÁNH GIÁ TẠI THẾ, thật hân hoan, thật thánh thiện, nên nhân chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa giữa đời thường.”

XUÂN AN

Bài giảng Cha Tổng đại diện:

                        
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu, là sứ điệp xót thương của Thiên Chúa gửi đến cho con người, cách riêng, cho mỗi người chúng ta, mỗi thành viên MTGTT hôm nay, tại đây.
Hãy đặt mình vào vai của Người con thứ hoang đàng, để cảm nhận lòng xót thương của Cha thật bao la, thật thánh thiện.
Hãy đặt mình vào vai của Người Cha Nhân Hậu để mặc lấy lòng thương xót của Thiên Chúa, mà sống trong cuộc đời.
Hãy đặt mình vào vai của Người anh cả, và trong ánh sáng của Tin Mừng, hãy nhận ra tình thương dối trá của cõi lòng mình khi sống trong nhà Cha, một người cha có tình thương chân thật.

Cộng đoàn PV thân mến,
1.        Mỗi chúng ta là người con hoang đàng
Đã lắm khi trong đời, chúng ta đã từng đòi Chúa chia gia tài cho mình, mà mình không hay biết. Ấy là lúc chúng ta tự nhận những gì mình có: thân xác, trí khôn, hiểu biết, tài năng, sắc đẹp, tiền bạc mình làm ra, nhà cửa mình xây dựng, sản nghiệp mình tạo lập… là thuộc quyền sở hữu của mình, mình được tự do sử dụng theo ý riêng mình. Và quả thực, chúng ta đã tiêu xài cách vô ích, đã phung phí đến cạn kiệt, để vô tình rước họa vào thân… rồi tự mình la lên than van kêu trách Chúa, sao con phải đau khổ thế này, sao con phải cùng cực thế kia…Như thế không phải là chúng ta đã đòi chia gia tài rồi đó sao?
 - Một ngày từ sáng sớm đến tối mịt, không có một phút giờ nhớ đến Chúa, không có một công việc nào để Chúa can thiệp, để Chúa dự phần, không có một Lời Chúa nào có thể làm kim chỉ nam hướng dẫn… Và chúng ta đã làm tất cả mọi việc theo sự hiểu biết kiêu căng, theo cái đam mê, dục vọng của mình… Như thế không phải là chúng ta đã gạt Chúa ra ngoài, đã quên mất Chúa, đã bỏ Chúa ở nhà để mình đi hoang vô định đó sao?
- Những thất bại trong cuộc đời do bởi những đam mê dục vọng, những đau khổ trong đời do bởi tự mình chuốc lấy vì sự dại dột kiêu căng tưởng tự mình có thể mưu tìm hạnh phúc, những phút xót lòng vì một cuộc đời đương qua đi mà tất cả phải đành buông tay, bế tắc… không phải là đã đến lúc đời mình khánh kiệt đó sao?
- Vâng, mỗi chúng ta, không khác người con thứ hoang đàng kia bao nhiêu đâu, bởi vì chúng ta đã để cho ý riêng của mình điều khiển hướng dẫn cuộc đời mình, mà không để cho ý Chúa hướng dẫn. Những đau khổ, thất bại ấy, có mang chút dấu ấn gì của thánh thiện đâu, đúng ra phải gọi là hậu quả của tội lỗi đấy chứ? Thế thì ai dám nói đau khổ là thánh giá? Có những đau khổ mà mình tự chuốc lấy kia, sao gọi là Thánh giá được.
Anh chị em Mến Thánh Giá Tại Thế quý mến, hãy phân biệt những đau khổ mà chúng ta đang mang trong mình, đau khổ nào do tội lỗi chúng ta, đau khổ nào do tội lỗi của người khác mà chúng ta phải gánh chịu, để có thể gọi cái nào là Thập giá, cái nào là Thánh giá trong đời.
Nếu là đau khổ do tội lỗi, thì phải giải quyết gấp cái tội lỗi của mình, bằng chính sự sám hối, đổi mới, quay về và xưng thú với cha như người con hoang đàng trong dụ ngôn hôm nay.
2.    Hoạt Cảnh Trở Về và Bí Tích Giải Tội
Tôi muốn mời anh chị em nhìn lại hoạt cảnh trở về của người con thứ, và xin anh chị em liên tưởng ngay đến việc chính mình trở về nơi tòa giải tội.
Ban đầu, anh ta trở về không vì yêu mến Cha, nhưng chỉ vì đói quá, cần cái ăn thực dụng. Thế nhưng, trên đường về, anh đã được Thần Khí soi sáng để thưa với cha  cách chân thành rằng: “Thưa cha, con đã phạm tội với trời và với Cha, con không đáng là con Cha nữa”. Hãy bắt đầu cuộc sám hối, chắc chắn Thần Khí của Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta, để chúng ta có thể gặp được một lòng thương xót vô bờ.
Quả thực, khi anh ta trở về, điều làm cho anh ta choáng váng, cảm động nhất, chính là cách đối xử đầy tình thương của người cha.
Khi đã yêu thương, người ta có thể làm nhiều điều không lý giải được, như người cha trong dụ ngôn:
- Chờ đợi con năm tháng, đôi mắt đã mù lòa, nhìn gần chẳng thấy huống nữa nhìn xa. Vậy mà, dụ ngôn kể rằng: người cha đã “trông thấy khi anh ta còn ở đằng xa”.
- Con đi đã bao năm, lúc trở về gầy gò, lem luốc, thân tàn ma dại… vậy mà ông già lọm khọm kia cũng nhận ra khuôn mặt con mình, để mà “chạnh lòng thương con” quá đỗi.
- Cha đã già, sức yếu, chân đứng không yên, chân đi không vững, vậy mà, dám “chạy ra” mà “ôm chầm con yêu”, “hôn lấy hôn để”. Bình thường chạy sao nổi?. Nếu giữ trong lòng cái giận hờn buồn trách thì ôm chầm nó sao được? Và nếu xem nó đang tội lỗi đủ mọi thứ mùi đời tanh hôi thì làm sao mà hôn lấy hôn để, hôn như chưa từng hôn sao được? Chẳng phải vì Cha đã quên hết tội lỗi của nó, mà chỉ nhớ một điều là mình đang có một đứa con hư, đang cần nó trở về để phục hồi quyền nghĩa tử cho nó.
Bởi vậy, hèn chi, nó thều thào mấy lời xin lỗi “Thưa cha con đã phạm tội với trời và và với cha. Con không đáng là con cha nữa…” mà ông như chẳng bận tâm, như chẳng cần phải nghe, một ra lệnh cho đầy tớ lấy áo, lấy giày lấy nhẫn quý tử mà ra mang cho nó ngay.
Rồi làm gì nữa, ra lệnh “bắt bê đã vỗ béo, mở tiệc ta ăn mừng, bởi con ta đã chết, mà nay được hồi sinh, bởi con ta đã mất, nay tìm lại chính mình…”. Không ai cản nổi niềm vui của người Cha. Có thể thằng con bất xứng kia nó hoảng hồn, vì nó nghĩ nó không dám đòi hỏi, xin xỏ gì cha nữa, chỉ mong được là người làm công cho cha, mà cha lại đối xử với nó cách quá  hào phóng.
Vâng, nó phải hiểu là cha vui không chỉ vì cha được lại con, mà còn hơn thế nữa, cha vui vì con được lại chính mình. Con không còn là thằng chăn heo thuê mướn cho người ta với thân phận nô lệ tôi đòi cho những dục vọng hư đốn. Con không còn bị người ta bỏ đói, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đến mức thân tàn ma dại. Bởi vì, danh dự của con, danh nghĩa của con là “Con của Cha” “Con của Thiên Chúa” đã được phục hồi.
Đúng như ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
Nếu nãy giờ anh chị em có liên tưởng tới tòa giải tội, và như mình đang đi xưng tội trong hoạt cảnh trở về này, thì bây giờ, anh chị em có thể đứng lên tạ ơn Chúa, và bước ra khỏi tòa với lòng thanh thản được rồi.
Chưa hết, bấy giờ, người cha còn phải quỳ xuống mà năn nỉ cậu con cả bỏ đi cái tính ganh tỵ, ích kỷ nhỏ nhen…Sống trong nhà với Cha, tưởng anh ta gần cha, hiểu cha, ai dè, lòng anh lại xa cha, lòng anh lại đi hoang, cũng vì ý riêng của anh không được toại nguyện.
3.   MTGTT Loan truyền lòng thương xót của Cha
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, quý anh chị em MTGTT thân mến,
Kỷ niệm 10 năm hiện diện của MTGTT hôm nay, với Lời Chúa qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, thiết tưởng, sẽ là một kỷ niệm đẹp trong đời anh chị em: kỷ niệm Lòng Thương Xót.
Chính nhờ lòng thương xót của Chúa, mà mỗi anh chị em đây được kêu gọi tới mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Ki-tô.
Thánh giá, tự thân là một cây Thập giá gồm hai thanh gỗ ngang và dọc, dành cho người mang án thập hình. Chúa Giêsu đã biến cây Thập giá tử hình, đau khổ, cây sự chết, thành cây Thánh giá cứu rỗi, cây sự sống, cây sinh quả phúc ngàn đời. Như có lần Đức Cha Giuse, Giám Mục Gp đã trình bày với anh chị em, bí quyết biến cây thập giá thành thánh giá đó là: hãy để cho thanh ngang của ý riêng mình, gắn liền với thanh dọc của Thánh Ý Thiên Chúa.
Vâng, hãy kết hợp đau khổ đời mình, với đau khổ của chúa. Hãy để cho ý riêng mình phù hợp sít sao với ý Chúa. Những ý riêng nào không phù hợp với ý Chúa, hãy dứt bỏ đi ngay.
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, cả hai người con đều sống với ý riêng mình, tự chuốc lấy đau khổ vào mình. Phần chúng ta,
- Hãy sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Cha, để tìm lại chính mình với ơn nghĩa tử.
- Hãy chuyền tay cho nhau, bản “Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu” như “Sứ Điệp Của Lòng Thương Xót”.
- Hãy chuyền tai cho nhau cảm nhận về niềm vui được thứ tha, được phục hồi, được sống chan hòa tròng tình cha.
- Hãy mặc lấy lòng thương xót của Cha, và loan báo lòng thương xót của cha, qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu
Xin kể câu chuyện này:
Một người tội lỗi, quá nhiều tội lỗi, sau nhiều ngày ray rứt, đến xưng tội với một linh mục. Cha giải tội khuyên đừng phạm tội nữa.
Hai tháng sau, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn. Cha giải tội khuyên, đừng phạm tội nữa…
Hai tuần sau, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn gấp nhiều lần nữa… Cha khuyên, nhất quá tam, lần này thôi nhé, không chừa thì không giải tội cho đâu… rồi cha giải tội cho người ấy.
Một tuần sau, lần thứ tư, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn, kinh khủng hơn….  Cha giải tội đứng lên, mời về, không giải tội… Ngay lúc ấy, bàn tay phải từ Thánh giá trên cung thánh, giơ cao lên, ban phép giải tội cho người ấy. Và có tiếng nói với linh mục rằng: sao cha không giải tội cho người ấy. Tôi đã nhìn thấy người ấy chân thành sám hối tự đằng xa….
Anh chị em MTGTT thân mến,
Ý riêng của mỗi người chúng ta, nó theo ta từng giờ từng phút. Nó cám dỗ ta xa rời ý Chúa, nó muốn ta rời bỏ Thánh Giá của Người, nó dẫn ta vào tội lỗi, hết lần này, đến lần khác, vì sự yếu đuối của mình. Nhưng hãy tin lòng Cha bao dung. Hãy tin mắt Cha đang dõi theo ta từng bước. Hãy tin cha đang mong đợi ta trở về. Cha sẽ thứ tha và Cha giàu lòng thương xót. Hãy chân thành, mạnh dạn, và tin tưởng đến với Bí Tích Giải tội để được thứ tha, để tìm lại chính mình.
Chiếc thanh ngang ý riêng, sẽ lại gắn liền với chiếc thanh dọc ý Chúa, để chúng ta được sống trong mầu nhiệm Thánh Giá Cứu Rỗi, Thánh Giá Hạnh Phúc.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em MTGTT lại tiếp tục hành trình MẾN THÁNH GIÁ TẠI THẾ, thật hân hoan, thật thánh thiện, nên nhân chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa giữa đời thường. Amen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận