Cùng học giáo lý - Bài số 6

Đăng lúc: Thứ ba - 04/04/2017 14:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

Tháng 3.2017

Bài 6

 

SÁU NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ

& TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÍNH TOÀN VẸN CỦA NỘI DUNG GIÁO LÝ

 

  1. Chuyện thầy bói xem voi 1

 

     Chuyện kể rằng: Nhân buổi ế hàng, sáu ông thầy bói (mù) bèn rủ nhau đến sở thú xem voi. Cả sáu vị này đều chưa biết hình thù của một con voi như thế nào. Khi đến nơi, họ hớn hở sờ vào con voi đang đứng ở đó. Thầy thứ nhất sờ trúng vòi, thầy thứ hai sờ trúng ngà, thầy thứ ba sờ trúng tai, thầy thứ tư sờ trúng chân, thầy thứ năm sờ trúng hông, và thầy thứ sáu sờ trúng đuôi.

      Sau đó, sáu thầy bèn ngồi bàn tán với nhau. Thầy sờ vào vòi bảo: “Tưởng voi đặc biệt lắm chứ, hóa ra chỉ giống như một con trăn.” Thầy sờ vào ngà bảo: “Không phải! Voi nó tròn, nhọn, lại mịn trơn, giống như một ngọn giáo vậy.” Thầy sờ vào tai bảo: “Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.” Thầy sờ vào chân cãi: “Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình cơ.” Thầy sờ vào hông bảo: “Con Voi, ôi lạy Chúa! Giống y chang một bức tường”. Thầy sờ đuôi lại nói: “Các thầy nói sai cả. Nó tua tủa như cái chổi xể cùn.” Thế rồi họ cãi nhau chí chóe. Vị nào cũng cho mình nói đúng cả. Thực ra, tất cả đều sai. Con voi mà mỗi vị trên mô tả chưa phải là con voi, vì mỗi vị chỉ dựa vào một phần nào đó của con voi để mô tả về nó.

 

  1. Sáu nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý

 

      Theo cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, được ban hành bởi Thánh bộ Giáo sĩ, 1997, sáu nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý là: (1) Giúp hiểu biết đức tin, (2) giáo dục phụng vụ, (3) huấn luyện luân lý, (4) dạy cầu nguyện, (5) giáo dục đời sống cộng đoàn, và (6) khai tâm cho việc truyền giáo. 2

      Và theo bản hướng dẫn này: “Các nhiệm vụ [trên] đều rất cần thiết. Cũng như cơ thể con người muốn sống thì tất cả các cơ quan của nó phải hoạt động, đời sống Kitô hữu muốn đạt tới sự trưởng thành cũng cần phải vun trồng mọi chiều kích: Kiến thức đức tin, đời sống phụng vụ, huấn luyện luân lý, việc cầu nguyện, gia nhập cộng đoàn, [và] tinh thần truyền giáo.”

      “Nếu việc dạy giáo lý mà coi thường chỉ một trong những chiều kích này, thì đức tin Công giáo sẽ không thể đạt được sự phát triển trọn vẹn.” 3

 

 

  3. Tầm quan trọng của tính toàn vẹn của nội dung giáo lý

 

     Từ ý nghĩa câu chuyện và những nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý được nêu trên, GLV cần phải hết sức lưu ý đến tính toàn vẹn của nội dung giáo lý và cố gắng chu toàn tất cả những nhiệm vụ trên.

 

     Quả vậy, vì “việc dạy giáo lý là một cuộc đào tạo Kitô giáo toàn diện, khai mở hết mọi nhân tố của đời sống Kitô hữu […] đức tin đòi phải được nhận biết, được cử hành, được sống và được chuyển thành lời kinh nguyện.” 4 . Đó là tại sao Hội thánh đã trình bày giáo lý đức tin qua bốn phần, tương ứng với những đòi hỏi này của đức tin, như được thể hiện trong bố cục của sách GLHTCG, và được xem như là bốn trụ cột chính yếu, tạo nên tòa nhà đức tin vững chắc của chúng ta.

 

    Ngoài ra, vì đức tin được bày tỏ trong cộng đoàn Hội thánh và cần được chia sẻ cho người khác, qua việc dạy giáo lý, GLV cũng có nhiệm vụ giúp các học viên của mình khả năng hội nhập vào cộng đồng của những tin vào Chúa và tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội thánh.

 

     Ở loạt bài tiếp theo, chúng ta sẽ bàn tới từng nhiệm vụ một của việc dạy giáo lý.

                         

                                                                                Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

 

 

  1. https://nslide.com/bai-viet/thay- boi-xem- voi.j9va0q.html

2 Thánh bộ Giáo sĩ, Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, các số 85-86

  1. Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý, 87

4 Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý, 84

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận