Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý Tại Việt Nam 2017 – Kỳ 1

Đăng lúc: Thứ bảy - 20/05/2017 13:33 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT
VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM 2017 –
Kỳ 1

A. DẪN NHẬP

1. Năm 1997, Bộ Giáo Sĩ đã ban hành bản Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý ( HDTQ 97 ) và ước mong các Hội Đồng Giám Mục cũng soạn những bản văn định hướng tương tự, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy giáo lý tại các quốc gia của mình. Năm 2010, Đại Hội Dân Chúa cũng “mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam”. Nhằm đáp ứng đề nghị và ước vọng trên, chúng tôi xin gửi đến quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, cách riêng các cha xứ trong các giáo phận, bản Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam.

2. Bản Hướng Dẫn này đưa ra những định hướng tổng quát cũng như những hướng dẫn thực hành cho việc tổ chức các hoạt động giáo lý tại Việt Nam, nhằm canh tân việc dạy giáo lý và cổ võ sự hợp tác giữa các giáo phận.

3. Nội dung Bản Hướng Dẫn gồm ba phần chính: phần thứ nhất trình bày thực trạng xã hội và huấn giáo tại Việt Nam, để nhận ra nhu cầu cần đổi mới trong lãnh vực này dưới ánh sáng của Lời Chúa; phần thứ hai đưa ra những định hướng dựa trên truyền thống dạy giáo lý tại Việt Nam, HDTQ 1997 và Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010; phần thứ ba đề ra những nguyên tắc hướng dẫn thực hành về việc Dạy Giáo Lý ( DGL ), đào tạo Giáo Lý Viên ( Giáo Lý Viên ), soạn thảo Sách Giáo Lý và tổ chức các hoạt động giáo lý.

4. Chúng tôi ước mong tài liệu này được đón nhận và áp dụng trong các giáo xứ, các cộng đoàn, theo sự hướng dẫn cụ thể và thích hợp của Giám mục giáo phận, để các hoạt động trong lãnh vực dạy giáo lý mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp.

B. PHẦN THỨ NHẤT: BỐI CẢNH

"Người gieo giống đi ra gieo giống. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm." ( Mc 4, 3.8 ).

5. Chúng tôi xác tín rằng Chúa Giêsu hôm nay vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh bằng Thánh Thần của Ngài và qua sứ vụ của Hội Thánh, Ngài vẫn tiếp tục công cuộc Loan Báo Tin Mừng ( LBTM ) trên cánh đồng thế giới, cách riêng trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Để tiếp nối công cuộc LBTM của Chúa Giêsu, Hội Thánh tại Việt Nam cũng được mời gọi nhìn vào thực trạng xã hội và thực trạng của việc dạy giáo lý bằng cái nhìn của Chúa Giêsu, để chia sẻ niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người Việt Nam, để nhận ra những thách đố và cơ hội cho việc canh tân dạy giáo lý trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay.

I. THỰC TRẠNG XÃ HỘI

Về dân số

6. Năm 2016, Việt Nam có hơn 95 triệu người, đa số là giới trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 39, chiếm 43.7% dân số cả nước. Tỉ lệ này cho thấy cứ hai người lao động mới có một người phụ thuộc ( trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi ). Với quy mô dân số này, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới và xếp thứ 3 về quy mô dân số ở các nước Đông Nam Á.

Vì thế, chính quyền nỗ lực kiểm soát dân số bằng những biện pháp khác nhau, trong đó phải kể đến việc triệt sản, ngừa thai, phá thai v.v… Hơn nữa, Việt Nam đang bị mất cân bằng giới tính ở mức báo động đỏ. Tỉ số giới tính của trẻ em mới sinh năm 2016 là 113,4 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,8 bé trai/100 bé gái của năm 2015. Tình trạng chuyển giới và đồng tính có xu hướng gia tăng.

Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến người trẻ và huấn luyện cho họ về các vấn đề như tôn trọng và bảo vệ sự sống, ý nghĩa và giá trị của phái tính, hôn nhân và gia đình.

Về kinh tế

7. Hiện nay Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể qua việc tham gia các tổ chức trong khu vực như khối Các Nước Đông Nam Á ( ASEAN ) và các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ( WTO ). Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng, làm cho đất nước mang dáng dấp một quốc gia đang phát triển. Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất nước phát triển, người dân được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật, mở ra những cơ hội cho một phong thái làm việc mới.

Tuy nhiên, chủ trương tập quyền của chính quyền Việt Nam, những chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, quy chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng gia tăng, v.v... tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 201.800 gia đình đói nghèo, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 832.600 người đói nghèo, tăng 10,1%. Sự phát triển kinh tế không đi đôi với chính sách an sinh xã hội, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo ngày một tăng, gây bất công và bất ổn. Làn sóng di dân đến các thành phố lớn trong nước ngày một gia tăng. Sự phát triển kinh tế cũng không chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, gây ra nhiều thảm họa. Thực trạng này đặt ra các vấn đề như đạo đức và lương tâm, dấn thân xây dựng xã hội công bằng, bảo vệ môi trường, đối thoại với người nghèo, tạo điều kiện cho di dân tham gia vào đời sống và sinh hoạt của xã hội và Hội Thánh .

Về chính trị

8. Từ năm 1975, nước Việt Nam thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với hệ thống chính trị gồm Đảng – Nhà Nước – Mặt Trận. Hiến pháp khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Công cuộc đổi mới đất nước của chính quyền từ năm 1986 giành được nhiều thành quả đáng kể về kinh tế, xã hội và văn hóa. Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận một số quyền căn bản của con người.

Tuy nhiên, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dẫn đến tình trạng lạm quyền, tham nhũng, bất công, thiếu tôn trọng quyền con người. Bối cảnh chính trị thúc bách chúng ta tôn trọng phẩm giá và các quyền của con người, sống và loan báo Tin Mừng một cách triệt để hơn, chú trọng đến việc đối thoại với người vô thần.

Về giáo dục

9. Việt Nam đã đạt những thành tựu như: nhu cầu mở mang kiến thức của người dân được đáp ứng tốt hơn; đạt được một số kết quả quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chính sách xã hội về giáo dục đã được thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn; chất lượng giáo dục đã có chuyển biến tích cực bước đầu, và điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục được tăng cường.

Tuy nhiên, chất lượng và phương pháp giáo dục so với mặt bằng chung của thế giới và ngay cả một số nước trong khu vực còn yếu kém, chậm đổi mới và thiếu trung thực trong việc đánh giá kết quả; các điều kiện phát triển giáo dục còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đến việc phát triển con người toàn diện, chưa chú ý đến việc phát huy tư duy độc lập và sáng tạo của học viên. Do đó, phát triển con người toàn diện và toàn vẹn phải là mối quan tâm hàng đầu của việc dạy giáo lý.

Về văn hóa

10. Người Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, luôn đề cao các giá trị tinh thần và đạo đức như uống nước nhớ nguồn, thờ cha kính mẹ, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôn sư trọng đạo, trọng tín nghĩa, khảng khái, chân thành, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đoàn kết hào hùng chống ngoại xâm.

Tuy nhiên, hiện nay đang có những dấu hiệu cho thấy các giá trị truyền thống bị khủng hoảng, nảy sinh nhiều hiện tượng bi thảm về đạo đức, văn hóa và xã hội như giả dối, lừa lọc, tàn nhẫn… ; nhiều người trẻ choáng ngợp trước vẻ quyến rũ của xã hội tiêu thụ nên sống buông thả. Bối cảnh văn hóa này đòi hỏi việc dạy giáo lý phải quan tâm đến việc hội nhập văn hóa.

Về tôn giáo

11. Việt Nam vốn là một xã hội đa tôn giáo nên tôn giáo tại Việt Nam mang tính tổng hợp, hội nhập và tiếp biến, điển hình là sự 6 khai sinh các tôn giáo bản địa như Cao Đài ( 1926 ) và Phật giáo Hòa Hảo ( 1939 ).

Bên cạnh tín ngưỡng dân gian, như niềm tin vào Ông Trời, thờ kính Ông Bà Tổ Tiên, đời sống tâm linh và nhân sinh quan của người Việt còn mang đậm dấu ấn của Tam giáo, đặc biệt là Phật giáo. Công giáo chỉ là thiểu số, chiếm 7,08% dân số cả nước. Sau năm 1975, chủ nghĩa vô thần được nhà nước cổ võ. Khuynh hướng xem tôn giáo như một thứ “văn hóa tâm linh” ngày càng được quảng bá nơi các phương tiện truyền thông xã hội lẫn một số tôn giáo. Các lễ hội dân gian và nhiều hiện tượng mang tính tâm linh ngoại thường đang bùng phát khắp nơi, cùng với giai đoạn “mở cửa”, di dân và bùng nổ thông tin.

Bối cảnh của một xã hội đa tôn giáo và xu hướng giản lược tôn giáo vào nhu cầu “giãn xả tinh thần” của con người có thể dẫn đến tâm thức tương đối hóa tôn giáo, “đạo nào cũng là đạo”, thậm chí việc có đạo cũng chỉ là một trong những nhu cầu bình thường của con người. Tâm thức này chắc chắn ảnh hưởng trên cách sống đạo của người tín hữu, vì thế việc dạy giáo lý phải giúp cho người ta hiểu và xác tín về niềm tin của mình.

II. THỰC TRẠNG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Về mục tiêu

12. Việc dạy giáo lý tại Việt Nam chú trọng nhiều đến việc trình bày nội dung đức tin một cách đầy đủ và có hệ thống, đến việc học thuộc lòng một số kiến thức đức tin, đủ để lãnh nhận các Bí tích khai tâm và Hôn Phối. Tuy nhiên, việc dạy giáo lý chưa chú trọng nhiều đến chiều kích tương quan mật thiết cá vị với Thiên Chúa; chưa giúp người thụ giáo có khả năng phân định đâu là thánh ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế của cuộc sống; chưa chú trọng đến việc huấn luyện thường xuyên cho các đối tượng khác nhau, giúp họ ngày một trưởng thành hơn trong đức tin.

Về nhiệm vụ

13. Việc dạy giáo lý tại Việt Nam quan tâm đến việc giúp các tín hữu hiểu biết đức tin, nhưng chưa chú trọng đến việc lắng nghe, đón nhận và thực thi Lời Chúa dạy; chưa giúp học viên giáo lý tham gia các cử hành phụng vụ một cách ý thức và tích cực, chưa giúp học viên có được thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày. Hơn nữa, việc dạy giáo lý gần như lãng quên việc giúp các tín hữu tích cực tham gia và xây dựng đời sống cộng đoàn kitô hữu, quan tâm đến các vấn đề xã hội và góp phần kiến tạo công ích dựa theo ánh sáng Tin Mừng, cổ võ tinh thần sống Tin Mừng trong đời sống thường ngày và thúc đẩy dấn thân cho việc truyền giáo.

Về phương pháp

14. Phần đông các giáo xứ và cộng đoàn dạy giáo lý theo phương pháp hỏi-thưa, một số ít theo phương pháp trình bày. Trong việc truyền đạt đức tin, cách thức chủ yếu là dạy dỗ, bảo ban từ trên xuống, còn cách thức tạo điều kiện cho học viên giáo lý mở lòng đón nhận Mạc Khải và diễn tả niềm tin cũng như cách “đồng hành thiêng liêng” vẫn ở vào hàng thứ yếu. Tại một số nơi, việc dạy giáo lý vẫn áp dụng cách thuyết giáo khô khan, chưa chọn được một hình thức sư phạm và phương pháp phù hợp.

Về tổ chức

15. Phần đông các linh mục, tu sĩ và các giáo dân có khả năng trong các giáo xứ đều coi trọng việc giáo dục đức tin và tích cực tham gia vào việc dạy giáo lý với tinh thần tự nguyện; nhiều giáo lý viên giáo dân phục vụ cho việc huấn giáo như những thiện nguyện viên trong một thời gian lâu dài.

Tuy nhiên, tại một số giáo phận chưa hình thành được Ban Giáo Lý nhằm tổ chức, điều động và hỗ trợ cho việc phát triển nhân sự cũng như các hoạt động giáo lý; hoặc đã hình thành nhưng chưa hoạt động hiệu quả. Giáo lý viên giáo dân chưa được quan tâm và hỗ trợ đúng mức về mặt tinh thần cũng như vật chất, đặc biệt trong việc đào tạo, nhằm giúp họ có những khả năng và điều kiện cần thiết để đảm nhận nhiệm vụ dạy giáo lý.

Về đối tượng

16. Việc dạy giáo lý chú trọng đến các đối tượng như các em thiếu nhi, những người dự tòng và các đôi chuẩn bị lãnh Bí tích Hôn Phối. Tại một số nơi, anh chị em dân tộc thiểu số cũng được quan tâm hơn trong việc học hỏi giáo lý và đào sâu đức tin, thể hiện qua các ấn bản giáo lý bằng tiếng dân tộc và việc đào tạo giáo lý viên địa phương.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc dạy giáo lý của chúng ta chưa quan tâm đến việc nuôi dưỡng và phát triển đức tin cho các đối tượng Kitô hữu khác, như người trẻ, người lớn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người di dân, những tân tòng, những người sống trong ơn gọi gia đình và những người nguội lạnh không thực hành đức tin.

Về môi trường

17. Các gia đình và giáo xứ phần đông còn giữ được tinh thần đạo đức truyền thống; đây là môi trường thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và làm triển nở đời sống đức tin của các tín hữu. Các bậc làm cha mẹ vẫn còn khuyến khích và hỗ trợ con cái tham gia dạy và học giáo lý.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn thì việc dạy giáo lý chưa được quan tâm đúng mức trong môi trường gia đình và giáo xứ: trong gia đình, cha mẹ chưa ý thức và tích cực đủ trong việc giáo dục đức tin cho con cái, trong giáo xứ, việc dạy giáo lý chỉ là việc của giáo lý viên hơn là của toàn thể cộng đoàn.

Ngoài ra, việc dạy giáo lý còn thu hẹp trong khuôn khổ của “lớp học”, chưa mở rộng tầm nhìn đến các vấn đề của cộng đoàn và chưa vươn tới các môi trường xã hội, để nhận diện những vấn nạn của thời đại và tìm ra câu trả lời phù hợp với giá trị Tin Mừng.

III. NHẬN ĐỊNH CHUNG

18. Khi nhìn vào bối cảnh trên, chúng ta thấy việc hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể là việc hội nhập kinh tế thế giới, không chỉ mang lại cho đất nước những cơ hội mới, nhưng còn mang lại những thách thức mới. Tiến trình này không chỉ biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế-xã hội, nhưng còn biến đổi sâu xa lối tư duy và lối sống của người dân. Não trạng thế tục đang len lỏi vào đời sống đức tin của các tín hữu, một não trạng muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, họ cũng nhận ra nơi tận đáy lòng một sự trống rỗng to lớn đi kèm với một nỗi khát khao cần được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên Chúa. Trong khi người tín hữu khát khao mạch nước trong lành đem lại sự sống, thì việc dạy giáo lý dường như chỉ cung cấp cho họ những giáo thuyết khô khan, thiếu sống động, thiếu sức mạnh và thiếu sức hấp dẫn 28 . 10 Vì thế, thách đố lớn nhất của việc huấn giáo tại Việt Nam là chuyển trọng tâm từ việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.

19. Gắn liền với xã hội tục hóa là xã hội tiêu thụ. Trong xã hội này, con người bị mê hoặc bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và thực hành những giá trị nhân bản và tôn giáo; kết cuộc là đạo đức suy thoái, lương tâm bị coi rẻ và nhân phẩm bị xúc phạm. Sự chuyển biến xã hội này đang ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu xa đến đời sống đức tin của người tín hữu; thế nhưng, việc dạy giáo lý xem ra vẫn còn xa rời các thực tại xã hội, không giúp người Kitô hữu đối diện và tìm hướng giải quyết những vấn nạn của một cuộc sống đang đổi thay. Do đó, việc dạy giáo lý không những phải đổi mới cách trình bày, mà còn phải thoát ra khỏi khuôn khổ của lớp học để vươn ra đời sống cộng đoàn cũng như vươn tới các vấn đề xã hội.

20. Niềm tin vào Ông Trời và việc tôn kính Tổ Tiên là nền tảng cho đời sống đạo đức giúp người Việt Nam quý trọng sự sống, ăn ngay ở lành và sống hài hòa với mọi người. Tuy nhiên, tâm thức tôn giáo của họ thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ đưa đến chủ trương “tương đối hóa tôn giáo”, gây khó khăn cho việc trình bày cũng như lãnh hội giáo lý mặc khải của Kitô giáo. Hơn thế nữa, một khi không được đặt nền trên lý trí khao khát chân lý, tâm tình tôn giáo cũng dễ bị lay động trước những trào lưu duy vật và hưởng thụ”. Điều này đòi hỏi việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu đào sâu đức tin, phải có tính cách thường xuyên để có thể giúp họ tăng trưởng đức tin qua mọi lứa tuổi, hướng tới một đức tin trưởng thành trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.

21. Tại Việt Nam, những người trẻ chiếm đa số. Họ là những con người năng động và sáng tạo, đam mê khoa học kỹ thuật qua việc tìm tòi và học hỏi, thế nhưng nhiều bạn trẻ yêu chuộng công nghệ thông tin đến độ không còn quan tâm nhiều đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, say mê cái đẹp qua việc chạy theo các thần tượng và bị mê hoặc bởi sự chiếm hữu và hưởng thụ. Trong khi đó, cách dạy giáo lý của chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được người trẻ. Vì thế, cần quan tâm hơn đến giáo lý dành cho người trẻ, vận dụng các phương tiện truyền thông để trình bày giáo lý cách sinh động và hữu hiệu.

22. Sống trong một đất nước có nhiều người nghèo, nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo khác nhau và người vô thần, chúng ta phải đối diện với những khác biệt vừa có khả năng làm cho đời sống nên phong phú, vừa có nguy cơ dẫn đến xung đột. Do đó, việc dạy giáo lý cần chú tâm đến việc đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần.

23. Qua những nhận định trên, chúng ta thấy việc huấn giáo cần có một định hướng phù hợp với nhu cầu thực tế và thích ứng với các thách đố của thời hiện tại, để giúp các tín hữu không những đào sâu đời sống đức tin mà còn tích cực tham gia vào đời sống xã hội và công cuộc truyền giáo.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận