Cùng Học Giáo Lý - Bài số 5

Đăng lúc: Thứ ba - 21/02/2017 01:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

  Cùng Học Giáo Lý - tháng 2 năm 2017

 

Bài số 5

 

SƯ PHẠM THẦN LINH

 

PDF

 

1.     Định nghĩa

Sư phạm thần linh (Divine Pedagory) là thuật ngữ diễn tả cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để mạc khải chính Ngài và chương trình cứu rỗi của Ngài cho nhân loại, như được bày tỏ trong lịch sử cứu độ.

 

2.     Những nét đặc trưng của khoa sư phạm thần linh

 

·        Tiệm tiến: Là Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa hiểu rõ những giới hạn của loài người mà Ngài đã dựng nên. Vì thế, để giúp loài người có thể hiểu và lãnh hội những gì mà Ngài muốn tỏ cho biết, Ngài đã mạc khải cho con người một cách từ từ, qua nhiều giai đoạn, trước hết qua ông Ađam và bà Evà, rồi đến ông Noe, ông Abraham, dân It-ra-en, và cuối cùng và trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô (GLHTCG, 53). Thư Do Thái đã diễn tả tiến trình này như sau: “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1).

 

·        Lời nói và hành động luôn đi đôi với nhau: Chiêm ngắm lịch sử cứu độ, chúng ta dễ thấy rằng Thiên Chúa đã bày tỏ mầu nhiệm về Ngài cho con người bằng cả lời nói và hành động. Ngài luôn thực hiện những gì Ngài đã hứa: “Quả thật, Ta đã nói thì sẽ thi hành, đã nghĩ tới thì sẽ thực hiện” (Is 46, 11). Lời nói và hành động của Thiên Chúa, quả thật, luôn song hành bên nhau, không bao giờ tách rời nhau. Điều này có ý chứng thực rằng những gì Ngài muốn bày tỏ cho con người đều là chân thật, nhờ đó lôi kéo người ta tin vào Ngài. Công đồng Vatican II dạy: “Các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố những giáo huấn cũng như các thực tại được diễn tả bằng lời nói; còn lời nói được dùng để công bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm” (Hiến chế Mạc khải, 2).

 

·        Dùng chính ngôn ngữ của loài người để nói với loài người: Không chỉ hạ cố đến với loài người, Thiên Chúa còn đối thoại với loài người như với bạn hữu, nhờ đó lôi kéo loài người đến gần Ngài, giúp loài người có thể dễ dàng hiểu Ngài, yêu mến Ngài, và thậm chí được chia sẻ bản tính thần linh của Ngài (X. Xh 33,11; Ga 15, 14-15; HCMK, 1- 2). Sự gần gũi thân thương và thâm sâu nhất giữa Thiên Chúa và loài người được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Irênê đã giải thích mầu nhiệm này như sau:

Ngôi Lời của Thiên Chúa đã ở giữa loài người và trở thành con người, để làm cho con người quen dần với việc đón nhận Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa quen dần với việc ngự trong con người, theo ý muốn của Chúa Cha” (GLHTCG, 53).

 

3. Sư phạm thần linh là kiễu mẫu của Hội thánh trong sứ vụ loan báo Tin mừng

 

·        Hội thánh đã bắt chước và ứng dụng khoa sư phạm thần linh này vào sứ vụ loan báo Tin mừng ngày từ đầu lịch sử của mình.  Thí dụ, Thánh Phaolô bày tỏ: “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho thức ăn, vì anh em chưa chịu nỗi” (1 Cr 3,2). Đặc tính tiệm tiến này cũng được nhận thấy rõ ràng trong chương trình giáo lý dành cho người dự tòng thời các Giáo phụ. Các dự tòng bấy giờ phải trải qua một tiến trình giáo lý, thậm chí nhiều năm, trước khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Họ cần được giáo huấn từ từ.

 

·        Ngày nay cũng thế, Hội thánh dạy rằng: “vì có một số người giống như trẻ sơ sinh, một số khác đang bắt đầu lớn lên trong đức Kitô, một số khác nữa một cách nào đó đã trưởng thành, nên cần phải cẩn thận xem ai cần sữa, ai cần thức ăn cứng hơn […] biết thích nghi với tinh thần và trí hiểu của người nghe” (GLHTCG, 24).

 

·        Trong việc giáo dục đức tin, cần có một tiến trình, xuyên qua các giai đoạn phát triển của con người. Điều này đã và đang được ứng dụng tại các giáo xứ trong việc phân chia các lớp giáo lý theo độ tuổi của học viên. Ngoài ra, để việc giáo dục đức tin đạt được kết quả tốt đẹp, điều quan trọng là GLV cần xin xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để biết dùng những ngôn từ hoặc hình ảnh phù hợp với việc công bố Lời Chúa và cố gắng truyền đạt thế nào ngõ hầu các em có thể hiểu được nội dung của Tin mừng, nhất là biết lấy việc làm của mình làm chứng cho lời mình rao giảng.

 

Dĩ nhiên, “trên hết mọi sự là đức mến […] khi trình bày một điều phải tin, hoặc phải hy vọng hoặc phải làm, thì luôn luôn phải làm nổi bật tình yêu của Chúa chúng ta trong điều đó, để ai ai cũng hiểu rằng mọi hành vi nhân đức trọn hảo Kitô giáo không có nguồn gốc nào khác ngoài tình yêu và không có mục đích nào khác ngoài tình yêu” (GLHTCG, 25).

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận