Cùng học Giáo lý, bài số 9

Đăng lúc: Thứ hai - 24/07/2017 23:10 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

BÀI SỐ 9

NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ BA CỦA GLV:

HUẤN LUYỆN LUÂN LÝ

 

PDF

 

 

I. Luân lý là gì?

 

Theo Tự Điển Công Giáo, “Luân: đạo đức trong cách cư xử; lý: lẽ phải. Luân lý: lẽ thường của đạo đức con người.

Luân lý là hệ thống những quy tắc làm chuẩn mực, giúp con người – cá nhân hay xã hội - sống đạo làm người.

Như thế, luân lý bao gồm những quy tắc và cách sống những quy tắc đó. Người sống theo luân lý biết cân nhắc và điều chỉnh tốt các thái độ, hành vi để sống đúng với nhân phẩm” (Tự Điển Công Giáo, 2016, trg. 546).

 

II. Luân lý Kitô giáo?

 

Cũng theo Tự Điển trên, ngoài việc cần cố gắng sống đạo làm người, luân lý Kitô giáo còn đòi buộc “các tín hữu phải sống đúng tư cách Kitô hữu [của mình]. Thiên Chúa chính là cùng đích và nguồn hạnh phúc của con người. Con người được mời gọi quy hướng về Ngài, trở nên giống hình ảnh Ngài qua việc ‘bước theo’ Đức Giêsu Kitô.”

 

Huấn luyện luân lý cho các em, vì thế, chính là việc truyền đạt cho các em tinh thần và những đòi hỏi của Tin Mừng, được thể hiện cách đặc biệt qua việc tuân giữ Mười Điều Răn Chúa ban, với tinh thần Bát Phúc. Đây chính là điểm tham chiếu quan trọng không được bỏ qua trong việc huấn luyện luân lý Kitô giáo.

 

Bước theo Chúa Giêsu, bởi đó, là sống theo lời Chúa dạy, là để cho Lời Chúa hướng dẫn đời ta, là thể hiện đức tin qua đức ái, là một lộ trình biến đổi nội tâm, giúp các tín hữu vượt từ con người cũ đến con người mới trong Đức Kitô, và làm cho ta mỗi ngày trở nên giống hình ảnh của Chúa hơn (X. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ, 1997, số 85).

 

III.     Vì sao người người ta cần được huấn luyện về mặt luân lý?

 

Ta cần được huấn luyện về mặt luân lý vì, trước hết, luật luân lý chính là công trình của đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, là con đường dẫn con người tới vinh phúc Ngài đã hứa (GLHTCG, 1950).

          

Con đường này đã đạt tới sự viên mãn của nó trong Đức Giêsu Kitô, như chính Ngài đã phán: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6; GLHTCG, 1953).

 

Việc con người chấp nhận sống theo luật Chúa truyền (bằng việc tuân giữ các điều răn với tinh thần Bát Phúc) được ví như người con thảo hiếu luôn biết nghe lời và làm theo những lời dạy dỗ khôn ngoan của cha mình, và như một hiệu quả, luôn mang đến ích lợi cho con cái (GLHTCG, 1950).

 

Hơn nữa, như được nhấn mạnh trong các bài chia sẻ trước, dạy giáo lý, trước hết, là giúp các em biết Chúa Giêsu là ai. Sau khi giúp các em biết Chúa Giêsu là ai, GLV cần dẫn các em tới gặp gỡ và lãnh nhận ân sủng Người ban, cách đặc biệt, qua việc tích cực tham dự các cử hành phụng vụ thánh. Nhờ được tham dự vào các cử hành phụng vụ thánh, nhất là Bí Tích Thánh Thể, người tín hữu được hiệp thông mật thiết với Đức Kitô, được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và, vì được trở nên đồng hình đồng dạng với Người, nên ơn gọi của người Kitô hữu “sống trên trần gian này là để sống trong Chúa Kitô” (YouCat, trg. 220), như Thánh Phaolô đã làm gương cho chúng ta: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Việc huấn luyện luân lý, với ơn trợ giúp của Chúa, giúp con người đạt được những mục tiêu trên, và vì thế, huấn luyện luân lý phải là một phần quan trọng không thể thiếu trong việc dạy giáo lý.

 

Kết luận:

       GLV cần hiểu rằng: việc dạy giáo lý phải là một nỗ lực không ngừng, nhằm giúp con em của chúng ta “không chỉ biết giáo lý trong trí [mà] còn cảm nghiệm trong lòng, rồi tự ý dấn thân hành động trong đời sống và luôn sẵn sàng rao giảng, trả lời cho những ai muốn tìm hiểu niềm tin và hy vọng của mình” (YouCat, trg. 220).

          Có như thế, đức tin vào Chúa Giêsu mới thực sự có ý nghĩa và cần thiết, giúp biến đổi con người và cuộc sống của chính mình, gia đình và xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn, theo ý muốn của Thiên chúa.

                                                                             

Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú                                                             

 

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận