Cùng học giáo lý - Bài số 7

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/04/2017 02:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

Bài 7

PDF

 

NHIỆM VỤ CƠ BẢN TRƯỚC HẾT CỦA GIÁO LÝ VIÊN: GIÚP HIỂU BIẾT ĐỨC TIN

 

  1. Vô tri bất mộ
  • Câu này có nghĩa là không biết thì không yêu mến. Kinh nghiệm thường ngày cho ta thấy như vậy. Ta không thể yêu một ai đó nếu ta không biết về người đó.
  • Ngược lại, khi đã yêu ai, ta thường mong được biết người đó nhiều hơn, rõ ràng hơn. Cần biết để yêu, và càng yêu lại càng muốn hiểu biết nhiều hơn về người mình yêu. Hai chiều kích này thường tác động đến nhau.

 

      2.  Kinh nghiệm của Thánh Phaolô

 

  • Ban đầu, vì chưa biết Đức Giêsu là ai, Thánh Phaolô luôn nỗ lực tìm cách bách hại các Kitô hữu, và điều này đồng nghĩa với việc bách hại chính Chúa: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9:4). Nhưng, sau khi được gặp Đức Kitô Phục Sinh trên đường đi Đa-mát và biết Ngài là ai rồi, Thánh Phaolô đã trở lại, hoàn toàn gắn bó và yêu mến Đấng ngài tin, đến mức, ngài khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

 

  • Rõ ràng, cần phải biết mới có thể yêu mến. Nói cách khác, để có thể yêu mến và gắn bó cuộc đời mình với Đức Giêsu, Thánh Phaolô trước hết cần phải biết Ngài là ai.

 

  • Sự hiểu biết của ngài về Đức Giêsu không chỉ đã giúp thánh nhân gắn kết đời mình với Chúa, mà còn trở nên nguồn sức mạnh và động lực giúp ngài không biết mệt mỏi loan báo Tin mừng Đức Giêsu cho thế giới, như ngài đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1 Cr 9:16).

 

3. Giúp hiểu biết đức tin là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của GLV

 

  • Dạy giáo lý là loan báo Tin mừng, nghĩa là phải giúp cho người ta nhận biết Đức Giêsu là ai và tin yêu Ngài, để được ơn cứu độ, như Thánh Gioan đã khẳng định: “Những điều này được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20: 31).
  • Để có thể đạt được mục tiêu quan trọng trên, nghĩa là để biết Đức Kitô, GLV có nhiệm vụ phải cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết về Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền (X. HDTQVVDGL, 1997, số 85) vì cả hai nguồn này “làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội Thánh […] Cả hai làm nên một kho tàng duy nhất, nơi Hội Thánh nhận được sự bảo đảm chắc chắn về tất cả những chân lý được Mạc khải” (BTY SGLHTCG, 14).
  • Qua kiến thức về Thánh Kinh và Thánh Truyền được dạy trong các lớp giáo lý, GLV cần giúp các em từ từ “nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô” (GLHTCG, 426), nhờ đó, càng ngày các em càng tin tưởng, yêu mến và gắn bó hơn với Chúa Kitô, và nhờ Ngài mà đến với Chúa Cha, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Tóm lại:

  • Nhờ biết rõ Đấng ngài tin, như ngài khẳng định: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1:12) mà Thánh Phaolô đã vui mừng hãnh diện về niềm tin của mình, gắn bó cuộc sống của mình cách mật thiết với Chúa Kitô và xả thân loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn dân.
  • Để có được tâm tình và đời sống đức tin mạnh mẽ như Thánh Phaolô, GLV cần phải cố gắng nâng cao kiến thức đức tin, cho bản thân cũng như cho học viên của mình, bằng việc cố gắng học hỏi Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca rằng: “[…] Để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô […] anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói [nghĩa là nội dung được truyền khẩu: Thánh Truyền] hay bằng thư từ [Thánh Kinh]” (2Tx 2:14-15).
  • Không hiểu biết đức tin (nghĩa là không biết mình tin điều gì hoặc tại sao tôi lại tin như thế …) thì ta không thể gắn bó sâu sắc và lâu bền với đức tin của ta được, và thậm chí, khi gặp hoạn nạn, thử thách, người ta sẽ dễ dàng rủ bỏ đức tin của mình.
  • Để giúp các em hiểu biết đức tin, GLV cần dạy cho các em Kinh Tin Kính và giải thích cho các em hiểu biết ý nghĩa cơ bản của các tín điều được ghi trong đó, như được trình bày trong phần I của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Kinh Tin Kính, một lời kinh quen thuộc hầu như với mọi người tín hữu, có thể giúp chúng ta biết Hội Thánh tin những gì.

 

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận