Philippi - nơi in đậm dấu chân thánh Phaolô

Đăng lúc: Thứ tư - 17/08/2016 19:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Philippi - nơi in đậm dấu chân thánh Phaolô

UNESCO vừa công nhận danh hiệu Di sản thế giới cho khu khảo cổ Philippi thuộc Hy Lạp, nơi đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sứ mệnh truyền giáo của thánh Tông đồ Phaolô.

Trong phiên họp lần thứ 40 tại TP.Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào giữa tháng 7, Ủy ban quốc tế UNESCO đã thống nhất trao danh hiệu Di sản thế giới cho khu khảo cổ Philippi ở phía bắc Hy Lạp, nơi thánh tông đồ Phaolô đã sáng lập Nhà thờ Kitô giáo đầu tiên trên lục địa châu Âu vào năm 49-50. Đây cũng là địa điểm định cư cổ nhất vào thời đồ đá tại Đông Macedonia và Thrace (một vùng hành chính của Hy Lạp), và một trong những cấu trúc lớn nhất dạng này ở Balkan. Theo đài CNN, Ủy ban quốc tế UNESCO đã dựa trên tầm quan trọng về khảo cổ và kiến trúc của Philippi, cũng như vị trí của nó về mặt tôn giáo, để đưa đến quyết định cuối cùng.

Phần còn lại của thành phố được bao vây bởi các bức tường cổ nằm ở chân của vệ thành (thành phòng ngự) tại khu vực hiện nay là Đông Macedonia và Thrace, trên con đường cổ đại nối liền Âu - Á là Via Egnatia. Được vua Macedonia Philip II sáng lập vào năm 356 trước công nguyên (TCN), thành phố phát triển giống như một “thành Rome cỡ nhỏ” trong giai đoạn Đế quốc La Mã lâm vào cuộc nội chiến với trận Philippi vào năm 42 TCN. Nhà hát và đền thờ tang lễ Hy Lạp nằm cạnh những tòa nhà kiến trúc La Mã như tòa án. Sau đó, thành phố đã trở thành trung tâm tín ngưỡng Kitô giáo kể từ khi thánh Phaolô đến truyền giáo tại nơi này vào năm 49-50. Di tích về các nhà thờ tại đây là bằng chứng sáng chói cho thấy thời điểm khai đạo ban đầu trên đất châu Âu. Giống như một người đã nhận xét : “Tính từ Macedonia trở đi, Alexander Đại đế từng sải vó ngựa xâm chiếm châu Âu, nhưng sau đó, cũng từ Macedonia, quyền năng của Kinh Thánh đã chinh phục thế giới phương Tây vào ngày của thánh tông đồ Phaolô”.

Quyền lực của vàng

Thành phố đầu tiên mọc lên vùng đất Philippi được gọi là Datos. Vào năm 360 TCN, người Hy Lạp từ đảo Thasos đã biến nơi này thành thuộc địa. Họ đổi tên thành Krenides, có nghĩa là “với nhiều dòng suối”, do sự hiện diện đông đảo của những con suối trong khu vực này. Nó cũng nổi tiếng với đồng bằng màu mỡ trải rộng, cũng như ngọn núi Pangaion ở phía tây nam. Ở phía đông của Philippi là rặng Orbelos.

Những ngọn núi trong khu vực chứa đầy mỏ vàng, bạc, cội nguồn tranh chấp giữa các tộc người Thrace với những kẻ xâm lăng đến từ Thasos. Vào năm 356 TCN, thế lực Hy Lạp đề nghị Vua Macedonia là Philip II giúp họ chống lại các bộ lạc Thrace. Với tầm nhìn xa rộng và hiểu được vị trí chiến lược của thành phố, cũng như đã thèm muốn từ lâu các mỏ vàng, bạc gây lóa mắt của thành phố này, vua Philip II nhanh chóng nhảy vào giải quyết xung đột. Và trong quá trình “giúp đỡ”, vị vua đã giành quyền kiểm soát toàn thành phố, mở rộng và gia cố lại tường thành, trước khi đổi tên đô thị theo tên mình là Philippi. Cũng chính tại cảng cực đông Neapolis  của Macedonia (hiện là cảng biển Kavala), thánh Phaolô đã lần đầu tiên đặt chân đến quốc gia vùng Balkan.

Sử gia về Hy Lạp Diodorus của Sicily (thế kỷ thứ nhất TCN), đã viết trong cuốn Thư viện lịch sử và mô tả chuyện gì đã xảy ra : “Kế đến, chuyển sang các mỏ vàng trên miền đất này, vốn nằm rải rác và lúc đó chẳng mấy gì quan trọng, vua Philip II đã nhanh chóng thực hiện các cải cách để gia tăng sản lượng, cho phép mang lại doanh thu hơn 1.000 talent (đơn vị trọng lượng thời đó). Và bởi vì nhờ vào các khu mỏ, vị vua thu được cả gia tài, từ đó dùng số tiền này để gia tăng vị thế ngày càng cao hơn của vương quốc Macedonia, với số vàng thu được, ông tổ chức một lực lượng lính đánh thuê hùng hậu, đồng thời dùng vàng mua chuộc nhiều người Hy Lạp phản quốc”.

Đây quả là ví dụ cổ điển cho cái gọi là Quy tắc vàng của thế giới: “Ai có vàng sẽ nắm quyền lực!”. Alexander Đại đế, con trai của vua Philip II, đã dùng số tiền trên để nuôi một đội quân dũng mãnh, nhanh chóng thu gom Đế quốc Ba Tư về tay mình, như nhà tiên tri Daniel từng dự đoán trước đó.

Trận chiến Philippi

Người La Mã đã xâm chiếm Macedonia vào năm 168 TCN và phân thành 4 khu vực khác nhau. Philippi là thủ phủ của một trong các quận. Họ cũng bắt tay vào công trình vĩ đại xây dựng nên Via Egnatia, tuyến đường quân sự và thương mại chạy dọc miền bắc Hy Lạp, vào giai đoạn 146 - 120 TCN. Thánh Phaolô và nhóm của ngài đã thông qua con đường này để rao giảng Kinh Thánh vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên.

Trận chiến then chốt trong lịch sử của Đế quốc La Mã cũng đã diễn ra tại Philippi. Vào ngày 15.3 năm 44 TCN, Đại đế Julius Caesar đã bị ám sát tại Rome trong vụ mưu sát do hai nguyên lão Brutus và Cassius là chủ mưu. Hai người này đã đánh giá sai phản ứng của người dân thành Rome và buộc phải tẩu thoát đến bán đảo Tiểu Á để tránh cơn thịnh nộ của dư luận. Tại đây, họ bắt đầu gầy dựng quân đội với mục tiêu đánh hạ Rome và thành lập lại nền cộng hòa. Trận Philippi là trận đánh cuối cùng trong các cuộc nội chiến giữa quân đội của Mark Antony và Octavian (sau được gọi là Augustus) với Brutus và Cassius vào năm 42 TCN. Quân đội Cộng hòa của Brutus và Cassius nắm trong tay lợi thế rõ ràng trước địch thủ, từ vị trí chiến lược, chiến thuật quân đội và được tiếp tế mạnh về tài chính lẫn quân nhu. Tuy nhiên, đội quân mệt mỏi và hậu cần yếu kém của Mark Antony và Octavian đã đánh bại họ, dẫn đến cái chết do tự sát của Brutus và Cassius.

Chiến thắng trên có nghĩa là Rome trở thành chính quyền đế quốc chứ không còn theo hình thái cộng hòa, buộc thần dân và những nơi chiếm đóng phải thờ phụng và tôn sùng Đại đế Caesar, và đây cũng là cội nguồn dẫn đến tranh cãi giữa người Kitô giáo với chính quyền La Mã, do các tín hữu thời đó từ chối tôn thờ Caesar. Sau trận chiến này, Philippi tiếp tục được mở rộng và trở thành thuộc địa La Mã. Các binh lính giải ngũ đã định cư tại thành phố này. Sau trận Actium vào năm 30 TCN, càng có thêm nhiều cựu binh an cư lạc nghiệp tại Philippi. Do đó, không ngạc nhiên khi thánh Phaolô sử dụng một số thuật ngữ quân sự khi viết thư tông đồ. Ngài gọi Epaphroditus là “chiến hữu của ta”.

LING LANG


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận