Tôi là người thân cận của ai ?

Đăng lúc: Thứ ba - 12/07/2016 19:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI ?
 
Chúng ta đừng hỏi người khác: “Ai là người thân cận của tôi ?” – nhưng hãy tự hỏi chính bản thân mình: “Tôi là người thân cận của ai ?” – khi đó, Chúa Giêsu sẽ trả lời cho chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, tức là hãy thực thi lòng thương xót đối với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông; vì chưng, “bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn”. Đó là nội dung trong bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Kinh Truyền Tin cho những tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô vào Chúa Nhật XV Thường Niên, ngày 10/07/2016.

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa nói cho chúng ta về dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu”, trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 10,25-37). Một câu chuyện đơn sơ và đầy cảm hứng, trình bày cho chúng ta một lối sống; trong đó, tâm điểm của sự cuốn hút không phải là chính chúng ta, nhưng là những người khác, với những nỗi khó khăn của họ, những người mà chúng ta gặp phải trên cuộc hành trình, và những người làm cho chúng ta đặt ra câu hỏi về chính bản thân mình. Những người làm cho chúng ta tự chất vấn chính bản thân mình. Và khi tha nhân không có một sự tác động, hay ảnh hưởng này trên chúng ta, thì có một điều gì đó không đúng; có một điều gì đó trong những tâm hồn như thế, khiến người đó không phải là người Kitô hữu. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này khi nói với người thông luật về hai giới răn cho phép chúng ta bước vào đời sống vĩnh cửu: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình (x. Lc 10,25-27). Vâng, người thông luật trả lời như thế – “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” (c. 29). Chúng ta cũng có thể hỏi chính bản thân mình câu hỏi này: Ai là người thân cận của tôi ? Người mà tôi phải yêu mến như chính bản thân tôi là ai ? Những người bà con thân thuộc ? Bạn bè ? Người đồng hương ? Người cùng chung tôn giáo ? … Ai là người thân cận của tôi ?

Và Chúa Giêsu đã trả lời bằng một dụ ngôn: Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có một thầy tư tế và một thầy Lêvi cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, họ tránh qua bên kia mà đi (cc. 30-32). Nhưng một người Samari kia, người bị khinh miệt bởi người Do Thái vì không tuân giữ tôn giáo đích thực, cũng đi đường ấy; tuy nhiên, chính ông, khi trông thấy nạn nhân thì động lòng thương. Ông lại gần, băng bó vết thương cho người ấy […], đưa về quán trọ mà săn sóc (cc. 33-34); hôm sau, ông nhờ chủ quán săn sóc, rồi trả tiền, và nói rằng ông sẽ hoàn trả mọi tốn kém khác (x. c. 35).
Nhắm vào điểm này, Chúa Giêsu quay lại hỏi người thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Và quả thật, vì là một người thông minh, ông trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (cc. 36-37). Với những lời này, Chúa Giêsu đã đảo ngược cách nhìn của chúng ta về nhiều vấn đề. Nó không buộc chúng ta phải cố gắng để phân chia hạng người, để xem coi người đó có phải là người thân cận. Đúng hơn, sự quyết định “để là, hoặc không là” một người thân cận, phụ thuộc vào chúng ta. Nó phụ thuộc vào tôi. Nó phụ thuộc vào “tôi là, hoặc không là” một người thân cận với người mà tôi gặp, người cần sự giúp đỡ của tôi, thậm chí nếu người kia là một người xa lạ, hoặc là kẻ thù. Và Chúa Giêsu đã kết luận: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Nó là một bài học lớn! Và Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, cách đặc biệt là cho những anh chị em đang gặp hoạn nạn. “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Hãy làm những việc tốt, đừng chỉ nói nhiều rồi để gió cuốn bay; đừng như một bản nhạc đến trong tâm trí gồm những: “Từ ngữ, lời nói, và lời nói”. Không, làm ơn “hãy làm, hãy hành động”. Và bằng những việc tốt mà chúng ta làm với trọn cả tình yêu và niềm vui cho người khác, đức tin của chúng ta lớn lên và đơm bông kết trái. Chúng ta hãy tự hỏi chính chúng ta – mỗi người trong chúng ta hãy tự trả lời trong tâm hồn – chúng ta tự hỏi: Đức tin của chúng ta có đơm bông kết trái không ? Đức tin của chúng ta có sản sinh ra những việc tốt không ? Hay nó đang cằn cỗi dần, và thế là thà chết còn hơn sống ? Tôi là người thân cận hay đơn giản chỉ là người qua đường ? Hay tôi đang là người ở trong số những người thích chọn lựa người khác (người thân cận) theo sở thích riêng của mình ? Thật là tốt để tự vấn mình, và thường vì chúng ta sẽ bị phán xét về những hành động thương xót của chúng ta trong ngày tận thế. Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta: “Còn con, con có nhớ cái lần trên đường từ Giêrusalem lên Giêrikhô ? Cha là người đàn ông đang nằm nửa sống nửa chết đó. Con có nhớ không ? Những đứa trẻ đang đói khát là Cha đấy. Con có nhớ không ? Những người di dân mà lắm lúc con muốn xua đuổi là Cha đấy. Những ông bà già đang cô đơn, đang bị bỏ rơi tại các viện dưỡng lão là Cha đấy. Những bệnh nhân đang cô đơn nơi bệnh viện, không có ai viếng thăm, là Cha đấy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp cho chúng con, để chúng con tiến bước trên những con đường của tình yêu bao dung đối với người khác, như con đường của người Samaritanô nhân hậu vậy. Xin Mẹ giúp chúng con sống giới răn quan trọng hàng đầu mà Chúa Kitô đã để lại. Và đây là con đường duy nhất dẫn đưa chúng con đến sự sống đời đời.

[Original text: Italian][Translation by Deborah Castellano Lubov]
Hoahướngdương, dịch, nguồn zenit.org.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận