Nền Văn Hóa Gặp Gỡ

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/09/2016 02:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
NỀN VĂN HÓA GẶP GỠ

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa loại trừ, chưa bao giờ người ta lại nói nhiều đến sự tương hợp và thích nghi với thời đại như ngày nay. Khi những cá thể mạnh, những “con người siêu nhân” thống trị và loại trừ những con người bé nhỏ, yếu ớt, thì chiến tranh là một hệ lụy tất yếu sẽ xảy ra. Người ta sẽ không còn sử dụng nhiều đến vũ lực, súng ống hay đạn dược, nhưng là “chiến tranh lạnh,” bằng cách loại trừ và cô lập nhau. Trong bài nói chuyện vào buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư ngày 31/08/2016, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã mạnh mẽ lên án nền văn hóa loại trừ, và Ngài cổ võ một nền văn hóa gặp gỡ.

Anh chị em thân mến!
Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy một hình ảnh làm toát lên đức tin và lòng can đảm của người đàn bà. Một người đàn bà đã được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh băng huyết. Băng vào giữa đám đông, tiến đến phía sau Chúa Giêsu và sờ vào tua áo của Người, “vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu’” (c. 21). Một đức tin thật mạnh mẽ! Đức tin của người đàn bà này thật mạnh mẽ làm sao! Vì bà nghĩ như thế, nên bà được sống, và với một cú động chạm đầy tinh tế, bà làm được điều bà nghĩ trong lòng, nhờ đức tin và niềm hy vọng mạnh mẽ. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành là như thế, nó làm cho người đàn bà thoát khỏi những ràng buộc của lề luật Môsê. Quả thật, trong nhiều năm, người đàn bà nghèo này không đơn giản chỉ là bị bệnh, nhưng bà bị khinh miệt là không thanh sạch, vì bị băng huyết (x. Lv 15, 19-30). Do đó, bà bị loại trừ khỏi các buổi phượng tự, đời sống vợ chồng và các mối quan hệ xóm giềng. Thánh sử Máccô còn thêm vào sự việc bà đã bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Bà là một người phụ nữ bị xã hội loại bỏ. Điều quan trọng là phải xem xét tình trạng này – một con người bị loại bỏ – để thấu hiểu được tâm trạng của bà: Bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể giải thoát mình khỏi nỗi thống khổ do bệnh tật, khỏi tình trạng bị đẩy ra lề xã hội, và thoát khỏi tình cảnh nhân phẩm bị chà đạp trong nhiều năm. Trong một lời, bà biết và cảm được Chúa Giêsu có thể cứu thoát bà.

Trường hợp này làm cho người ta phản tỉnh về cách người đàn bà thường được hiểu và đại diện. Tất cả chúng ta, bao gồm những cộng đồng Kitô hữu, được đặt để đề phòng những cái nhìn của nữ giới thấm đượm những thành kiến xấu và sự ngờ vực về phẩm giá bất khả xâm phạm bà ta. Trong mối liên hệ này, thật ý nghĩa khi các sách Tin Mừng trả lại giá trị chân lý và đưa dẫn về một quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã cảm phục đức tin của người đàn bà này, người mà tất cả đã xa lánh, và Người làm biến đổi niềm hy vọng của bà thành ơn cứu rỗi. Chúng ta không biết tên của bà, nhưng với vài dòng các sách Tin Mừng mô tả về cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu, phác họa một cuộc hành trình của đức tin có khả năng tái lập giá trị chân lý và sự cao cả của phẩm giá mỗi người. Trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, con đường của sự giải thoát và ơn cứu độ mở ra cho tất cả mọi người nam nữ trong mọi nơi và mọi thời.

Tin Mừng Mátthêu nói rằng, khi người đàn bà động vào áo Chúa Giêsu, Người đã “quay lại”“thấy bà” (c. 22), và sau đó Người nói với bà. Như chúng ta đã nói, bởi vì tình trạng bị loại trừ, người đàn bà đã hành động một cách kín đáo, theo sau Chúa Giêsu, bà lén lút để không bị phát hiện, bởi bà là một người bị loại trừ. Thay vào đó, Chúa Giêsu thấy bà và cái nhìn của Người không phải là một cái nhìn quở trách, Người không nói: “Biến đi, đồ phế thải!” như thể Người nói: “Bạn là một người phong hủi, biến đi!”. Không, Người không quở trách bà, nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là một cái nhìn xót thương và dịu hiền. Người biết điều gì đã xảy ra, và Người tìm thấy một cuộc gặp gỡ cá vị với bà, một điều mà người đàn bà đã ao ước. Điều này có nghĩa rằng, không chỉ Chúa Giêsu đón nhận bà, nhưng còn coi bà như một vị khách quý, và một cuộc gặp gỡ như thế nhằm trao ban cho bà món quà quí là sự quan tâm và Lời của Ngài.

Trong phần trung tâm, hạng từ “sự cứu chuộc” được lặp lại ba lần. “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu. Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (cc. 21-22). “Này con, cứ yên tâm” biểu lộ cho tất cả chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, và cho tất cả những người bị loại trừ. Đã bao lần chúng ta cảm thấy trong lòng về việc bị loại trừ do tôi lỗi của chúng ta. Chúng ta phạm tội quá nhiều, chúng ta phạm tội quá nhiều…Và Thiên Chúa nói với chúng ta: “Cứ yên tâm, hãy đến với Ta. Ta không xem con là đồ phế thải. Này con, cứ yên tâm. Con là một người con trai, con gái.” Và đây là thời khắc của ân sủng, là khoảnh khắc của sự tha thứ, là thời điểm bước vào trong cuộc sống của Chúa Giêsu và trong đời sống Giáo Hội. Đó là thời khắc của lòng thương xót. Hôm nay tất cả chúng ta, những kẻ tội lỗi, không lớn thì nhỏ, nhưng tất cả đều là những kẻ có tội, và Chúa nói với chúng ta: “Cứ yên tâm, hãy đến với Ta! Con không bị loại trừ nữa: Cha ôm ấp và tha thứ cho con.” Lòng thương xót của Thiên Chúa là như thế. Chúng ta phải có lòng can đảm chạy đến với Người, khẩn xin ơn tha thứ tội lỗi và tiến lên với lòng can đảm như người đàn bà đã làm. Thế nên, “sự cứu chuộc” bao hàm nhiều ý nghĩa: trước hết, nó mang lại sức khỏe cho người đàn bà; sau đó giải thoát bà khỏi sự phân biệt đối xử của xã hội và tôn giáo; thêm vào đó, nó đáp ứng niềm hy vọng bà đã cưu mang trong tâm hồn, xua tan nỗi sự hãi và sự bất an. Cuối cùng, nó đưa bà tái hòa nhập vào trong cộng đồng, không nhất thiết phải hành động cách lén lút nữa. Điều sau cùng này thì quan trọng: một “người phế thải” luôn hành động cách lén lút, lúc này lúc nọ hay kéo dài trong suốt cả cuộc đời: chúng ta hãy nghĩ đến những người phong hủi thời bấy giờ, hay những người vô gia cư ngày nay…; chúng ta hãy nghĩ đến những người tội lỗi, hay nghĩ đến chúng ta là những kẻ có tội: Chúng ta luôn làm việc gì đó cách lén lút, chúng ta có lý do để làm việc gì đó cách lén lút, bởi chúng ta thấy xấu hổ về điều chúng ta là…Và Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều này, Chúa Giêsu giải thoát và nâng chúng ta đứng lên: “Hãy chỗi dậy, đứng lên và đến với Ta!” Khi Thiên Chúa tạo dựng chúng ta: Người tác tạo chúng ta “đứng thẳng”, không “cúi rạp xuống”, nhưng là “đứng thẳng”. Điều Chúa Giêsu ban cho chúng ta là ơn cứu độ phổ quát, đời sống của người đàn bà được tái hòa nhập vào trong môi trường tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời khôi phục hoàn toàn phẩm giá cho bà.

Cuối cùng, không phải là tua áo người đàn bà đã sờ vào đem đến ơn cứu thoát, nhưng là lời Chúa Giêsu được đón nhận trong đức tin; khả năng an ủi, chữa lành, phục hồi người đàn bà nằm trong tương quan giữa bà với Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu chỉ là nguồn cội phúc lành, từ đó trào tràn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, và đức tin là nền tảng thiết yếu để lãnh nhận được ơn cứu độ.

Một lần nữa, Chúa Giêsu, với những cử chỉ đầy lòng thương xót, chỉ cho Giáo Hội con đường bước theo Người để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành tinh thần và thể xác, và phục hồi phẩm giá là con cái Thiên Chúa.

(Hoahướngdương, dịch, https://zenit.org/articles/general-audience-on-how-faith-brings-salvation/)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận