Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/07/2016 02:40 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên.

"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".

 

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

 

 

 

Suy Niệm 1: Bữa Tiệc Thân Hữu

Trong hầu hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Người công chính với người tội lỗi

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Đức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi khéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt. 9, 9-12)

Người tội lỗi được kêu gọi

Chúa Giêsu quan tâm lo lắng cho những người ốm đau bệnh tật, vì chính họ cần đến Người. Những người mà vì họ Chúa đã đến và kêu gọi đi theo Người, đó là những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính.

Những người tội lỗi ám chỉ tất cả những-ai-kia mà xã hội có suy nghĩ, có giáo dục và hãnh diện về tính liêm khíết của mình, xua đuổi, không nhìn nhận và khinh bỉ. Thời Chúa Giêsu người ta gọi những người tội lỗi là tất cả những ai không tuân giữ tỉ mỉ những điều Luật truyền. Từ ngữ người tội lỗi cũng áp dụng cho tất cả những ai cụ thể đang sống trong tội lỗi, đang làm điều xấu. Chính vì những con người đó mà Chúa Giêsu được sai đến.

Nếu Chúa Giêsu yêu thương người tội lỗi, thì Người lại gớm ghét sự tội. Nếu quả Chúa kêu gọi những người tội lỗi, chính là để cho họ trở nên những người công chính. Nên ta có thể tự hỏi: Dù rằng đã là những con người tội lỗi, nếu ta đang trở nên những người công chính, nếu suốt cuộc đời, ta tìm sống thánh thiện và công chính, thì Chúa Giêsu có còn quan tâm đến ta không, có vẫn gọi ta đi theo Người không?

Những người công chính được kêu gọi

Đương nhiên ta phải trả lời có, vì thực ra Chúa luôn luôn kêu goi mọi người: người công chính cũng như người tội lỗi. Lý do đơn giản. Trước thánh nhan Người chẳng có người nào là hoàn toàn công chính. Những kẻ được nên công chính vẫn mang thân phận người tội lỗi.

Chỉ có những người mà thực tế Chúa Giêsu không có thể làm gì được cho họ, đó là những kẻ tưởng rằng mình quả là công chính nên không thấy được nữarằng mình vẫn và luôn luôn cần được tha thứ, được cứu độ, được thanh tẩy và được biến đổi.

Suy niệm 3: CẢM NGHIỆM ĐỂ LÀM CHỨNG

Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.

Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.

Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

 SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng kết thúc với câu nói này của Đức Giê-su : « Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi » (c. 13). Lời nói này phù hợp với biến cố mở đầu bài Tin Mừng : Người kêu gọi thánh Mát-thêu, vốn là người tội lỗi ; và đó không phải là bất cứ ơn gọi nào, nhưng là ơn gọi tông đồ và là tông đồ thánh sử.

1. Chiêm ngắm Đức Giê-su với lời mời gọi nhưng không (c. 9)

« Anh hãy theo tôi ! » – Ông đứng dậy đi theo Người. Cách gọi và cách đáp quá đột ngột, vì trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, không có điều gì được kể lại để chuẩn bị cho biến cố này. Vì thế, chúng ta thường suy đoán rằng, sách Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có những tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp, sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giê-su đi đến quyết định gọi ông Mát-thêu, và để ông Mát-thêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giê-su. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau trước khi quyết định “đi theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giê-su thường được diễn tả theo hướng này, khi tái hiện ơn gọi của thánh Mát-thêu.

Nhưng tại sao thánh sử Mát-thêu không kể rõ ra ? Chắc chắn, khi kể lại ơn gọi của mình một cách cô đọng như thế, thánh sử có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta. Tương tự như bức tranh, những gì được vẽ ra đó và vẽ ra như thế đó, không thêm không bớt, muốn truyền đạt cho người biết chiêm ngưỡng một cái nhìn, thậm chí cả một thế giới quan và nhân sinh quan. Và trong đức tin, chúng ta đón nhận sứ điệp của tác giả sách Tin Mừng như là Lời Chúa.

Hoặc nếu không suy đoán thêm ra như thế, chúng ta có thể thán phục trước lời đáp mau mắn và dứt khoát của thánh Mát-thêu; và rồi chúng ta có thể cảm thấy buồn rầu và ray rứt vì lời đáp của mình sao mà chậm chạp thế, sao mà dây dưa thế. Cách hiểu này chỉ đem lại cho chúng ta mặc cảm giới hạn, thậm chí tội lỗi, và nản chí; chắc chắn đó không phải là sứ điệp của trình thuật Tin Mừng. Trình thuật mời gọi chúng ta ra khỏi mình để chiêm ngắm chính Đức Giê-su.

Đức Giê-su gọi Mát-thêu như ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và An-rê, hai anh em Giacôbê và Gioan (Mt 4, 18-22); Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giê-su thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.

Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su dành cho chúng ta: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy luôn làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta .

Lời Chúa mạnh đến độ làm bật tung ông Mát-thêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta .

Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mát-thêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giê-su gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm.

Ngài đi ngang qua cuộc đời của mỗi người chúng ta hàng ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Người trong một ơn gọi, độc thân, gia đình hay đời dâng hiến.

2. Chiêm ngắm cách Đức Giê-su tương quan với những người tội lỗi (c. 10)

Thánh Mát-thêu được mời gọi đi theo Đức Giê-su, nhưng sau đó Người lại đi theo ông, để đến nhà của ông! Ở đó, mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên chúng ta được mời gọi không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa :

  • Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của bữa ăn, nhưng còn hương thơm của của tình bạn : tình bạn của mọi người dành cho Đức Giê-su và của Đức Giê-su dành cho mọi người.
  • Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giê-su dành cho những người tội lỗi.
  • Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Đức Giê-su, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su, và để cho lòng mình rung động.

Như thế, khi kêu gọi thánh Mát-thêu, Ngài không chỉ muốn gặp thánh nhân ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình và những người thân yêu của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.

Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người thực sự và hiện tại của chúng ta. Đức Giê-su muốn gặp gỡ và phải “băng qua”, như Người “phải băng qua Samari” (Ga 4, 4), tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giê-su “hoàn tất”, nghĩa là chữa lành, tái tạo và hướng tới sự sống đích thực và viên mãn chứ không phải bị loại bỏ (x. Mt 5, 17).

3. « Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ » (c. 11-13)

Cách tương quan của Đức Giê-su đối với Mát-thêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pha-ri-sêu: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Sự « đồng bàn » này của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pha-ri-sêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pha-ri-sêu, chúng ta muốn « nhốt » Người vào trong một khuôn khổ tư tưởng, hệ thống Lề Luật, cơ chế định sẵn hay thậm chí một « cái thang » tiến bộ có ba bậc để « đánh giá và xếp loại » mình và người khác.

Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa : Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không hiểu : « Sao Thầy đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy » ?

Những người Pha-ri-sêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giê-su, nhưng Đức Giê-su thì nói thẳng với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc… Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”. Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành.

Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giê-su đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá. Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, tự tạo lập « sự xứng đáng » cho mình, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ. Chúng ta đi theo Đức Giê-su, chính là đi theo hiện thân lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa (x. Rm 8, 38-39), như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta nhận ra và ước ao mặc lấy, trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót:

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

……………………………………………………………………

[1] Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự ngỡ ngàng tột bậc của Mát-thêu (nhân vật chỉ tay vào chính mình) trong bức tranh của Caravage.

 

[2] Trong bức tranh của Caravage, bàn tay hướng về Mát-thêu của Đức Giê-su được vẽ phỏng theo bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, trong bức tranh “Tạo Dựng Adam” của họa sĩ nổi tiếng người Ý Michelangelo (1475-1564).

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận