Thứ Ba tuần 14 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 05/07/2016 02:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 14 thường niên.

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

 

Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

 

 

Suy Niệm 1: Nhu cầu truyền giáo

Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".

Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.

Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?

Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúng ta đều là thợ gặt

Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)

Một mùa gặt bội thu

Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.

Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.

Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.

Mỗi người đều có phần trách nhiệm

Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.

Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.

SUY NIỆM 3: XIN MỞ MIỆNG CON

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.

Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.

Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.

Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.

Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình  khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Bài Phúc Âm này gồm hai ý:

1. Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người câm nói được. Căn cứ theo lời tiên tri của Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Messia. Nhưng những người biệt phái cố tình không hiểu ý nghĩa của phép lạ này, họ còn xuyên tạc rằng Ngài đã cậy sức của quỷ vương mà làm việc đó.

2. Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng: Ngài tận tình giảng Phúc Âm và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”, mặt khác, Ngài bảo họ cầu xin “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa”.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Thiên Chúa đã dựng nên con người có miệng để con người nói. Người câm không nói được là một người bất bình thường. Chúa Giêsu làm phép lạ để ban lại quyền ăn nói cho đương sự.

Tuy tôi không câm, nhưng trong nhiều trường hợp lẽ ra tôi phải nói thì tôi lại không nói: nói để an ủi người khác, nói để bênh vực chân lý, nói để rao giảng Phúc Âm… xin Chúa chữa con chứng bệnh câm này.

2. Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân ít học thì khen ngợi Ngài, còn những người biệt phái thông thái thì xuyên tạc. Điều này gọi là “có định kiến xấu”. Người đã có định kiến xấu thì dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như biệt phái) cũng phạm sai lầm một cách tệ hại.

Xin cho con có một lòng và một cặp mắt trong sáng, để có thể nhận ra những giá trị của anh chị em con, và để không bị mù quáng và cư xử bất công với họ.

3. Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước cảnh bơ vơ của dân chúng. Các nhà truyền giáo nhiệt thành cũng đều chạnh lòng như thế. nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Chỉ những ai biết chạnh lòng thì mới có thể là những nhà truyền giáo.

Xin Chúa đánh động các tâm hồn Kitô hữu, nhất là các Linh mục tu sĩ.

4. Thành kiến: Cuốn phim “Dấu ấn của quỷ” kể một câu chuyện rất thương tâm.

 Một ngôi làng nhiều mê tín dị đoan, một bé gái sinh ra mang sẵn một dấu ấn trên ngực. Dân làng nói đó là dấu ấn của quỷ nên bỏ cô vào thúng rồi thả xuống biển. Một ông lão cùi đã vớt được cô đem về nuôi. Lớn lên cô gặp một chàng trai, hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạch ông lão cùi. Giữa lúc dân làng tìm thấy cô gái và bắt lại. Và trớ trêu thay cũng giữa lúc ấy người phụ nữ trẻ sinh con, và đứa con cũng có một dấu ấn y như thế trên ngực. Người mẹ lấy bó đuốc cố đốt sạch dấu ấn trên ngực con nhưng vô ích. Cuốn phim kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết, ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác không hiểu số phận mình sẽ ra sao…

Đối với Chúa Giêsu không ai mang dấu ấn của quỷ, mà chỉ có hình ảnh cao quý của Thiên Chúa trong mỗi người. (Trích “Chờ đợi Chúa”)

5. Bấy giờ người nói với các môn đệ rằng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúc mang về” (Mt 9,37-38)

Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi gần lại nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hoà bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo bảo vệ trái đất, ngăn chặn AIDS, diệt tận ma tuý; khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn kì thị chủng tộc, tôn giáo, màu da, khi những tiến bộ khoa học làm con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, sống trên cùng một hành tinh, dười mái nhà bầu trời.

Lạy Chúa, thế giới ngày nay còn rất nhiều người thiện tâm thiện chí để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. xin cho có nhiều người trẻ dấn thân cho một thế giới mới. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Nơi Nhà Tạm Chúa vẫn đang nhìn đến phận người chúng con. Một phận người có qúa nhiều những lo âu vất vả. Một phận người lầm than cơ cực. Chúa vẫn đang chạnh lòng thương xót chúng con. Thương xót vì chúng con thiếu tình liên đới với nhau. Thương xót vì chúng con thiếu người biết lo lắng cho tha nhân. Xin Chúa tha thứ cho thái độ sống dửng dưng của chúng con trước khổ đau của anh em. Xin hoàn thiện chúng con nên giống Chúa để chúng con cũng biết chạnh lòng thương xót lẫn nhau, và cùng giúp nhau có cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một tấm lòng và ánh mắt yêu thương của Chúa, để chúng con xoa dịu những khổ đau của tha nhân. Xin ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại để chúng con biết sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xin cho giáo xứ chúng con có nhiều tâm hồn quảng đại để phục vụ Nước Chúa, ngõ hầu danh Chúa được mọi người tán dương qua hành vi bác ái của chúng con.

Lạy Chúa là Vua tình yêu, là hoàng tử thái bình, xin cho chúng con biết dùng tình yêu để xóa bỏ khổ đau và xây dựng hòa bình cho thế gian. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận