Thứ bảy đầu tháng, tuần 13 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 02/07/2016 02:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ bảy đầu tháng, tuần 13 thường niên.

"Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ".

 

Lời Chúa: Mt 9, 14-17

Khi ấy, [Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô,] các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".

 

 

 

Suy Niệm 1: Thái độ dứt khoát

Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Mới và cũ

Chẳng ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu da sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt. 9, 16-17)

Đức Giêsu, con người tự do

Chúa Giêsu yêu mến các truyền thống, nhưng Người không phải là con người bảo thủ. Người thông thạo Lề Luật, vàbiết cách tuân thủ, nhưng không làm nô lệ cho Luật. Người tôn trọng những cái cũ, nhưng không để cho những cái đó làm trở ngại cho đời sống được canh tân và được thể hiện vuông tròn.

Chúa Giêsu yêu thích cái mới, tạo nên cái mới, sống chết vì sự canh tân. Phúc âm của Người, chính là nguồn sinh lực mới mẻ và tươi mát. Không có chi lải nhải. Chúa Giêsu không chống lại việc giữ chay theo Luật truyền. Người thường ăn chay. Nhưng không ngại bãi bỏ việc giữ chay không có lý do thích hợp vì nó cản trở niềm vui chan hòa của con người. Chúa Giêsu nhìn nhận rằng người ta không thể suốt đời cứ huênh hoang tự đắc về những tập tục cũ kỹ và những cách suy nghĩ lỗi thời. Người đã rao giảng sự canh tân thường xuyên con người, việc làm và cách làm. Người luôn có những bước khởi đầu mới mẻ, với nhiệt tình hăng say luôn mới. Người là con người tự do, có khả năng xông pha mạo hiểm.

Chúng ta có là những con người tự do không?

Chúng ta có là những con người tự do như Chúa Giêsu không? Mặc dầu vẫn phải tôn trọng quá khứ, chúng ta có được khả năng sống luôn hướng về tương lai không? Dù ở tuổi nào, ta vẫn có được óc sáng kiến, tinh thần sáng tạo chứ? Có những ngày nào, ta thấy thích thú đoạn tuyệt với nhưng lề thói cũ, sẵn sàng hướng về những phiêu lưu mới mẻ, sẵn sàng đương đầu với những thách đố mới không?

Nếu cuộc sống của ta chẳng bao giờ có được điều chi mới mẻ, nếu lòng tin của ta không hề thúc đẩy ta làm được việc gì mới lạ, nếu ta chỉ sống với những gì đã cũ kỹ, dã qua, đã được làm rồi, nếu cuộc đời thường ngày của ta, mỗi ngày chỉ là rập theo vết xe lăn cũ, thế thì chúng ta đã tự giam hãm mình vào những bầu rượu cũ và chúng ta đang sống xa, rất xa tinh thần Phúc âm rồi đấy.

Suy niệm 3: HÃY ĐỔI MỚI

Đã nhiều lần Đức Giêsu bị những người Pharisêu cho rằng Ngài không giữ Lề Luật của Môsê. Họ kết án Đức Giêsu là người vô kỷ luật. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã phủ nhận chuyện đó và Ngài đã khẳng định:“Tôi đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”. Thật vậy, Lề Luật Cựu Ước chỉ là một sự chuẩn bị cho Con Người và sứ vụ của Đức Giêsu đến mà thôi.

Nhưng nay, thời đã điểm và Đức Giêsu đã đến, Ngài hiện diện như những gì các tiên tri đã tiên báo và Lề Luật của Môsê hướng tới. Vì thế, giờ đây, chính Ngài là nội dung của Luật, nên hãy sống với một tinh thần mới chứ không phải mong đợi nữa, vì Chàng Rể là Đức Giêsu đã đến.

Tinh thần mới ở đây chính là lòng bao dung, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu, từ bỏ con đường tội lỗi. Đổi mới bầu da cũ là bỏ đi nếp sống không còn phù hợp với Tin Mừng và thay vào đó là những cách sống mà Đức Giêsu đã vạch ra, đó là: “Mến Chúa và yêu người”. Thiên Chúa không thể đổ tràn ân sủng mới của Ngài vào trong một thân thể cũ với đầy những tội lỗi, những thù hằn, ghen ghét ...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức mình là người tội lỗi, để đáng được đón nhận tình yêu của Chúa, và để Chúa đổi mới chúng con. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy niệm

Người ta chất vấn Đức Giêsu về việc ăn chay, vì ăn chay là một trong những việc đạo đức căn bản (cùng với cầu nguyện và bố thí, được nêu trong bài Tin Mừng của Lễ Tro, Mt 6, 1-6.16-18), không chỉ trong Do thái giáo nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta. Dường như, đối với chúng ta, những Kitô hữu, trong thực tế ăn chay là một “chuyện nhỏ”, bởi vì chúng ta bị buộc ăn chay một năm có hai lần, thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh (Giáo Luật, điều 1252); dĩ nhiên, người ta có thể ăn chay vào những ngày khác, chẳng hạn theo truyền thống của Giáo Hội, vào thứ sáu hằng tuần và trong suốt Mùa Chay, nhưng Giáo Luật không bắt buộc.

Nhưng, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, việc ăn chay là một chuyện lớn, lớn đối với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu: họ ăn chay; và họ không chỉ giữ chay, nhưng còn quan tâm đến người khác có giữ chay không; họ quan tâm đến việc giữ chay của các môn đệ Đức Giêsu, và qua đó việc giữ chay của chính Đức Giêsu. Các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, và theo Tin Mừng Mác-cô, có thêm các môn đệ của người Pharisiêu nữa, đến hỏi Đức Giêsu:

Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, còn môn đệ của ông lại không ăn chay?

Và đối với Đức Giêsu, ăn chay cũng không hề là một chuyện nhỏ, bởi vì, với một câu hỏi thật ngắn, Ngài trả lời thật dài, với ba dụ ngôn liên tiếp: dụ ngôn tiệc cưới, trực tiếp liên quan đến câu hỏi, và hai dụ ngôn nữa, được biết đến nhiều hơn, mở rộng vấn đề ăn chay: dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”. Hai dụ ngôn này mời gọi chúng ta hiểu ra rằng, với Đức Ki-tô, từ nay không chỉ tương quan của chúng ta với lương thực, được diễn tả qua việc ăn chay, nhưng tương quan của chúng ta với mọi sự, phải xuất phát từ Đức Ki-tô, đặt nền trên Đức Ki-tô và hướng về Đức Ki-tô.

1. Mục đích của chay tịnh

Trong thực tế, việc ăn chay có thể có nhiều định hướng: hướng về bản thân, hay hướng về người khác, hoặc cả hai. Chẳng hạn, ăn chay là một cách khổ chế, một đàng vì sự “no đầy” thể xác dễ bị chi phối bởi những năng động lệch lạc, đàng khác, có những thứ lương thực có năng lực kích thích những tư tưởng, cảm xúc và hành vi xấu, nếu sử dụng không điều độ.

Trong Do thái giáo, người ta ăn chay để ăn năn và xin ơn tha thứ, hay để xin một ơn đặc biệt nào đó (2Sm 13, 16.22; Ge 2, 12-17). Người ta ăn chay còn để chuẩn bị thi hành một sứ mạng (Tl 20, 26; Cv 14, 23). Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia (Is 58, 1-9a), Đức Chúa mời gọi dân của Ngài phải sống hài hòa giữa việc ăn chay và cách sống của họ với tha nhân và nhất là với những người nghèo đói, những người đau khổ.

Ngày nay, người ta ăn chay còn để tiết kiệm tiền, dành cho việc bác ái. Ngoài ra, người ta ăn chay còn để chữa bệnh, gìn giữ sức khỏe hay bảo vệ môi trường!

 

2. Ăn chay là để tưởng nhớ Một Người

Như thế, việc ăn chay hoặc có định hướng qui về mình hay qui về người khác, hoặc là một việc đạo đức chỉ có dáng vẻ bề ngoài, như quan niệm của những người đến chất vấn Đức Giê-su: “Tại sao chúng tôi và những người Pharisiêu ăn chay, còn môn đệ của ông lại không ăn chay?”; và như chính Đức Giê-su đã cảnh báo: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16).

Trong khi đó, ăn chay tiên vàn có mục đích hướng về chính Thiên Chúa, hoặc để chuẩn bị mình để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 34, 28; Đn 9, 3), hoặc để diễn tả tương quan thuộc về Thiên Chúa (Lv 16, 29-31). Chính vì thế, Đức Giê-su không hủy bỏ việc ăn chay, nhưng Ngài “hoàn tất” ý nghĩa việc ăn chay, bằng cách hướng việc ăn chay đến chính ngôi vị của Ngài, bởi vì Ngài là hiện thân của chính Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su đã mang lại cho việc ăn chay một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Ăn chay, đối với Đức Giêsu, không phải là một việc bổn phận đạo đức, có tính ép buộc và thường hay qui về mình (hãm mình, đền tội, xin ơn…), nhưng là một hành vi hướng về “Một Người”, tưởng niệm “Một Người”, Người đó là “Chàng Rể bị đem đi”, là Đức Kitô chịu thương khó. Chúng ta ăn chay là để tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh vì lòng mến và hướng tới lòng mến Đức Ki-tô. Có thể nói, vì “Thương Một Người”[1] mà chúng ta ăn chay.

Nếu Đức Chúa, trong sách ngôn sứ Isaia, mời gọi dân hướng việc ăn chay đến tình thương đối với những người nghèo khó và đau khổ, thì Đức Giê-su, trong bài Tin Mừng, hướng việc ăn chay đến tình thương đối với chính Ngài. Không phải Ngài bỏ quên họ, nhưng chính khi chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta sẽ yêu mến những người nghèo khó và đau khổ, bởi vì Ngài đồng hóa mình với họ (Mt 25, 40). Như thế, vì lòng mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi không chỉ ăn chay theo luật định, nhưng còn có thể ăn chay bất cứ lúc nào, nhất là trong Mùa Chay, hay trong tuần tĩnh tâm. Tuy nhiên, Ngài đã Phục Sinh và hiện diện giữa chúng ta mọi ngày. Vì thế, chúng ta cũng ăn uống bình thường và đôi khi ăn tiệc nữa!

Và với hai dụ ngôn, dụ ngôn “vải và áo” và dụ ngôn “rượu và bình rượu”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng việc ăn uống, và ngang qua việc ăn uống là “mọi sự khác”, trong đó có chính sự sống của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, tới ngôi vị của Ngài, tới tình yêu Ngài dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Bởi vì, lương thực còn là biểu tượng của sự sống. Vì thế, chúng ta có thể hiểu, đời sống dâng hiến của chúng ta là một việc “Ăn Chay” lớn nhất, ngang qua nỗ lực sống ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và chúng ta ăn chay kiểu “lạ đời” này, vì lòng mến Đức Kitô và để sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài và cho Nước của Thiên Chúa.

3. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”

Như thế, việc ăn chay của chúng ta chỉ trở nên đích thật trong mức độ, đó là cách chúng ta diễn tả tương quan tình yêu của chúng ta đối với chính Chúa. Nhưng nếu Chúa hiện diện ngay trong “bánh” chúng ta dùng hằng ngày, thì việc ăn chay của chúng ta sẽ ra sao?

Thật là lệch lạc, khi coi lương thực như “dịp tội” phải kiêng bớt, thậm chí xa tránh. Bởi lẽ, lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (x. St 1-2; Đnl 8, 3): Chúa hiện diện nơi ơn huệ của Người, và khi hưởng dùng ơn huệ (nghĩa là nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng), cụ thể là ơn huệ lương thực hằng ngày, chúng ta được mời gọi nhận ra và đi vào tương quan biết ơn với Đấng ban ơn huệ:

Người ban lương thực (tiếng Do-thái: bánh) cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136, 25)

Và bánh ăn hằng ngày, vốn là ơn huệ của Thiên Chúa loan báo cho chúng ta Bánh Trường Sinh, Bánh ban sự sống đời đời là chính Đức Ki-tô, và Người là Ơn Huệ của mọi ơn huệ (Ga 4, 10 và Ga 6). Chính vì thế, Giáo Hội cho chúng ta đọc kinh Lạy Cha, trong đó có lời cầu: “xin cho chúng con lương thực hàng ngày”, trước khi đón nhận Mình Máu Thánh Đức Ki-tô

Vậy, ăn chay đích thật không chỉ là không ăn hay ăn ít đi một số lần hay một số ngày vì lòng mến Chúa; nhưng còn là mọi ngày, chúng ta được mời đón nhận lương thực như ơn huệ Thiên Chúa ban và chúng ta để cho ơn huệ lương thực hằng ngày hướng chúng ta đến Ơn Huệ Lương Thực hằng sống là chính Đức Ki-tô.

* * *

Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, Cha của chúng ta mỗi ngày, và nhất là trước bữa ăn: “Lạy Cha, xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”; và quả thực, ơn huệ lương thực đã có đó ngay trên bàn trước mắt chúng ta rồi. Vì thế, lời nguyện này về ngôn từ là lời cầu xin, nhưng về tâm tình, là lời tạ ơn và ca tụng. Và bởi vì lương thực hằng ngày là ơn ban, nên sự sống của chúng ta, ở mức độ căn bản nhất là đến từ Chúa và là của Chúa.

Và điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là một lời nguyện phát xuất từ con tim biết ơn và dâng hiến: “Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”, trong tâm tình ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô Thánh Thể.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

 

 

[1] “Thương Một Người”, tựa đề bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Từ khóa:

người ta

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận