Thứ Hai tuần 12 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 20/06/2016 03:03 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Hai tuần 12 thường niên.

“Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

 

Lời Chúa: Mt 7, 1-5

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Một phương thế tốt để tự biết mình

Khi Chúa Giêsu bảo đừng xét đoán đó là một lệnh truyền khắt khe, có nghĩa: đừng bao giờ xét đoán không tốt cho kẻ khác, đừng kết án ai. Sự xét đoán này là công việc của một mình Thiên Chúa. Không ai được thay thế cho Thiên Chúa. Hơn nữa mỗi người phải xác tín rằng mình không được quyền lưu ý kẻ khác về tội của họ, vì ai nấy đều là kẻ có tội.

Chúng ta hãy đưa ra đây một nhận xét của khoa tâm lý cổ điển để làm sáng tỏ câu: người ta sẽ đong cho các ngươi đấu nào mà các ngươi đã đong cho họ. Lời nói này của Chúa vượt quá sự khôn ngoan của các giáo sĩ Do thái thời Ngài; chính họ cũng đã nói những điều tương tự. Người ta thấy trên kia lệnh truyền đặc biệt của Chúa là không được ‘đong đấu’ nào cả. Nhưng ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: kẻ khác sẽ ‘đong đấu’ cho chúng ta, xét đoán chúng ta về tật xấu này nọ mà chúng ta có, và họ xem thấy nhưng chúng ta lại là những người duy nhất không trông thấy. Thật vậy, đặc tính của khuynh hướng xét đoán kẻ khác là làm cho con người hóa ra mù quáng về mình. Người ta biết rằng: tật xấu nào ta ghét nơi kẻ khác, tật xấu đó đáng ghét, vì người ta cũng có nơi mình. Kẻ xét đoán không ý thức rằng người khác cũng sẽ xét đoán lại họ căn cứ trên việc xét đoán họ làm. Người khác thấy điều mà chính họ không thấy. Người ta cũng có thể lật ngược lời của Chúa và quả quyết như sau: hãy tự xét đoán mình theo cách thức mình xét đoán kẻ khác.

Việc cấm xét đoán kẻ khác và việc kêu mời hãy tự xét mình, hãy lấy cái xà nơi mắt mình, quả là chính yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Tại sao? Bởi vì khi ta xét đoán ai, ta tự tách lìa khỏi họ. Và tất cả chiều hướng của Phúc Âm là dẫn đến việc hợp nhất và thông hiệp. Hơn nữa, xét đoán là tự cướp đoạt cho mình cái thuộc về Chúa, điều này không chính trực.

Có những trường hợp người ta bị bó buộc phải phê phán về một người nào. Đó là vấn đề khác. Dầu sao đi nữa, sự phê phán này phải được lồng trong sự kính trọng và tình yêu.

Tôi có nghĩ tới cách tìm hiểu mình, căn cứ vào cái mà tôi chán ghét nơi kẻ khác không?

 

SUY NIỆM 2: Ðừng xét đoán

Augustin Goden trong khi còn là sinh viên trường nghệ thuật ở Paris đã nổi tiếng về tài điêu khắc. Có một người đàn bà giàu, nhưng chẳng biết gì về nghệ thuật đến nhờ Goden thiết kế một bức tượng để đặt ở giữa vườn nhà bà. Người đàn bà đến xem bức tượng nhằm lúc ông đang tiếp khách. Sau khi người đàn bà ra về, nhóm bạn hữu ra xưởng vẽ thấy Goden đang nhảy múa cuồng loạn trước bức tượng. Ðược hỏi tại sao, Goden trả lời: "Bởi vì người đàn bà không đồng ý về bức tượng, nên tôi vui mừng, vì biết rằng tác phẩm của tôi có giá trị".

Mỗi lần chấm thi một bộ môn nào đó, người ta thường mời những người chuyên môn về bộ môn ấy cho biết nhận xét. Phải biết rõ vấn đề, con người mới hy vọng có được nhận xét xác đáng, nếu không chỉ là những lời bâng quơ, thiên lệch. Chúa Giêsu đã không muốn những kẻ theo Ngài vấp phải sai lầm này. Tự bản thân, con người chưa hiểu được mình, vì con người có phần tinh thần ẩn khuất đằng sau thể xác. Những gì được phô diễn bên ngoài mới chỉ là hình thức. Không thiếu những trường hợp cái hình thức bên ngoài được dựng nên để che dấu cái sự thật bên trong, hoặc những tín hiệu gửi đi chỉ được đón nhận một cách sai lạc, do thành kiến và ác ý.

Bởi thế, con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Zakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải; Mađalêna dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.

Ước chi lời cầu nguyện của thánh Augustinô: "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con" cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa; biết mình để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử các đại lượng với chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Cái xà và cọng rác

“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong măt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không để ý tới?” (Mt. 7, 1-3)

Không có những tiêu chuẩn

Chúa phán: “Đừng xét đoán”. Câu nói vắn gọn và rõ ràng. Câu nói có tính truyền lệnh. Câu nói không dành phần cho một tranh cãi nào hết. Ta không được xét đoán tha nhân về mặt luân lý. Định đọat ai tốt ai xấu không phải là việc của ta. Chuyện đó không liên hệ tới ta.

Lý do để biện minh rất đơn giản. Chúng ta không có được những tiêu chuẩn lẽ rá phải có để xét đoán. Chúng ta chỉ có những tiêu chuẩn yếu kém và ở mức thấp. Chỉ vì khi nói rằng: “Người này xấu. Điều anh đã làm là xấu”, ta chỉ có thể nói được cái bề ngoài mà thôi. Xét cho cùng, ta không biết rõ thật sự. Ta không thể nhìn thấy từ bên trong, nơi nội tâm con người. Ta không thể biết tại sao người ấy làm điều xấu; người ấy có làm điều xấu thật sự hay không, ta cũng chẳng biết được. Trước hết phải khẳng định rằng sự xấu tiềm ẩn trong lòng người. Và tim người ta rung động phập phồng điều gì, ta đâu có biết được. Chỉ mình Thiên Chúa biết được mà thôi. Thế nên chỉ mình Chúa mới có quyền xét đoán. Còn chúng ta thì không.

Trước khi xét đoán

Mặc dầu Chúa bảo ta “Đừng xét đoán”, Chúa biết rõ ta vẫn cứ xét đoán. Ta hay xét đoán người khác. Điều xấu có ở nơi người khác như cái gai đâm thẳng vào mắt ta và kích thích ta. Thế nên Chúa nói thêm: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

Ta chẳng mấy tin vào chuyện cái xà ở trong mắt ta và cái rác ở trong mắt người anh em. Mà ta lại tin điều ngược lại. Ta đâu đến nỗi xấu như vậy. Không kể một vài điều ngoại lệ, người khác vốn xấu hơn ta. Đúng là ta thường có suy nghĩ như vậy đó.

Chúa Giêsu nghĩ gì về điều ta suy nghĩ ấy? Người chỉ đơn giản nghĩ rằng cách ta suy nghĩ như vậy là dấu chứng tỏ rõ ràng rằng chính trong mắt ta đang có cái xà đấy.
 

1. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự xét đoán:

Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác.

- "Các con đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán". (Mt 7,1)

- "Các con xét đoán thế nào thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy". (Mt 7,2)

Tại sao tôi thích xét đoán người khác?

- Lý do "có vẻ chính đáng" là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.

- Nhưng ngoài lý do "có vẻ chính đáng" ấy ra, còn lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra: Đó là cái tính ác nằm sẵn trong người tôi, làm cho tôi thích "hạ" kẻ khác và cảm thấy sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị "hạ";

Một hôm, Satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương cực kỳ kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nào nhìn vào tấm gương cũng trở thành xấu xí, ghê tợn. Satan nghĩ, có thể đưa tấm gương lên Thiên Đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần. Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú hơn khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Càng bay tới gần Thiên Đàng thì khuôn mặt của hắn càng xấu xa thê thảm. Và cứ như thế, chưa tới cửa Thiên Đàng mà hắn đã không còn chịu được cái vẻ thô bạo xấu xí của hắn. Thế rồi, tay hắn run lên lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ ra từng mảnh, nát ra như những hạt cát và tung bay tràn lan trên khắp mặt địa cầu. Từ đó trở đi, hễ hạt cát nhỏ đó bám vào được mắt ai thì cứ nằm lỳ mãi ở đó, khiến người ấy chỉ còn thấy toàn là những cái xấu trên thế gian này mà không thấy được điều gì tốt đẹp khác. Đại họa cho con người khởi đầu từ đó.

Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người. Tổ tiên chúng ta thường nói: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Như vậy, mọi cái xấu, cái ác đều là do ma quỷ mà ra. Bởi vậy, chúng ta hãy coi chừng!

Đức Giám Mục Fulton Sheen nói: "Tôi thường xét đoán người khác về khuyết điểm gì, thì đó là dấu chính tôi có khuyết điểm đó."

2. Thay vì xét đoán người khác, mỗi người hãy tự lo xét đoán chính mình: "Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt ngươi. Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã" (Mt 7,3).

Chúa bảo, trước khi xét đoán thì hãy tự xét mình trước đã: Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã. Hãy tự phê trước rồi sau đó mới phê sau. Tốt hơn là đừng xét đoán.

Trong kho tàng truyện các thánh tu hành, có câu chuyện rất hay của ẩn sĩ Macariô. Ngài qua đời năm 300 ở Ai Cập.

Macariô sống ẩn dật 30 năm trong phòng mình. Suốt trong thời gian đó, có một vị linh mục vẫn đến cử hành thánh lễ trong phòng của ngài. Để cám dỗ và quấy rầy vị tu hành này, ma quỷ xúi giục một người kia đến gặp vị ẩn sĩ Macariô và nói:

- Vị linh mục đến làm lễ mỗi ngày đó chính là một kẻ tội lỗi vì thế không nên cho ông ấy cử hành thánh lễ nữa.

Ẩn sĩ Macariô đáp lại:

- Hỡi con, Kinh Thánh dạy rằng: "Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Nếu linh mục ấy là người tội lỗi, thì Chúa sẽ tha thứ cho cha ấy".

Sau khi nói như vậy, ẩn sĩ Macariô bắt đầu cầu nguyện và đã giải thoát cho người kia khỏi bị quỷ ám.

Khi vị linh mục đến làm lễ, cha ấy vẫn được tiếp đón vui vẻ như thường. Và Thiên Chúa thấy lòng nhân hậu của ẩn sĩ Macariô nên muốn khích lệ ngài bằng một dấu hiệu. Khi vị linh mục tiến lên bàn thờ, thì Macariô thấy một thiên thần từ trời xuống và đặt tay lên đầu vị linh mục và vị này biến thành một cột lửa trước lễ vật thánh.

Trong khi ẩn sĩ Macariô còn ngây ngất trước thị kiến này, thì ngài nghe có tiếng nói:

- Hỡi con người, tại sao ngươi lại ngạc nhiên ngỡ ngàng. Nếu một vua chúa trên trần gian này còn không cho phép thần dân mình xuất hiện trước mặt mình với quần áo nhơ bẩn, thì làm sao quyền năng của Thiên Chúa lại chấp nhận cho người cử hành Mầu Nhiệm Thánh mà ô uế trước vinh quang trời cao. Ngươi đáng được chứng kiến sự kiện này vì ngươi đã không chỉ trích vị linh mục.

Viện phụ Pineng, trong truyện các thánh tu hành, cũng đã trả lời cho một đan sĩ hỏi ngài xem có cần phải che tội cho người anh em mình không? Ngài đáp:

- Chính trong lúc chúng ta che tội cho người anh em chúng ta, thì Chúa cũng che tội cho chúng ta như vậy.

 

Mẹ Têrêsa bảo: "Đức Giêsu khuyến khích ta đừng xét đoán ai. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể nào yêu họ được."

Từ khóa:

môn đệ, thể nào

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận