Thứ ba tuần 13 thường niên

Đăng lúc: Thứ ba - 28/06/2016 01:14 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ ba tuần 13 thường niên – Thánh Irênê, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ".

 

Chào đời khoảng năm 130, lớn lên học ở Miếc-na, Irênê trở thành môn đệ của thánh Pô-ly-cáp, giám mục thành này. Năm 177, người chịu chức linh mục tại Ly-ông (Pháp). Sau đó một thời gian ngắn, người làm giám mục giáo phận này. Trong nhiệm vụ mục tử, người lo loan báo Tin Mừng cho các dân xứ Gô-lơ, nhưng người cũng lo bảo vệ đức tin tinh tuyền, chống lại những sai lầm của phái ngộ đạo. Các tác phẩm của người cho ta có được cái nhìn sâu sắc về kế hoạch của Thiên Chúa, về ơn gọi của con người và mầu nhiệm Hội Thánh. Người lãnh nhận triều thiên tử đạo khoảng năm 200.

 

Lời Chúa: Mt 8, 23-27

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"

 

 

Suy Niệm 1: Xin cứu chúng con

Ông John Newton sống nghề buôn bán các nô lệ. Trong lần vượt đại dương, thuyền của ông gặp bão lớn gần chìm; lúc đó, vì quá lo sợ, ông đã thốt lên: "Lạy Chúa, xin cứu con; qua được cơn nguy hiểm này, con sẽ từ bỏ nghề buôn bán vô nhân đạo này và sẽ làm nô lệ Chúa". Và rồi, khi thuyền ông cập bến Mỹ Châu sau đó, ông đã từ bỏ mọi sự, trở thành nhà rao giảng Tin Mừng nổi tiếng.

Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Ðiều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xẩy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa. Cơn bão xẩy ra đã làm cho các Tông Ðồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa. "Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất". Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các Tông Ðồ được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.

Tôi đã có thái độ nào khi gặp những cơn bão tố trong cuộc đời? Những cơn bão tố đó làm cho tôi gặp Chúa hay xa rời Ngài?

Ước gì chúng ta cũng có thái độ như các Tông Ðồ xưa: "Lạy Thầy, xin cứu chúng con". Xin Chúa mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức rằng chúng ta cần đến Chúa hơn cơm bánh hằng ngày, hơn không khí để thở. Chúa là sức mạnh, là khiên thuẫn chở che, xin Ngài gìn giữ chúng ta luôn vững mạnh trong đức tin giữa những cơn thử thách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Một Hội Thánh trong cơn biến động

Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động rất mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất.” (Mt. 8, 23-25)

Hai con thuyền

Con thuyền của các môn đệ bị sóng ập vào làm ta tự nhiên nghĩ đến Hội thánh mà người ta thường ví như một con thuyền. Ta có thể đẩy so sánh đi xa hơn một chút và nghĩ rằng Hội thánh của thời đại ta đang bị chìm gióng như con thuyền của các tông đồ xưa.

Có một số người thực sự nghĩ như vậy và họ có lý. Họ nói: Hội thánh từ mấy thập niên nay đã mất đi nhiều tín đồ. Thậm chí cả những vị chủ chăn cũng đã ít nhiều quay lưng lại với Hội thánh. Hội thánh vẫn tiếp tục lên tiếng nơi diễn đàn công cộng, nhưng người ta ít nghe Hội thánh rồi. Các khuynh hướng bộc lộ trong các cộng đoàn Kitô hữu dẫn đến những cuộc tranh chấp gay go: phe bảo thủ chống lại phe cấp tiến, phe tiên phong kình với phái ôn hòa. Người ta dám nói có thể có phe ly khai.

Như vậy ta phải nghĩ gì về Hội thánh hôm nay? Có thể mường tượng một tương lai thế nào cho Hội thánh?

Tin mà không ngây ngô

Phản ứng của người có lòng tin sẽ phải dựa vào lời Chúa Giêsu để được soi sáng: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin?” Đó mới thực sự là phản ứng của những người có niềm tin lạc quan. Họ dám chắc rằng Hội thánh sẽ qua khỏi cơn khủng hoảng, sẽ tìm lại được luồng khí mới, và một sức năng động mới. Họ đã nhìn thấy những dấu chỉ của hồi sinh là sự trở về với cầu nguyện, lòng xác tín sâu xa của những người mới tin, v.v.

Chúng ta có lý do để lạc quan. Chúa Giêsu sẽ không bao giờ ngủ, dù rằng bề ngoài người ta tưởng như Người ngủ. Người vẫn ở bên Hội thánh của Người. Chắc chắn Người sẽ làm cho Hội thánh sống lại như chính Người đã sống lại vậy. Nhưng lòng tin của ta không được tự mãn và ngây ngô. Đức Kitô nhờ ta mà hành động. Người cậy dựa vào ta để làm cho Hội thánh trở nên đúng như hình ảnh thực của mình. Ta đừng quá hy vọng vào phép lạ, khi khoanh tay ngồi chờ đợi tất cả từ trên cao.

Suy niệm 3: “THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ”

Trước cảnh bão táp dữ dội, sóng cuồn cuộn dâng, hẳn ai là người không sợ? Nhất là lúc đó, chúng ta lại là người đang ở tâm điểm của thiên tai!

Hôm nay, các môn đệ cũng trải qua cơn cuồng phong, biến động mạnh của biển, khiến sóng lớn và nước ập vào thuyền, vì thế các ông lo sợ, hoảng loạn, nên đã tìm hết cách để chống  trả với thiên tai và hy vọng con thuyền gặp được an toàn.

Hình ảnh con thuyền chuyên chở Đức Giêsu và các môn đệ hôm nay chính là hình ảnh của Giáo Hội và mỗi chúng ta trên hành trình dương thế. Có những lúc Giáo Hội gặp phải những khó khăn, thử thách, hay cuộc đời của chúng ta lắm khi gặp phải sự bất an, thất bại, chán trường ...

Thật vậy, những trận cuồng phong thiên hình vạn trạng từ bên ngoài với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, những tai nạn, bệnh tật ập đến, tiền tài tiêu tan theo mây khói, bị ức hiếp tột cùng, bị quá thiệt thòi vì những đổi trắng thay đen của lòng người; hay từ bên trong bản thân do những xung đột giữa thiện và ác, giữa bao dung và kết án, giữa tha thứ và hận thù, tất cả đã làm cho không biết bao người phải lung lay đức tin và hoang mang...

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng vào Ngài, vì: bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, Chúa vẫn còn đó trên chiếc thuyền của Giáo Hội và trong cuộc đời của chúng ta. Vì thế, không gì và không có cách nào, dù quyền lực của thế gian, của sự ác, bất công và ma quỷ cũng không phá đổ nổi Giáo Hội của Chúa. Đi theo và trở thành môn đệ thì phải hiểu được quy luật căn bản, tất yếu của hành trình đức tin là: qua đau khổ rồi mới đến vinh quang; qua cái chết rồi mới được phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cậy trông nơi Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình, dù gặp phải bão táp phong ba. Những lúc như thế, xin Chúa soi sáng cho chúng con biết thưa với Chúa như các môn đệ khi xưa: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con!". Amen.  

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

 SUY NIỆM

1. Cuồng phong và giấc ngủ

Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó, Đức Giê-su vẫn ngủ! Trước hết, chúng ta hãy nhận ra những điều tương phản gần như tuyệt đối trong hoàn cảnh này :

– Một bên là gió rít sóng gào, một bên là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Đức Giê-su đang ngủ vô tư như em bé. Chúng ta so sánh với em bé, vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế.

– Một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin. Một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hoàn toàn phó thác của Đức Giê-su.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô, còn có một chi tiết rất có ý nghĩa: Đức Giê-su ngủ ở đàng lái (x. Mc 4, 38). Như thế, ở giữa sức mạnh của phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.

Biến cố này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su; thực vậy, trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng bạo lực của sự dữ, chiến thắng tội lỗi và sự chết, không phải bằng bạo lực lớn hơn, bằng kết án hay tránh né, nhưng bằng sự hiền lành tuyệt đối.

2. Lòng tin nơi Đức Giê-su

Chính vì thế, Đức Giê-su trách các môn đệ: “Những người ít lòng tin, tại sao lại sợ?” Điều Đức Giê-su muốn, đó là các môn đệ không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy; với sự hiện diện của Đức Giê-su, đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”:

– Cứ để biển động như thế.
– Cứ để gió gào như thế.
– Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.
– Và cứ để Người ngủ như thế.

Bởi vì chính Người đã lên thuyền và các ông cùng đi với Người. Nhưng nếu các ông cứ để yên mọi sự như thế, thì chuyện gì xẩy ra? Chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra hậu quả: có lẽ Thầy trò sẽ chết hết! Bởi lẽ:

– Biển sẽ động và đi đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.
– Gió sẽ gào thét và sẽ thét gào đến hết hơi của nó.
– Sóng sẽ chồm lên và sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó, là nuốt trửng tất cả.
– Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên!

Nhưng ở đây thì chưa, trong tai họa thiên nhiên này, Người đã không để cho mình và các môn đệ bị vùi dập bởi sóng gió của biển cả, vì chưa đến giờ của Người, và đây không phải là cách “Người sẽ phải chết theo lời Kinh Thánh”.

Thực vậy, “Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.” Chúng ta hãy cảm nếm sức mạnh của Lời Chúa, vì đó là sức mạnh của lời sáng tạo : Lời Chúa làm cho hư vô chuyển thành hiện hữu ; hỗn mang trở thành trật tự ; kêu gào trở nên yên lặng. Chúng ta hãy lắng nghe lời trách của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin”. Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy ? Vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, Chúa thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió.

Các môn đệ vừa nãy sợ sóng gió và sợ chết ; bây giờ lại tiếp tục kinh ngạc trước căn tính thật sự của Đức Giê-su. Người dẹp yên sóng gió bên ngoài rồi ; nhưng sóng gió nội tâm vẫn còn. Tương tự như khi các ông hoảng sợ và tưởng là ma khi thấy Đức Ki-tô phục sinh từ cõi chết. Thực vậy, theo lời kể của thánh Mác-cô: Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Như thế, căn tính thần linh của Đức Giê-su được tỏ bày bởi sức mạnh của Lời Sáng Tạo: đó là Lời chế ngự và khuất phục hỗn mang, Lời ban sự sống và duy trì sự sống, Lời Hằng Sống mạnh hơn sự chết. Như các môn đệ, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết căn tính của Chúa, dù ngài đồng thuyền với ta. Vì như thánh Phao-lô nói : “Mọi được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài.”

3. Mầu nhiệm Vượt Qua

Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa sẽ “ngủ” ở giữa gió rít sóng gào: một bên là bạo lực tuyệt đối ; một bên là hiền lành tuyệt đối. Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi Ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tố của thử thách, như Đức Giê-su.

Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua. Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác của bé thơ, như Đức Giê-su, nơi vòng tay yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Cha.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận