Thứ Năm tuần 25 thường niên

Đăng lúc: Thứ năm - 27/09/2018 01:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Năm tuần 25 thường niên – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

“Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.

 

Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.

 

Lời Chúa: Lc 9, 7-9

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.

 

 

SUY NIỆM 1: Dấu hỏi cho người khác

Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế", Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.

Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.

"Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời.

Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.

Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Kinh nghiệm của vua Hêrôđê

Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là ai? Dựa theo vài chi tiết trong Phúc Âm, chúng ta có thể nói ông là một con người dám làm điều nghịch lại với lương tâm mình vì say mê quyền hành và danh vọng. Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội. Khuyết điểm khác nữa cũng của vua Hêrôđê là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, ông muốn trấn an lương tâm và thuyết phục mình rằng không có gì sai quấy trong việc đã làm. Ông đã giết chết Gioan Tẩy Giả, nhưng khi ông thấy Chúa Giêsu Kitô thì ông tự nhủ là Gioan đã sống lại và như thế thì mình không có lỗi gì và rằng điều xấu ông đã làm đã được đền bù. Vua Hêrôđê đã hành động nghịch lại lương tâm và tệ hại nhất là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.

Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm điều đó, vì chúng ta sợ kẻ khác sẽ nói; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm, bởi vì chúng ta yêu thích những niềm vui nhục dục hơn mọi sự khác; chúng ta biết rõ điều gì nên làm, lương tâm chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta nên sống liêm chính, nhưng chúng ta vẫn gian lận với nhau và lường gạt những kẻ thân yêu nhất, bởi vì rất dễ làm như vậy. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò mọi sự vẫn như bình thường. Sau khi hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy tội ác, dường như thể không có gì xảy ra cả.

Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta là việc chối bỏ điều tội trong chúng ta. Chúng ta hãy trở về lại nơi chúng ta cần phải làm, trở về lại với bản tính tự nhiên của mình. Có lúc vua Hêrôđê khao khát muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta không biết đây là vì tò mò hay là vì tiếng lương tâm thúc đẩy, vì trong nội tâm còn có chút khao khát muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng khao khát của vua Hêrôđê có lẽ còn quá yếu ớt và có thể là vì những điều trần tục và những sự đam mê không được phép bóp chết đi.

Chúa Giêsu đã cho vua Hêrôđê được dịp gặp Ngài trong cuộc thương khó và chúng ta biết rõ vua Hêrôđê đã bỏ qua tất cả cơ hội để sống với thực thể thật của Chúa Giêsu, đã bỏ mất cơ hội canh tân đời sống mình. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của và từ vua Hêrôđê, ông đã hành động nghịch lại lương tâm và đã che giấu tội ác của mình.

Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Đức Giêsu gây nhiều câu hỏi

“Ông Gio-an ta đây đã chém đầu rồi! Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”Rồi vua tìm cách thấy mặt Đức Giêsu. (Lc. 9, 9)

Không phải quá khứ mới đặt câu hỏi về Người. Ngày nay vẫn còn nhiều câu hỏi lúng túng hơn xưa về Đức Giêsu. Lúc còn sinh thời, Người đã có vấn đề. Ông hoàng Hê-rô-đê xứ Galilê nghe tất cả những điều Người nói và làm. Ngay ở một thời, cả khối trung đông không cóvấn đề gì lớn,thế mà ông đã có những thông tín viên săn lùng tin tức cho ông. Tiếng tăm về Đức Kitô lan ra hầu khắp nơi. Những ý kiến về Người: tốt có, xấu có được loan truyền rộng rãi như trong thế giới chúng ta hiện nay.

Phải chọn lựa thế nào? làm sao biết được chính xác về nhân vật kỳ lạ nay?

Những người này coi Người là Gio-an Tẩy Giả đã sống lại. Những người khác cho là Ê-li-a tái xuất hiện. Nhiều kẻ nói: đây là một trong những tiên tri thời xưa sống lại. Họ đã có ý kiến khác xa nhau về cùng một vấn đề, quần chúng dễ tin và hầu như lúc nào cũng thèm khát những điều lạ lùng dễ cảm động. Đức Kitô, qua sứ điệp và cử chỉ cư xử của mình, đã nuôi nấng cái lòng ham thích lẫn lộn của những hạng người nhỏ bé chỉ biết hướng về cái trước mắt và tầm thường.

Hê-rô-đê bối rối về những tin đồn về Đức Giêsu, vì ông không bao giờ có lương tâm yên ổn. Ông không thể quên Gio-an đã bị ông ra lệnh chém đầu. Ông luôn tự vấn, nếu chém đầu một người vô tội và thánh thiện, sẽ bị công lý trừng phạt. Ông cũng muốn gặp Đức Giêsu. Ông mong có ngày sẽ gặp Người, nhưng như với Gio-an, ông sẽ bỏ qua một bên ơn phúc được ban cho ông.

Những người của thế kỷ chúng ta vẫn tiếp tục tra hỏi về Đức Kitô. Những người này khám phá thấy Người là con Thiên Chúa và con Đức Maria. Những người khác chẳng bao giờ đi đến cùng sự thật về căn tính của Người.

Bất hạnh thay! Tại sao thế? vì lý lẽ của họ giống như của Hê-rô-đê, không có lòng khiêm tốn cần thiết để chấp nhận những điều khó hiểu của đức tin và họ không có tinh thần từ bỏ mà đức tin yêu cầu. Sự thật về Đức Kitô, theo Tin Mừng của Người là một thách đố phiền phức. Chỉ có những người có tinh thần nghèo khó mới có thể được nâng lên tới đỉnh vinh quang.

GF

 

SUY NIỆM 4: XIN CHO LƯƠNG TÂM ĐƯỢC LÊN TIẾNG (Lc 9, 7-9)

Xem thêm thứ Bảy tuần 17 TN

Tin Mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy Giả đã chết mà nay sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy Giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.

Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh vua Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội của chúng ta, nhất là những người làm lớn.

Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến cảnh vì lợi ích của một người hay một nhóm người, mà gây nên biết bao oan sai, thất đức cho những người chân yếu tay mềm! Lại cũng vẫn còn đó những người chỉ vì miếng cơm manh áo mà chối bỏ lương tâm và thi hành những điều bất chính. Hay vì những thú vui xác thịt, chóng tàn, mau qua và đi đến chuyện giết người dã man, ghê rợn.

Thật vậy, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng vẫn và sẽ tồn tại trong xã hội của chúng ta, nếu chúng ta không can đảm để tra tay cắt đi khối “ung nhọt” ghê tởm đó ra khỏi lương tâm, và không tìm cách để chữa trị bằng đời sống đạo đức, tôn trọng lẽ phải, công bằng và thực thi bác ái...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức được con người của mình là yếu đuối, bất toàn, nên cần phải hồi tâm để kịp thời trở về với bản chất: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Không được vô cảm và phủi tay, hay gán ghép điều xấu cho người khác, để mình vô tội, rồi vô tư đến nỗi: “Bình chân như vại” như không có chuyện gì xảy ra!

Nếu chúng ta rơi vào tình trạng trên, hẳn chúng ta là một hạng người đê hèn và đáng trách, nhu nhược và đáng bị nguyền rủa. Cũng cần cảnh giác quan niệm chân lý thuộc về số nhiều mà chúng ta dễ bị “hiệu ứng đám đông” chi phối, làm cho chúng ta bị mập mờ không biết đâu là đúng, là sai, nhắm mắt đi theo những lời lẽ ngon ngọt của những kẻ nịnh bợ, rồi như một sự phát sinh tất yếu, chúng ta hành động chẳng khác gì những kẻ ác tâm, thất đức.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những con người tốt và biết thi hành điều tốt cho anh chị em chúng con. Xin Chúa cũng tha thứ tội lỗi cho chúng con và ban cho chúng con ơn sám hối để trở về với Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Ông này là ai?

Suy niệm :

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,

qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.

Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).

Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),

vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).

Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.

Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).

Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.

Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.

Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.

Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng

sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).

Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.

Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,

người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).

Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).

“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”

Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.

Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.

Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).

Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).

Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.

Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.

Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,

nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.

Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.

Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.

Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.

Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.

“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.

Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.

Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.

Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).

Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.

Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.

Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:

tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.

Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,

qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.

Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,

để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.

Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,

nhưng vẫn không biết Ngài là ai.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khóa lên

để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

 

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật ngắn, nhưng lại đặt ra những vấn đề lớn liên quan đến căn tính của Đức Ki-tô, đến tương quan thiết thân của mỗi chúng ta với Đức Ki-tô và đến con đường Đức Ki-tô sẽ đi.

1. Đức Giê-su là ai?

Trước hết đó là câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » Câu hỏi này được đặt ra cho tiểu vương Hê-rô-đê, vì, như bài Tin Mừng kể lại, chính ông đã nói : « Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? » Hiển nhiên, câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » đối với vua Hê-rô-đê có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì ông đã chém đâu Gio-an và nay có người lại nói Đức Giê-su là Gio-an từ cõi chết trỗi dậy. Ông đã làm điều dữ, và điều dữ tất yếu sẽ chi phối tâm hồn và cái nhìn của ông.

Nhưng nếu chúng ta đặt vấn đề của vua Hê-rô-đê trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi người mỗi cách, không ai có thể tránh né câu hỏi này : «  là ai đối với tôi ? » Câu hỏi này đã được đặt ra cho vua Hê-rô-đê, cho những người đương thời của Đức Giê-su, như bài Tin Mừng thuật lại, cho chính các môn đệ, vì trong bài Tin Mừng ngày mai, chính Đức Giê-su sẽ hỏi các môn đệ đang đi theo Ngài : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »

Và hôm nay, câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » cũng phải đặt ra cho chúng ta ; chúng ta cũng hãy để cho mình « phân vân » về « tất cả những gì đã xẩy ra » : « tất cả những gì đã xẩy ra » cho Đức Giê-su, và cả « tất cả những gì đã xẩy ra » trong cuộc đời của chúng ta nữa. Chúng ta hãy tự hỏi : Đức Giê-su là ai đối với tôi ? Ngài là ai trong cuộc đời của tôi, trong ngày sống của tôi ? Và chúng ta hãy có lòng khát khao « tìm gặp » Ngài.

2. Tìm gặp Đức Giê-su

Như bài Tin Mừng thuật lại, vua Hê-rô-đê phân vân về căn tính của Đức Giê-su và tìm cách để gặp Ngài. Và ý muốn này được tỏ lộ ra ở đây là để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và nhà vua, nhưng trong một tình cảnh rất đặc biệt, đó là cuộc Thương Khó: ông là quan tòa, còn Đức Giê-su là bị cáo (Lc 23, 8-12). Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi, vì trong sự thật, chính ông bị phán xét bởi Ánh Sáng, bởi Chân lí và bởi Sự Sống là chính Đức Ki-tô.
Và quả thực, Hê-rô-đê sẽ rất vui mừng khi thấy Đức Giê-su, được giải tới từ dinh tổng trấn Philatô. Ông muốn thấy Ngài làm vài phép lạ. Như thế, điều ông quan tâm là thấy các phép lạ, chứ không phải là chính ngôi vị của Đức Giê-su, không phải là ơn tha thứ, ý nghĩa cuộc sống, sự sống và niềm vui mà sẽ mang lại cho ông. Ngày nay vẫn còn những người như thế, đến với Chúa hay các thần linh chỉ vì muốn có các phép lạ, đáp ứng nhu cầu của mình. Nhưng Hê-rô-đê, những người đương thời và chính các môn đệ, cũng như loài người chúng ta hôm nay chỉ thấy được một Đức Giê-su sống đến cùng thân phận của một Ngôn Sứ. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.

3. Mầu nhiệm Vượt Qua

Như thế, con đường Đức Giê-su phải đi, đã được loan báo ở đây rồi, bởi vì căn tính của Đức Giê-su gắn liền với con đường Thập Giá, và vì chính trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh của Đức Ki-tô, mà căn tính của Ngài trở nên rạng ngời nhất.
Thực vậy, bài Tin Mừng tuy ngắn nhưng tràn ngập tràn ngập ngôn từ của mầu nhiệm Vượt Qua: Gioan đã bị chém đầu; Gioan sống lại từ những kẻ chết; Elia xuất hiện; một ngôn sứ sống lại. Đức Giê-su cũng sẽ chết và sống lại, nhưng theo một cách thức duy nhất, bởi vì đó là « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa, và vì đó là sự sống hoàn toàn mới của Thiên Chúa.

*  *  *

Qua ba điểm trên, dường như bài Tin Mừng đã phác họa ra hành trình của người môn đệ đi theo Đức Giê-su rồi :

– Trước hết, học biết « tất cả những gì đã xẩy ra » liên quan đến Đức Giê-su.

– Sau đó, tự hỏi : « Đức Giê-su là ai đối với tôi ? » Hay đúng hơn, chúng ta phải để cho chính Đức Giê-su hỏi chúng ta một cách sống động và đích thân, vì Ngài vẫn đang sống động trong cuộc đời và ngày sống của chúng ta: « Còn con, con nói Thầy là ai ? »

– Và cuối cùng, chúng ta được mời gọi đi theo Ngài, không phải trên con đường chúng ta tự ý vạch ra, nhưng trên « Con Đường Thập Giá », nghĩa là con đường của hạt lúa mì, mà chính Người đã đi qua một cách trọn vẹn và hoàn hảo trong tâm tình tạ ơn và tín thác.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Thursday (September 27): Suppressing truth to ease a guilty conscience

Scripture:  Luke 9:7-9

7 Now Herod the tetrarch heard of all that was done, and he was perplexed, because it was said by some that John had been raised from the dead, 8 by some that Elijah had appeared, and by others that one of the old prophets had risen. 9 Herod said, “John I beheaded; but who is this about whom I hear such things?” And he sought to see him.

Thứ Năm     27-9           Che lấp sự thật để lương tâm tội lỗi được thanh thản

 

Lc 9,7-9

7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.”8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! ” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? ” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Meditation: Who do you most admire and want to be like? People with power, influence, fame, or wealth? Scripture warns us of such danger (see Proverbs 23:1-2). King Herod had respected and feared John the Baptist as a great prophet and servant of God. John, however did not fear to rebuke Herod for his adulterous affair with his brother’s wife. Herod, however, was more of a people pleaser than a pleaser of God. Herod not only imprisoned John to silence him, but he also beheaded him simply to please his family and friends. 

 

God’s truth cannot be suppressed

Now when reports of Jesus’ miracles and teaching reach Herod’s court, Herod became very troubled in conscience. He thought that John the Baptist had risen from the dead! Herod sought to meet Jesus more out of curiosity and fear than out of a sincere desire to know God’s will. He wanted to meet Jesus – not to follow him but to prevent him from troubling his conscience any further. 

We can try to rid ourselves of guilt and sin by suppressing the truth or by ridding ourselves of anyone or anything that points us to the truth. No power on earth, however, can remove a guilty conscience or free us from slavery to sin – only God can set us free through the atoning sacrifice which his Son, the Lord Jesus Christ made for us on the cross. 

Whose voice and message do you follow?

How can we find true peace with ourselves and with God? The Lord Jesus shows us the way. Jesus explained to his followers, “If you continue in my word, you are truly my disciples, and you will know the truth, and the truth will make you free” (John 8:31-32). Only Jesus can set us free. If we listen to his voice and obey his word, we will find true peace, joy, and freedom to live as sons and daughters of God. 

 

 

Does God’s word take priority in your daily life? Or do you allow other voices and messages to distract you or lead you astray. The Lord Jesus promises to be with us and to guide us continually if we will listen to his voice and obey his word.

“Heavenly Father, form in me the likeness of your Son, our Lord Jesus Christ, and deepen his life within me that I may be like him in word and deed. Increase my eagerness to do your will and help me to grow in the knowledge of your love and truth.”

Suy niệm: Ai là người mà bạn ngưỡng mộ nhất và muốn giống như họ? Người có quyền hành, có ảnh hưởng, có danh tiếng, hay có của cải giàu sang? Kinh thánh cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm như thế (Cn 23,1-2). Vua Hêrôđê kính trọng và sợ Gioan Tẩy giả như vị ngôn sứ cao cả và người tôi tớ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Gioan đã không sợ hãi để khiển trách nhà vua về tội ngoại tình với vợ của anh mình. Thế nhưng vua Hêrôđê lại thích làm vui lòng người ta hơn làm vui lòng Thiên Chúa. Hêrôđê không chỉ cho tống ngục Gioan để bịt miệng ông lại, mà còn chặt đầu Gioan chỉ đơn giản làm vui lòng gia đình và bạn hữu của mình.

 

Sự thật của Thiên Chúa không thể bị che lấp

Giờ đây, khi những tin tức về các phép lạ và lời giảng dạy của Đức Giêsu đến dinh Hêrôđê, Hêrôđê cảm thấy bất an trong lương tâm. Ông nghĩ rằng Gioan tẩy giả đã sống lại từ cõi chết! Hêrôđê đã tìm gặp Đức Giêsu vì tò mò và sợ hãi hơn là ao ước thành tâm để biết ý Chúa. Ông muốn gặp Đức Giêsu – không phải để theo Người nhưng để ngăn cản ông Gioan quấy rầy lương tâm của ông hơn nữa.

Chúng ta có thể cố giải thoát mình khỏi tội lỗi bằng việc che lấp sự thật hay giải thoát mình khỏi ai đó hay điều gì đó hướng chúng ta tới sự thật. Tuy nhiên, không sức mạnh nào trên thế gian có thể tẩy sạch lương tâm tội lỗi hay giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ tội lỗi – duy chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta qua hy lễ đền tội mà Con của Người, Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện cho chúng ta trên thập giá.

Tiếng nói và sứ điệp của ai mà bạn đi theo?

Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy sự bình an đích thật với mình và với Thiên Chúa? Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta. Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ “Nếu anh em tiếp tục ở lại trong lời Thầy, anh em thật sự là môn đệ của Thầy, và anh em sẽ biết được sự thật và sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,31-32). Chỉ có Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta – nếu chúng ta lắng nghe tiếng của Người và vâng theo lời Người, chúng ta sẽ tìm được sự bình an, niềm vui, và tự do đích thật để sống như con cái của Thiên Chúa.

Lời Chúa có chiếm ưu thế trong đời sống thường ngày của bạn không? Hay bạn có để cho những tiếng nói và sứ điệp khác làm bạn sao lãng hay dẫn bạn đi lầm lạc. Chúa Giêsu hứa ở với chúng ta và tiếp tục hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói và vâng theo lời Người.

Lạy Cha trên trời, xin hình thành trong con hình ảnh như Con của Cha, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, và ghi khắc cuộc đời Người trong con để con có thể nên giống Người trong lời nói và việc làm. Xin gia tăng lòng nhiệt thành của con để thực thi thánh ý Chúa và xin giúp con lớn lên trong sự hiểu biết tình yêu và chân lý của Người.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

nghe đồn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận