Các thiên thần hộ thủ.

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 02:21 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.

"Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời".

 

* Các thiên thần được ơn gọi trước hết là để chiêm ngưỡng ánh huy hoàng của thánh nhan Thiên Chúa và không ngừng ca hát ngợi khen Người. Nhưng theo Kinh Thánh, Chúa cũng trao cho các thiên thần sứ mạng hiện diện bên cạnh con người để giúp đỡ con người. Ngày lễ kính các thiên thần bản mệnh nhắc cho ta nhớ lại điều đó.

 

LỜI CHÚA: Mt 18, 1-5. 10

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời.

Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Thiên thần Hộ Thủ

(tgpsaigon.net)

Hôm nay Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về người bạn thân thiết của mỗi người, đó là vị Thiên thần Hộ Thủ của chúng ta. Mỗi người từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ đều được Thiên Chúa cắt cử một vị Thiên thần để che chở hộ phù bằng một cách thế chúng ta không chờ đợi và cũng chẳng tưởng tượng được. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở và mời gọi chúng ta đào sâu hôm nay.

Mỗi người đều có một vị Thiên thần luôn sát cánh nhắc nhở chỉ bảo, hướng dẫn và gìn giữ trong từng đường đi nước bước của chúng ta. Dạy điều đó, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta đi vào tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu vượt lên trên mọi dự đoán, tính toán và chờ đợi của chúng ta.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta vừa mừng kính hôm qua đã tìm ra được bí quyết hạnh phúc và đã mở ra một con đường nên thánh đơn sơ nhất đó là "hãy chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương". Thảm kịch bi thảm nhất của con người đó là không cảm nhận hay không đón nhận tình yêu của Thiên Chúa; trái lại, ai đón nhận tình yêu của Thiên Chúa họ sẽ thấy rằng cuộc sống của họ là một chuỗi những phép lạ.

Theo định nghĩa thông thường phép lạ là một biến cố hay một hiệu quả xem ra nghịch với định luật khoa học, do đó được gán cho các nguyên nhân siêu nhiên. Giáo Hội chỉ nhận là phép lạ khi một biến cố này khoa học không thể lý giải được mà thôi. Đây là tiêu chuẩn được áp dụng một cách rất khắt khe tại trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Từ hơn 100 năm qua, mặc dù không biết bao nhiêu người đã tuyên bố cảm năm được sự can thiệp của Chúa, Giáo Hội chỉ nhận được có 65 trường hợp được xem là phép lạ thực sự sau khi ủy ban y tế tuyên bố không thể giải thích sự lành bệnh theo phương diện y khoa.

Tuy nhiên, nếu hiểu phép lạ theo một ý nghĩa rộng rãi hơn như là một sự can thiệp quan phòng trường kỳ của Chúa vào cuộc sống mỗi ngày của từng người chúng ta, con mắt Đức tin sẽ cho chúng ta thấy được vô số phép lạ Chúa đang thực hiện trong mỗi biến cố của cuộc sống. Phép lạ không chỉ là sự kiện lạ lùng ở bên kia, ngoài các định luật khoa học, phép lạ không chỉ diễn ra tại những trung tâm Thánh Mẫu nổi tiếng trên thế giới. Phép lạ là từng hơi thở và nhịp đập của trái tim, phép lạ là từng tia sáng mặt trời hay từng cơn gió mưa mỗi ngày, phép lạ là một cuộc gặp gỡ đang có mỗi ngày, phép lạ ở mọi nơi và mọi lúc, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta từng giây phút trong cuộc sống.

Các Thiên thần không chỉ là những vị có cánh đến từ trời cao, các Ngài đang ở bên cạnh chúng ta trong giây phút này đây, các Ngài không ngừng nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, các ngài không ngừng gợi lên cho chúng ta những tâm tình trong sạch và cao quí cũng như xua đuổi khỏi những tư tưởng mê muội và bắt chính. Nếu biết lắng nghe tiếng nói của các Ngài, chúng ta sẽ tiến bước trên đường ngay nẻo chính và sẽ gặp được hạnh phúc đích thực.

Với đoạn Tin Mừng chúng ta suy niệm trong ngày kính nhớ các Thiên thần Hộ Thủ hôm nay, một lần nữa Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ. Trẻ thơ luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống, trẻ thơ chỉ nghĩ đến chuyện thần tiên. Thế giới của người lớn cũng còn là thế giới thần tiên, bởi vì mỗi người đều có một Thiên thần hộ thủ gìn giữ bao bọc và hướng dẫn. Thế giới ấy sẽ thực sự thần tiên khi con người biết lắng nghe sự hướng dẫn của vị Thiên thần Hộ Thủ và cảm nghiệm được tình yêu bao bọc chở che của Thiên Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, còn gì đơn sơ cho bằng những giây phút ấy.

Câu chuyện minh chứng bàn tay Thiên thần Hộ Thủ hộ phù, chở che

Một Cha sở miền quê bên Pháp thuật lại công chuyện này:

Khi đó ngài đang ở một xứ đạo hẻo lánh. Một đêm kia được tin một người đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau, Ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, Ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên thần Hộ Thủ, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối.

Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng:

Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo tin cho ngài: có người tử tù sắp bị hành quyết. Vì là Cha sở địa phương, ngài đến nhà tù thăm viếng. Nhưng vừa thấy bóng linh mục, người tử tù phản ứng và từ chối không muốn gặp ngài, nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài: " Có phải cha là cha sở họ X không?". Vị linh mục ngạc nhiên trả lời: "Trước đây 10 năm tôi làm Cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác".

Thì ra cách đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người bị tầm nã, đang lẩn trốn ở khu rừng mà ngài đi qua. Hắn dự định sẽ giết chết bất cứ khách bộ hành nào băng qua đoạn đường đó, để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, và đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: "Lúc đó y muốn giết vị linh mục, nhưng bên cạnh ngài có một thanh niên lực lưỡng. Thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho ngài và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự".

Vị linh mục kết luận: "Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên hết sức. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, lúc đó, tôi có dừng lại một lúc để cầu nguyện xin Thiên thần Hộ Thủ giúp đỡ. Và như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên thần Hộ Thủ của tôi, đã giữ gìn, bảo vệ tôi qua cơn nguy hiểm”

Câu chuyện trên minh chứng Thiên thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu, xin ngài giúp đỡ, can thiệp. (trích nguoitinhuu.com)

Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí để chúng con biết nhìn ra sự hướng dẫn của vị Thiên thần hộ thủ hầu cảm nếm được tình yêu của Ngài. Amen.

 

SUY NIỆM 2: Vâng nghe các thiên thần

”Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)

Suy niệm: “Ma quỉ đã tung ra một mạng lưới ảo tưởng trên chúng ta, mạng lưới này tuy vô hình, nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho ta yêu chuộng giây phút chóng qua hơn sự sống vĩnh cửa, khuyến dụ ta chạy theo sự vô định hơn chân lý, nó bảo ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy chúng mà thôi" (Triết gia Raissa Maritain). Khắc tinh của ma quỷ là các hiệp sĩ thiên thần hộ thủ, những người bạn thân vô hình được Thiên Chúa sai đến ở bên cạnh, hộ giúp ta đêm ngày. Vai trò của các ngài là giúp ta phá đi mạng lưới ảo tưởng, đưa ta đến môi trường của sự thật giải thoát của Tin Mừng Nước Trời. Các ngài nhắc nhở ta cài “phần mềm” sự sống vĩnh cửu trong mọi việc ta làm, phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong mọi dự tính đời ta.

Mời Bạn: Các hiệp sĩ vô hình ấy chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó hay không tùy thuộc nơi thái độ của bạn. Nếu bạn ngoan ngoãn vâng theo sự soi sáng hướng dẫn của các ngài, dù phải trầy da tróc vẩy, bạn sẽ thoát vòng vây của quỷ ma và đạt đến cùng đích đời mình là hạnh phúc muôn đời bên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng nhắc nhở của thiên thần hộ thủ, và ngoan ngoãn làm theo, dù phải hy sinh ý riêng, sở thích riêng của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã sai các thiên thần hộ thủ nâng đỡ chúng con trên hành trình đi về quê trời. Xin cho chúng con biết vâng theo sự hướng dẫn của các ngài, và cảnh tỉnh trước những hiểm họa do ma quỷ, xác thịt và thế gian đang cản trở bước đường của chúng con. Amen.

(Trích trong ‘nguoitinhuu.com’)

 

SUY NIỆM 3: kẻ bé mọn trong cộng đoàn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay vừa nói đến trẻ nhỏ,

vừa nói đến những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.

Ai là những kẻ bé mọn trong cộng đoàn ?

Đó là những người tin vào Đức Giêsu (Mt 18, 6),

nhưng đức tin của họ còn non yếu, mong manh.

Đức Giêsu đã nặng lời với ai làm cho một kẻ bé mọn sa ngã.

“Thà cột cối đá lớn vào cổ và ném nó dưới biển còn hơn.”

Rõ ràng Đức Giêsu quý những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.

Ngài không muốn họ bị tổn thương vì gương mù gương xấu.

Câu cuối của bài Tin Mừng là một lời nhắc nhở nữa.

“Anh em chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này” (c. 10).

Lý do Đức Giêsu đưa ra khá đặc biệt:

“Vì các thiên thần của họ ở trên trời

không ngừng thấy khuôn mặt của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Như thế ngay cả những người bé mọn cũng có thiên thần riêng.

Người bé mọn có thể lầm lạc, sa ngã,

nhưng không vì thế mà họ bị coi thường hay khinh miệt.

Thiên thần của họ vẫn ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho họ.

Thật thú vị khi người Kitô hữu tin mình có một thiên thần hộ thủ.

Thánh Basiliô viết: “Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ,

để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời.”

Vị thiên thần này vừa được phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa,

vừa đồng hành suốt đời với từng người cho đến nơi quê thật.

Thiên thần hộ thủ là một quà tặng của lòng nhân hậu Chúa.

Là sứ giả được Chúa sai,

thiên thần là sự hiện diện của Chúa với từng người chúng ta.

Thiên thần đã bảo vệ ông Lót (St 19),

đã cứu Agar và con của bà (St 21, 17),

đã giữ tay Abraham không cho cụ giết con (St 22, 11).

Một vị thiên thần ban đêm đã cứu Phêrô khỏi tù ngục (Cv 12, 15).

Như thế thiên thần là bạn đường bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.

Khi sống trong một bầu khí vắng bóng Thiên Chúa,

con người khó tin vào những thực tại vô hình.

Các thiên thần có khi chỉ là những hình trang trí nơi hang đá,

hay những bức tượng thạch cao đặt hai bên bàn thờ.

Chúng ta khó tin mình được trợ giúp bởi một thiên thần có thật,

và không dám tin mình đáng quý đến thế,

để Chúa ban cho mình một người hướng đạo và đỡ nâng.

Làm sao để chúng ta ra khỏi sự cô quạnh của chính mình,

khi chấp nhận niềm tin vào thiên thần hộ thủ?

Làm sao để ta cảm được hoạt động kín đáo của người trong đời ta?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề ;

có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa

 

SUY NIỆM 3:

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.

Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?

Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.

Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,

nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,

cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.

Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.

Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.

Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.

Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.

Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.

Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:

“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?” (c. 46).

Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,

nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)

Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:

ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.

Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).

Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,

và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.

Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,

ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.

Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn

thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,

và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.

Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,

bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm. 

“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”

Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?

Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.

Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng

mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.

Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.

Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.

Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.

Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.

Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,

để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,

nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).

Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.

Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.

Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,

sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

 

SUY NIỆM 4: MỖI NGƯỜI CÓ MỘT THIÊN THẦN BẢN MỆNH

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

Đọc lại Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy có rất nhiều đoạn đề cập tới các thiên thần. Sống giữa một thế giới luôn có ánh sáng và bóng tối, các thiên thần được Chúa giao nhiệm vụ ở cạnh loài người, ở cạnh con người. Chúa Giêsu và Hội Thánh đã dậy con người điều đó.

Giáo lý công giáo cũng viết:” Thiên thần và con người là những thụ tạo thông minh và tự do, nên phải tiến về cùng đích bằng một sự lựa chọn tự do và yêu chọn cái tốt hơn”. (SGLCG số 311) hoặc số 328 sách giáo lý công giáo nói: ”Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế.  Nếu ma quỷ, satan, và sự dữ đang vây lượn chung quanh con người, xung quanh thế giới để quấy nhiễu, ám hại con người như sư tử hung ác tìm mồi cắn xé, an ủi thay chính Thiên Chúa lại gửi đến cho nhân loại, cho con người những sự trợ giúp rất hữu hiệu của các thiên thần. Chúng ta thường quen gọi các thiền thần này là các thiên thần hộ thủ hay thiên thần bản mệnh. Các thiên thần hộ thủ nâng đỡ con người, gìn giữ con người khỏi những hiểm nguy, khỏi sự dữ, giúp con người xa lánh mọi dịp tội, gợi lên trong tâm trí con người những ý tưởng lành thánh và dẫn con người đi vào con đường thánh thiện, đạo đức. Các thiên thần hộ thủ thêm sức mạnh cho con người trong những cơn cám dỗ, trong những lúc gặp những sự thử thách hiểm nghèo, nâng đỡ và khuyến khích con người trong lúc thất vọng và an ủi con người trong những cơn u sầu, đen tối. Mỗi khi con  người sa ngã vì yếu đuối, sai lầm, thiên thần hộ thủ giúp con người tỉnh thức hồi tâm, sửa đổi, quay về đường chính nẻo ngay, và bầu cử cho con người trước ngai toà Thiên Chúa. Các thiên thần bản mệnh cũng soi sáng, thêm sức cho con người trong giờ hấp hối.

Chính Chúa Giêsu cũng từng nhắc nhủ nhân loại: ”Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18, 10). Do đó, các vị là “những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người” (Tv 103, 20).

Mừng lễ các thiên thần hộ thủ, chúng ta hãy ghi nhớ lời Thiên Chúa nói: ”Mọi thiên thần của Thiên Chúa, hết thảy phải tôn thờ Người” (Dt 1, 6). Lời ca tụng của các thiên thần khi Chúa Kitô giáng sinh không ngừng vang lên trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa…” (Lc 2, 14). Thiên Thần hộ thủ là Đấng ở bên cạnh chúng ta để che chở và giúp đỡ chúng ta. Do đó, chúng ta phải biết ơn bằng cách chu toàn bổn phận đối với các thiên thần bản mệnh. Bổn phận của chúng ta là tỏ lòng kính trọng các Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, yêu mến và tin tưởng cậy trông vào sự che chở, phù trì của các Ngài. Đồng thời, chúng ta sẵn sàng nghe theo lời chỉ dậy, hướng dẫn của các Ngài theo tiếng của lương tâm chúng ta. Mỗi người Chúa đều ban cho một thiên thần bản mệnh để Ngài nâng đỡ, an ủi, hướng dẫn, giữ gìn.

Lạy các thiên thần hộ thủ, xin bênh vực chở che chúng con trong mọi trạng huống của cuộc đời chúng con đang phải đương đầu và chiến đấu. Amen.

 

SUY NIỆM 5: THIÊN THẦN BẢN MỆNH

(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại, xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc, vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần. Sự trợ giúp này, Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh. Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá, đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.

THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI?

Thiên Chúa thiết lập vũ trụ, tạo dựng con người. Sách khải nguyên ngay từ những trang đầu đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Ðất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối, của ma quỉ mạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người, rình mò cắn xé. Ngay trang đầu khởi nguyên, Kinh Thánh đã viết: "thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước" và trong Tân Ước, trong đêm Giáng Sinh, Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca, vinh tụng xướng hát, tôn vinh con Thiên Chúa là Ðức Giêsu xuống thế làm người. Ðây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này, có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ, gìn giữ từng người. Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm, nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn. Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối, sa ngã, cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng, thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối, nguy tử vv.

Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn, an ủi và che chở con người.

Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết: " Lạy Chúa, giữa chư vị Thiên Thần, con đàn ca kính Chúa" hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10, Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin: "Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang".

CÂU CHUYỆN MINH CHỨNG BÀN TAY THIÊN THẦN BẢN MỆNH HỘ PHÙ, CHỞ CHE

Số là có một cha sở miền quê bên Pháp lúc đó đang ở một xứ đạo hẻo lánh, một đêm kia được tin một người đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau, Ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, Ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối. Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng: Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cứ một ai. Người ta báo cho vị linh mục năm xưa đã băng qua khu rừng để đi xức dầu cho người đang hấp hối. Linh mục được báo tin có người tử tù muốn gặp, đã tới vì lòng nhân từ. Vừa thấy linh mục, người tử tù đã muốn phản ứng, xua đuổi, không muốn gặp vị linh mục, nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với vị linh mục: "có phải cha là cha sở họ X không?". Vị linh mục ngạc nhiên trả lời trước đây 10 năm tôi làm cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác. Thì ra các đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người, đang lẩn trốn ở khu rừng mà tôi đi qua và hắn định bất cứ gặp thấy ai, hắn sẽ giết chết để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: "Lúc đó y muốn giết tôi, nhưng thấy bên cạnh có người thanh niên lực lưỡng, thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho tôi và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự". Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên và sực nhớ lại lúc đó tôi dừng lại để cầu nguyện xin Thiên thần Bản Mệnh giúp đỡ. Và như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi, đã giữ gìn tôi.

Câu chuyện trên minh chứng Thiên Thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu, xin ngài giúp đỡ,can thiệp.

"Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính các Thiên Thần Hộ Thủ, xin cho các Ngài luôn ở gần chúng con để trông nom gìn giữ, nhờ đó, chúng con sẽ thoát khỏi mọi nguy hiểm dưới thế và mai sau được hưởng hạnh phúc trên trời" (Lời nguyện tiến lễ ngày 2/10, lễ các Thiên Thần Hộ Thủ).

Xin cho mọi người chúng con luôn biết kính trọng, yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các Thiên Thần Hộ Thủ, và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dậy của các Thiên Thần Bản Mệnh qua tiếng nói lương tâm.

 

SUY NIỆM 6: Các thiên thần hộ thủ

(tonggiaophahanoi.org)

I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Lễ nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ bắt nguồn từ năm 1411: một lễ được lập vào ngày này ở Valencia (Tây Ban Nha) để tôn kính vị thiên thần bảo vệ của thành phố. Năm 1590, Đức Giáo Hoàng Sixte V phê chuẩn cho Bồ Đào Nha một bản kinh phụng vụ riêng để kính các thiên thần hộ thủ, và năm 1608, Đức Giáo Hoàng Phaolô V qui định lễ này trong lịch Rôma phổ quát, mừng vào ngày đầu tiên không có lễ nào sau lễ thánh Micae. Vì thế lễ nhớ các thiên thần hộ thủ ngày nay mang ý nghĩa mở rộng lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày, chúng ta cầu xin Chúa – Đấng sai “các thiên thần gìn giữ chúng ta” – xin Người ban cho chúng ta “được ơn che chở của các ngài và niềm vui được sống với các ngài luôn mãi”.

Hai Bài đọc của thánh lễ (Xh 23, 20-23 và Mt 18, 1 . . . 10) làm nổi bật sứ mạng quan phòng của các thiên thần: Ta sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, để gìn giữ ngươi trên đường . . . (Xh 23, 20); . . . Các thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy (Mt 18, 10). Đây là hai sứ mạng luôn đi đôi với nhau của các thiên thần: không ngừng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha và bảo vệ loài người trên mọi nẻo đường của họ.

Bài giảng của thánh Bênađô trong Bài đọc Giờ Kinh Sách mời gọi chúng ta có lòng thảo kính đối với các ngài: “Thế nên các ngài ở bên cạnh bạn, không chỉ ở với bạn mà còn vì bạn; các ngài hiện diện để che chở bạn, cứu giúp bạn; và tuy rằng các ngài làm việc này vì Thiên Chúa ra lệnh cho các ngài, nhưng chúng ta không được thiếu sót trong việc thảo kính đối với các ngài.” (Bài giảng về Tv 90).

Lời nguyện hiệp lễ mời gọi chúng ta nhớ đến “con đường cứu độ và bình an” mà các thiên thần dẫn bước chúng ta đi. Sứ mạng này cũng được gợi lên trong Điệp ca 1 của giờ Kinh Sáng: “Chúa sẽ sai thiên thần của Người đến, để gìn giữ ngươi trên đường.” Câu xướng đáp của bài đọc giáo phụ lặp lại câu trích thánh vịnh 90: “Người ra lệnh cho các thiên thần của Người gìn giữ bạn trên mọi nẻo đường của bạn.” Điệp ca của thánh thi Benedictus: “Chúa truyền cho các thiên thần của Người che chở những kẻ thừa hưởng Nước Trời” lấy cảm hứng từ Dt 1, 14: “Nào tất cả các vị đó (thiên thần) không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?”

Các bài đọc vắn cống hiến chúng ta nhiều ví dụ về sứ vụ của các thiên thần: một thiên thần được Thiên Chúa ban cho Ítraen (Xh 23, 20-21); các tông đồ được giải thoát khỏi nhà tù ở Giêrusalem (Cv 5, 17-20); thánh Phêrô được giải cứu khỏi nhà tù (Cv 12, 7); một thiên thần được sai đến với ông Cornêliô (Cv 10, 3-5); một thiên thần dâng lên Chúa các lời cầu nguyện của tất cả các thánh (Kh 8, 3-4).

Trong thánh thi Kinh Chiều, chúng ta ước nguyện được một thiên thần đang chiêm ngưỡng nhan Cha, “ghé xuống thăm / cầm than hồng chạm đến chúng ta; / để môi miệng chúng ta dâng lời cảm tạ, / và được thanh tẩy bằng ơn tha thứ.” Nếu các thiên thần trên trời lên xuống trên Con Người (Ga 1, 51), thì chúng ta, “những kẻ thừa hưởng Nước Trời”, nhờ đời sống phụng vụ ở dưới đất này, chúng ta có thể hợp tiếng với các thiên thần để thờ lạy Thiên Chúa bằng một bài ca ngợi khen duy nhất.

Enzo Lodi

 

SUY NIỆM 7: CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ

(http://conggiao.info // Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH)

Giáo Lý Công Giáo dạy : “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý Đức Tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế” (số 328).

“Chân lý Đức Tin” thì vượt lý trí con người, ta chỉ có thể đón nhận được chân lý này với lòng khiêm tốn và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, toàn thiện, luôn mạc khải cho ta những điều hữu ích.

Mạc khải không nói rõ Chúa dựng nên thiên thần vào lúc nào. Mạc khải cho ta biết “mục đích Chúa dựng nên thiên thần để sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ sẽ thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt 1,14).

Cụ thể như thiên thần Gabriel mang sứ điệp Truyền Tin (x Lc 1,19.26) ; một đạo binh các thiên thần trên Thiên Quốc hát mừng trong đêm Giáng Sinh (x Lc 2,9-14) ; các thiên thần còn báo tin Chúa Giê-su Phục Sinh (x Mt 28,5t) và thông báo cho các môn đệ Đức Giê-su hiểu biết ý nghĩa việc Chúa Giê-su Thăng Thiên (x Cv 1,10t). Thiên thần còn có sứ mệnh phụ tá Đức Ki-tô Giê-su trong việc cứu độ nhân loại, các thiên thần chăm sóc, gìn giữ loài người (x Cv 12,15) và mỗi người Công Giáo (những kẻ bé mọn) được các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa Cha (x Mt 18,10 : Tin Mừng), để dâng lên Thiên Chúa lời kinh của các thánh (x Kh 5,8 ; 8,3), cùng dẫn đưa linh hồn người công chính vào Thiên Đàng (x Lc 16,22).

Có một mối dây liên lạc mật thiết nối kết Phụng Vụ trần thế với Phụng Vụ Thiên Quốc : trên trời các thiên thần cử hành Phụng Vụ vĩnh cửu (x Kh 4,8-11), mà Phụng Vụ Giáo Hội ở trên dương thế cũng cùng hiệp thông, như trong kinh Vinh Danh và trong kinh Tiền Tụng.

Tuy vậy, các thiên thần không được phúc ngắm nhìn Lời Thiên Chúa (x 1Pr 1,12). Cụ thể ngôn sứ Isaia vào Đền Thờ thấy thiên thần Sêraphim chầu hầu bên Hòm Bia Thiên Chúa, phải lấy hai cánh che mặt (x Is 6,2) ; và Chúa cũng không bao bọc một thiên thần nào, Ngài chỉ bao bọc dòng giống Abraham : những người tin tưởng tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa để hành động (x Dt 2,16).

Có loại thiên thần ánh sáng (Lucipher) đã kiêu ngạo tức khắc bị lãnh án phạt: “Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình minh,chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao? Này, kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư? Chính ngươi đã tự nhủ: "Ta sẽ lên trời: ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc.Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao." Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ, xuống tận đáy vực sâu” (Is 14,12-15). Chính Chúa Giê-su cũng đã xác định như vậy : “Ta đã thấy satan như chớp nhoáng tự trời sa xuống” (Lc 10,18).

Satan có nghĩa là địch thủ ; hoặc quỷ có nghĩa là kẻ vu khống, nó hiện diện như cùng với các thiên thần tốt lành tại triều đình Thiên Chúa, chu toàn nơi tòa án Thiên Quốc một nhiệm vụ giống như một biện lý công cộng, có bổn phận bắt người trần thế phải tôn trọng công lý và quyền lợi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dưới chiêu bài phục vụ Thiên Chúa, chúng ta nhận ra nó là kẻ lừa gạt muốn lôi kéo người ta không còn tin vào Thiên Chúa nữa (x Giop 1-3). Nó đội lốt hình con rắn ghen với hạnh phúc của loài người (x St 2,24), vì nó rất thông minh và khôn khéo, dụ dỗ được nguyên tổ loài người làm theo ý nó thì tốt hơn là làm theo ý Chúa (x St 3). Như thế vài trò cốt yếu của nó là cám dỗ, cố gắng xúi giục người ta phạm tội (x 1Tx 3,5 ; 1Cr 7,5), và như thế đặt loài người chống lại Thiên Chúa (x Cv 5,3), nhưng nó thường xuất hiện dưới dạng phản Ki-tô (x 2 Tx 2,7t). Quỷ khủng khiếp vì mưu mô, cạm bẫy, lừa dối và thủ đoạn (x 2Cr 2,11 ; Ep 6,11 ; 1Tm 3,7).Satan ngụy trang thành thiên thần ánh sáng (x 2Cr 11,14). Nhưng nó bị đánh bại bởi cây Thập Giá của Chúa Ki-tô (x Ep 6,10) và kinh nguyện của loài người (x Mt 6,13). Chỉ kẻ nào thuận theo satan mới bị chiến bại (x Gc 4,7 ; Ep 4,27). Satan sẽ bị ném vào biển diêm sinh bốc lửa, nó sẽ chết lần thứ hai (x Kh 20,10.14t).

Vậy ta không được tin vào thuyết nhị nguyên là trong thế giới này có thần lành và thần dữ luôn đấu đá với nhau, khi nào thần lành thắng thì ta hạnh phúc ; khi nào thần dữ thắng thì ta khổ! Mà phải tin rằng mọi kẻ thù đều làm bệ kê chân Đức Ki-tô, đến nỗi “trước danh hiệu của Đức Ki-tô, mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng : Giê-su Ki-tô là Chúa mà làm vinh hiển cho Thiên Chúa Cha” (Pl 2,9-11).

Mỗi người Công Giáo được Chúa sai thiên thần đến chăm sóc, như Ngài nói : “Này Ta sai thiên sứ đi trước mặt ngươi, để gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt người hãy ý tứ nghe Lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng ; người sẽ không tha lỗi lầm cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23, 20-21 : Bài đọc).

Chúa đã dặn mỗi người chúng ta phải ý tứ nghe Lời thiên thần, nghĩa là phải thực hành Lời Chúa Giê-su dạy : “Muốn làm lớn phải hoán cải nên như trẻ nhỏ và hạ mình như trẻ nhỏ (x Mt 18,1-4 : Tin Mừng).

I. Phải hoán cải trở nên trẻ nhỏ : Có nghĩa là phải được tái sinh trong Chúa Giê-su

Thực vậy, ai không được sinh lại bởi Chúa Giê-su, dù người ấy có địa cao, thì trước mặt Chúa họ cũng chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng khác loài thú đều phải chết (x Gv 3,18-19). Mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa là “con người phải nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (x St 1,26). Không phải giống Thiên Chúa vô hình mà là giống Con Thiên Chúa làm người : Đức Giê-su Ki-tô. Do đó ta phải được tái sinh qua Bí tích để được đồng hóa với Đức Giê-su (Gl 2,20).

Đó là lý do Đức Giê-su nói về ơn tái sinh với ông Ni-cô-đê-mô : “Quả thật, quả thật, tôi bảo ông : ai không bởi Trên sinh ra, thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa”, làm ông thắc mắc : không lẽ người đã già lại có thể chui vào lòng mẹ lại sinh ra làm con nít ? Thì Đức Giê-su lại nhấn mạnh : “Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3, 3-5).

Một khi ta đã được tái sinh làm con Thiên Chúa, ta được đồng hóa với Chúa Giê-su (x Gl 2,20), cùng một xương thịt với Ngài (x Dt 2,11), cùng một sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x Ga 6,57), và cùng quyền năng như Thiên Chúa (x Ga 14,12). Người như thế chắc chắn được Chúa Giê-su khen : “Họ là kẻ nhỏ trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan Bt, mặc dù ông Gioan là người cao cả nhất trong những người do người nữ sinh ra” (x Mt 11,11).

Xét về mặt tình cảm trong gia đình, ai nhỏ nhất, người ấy làm vua. Bởi lẽ cả gia đình phải quan tâm chăm sóc, trìu mến đứa con sơ sinh. Cũng chính vì vậy mà trong ngày Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, báo hiệu ý muốn của Thiên Chúa là loài người phải được sinh lại bởi nước và Thần Khí. Ngày ấy, tiếng Chúa Cha phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Tiếng ấy, Chúa Cha muốn nói về những người được tái sinh trong Con yêu dấu của Ngài.

Vậy ai được tái sinh làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha thì cũng được Hội Thánh là Mẹ ôm vào lòng : “Được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ ; được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối, khiến thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh” (Is 66, 10-14c).

II. Sống tinh thần trẻ thơ. Cụ thể phải là :

- Vâng phục cha mẹ.

- Sống không có ác tâm.

- Không đòi ai quan tâm tôn mình lên.

- Luôn sống vươn tới sự trưởng thành.

- Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành.

- Sống bằng tình yêu.

1/ Vâng phục cha mẹ. Trẻ nào không vâng phục cha mẹ, không thể thành công làm lớn trong xã hội được. Đức Giê-su muốn kẻ đã thuộc về Ngài phải đi con đường khiêm nhu, hạ mình phục vụ theo ý Cha trên trời dù phải chết nhục nhã đau khổ, như thế để học biết thế nào là Con vâng phục Cha, nhưng cuối cùng được Chúa Cha tôn vinh Con, đến nỗi trên trời dưới đất ai nghe danh Con, mọi đầu gối phải sụp lạy bái quỳ (x Pl 2,6-11).

2/ Không có ác tâm : Thánh Phao-lô nói : “Có ác thì như con nít thôi” (1Cr 14,20). Thực vậy, trẻ con chơi với nhau thế nào cũng có lúc bất hòa, chúng mếu máo khóc lóc chạy đi mách ông bà cha mẹ, nhưng lát sau chúng lại vui đùa với nhau bình thường, đó là “cái ác” của trẻ thơ ; khác hẳn người trưởng thành, bề ngoài xem ra thân thương, hòa thuận, nhưng trong lòng tìm mưu kế hại nhau.

3/ Không đòi ai quan tâm tôn mình lên. Cụ thể : trong bữa tiệc, những người có chức vị thì được tôn trọng mời lên chỗ danh dự, còn đàn bà con nít thì không đáng kể (x Mt 14,21). Vậy ta phải sống khiêm tốn hạ mình sát đất thì không còn khoảng cách nào để phải sợ té!

4/ Luôn sống vươn tới sự trưởng thành. Thánh Phao-lô nói : “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con” (1Cr 13,11). Bởi vì ai cũng biết con nít nói trước hiểu sau, còn người trưởng thành thì phải nghĩ trước, hiểu rồi mới nói. Vậy ta phải chăm học hỏi giáo lý, Kinh Thánh, vì “khởi điểm đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi” (Kn 6,17).

5/ Sống lệ thuộc vào đấng sinh thành. Thánh Phao-lô muốn các Ki-tô hữu phải sống lệ thuộc vào Thiên Chúa, như trẻ thơ trong gia đình phải lệ thuộc vào cha mẹ : chúng muốn gì phải được phép của cha mẹ, mặc dù mọi vật trong gia đình cha mẹ mua sắm là dành cho con cái (x Gl 4,1-3). Vậy bất cứ làm việc gì, ta phải cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.

6/ Sống bằng tình yêu. Trẻ thơ không bao giờ bận tâm lo ăn gì, uống gì, mặc gì? Cũng chẳng sợ kẻ thù nào, nếu nó được nép mình trong tay cha mẹ. Thiên Chúa muốn con cái Ngài sống tinh thần đó, như Lời Kinh Thánh nói: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131/130,1-3).

Ai sống Lời Chúa Giê-su dạy trên đây, thì được Ngài xác nhận: Người ấy đã đón tiếp chính Ngài (x Mt 18,5). Và như thế mới được “Chúa truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường” (Tv 91/90,11).

THUỘC LÒNG

Thiên thần là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ (Dt 1,14).

 

SUY NIỆM 8: Thiên Thần bản mệnh

(http://nhathothaiha.net)

Trong bài huấn từ vào sáng ngày 02/10/2015 tại nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa ban cho mỗi người một “vị đồng hành”, một Thiên Thần Bản Mệnh để khuyên nhủ, bảo vệ và nâng đỡ”.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người là những thụ tạo yếu đuối hay sa ngã. Vì thế, Người đã gửi đến cho mỗi người một vị thiên thần, gọi là Thiên Thần Bản Mệnh, để che chở và giữ gìn con người khỏi tay ma quỷ, từ lúc mới sinh cho đến khi qua đời. Thiên Thần Bản Mệnh còn là thầy dậy, mở lòng con người để họ biết được đạo thánh Chúa, giúp họ tuân giữ luật Hội Thánh dạy, cũng như tránh xa những điều tội lỗi. Thiên Thần Bản Mệnh còn là Đấng bầu cử, luôn cầu nguyện cùng Chúa cho con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vâng nghe lời hướng dẫn của các Thiên Thần Bản Mệnh. Amen.

 

SUY NIỆM 9: CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ

(http://giaoxutanviet.com)

Mỗi người Chúa dựng nên đều có một thiên thần giữ mình, điều đó Chúa Giê-su đã khẳng định: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn nầy; quả thật, Thầy nói cho anh em biết; các thiên thần của họ không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt. 18, 10).

Và thánh Bê-na-đô minh chứng: “Chúa đã sai các thiên thần đến phục vụ các con, cắt đặt các ngài gìn giữ các con, và cho các ngài làm quản giáo cho các con”. Thánh Giê-gô-ri-ô nói: “Phẩm giá các linh hồn cao quý biết bao, vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa ban cho một thiên thần chăm sóc”. Và thánh Ghê-rô-ni-mô viết: “Chúa biết ác tâm của ma quỷ, chúng luôn tìm cách ngăn cản không cho ai vào chỗ chúng đã mất trên thiên đàng, nên ban cho mỗi người một thiên thần hộ thủ, để chống trả kẻ thù của phần rỗi chúng ta”.

“Ma quỷ đông đúc và độc dữ như sư tử, ngày đêm rình chực hãm hại con người, thì Chúa cũng ban cho họ vô số thiên thần quyền phép hơn gìn giữ bảo hộ. Ngay lúc mới sinh ra, mỗi người đều có một thiên thần giữ mình. Dù lương hay giáo, dù lành hay dữ, ai ai cũng được Chúa thương cho thiên thần che chở. Chẳng những Chúa cho thiên thần bảo vệ từng người, mà còn cho các ngài gìn giữ các xã hội, các cộng đoàn, các gia đình, mọi nước, mọi thành, mọi nơi chốn có con người trú ngụ. Như lời thánh Tô-ma tiến sĩ nói: “Có thiên thần bảo hộ các quốc gia, dân tộc, thành thị, cộng đoàn cũng như mỗi người”.

“Thiên thần hộ thủ có trách nhiệm che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ và gian nan khốn khó, cứu giúp chúng ta khỏi sa ngã phạm tội, giúp chúng ta làm lành lánh dữ, nâng đỡ chúng ta trong lúc yếu đuối, tăng thêm lòng can đảm mạnh mẽ, an ủi chúng ta trong những lúc sầu buồn đau khổ”.

“Các ngài còn giúp sức chúng ta lướt thắng các chước cám dỗ của ma quỷ, xác thịt thế gian. Và nếu chúng ta có lỡ lầm sa ngã, các ngài nâng đỡ chúng ta ăn năn hối cải”.

“Ngoài ra, các thiên thần hộ thủ dâng lên trước tòa Chúa các việc lành phúc đức và lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta được ơn lành của Chúa. Các ngài an ủi soi sáng chúng ta trong cơn bệnh hoạn chết chóc, và bênh đỡ chúng ta trong ngày phán xét”.

“Tắt một lời, Chúa cho thiên thần hộ thủ gìn giữ che chở chúng ta trên khắp nẻo đường và suốt đời, như thánh Bê-na-đô nói, và bảo chúng ta hãy cám ơn Chúa, vì Người đã thương chúng ta, đồng thời phải kính sợ, thương mến, tin tưởng thiên thần giữ mình: “Người truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. Họ hãy cảm tạ Chúa vì tình thương Người, vì những kỳ công Người đã làm cho con cái loài người…”

“Người truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. Lời nầy phải mang lại cho bạn bao niềm kính sợ, tôn kính và tin tưởng: Kính sợ trước sự hiện diện, tôn kính trước lòng nhân hậu, tin tưởng trước sự phù trợ của các ngài”.

Ngoài ra, ba bổn phận kính sợ, tôn kính, tin tưởng như thánh Bê-na-đô vừa kể, mỗi người còn cần phải sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn dìu dắt của thiên thần hộ thủ, để được sống đẹp lòng Chúa và đáng thưởng phước đời đời.

Quyết tâm: Hằng ngày tôi luôn kính sợ, tôn kính, tin tưởng và làm theo thiên thần hộ thủ dạy bảo chỉ dẫn, để ngày sau được Chúa thưởng.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Chúa sai các thiên thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời nầy được các ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các ngài hưởng phúc vinh quang.

 

SUY NIỆM 10: CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ

(http://tinvuixuanloc.vn)

Ngày xưa người ta tin rằng thiên thần là những thần linh giữ vai trò quan trọng trong việc liên lạc giữa thế giới Thiên Chúa và con người; niềm tin này đã được thấy nói trong Cựu Ước, cho dù không được giải thích rõ ràng.

Trong Cựu Ước, thiên thần là sứ giả trợ lực của Thiên Chúa (St 16,7; 21,17; Xh 14,19; 2 V 19,35). Trong những tác phẩm cuối (tỉ như sách Đanien) có kể tên các vị thiên thẩn; qua tên đó chúng ta thây được công tác của họ.

Trong Tân Ước, các thiên thần cũng giữ mội vai trò trong đời sống Đức Giêsu và Hội Thánh tiên khởi. Nếu có những sức lực của satan, của ma quỷ, thì cũng có những thiên thần lành, trợ lực, hướng dẫn và bảo vệ con người. Niềm tin vào thiên thần bản mệnh hay hộ thủ dựa vào đoạn Phúc Âm Mt 18,10.

Thánh Lễ thiên thần hộ thủ rất phổ biến ỏ thế kỷ XV và XVI, thường được liên kết với lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29.9). Năm 1670 Đức Giáo Hoàng Clémentô X đã cho phép mừng lễ thiên thần hộ thủ trong cả Hội Thánh và xác định lễ này vào ngày 2.10 hằng năm.

a) Bài đọc 1 : Xh 23,20-23a

Thuật ngữ Hiprí, mà chúng ta thường dịch ra là “Thiên Thần”, thực sự có nghĩa đơn sơ là “Sứ giả”, người nhận lệnh của chủ để nói hay làm một cái gì. Trong Cựu Ước thì “Thiên Thần của Chúa” (Thiên thần của Giavê) không phân biệt gì với chính Giavê: Thiên Thần chính là Thiên Chúa xuất hiện ở ưần gian để nói và hành động.

Mãi trong những văn bản mới, nhất là sau thời lưu đày ở Babylon, chúng ta mới gặp những lời rõ ràng, không những phân biệt giữa Thiên Chúa và thiên thần, nhưng còn kê khai cả tên và phận vụ của từng thiên thần.

Theo cái nhìn này, thì đoạn Xuất Hành 23 thuộc về loại cổ. Thiên Chúa đã hứa với dân ưong sa mạc, sẽ sai một thiên thần đến để dẫn lộ và bảo vệ dân. Danh Thiên Chứa tỏ hiện trong vị Sứ Giả này (23,21). Danh tức là người. Danh nơi sứ giả chính là Thiên Chúa, Người tự tỏ lộ để con người nhìn ra Người, cho phép họ kêu cầu Danh Người hay là cho họ cảm nhận được sự sợ sệt trước sự hiện diện của Người.

Vì Thiên Chúa hiện diện ngay trong các thiên thần, nên con người phải kính trọng và tin tưởng các Đấng.

b) Phúc Âm : Mt 18,1-5.10

Đoạn Mt 18,10 nói về “kẻ nhỏ”; như thế, ở đây không những nói về trẻ nhỏ, nhưng còn nói về những người yếu đuối, những người thấp bé về mặt kính tế và xã hội, những người đơn sơ. Luôn luôn chúng ta thấy những người này thường bị khinh khi và bị xử tệ.

Để tránh những thái độ như thế, Đức Giêsu nhắc đến giá trị của chính những con người đó. Chính Thiên Chúa biết và tôn trọng từng người này. Họ là con Thiên Chúa và hơn nữa, Thánh Kinh gọi họ là “con người của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu lại đồng hóa mình với họ :“Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các người đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta” (Mt 25,45).

Tất cả ngày tháng và hành động của “những kẻ bé mọn” này đều được tường trình trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gởi những trung gian và sứ giả từ trời xuống để chăm sóc cho họ. Đó là những thiên thần phục vụ Thiên Chúa và con người.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Cha sai các thiên thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các ngài hưởng phúc vinh quanh. Chúng con cầu xin…

 

SUY NIỆM 11: Các Thiên thần hộ thủ

(www.giaophandanang.org)

Thiên Chúa ban cho tất cả mỗi người chúng ta một Thiên Thần Hộ Thủ để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế để khuyên nhủ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta nên lắng nghe với sự nhu mì và kính trọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 02 tháng Mười, lễ Thiên Thần Hộ Thủ, tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha trình bày những suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, và mô tả các thiên thần là đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha đã chứng minh điều này khi nhắc lại những gì xảy ra khi Chúa đuổi ông A dong ra khỏi vườn địa đàng: Ngài không để ông A dong bơ vơ một mình cũng chẳng nói với ông: “Hãy tự lo cho bản thân ngươi đi”, nhưng Chúa ban cho tất cả mọi người một Thiên Thần Hộ Thủ của Thiên Chúa, là Đấng đang ở bên cạnh chúng ta.

Đại sứ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta

“Vị ấy luôn ở với chúng ta! Và đây là một thực tế. Giống như có đại sứ của Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Chúa khuyên chúng ta: ‘Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài!’ Chẳng hạn, khi chúng ta phạm một tội lỗi, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ có một mình, không ai biết, chẳng ai hay. Không, ngài đang ở đó. Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài. Hãy lắng nghe tiếng nói của ngài vì ngài cho chúng ta lời khuyên. Khi chúng ta nghe những lời dụ dỗ: ‘Nhưng hãy cứ làm điều này đi… điều này là tốt hơn. ..’ chúng ta đừng làm điều đó nhưng hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Thần Hộ Thủ! Đừng chống lại ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Thiên Thần Hộ Thủ luôn luôn bảo vệ chúng ta, đặc biệt khỏi các tội lỗi. Ngài lưu ý rằng “Đôi khi, chúng ta tin rằng chúng ta có thể che dấu rất nhiều điều xấu xa nhưng cuối cùng những điều như thế vẫn bị đưa ra trước ánh sáng. Thiên Thần hiện diện mọi nơi để nhủ bảo chúng ta và che chở cho chúng ta như một người bạn thân thiết. Một người bạn chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng ta có thể nghe được tiếng nói của ngài vang lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta, một người bạn một ngày kia sẽ ở cùng chúng ta trong niềm vui vĩnh cửu của Thiên Đàng.”

Tôn trọng và lắng nghe ngài

“Tất cả điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta là lắng nghe và tôn trọng ngài. Tất cả chỉ tóm gọn trong sự tôn trọng và lắng nghe ngài. Sự tôn trọng và lắng nghe người bạn đồng hành này trong cuộc hành trình của chúng ta được gọi là sự nhu mì. Các Kitô hữu phải nhu mì trước Chúa Thánh Thần. Nhu mì hướng về Chúa Thánh Thần bắt đầu với sự tuân phục những lời khuyên của ngài trong cuộc hành trình của chúng ta”

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng để nhu mì, chúng ta cần phải trở nên như trẻ thơ và Thiên Thần Hộ Thủ của chúng ta là một người bạn đồng hành dạy ta sự khiêm nhường này và cũng giống như các trẻ thơ chúng ta vâng nghe lời ngài.

“Xin cho chúng ta biết cầu xin cùng Chúa cho ân sủng của sự nhu mì này, để lắng nghe tiếng nói của người bạn đồng hành này, tiếng nói của vị đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với chúng ta nhân danh Ngài và xin cho chúng ta có thể được nâng đỡ bởi sự trợ giúp của Thiên Thần Hộ Thủ. Chúng ta phải tiến tới trong cuộc hành trình. Và trong Thánh Lễ này, nơi chúng ta ca ngợi Chúa, chúng ta hãy nhớ Thiên Chúa tốt lành dường bao, ngay sau khi chúng ta đánh mất tình bạn với Ngài, Thiên Chúa không để chúng ta bơ vơ lạc lõng. Ngài không bỏ rơi chúng ta.”

 

 

SUY NIỆM

1. “Ai là người lớn nhất?”

Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất, không chỉ lớn nhất trong các ông, như các Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Luca thuật lại : « Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? » (Lc 9, 46 ; Mc 9, 34), nhưng còn lớn nhất trong Nước Trời, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu :

Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?

(c. 1)

Có thể nói, đó là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su, của các môn đệ thuộc mọi thời và của cả loài người. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, tức tối, ganh tị nhau, loại trừ nhau dưới mọi hình thức, kể cả bằng bạo lực (x. Mt 20, 17-28).

Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.

2. Nên như trẻ nhỏ

Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Vấn đề quan trọng không phải ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng là làm thế nào để vào Nước Trời. Và để vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi:

Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

(c. 3)

Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Như thế, Nước Trời là Nước của “trẻ nhỏ” và chỉ có “trẻ nhỏ” mà thôi. Do đó, ai cũng là người “lớn nhất”:

Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này,
người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

(c. 4)

Như vậy trong Nước Trời, sẽ không còn sự phân biệt cao thấp hay lớn bé theo kiểu của người đời, như chính Chúa đã sẽ nói rằng, anh em chỉ có một Cha và một Thầy, còn tất cả đều là anh chị em với nhau, ở đời này cũng như ở đời sau (x. Mt 23, 8-12). Và để các môn đệ đừng hiểu lệch lạc những khái niệm « trẻ nhỏ », Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ và đồng hóa mình với em nhỏ :

Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy,
là tiếp đón chính Thầy.

(c. 5)

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này, được thánh sử Mác-cô ghi nhận : “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18).

 3. “Thiên Thần của họ”

Nhưng tại sao chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? Lý do Đức Giê-su nêu ra thật lạ lùng và phải làm cho chúng ta kinh ngạc:

Quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

(c. 10)

Như thế, các em nhỏ ngay ở đời này đã được Thiên Chúa chọn một cách nhưng không để được vào trong Nhà Chúa và chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người, ngang qua sự hiện diện của các thiên thần. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người được “chiêm ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa” là người được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận và chia sẻ sự sống viên mãn của Người, để yêu mến và ca tụng luôn mãi:

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

(Tv 42, 3)

Khi lắng nghe và suy niệm lời này của Đức Giê-su, Giáo Hội đã nhận ra ơn huệ Thiên Thần Hộ Thủ, hay Thiên Thần Bản Mệnh mà Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta, để luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng ta trong tương quan ân sủng với Chúa và thay mặt chúng ta chiêm ngắm Nhan Thánh Chúa.

*  *  *

Cùng với Giáo Hội chúng ta cùng diễn tả tâm tình tri ân đối với các Thiên Thần Ban Mệnh của chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trở nên như em bé trong bình an và niềm vui. Bởi vì, như Đức Giê-su đã công bố:

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

(Mt 5, 8)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (October 2): “Their angels behold the Father in heaven”

 

Scripture: Matthew 18:1-5, 10 

1 At that time the disciples came to Jesus, saying, “Who is the greatest in the kingdom of heaven?” 2 And calling to him a child, he put him in the midst of them, 3 and said, “Truly, I say to you, unless you turn and become like children, you will never enter the kingdom of heaven. 4 Whoever humbles himself like this child, he is the greatest in the kingdom of heaven. 5 “Whoever receives one such child in my name receives me; 10 “See that you do not despise one of these little ones; for I tell you that in heaven their angels always behold the face of my Father who is in heaven.

Thứ Ba     2-10         Các thiên thần của họ chiêm ngắm Cha trên trời

 

Mt 18,1-5.10

1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.4“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Meditation: Why does Jesus warn his disciples to “not despise the little ones?” God dwells with the lowly and regards them with compassion. His angels watch over them as guardians. “For he will give his angels charge of you to guard you in all your ways” (Psalm 91:11). God has not left us alone in our struggle “to refuse evil and to choose well” (Isaiah 7:15). The angels are his “ministering spirits sent forth to serve, for the sake of those who are to obtain salvation” (Hebrews 1:14). 

 

The angels are God’s messengers and protectors for us

Scripture is full of examples of how the angels serve as messengers and protectors. When Peter was chained in prison and kept under guard, an angel woke him in middle of the night, released his chains, and brought him safely out of prison, past several guards and through locked gates. When Peter realized he wasn’t dreaming, he exclaimed: “Now I am sure that the Lord has sent his angel and rescued me” (Acts 12:11). When Daniel was thrown into a den of hungry lions, an angel protected him from harm (Daniel 6:22).

The angels show us that the universe is spiritual as well as material

John Chrysostom (347-407 AD), an early church father and renowned preacher, compared the guardian angels to the troops garrisoned in cities on the frontiers of the empire to defend it from the enemy. Basil the Great (329-379 AD) said, “Beside each believer stands an angel as protector and shepherd leading him to life.” Angels ministered to Jesus after his temptation in the wilderness and during his agony in the Garden of Gethsemane (Luke 22:43). The angels will be present at Christ’s return, which they will announce, to serve at his judgment (Matthew 25:31). The angels show us that this universe which God created is not just materialistic. 

The devil seeks to destroy us

The fallen angels (Jude 6; 2 Peter 2:4; Revelations 12:9), described in Scripture as evil spirits or devils (Mark 5:13; Matthew 25:41), seek our destruction (see 1 Peter 5:8). If they cannot persuade us to disown our faith and loyalty to Christ, they will attempt to divert us from doing the will of God by distracting us with good things that weigh us down or make us indifferent towards the things of God. 

God provides us with spiritual protection from the evil one

God gives us the help of his angelic hosts and he gives us spiritual weapons, the shield of faith and the breastplate of righteousness (see Ephesians 6:1-11), to resist the devil and his lies. Through the gift of the Holy Spirit, we, too, join with the angelic choirs of heaven in singing the praises of God. Do you thank the Lord for his guidance and protection?

“Lord Jesus, you are our refuge and strength. May I always know your guiding hand and the help of your angels in protecting me from all that is evil. Give me the strength of will and courage to refuse what is evil and to choose what is good.”

Suy niệm: Tại sao Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ “không được khinh thường các trẻ nhỏ?” Thiên Chúa ở với những kẻ thấp hèn và nhìn đến họ với lòng trắc ẩn. Các thiên thần của Người hằng coi sóc họ như những người bảo vệ. “Vì Chúa sẽ cho các thiên thần canh giữ bạn trên khắp nẻo đường” (Tv 91,11). Thiên Chúa không để chúng ta một mình trong cuộc giằng co giữa “làm lành lánh dữ” (Is 7,15). Các thiên thần là “những đấng thiêng liêng được sai tới phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ” (Hr 1,14).

 

Các thiên thần là sứ giả của TC và người bảo hộ cho chúng ta

Kinh thánh đầy những câu chuyện nói về cách thức các thiên thần làm sứ giả đưa tin và là những vị bảo vệ. Khi Phêrô bị xiềng xích trong ngục và bị lính canh giữ, một thiên thần đánh thức ông dậy giữa đêm, mở xiềng xích, và dẫn ông ra khỏi ngục an toàn, lướt qua những người lính giữ ngục và những cánh cửa khóa kín. Khi Phêrô nhận ra mình không bị mơ, ông thốt lên: “Giờ đây tôi tin chắc rằng Thiên Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát tôi” (Cv 12,11). Khi Đanien bị ném vào hang sư tử hung dữ, một thiên thần đã bảo vệ ông khỏi sự nguy hiểm (Đn 6,22).

Các thiên thần cho chúng ta thấy rằng vũ trụ này vừa là vật chất vừa là thiêng liêng

Thánh John Chrysostom (347-407 AD), một giáo phụ thời Giáo hội sơ khai và là nhà giảng thuyết nổi tiếng đã so sánh các thiên thần bản mệnh với những đoàn quân bảo vệ trong những thành phố, là lính tiên phong của thành để đánh đuổi quân thù. Thánh Basil Cả (329-379 AD) nói rằng “Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một thiên thần như là người bảo vệ và mục tử hướng dẫn họ trong cuộc đời.” Các thiên thần phụng sự Đức Giêsu sau khi Người chịu cám dỗ trong hoang địa và trong cơn sầu khổ của Người trong vườn Gethsemane (Lc 22,43). Các thiên thần sẽ xuất hiện trong ngày tái lâm của Đức Kitô, ngày mà họ sẽ loan báo, để phục vụ cho việc xét xử của Ngài (Mt 25,31). Các thiên thần cho chúng ta thấy rằng vũ trụ này mà Thiên Chúa dựng nên không chỉ là vật chất.

Ma quỷ tìm cách hủy diệt chúng ta

Các thiên thần sa ngã (Gđ 6; 2Pr 2,4; Kh 12,9), được mô tả trong Kinh thánh như những thần dữ hay ma quỷ (Mc 5,13; Mt 25,41), tìm cách hủy diệt chúng ta (1Pr 5,8). Nếu chúng không thể thuyết phục chúng ta từ bỏ đức tin và lòng trung thành với Đức Kitô, chúng sẽ cố gắng làm cho chúng ta trệch hướng khỏi thực hiện ý Chúa bằng cách làm chúng ta sao lãng với những điều tốt lành làm cho chúng ta mệt mỏi chán chường, hay làm cho chúng ta ra thờ ơ với những việc của Chúa.

Thiên Chúa ban cho chúng ta sự bảo vệ thiêng liêng chống lại thần dữ

Thiên Chúa ban cho chúng ta sự trợ giúp của các đạo binh thiên thần và ban cho chúng ta những vũ khí thiêng liêng, khiên thuẫn đức tin và áo giáp công chính (Ep 6,1-11), để chống lại ma quỷ và sự lừa dối của nó. Qua ơn sủng Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng tham dự với ca đoàn thiên thần trên trời để hát mừng ngợi khen Thiên Chúa. Bạn có cám ơn Chúa về sự hướng dẫn và bảo vệ của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nơi con nương ẩn và là sức mạnh con. Chớ gì con luôn luôn nhận biết bàn tay hướng dẫn của Chúa và sự trợ giúp của các thiên thần của Chúa trong việc bảo vệ con khỏi mọi sự dữ. Xin Chúa ban cho con sức mạnh của ý chí và lòng can đảm để con khước từ những gì xấu xa và chọn những gì tốt lành.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận