Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/10/2018 01:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên.

"Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

 

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. "

Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

 

 

 

Suy Niệm 1: Nguy cơ của những tiện nghi vật chất

Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.

Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.

Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Nghe hay khước từ

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc. 10, 16)

Hôm qua Đức Giêsu đã ban một số huấn lệnh cho các môn đệ đi truyền giáo. Trường hợp gặp thất bại, hãy đến nơi khác. Đức tin không cưỡng bức ai. Đàng khác, dù muốn hay không, nước Thiên Chúa vẫn đến! Người ta có thể khước từ nhưng sẽ có ngày họ sẽ gia nhập, vì đó là thành ý Thiên Chúa. Chính Ngài định đoạt ngày giờ, chứ không phải người ta. Ước mong họ sẽ tin cậy vào Ngài. Họ nghe lời Chúa không tùy thuộc vào tài khéo léo thuyết phục của loài người.

Chính Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, cũng không thành công khi thuyết phục mọi người tin vào sứ điệp chân chính và cần thiết của Người. Bản tính nhân loại của Người như đã che lấp mọi may mắn làm cho người ta tin Người. Ba thành Kho-ra-zim, Bét-sai-đa và Ca-pha-na-um Người kể tên ra đây, là những vùng hoạt động của Người, được đặc biệt hưởng những ân huệ lời Người và tận tình cứu giúp của Người. Họ sẽ giầu có, phong phú biết bao về tinh thần, nếu họ lắng nghe và sống theo lời Người. Nhưng khốn thay! Họ đã cùng túng và thảm bại vì đã từ chối lời Người kêu gọi. Nếu các thành dân ngoại khác như Sô-đô-ma, Ti-a và Si-đôn đã được may mắn gặp gỡ Đức Kitô thì họ đã mặc áo nhặm ngồi trên tro tàn tỏ lòng ăn năn sám hối lâu rồi.

Chúa không chúc dữ đâu! Người chỉ than phiền về sự đui mù và vô ơn của mọi người, như Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem đã ruồng bỏ Người. Khi nghe những lời đau khổ của Đức Giêsu như thế, người ta không khỏi nghĩ đến những nước, những tỉnh thành, làng xã trong quá khứ đã nhận được dồi dào ơn lành và ánh sáng của Đức Kitô, nay họ đã ruồng bỏ Người, trong ngày phán xét, chúng ta sống hối hận chừng nào!

Hôm nay nghe các ngôn sứ của Đức Kitô, chính là nghe chính Đức Kitô. Nếu khước từ các Ngài là khước từ chính Người. Để lời khiển trách của Đức Giêsu xưa đem lại phúc lợi cho chúng ta, mỗi người và tất cả chúng ta hãy vui vẻ đón nhận lời Người để nghiêm chỉnh, thẳng thắn hồi tâm trở về với Đức Kitô. Đừng để lời cảnh giác của Người như tiếng vang ngoài tai rồi biến tan theo mây khói, thật khốn cho chúng ta!

GF

 

SUY NIỆM 3: SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG (Lc 10, 13-16)

Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề giảm thiêng trong đời sống đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn... khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến!

Hình ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon... Sang đến thời Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum... Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Trai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.

Nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.

Sự lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain, Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã không trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội lỗi...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ mà còn cắt đứt mối tương quan với tha nhân.

Thật vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội, gia đình mới trở nên tốt mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng được cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Khốn cho ngươi

Suy niệm :

Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,

Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ

nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.

Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.

Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.

Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.

Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),

và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.

Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng

và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.

Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.

Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.

Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!

Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên

với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).

Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.

Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.

Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,

dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).

Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).

Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!

Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.

Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).

Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),

thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.

Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,

vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,

những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.

Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,

chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.

Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,

nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.

Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?

Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,

đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?

Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,

là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.

Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta

những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.

để khi thấy con, người ta phải nói:

“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”

Và nếu có ai hỏi con

tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,

con sẽ trả lời

vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.

“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”

Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:

“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,

thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?” (Chân phước Charles Foucauld).

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. « Khốn cho ngươi… »

Trong các Tin Mừng, một trong những lời gay gắt của Đức Giê-su, là những lời chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay :

  • Đức Giê-su bắt đầu quở trách: « Khốn cho ngươi hỡi Kho-ra-din, khốn cho các ngươi hỡi Bết-Sai-Đa ».
  • Vẫn chưa hết, « Còn ngươi hỡi Ca-Phác-na-um…, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ»

Chúng ta đừng để mình bị tê liệt bởi những án phạt nặng nề. Cũng giống như cha mẹ của chúng ta nói những lời rất mạnh, khi chúng ta phạm lỗi nặng, nhưng chỉ là để làm cho chúng sợ, không dám tái phạm và trở nên ngoan hơn.

Hơn nữa, đây không phải là lời nói cuối cùng của Đức Giê-su, nói cách khác, đây không phải là bức thư tối hậu. Lời nói cuối cùng, lời tối hậu của Đức Giê-su là « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18), nói lên tình yêu bao dung, lòng thương xót và ơn tha thứ tuyệt đối của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu và chỉ có tình yêu mới biến đổi con tim của chúng ta thực sự và bền vững mà thôi (có thể đọc lại dụ ngôn « Người Cha nhân hậu », Lc 15, 11-32)

2Nhận ra dấu lạ

Điều quan trọng là ba thành phố này đã làm gì, đã phạm lỗi gì khiến cho Đức Giê-su nổi giận như vậy : đó là không sám hối, khi chứng kiến các dấu lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Và trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự từ chối của cả một tập thể: Chorazin, Bethsaida và Capharnaum đã không biết đọc ra các dấu chỉ mà Ngài thực hiện ở giữa họ để hoán cải.

Khi nghe những lời này, ước gì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến cách thức cả Hội Dòng, cộng đoàn và gia đình nhận ra sự hiện diện, hoạt động và lời mời gọi của Chúa ngang qua các dấu chỉ Chúa ban cho chúng ta. Có thể nói, chúng ta cũng được Chúa ưu ái ban cho các dấu lạ như đã ban cho Chorazin, Bethsaida và Capharnaum. Và Chúng ta cũng được mời gọi nhận ra những dấu lạ Chúa làm cách nhưng không cho mỗi người chúng ta ở trong cuộc đời, để với lòng biết ơn, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự. Nếu không, có lẽ Chúa cũng « nổi giận » !

Trước hết, đó là dấu chỉ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống (thiên nhiên, môi trường sống, dân tộc, xã hội, gia đình, lương thực, tương quan, ý nghĩa cuộc đời, ơn gọi…), và nhất là Đức Giê-su Ki-tô, quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã ban cho loài người và cho từng người chúng ta. Người là Dấu Lạ của mọi dấu lạ, ơn huệ của mọi ơn huệ. Bởi vì, Người là đường đi, là ánh sáng, là lương thực hằng sống, là tình yêu và lòng thương xót của Thiên dành cho con người. Nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban (x. Ga 4, 10) sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao được Thiên Chúa dẫn đưa theo chính lộ ngàn đời (x. Tv 139, 23-24).

3. Liên đới trong loan báo và đón nhận Tin Mừng

Khi Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 10, 1-12), Ngài không nói tới cá nhân, nhưng chỉ nói tới “cấp nhà” và “cấp thành”: vào nhà nào…; vào thành nào… Đó chính là chiều kích liên đới của ơn cứu độ mà Kinh Thánh và Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh; chẳng hạn, trong lời đối thoại của tổ phụ Abraham với Đức Chúa, chúng ta thấy rằng những người công chính có thể cứu được cả một thành đô; và Đức Giêsu nói với ông Giakêu: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9).

Trong thực tế, ơn cứu độ thường được nêu ra và giải đáp chỉ trên bình diện cá nhân: tội ai nấy chịu, công ai nấy hưởng. Điều này đúng, nhưng vẫn còn một sự thật khác: trong Chúa, còn có sự liên đới trong lầm lỗi, trong xét xử và trong cả ơn phúc nữa. Vì thế, đối tượng loan báo Tin Mừng của chúng ta không chỉ là những cá nhân, nhưng còn là và nhất là cả một dân tộc, một xã hội, một thành phố, một làng, một nhà, một cộng đoàn.

Sự liên đới trong sứ mạng loan báo Nước Trời, sự liên đới trong sự đón nhận lời loan báo, đặt nền tảng trên một sự liên đới khác, đó là sự liên đới thần linh:

Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai từ chối anh em là từ chối Thầy; nhưng ai từ chối Thầy là từ chối Đấng đã ai Thầy. (c. 16)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

He who hears you hears me

Friday (October 6): “He who hears you hears me”

 

Scripture: Luke 10:13-16  

13 “Woe to you, Chorazin! woe to you, Bethsaida! for if the mighty works done in you had been done in Tyre and Sidon, they would have repented long ago, sitting in sackcloth and ashes. 14 But it shall be more tolerable in the judgment for Tyre and Sidon than for you. 15 And you, Capernaum, will you be exalted to heaven? You shall be brought down to Hades. 16 “He who hears you hears me, and he who rejects you rejects me, and he who rejects me rejects him who sent me.”

Thứ Sáu     6-10           Ai nghe lời các con là nghe lời Thầy

 

Lc 10,13-16

13 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!16“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

Meditation: If Jesus were to visit your community today, what would he say? Would he issue a warning like the one he gave to Chorazin and Bethsaida? And how would you respond? Wherever Jesus went he did mighty works to show the people how much God had for them. Chorazin and Bethsaida had been blessed with the visitation of God. They heard the good news and experienced the wonderful works which Jesus did for them. Why was Jesus upset with these communities? The word woe is also translated as alas. It is as much as an expression of sorrowful pity as it is of anger. 

 

Jesus calls us to walk in the way of truth and freedom – justice and holiness

Why does Jesus lament and issue a stern warning? The people who heard the gospel here very likely responded with indifference. Jesus upbraids them for doing nothing! Repentance demands change – a change of heart and way of life. God’s word is life-giving and it saves us from destruction – the destruction of soul as well as body. Jesus’ anger is directed toward sin and everything which hinders us from doing the will of God and receiving his blessing. In love he calls us to walk in his way of truth and freedom, grace and mercy, justice and holiness. Do you receive his word with faith and submission or with doubt and indifference?

 

“Lord Jesus, give me the child-like simplicity and purity of faith to gaze upon your face with joy and confidence in your all-merciful love. Remove every doubt, fear, and proud thought which would hinder me from receiving your word with trust and humble submission.”

Suy niệm: Nếu như Đức Giêsu viếng thăm cộng đoàn chúng ta hôm nay, Người sẽ phải nói gì? Có phải Người sẽ đưa ra một lời cảnh báo giống như lời cảnh báo dành cho thành Chorazin và Bethsaida không? Cách đáp trả của bạn như thế nào? Bất cứ nơi nào Đức Giêsu đi đến, Người đã làm những điều lạ lùng để bày tỏ cho người ta biết Thiên Chúa yêu thương họ biết bao nhiêu. Thành Chorazin và Bethsaida được chúc phúc vì được Chúa viếng thăm. Họ nghe tin mừng và cảm nghiệm những phép lạ Đức Giêsu đã làm cho họ. Tại sao Đức Giêsu lại bực mình với những thành phố này? Hạn từ “woe” cũng được dịch như là “alas”. Nó là sự diễn tả sự thương tiếc buồn phiền cũng như giận dữ.

 

Đức Giêsu kêu gọi chúng ta bước đi trong đường lối sự thật và tự do – công bình và thánh thiện

Tại sao Đức Giêsu than van và đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc? Những người nghe Tin mừng ở đây dường như với thái độ thờ ơ. Đức Giêsu quở trách họ không làm gì cả! Thống hối đòi buộc sự thay đổi – sự thay đổi tâm hồn và cách sống. Lời Chúa là lời ban sự sống và cứu chúng ta khỏi sự hủy diệt – sự hủy diệt của linh hồn và thể xác. Sự giận dữ của Đức Giêsu nhắm đến tội lỗi và mọi thứ ngăn cản chúng ta không thực hiện thánh ý Chúa và đón nhận phúc lành của Người. Trong tình yêu, Người kêu gọi chúng ta bước đi trong đường lối sự thật và tự do của Người, ơn sủng và lòng thương xót, công bình và thánh thiện. Bạn có đón nhận lời Người với lòng tin và sự vâng phục, hay với sự nghi ngờ và thờ ơ?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con lòng đơn sơ và thuần khiết của đức tin như con trẻ để ngắm nhìn Chúa với niềm vui và tin tưởng trong tình yêu đầy thương xót của Người. Xin Chúa cất khỏi mọi nghi ngờ, sợ hãi, và tư tưởng kiêu căng, có thể ngăn cản con không đón nhận lời Chúa với lòng tin tưởng và sự vâng phục khiêm tốn.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

tức là, khinh dể

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận