Đức Mẹ sầu bi. Lễ nhớ.

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/09/2018 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Đức Mẹ sầu bi. Lễ nhớ.

"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà". - "Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can"

 

Đức Maria đã hiệp thông sâu xa với cuộc thương khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc phục sinh của Người.

Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Ga 19, 25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Cơ-lô-pát, và Maria Mađalêna.

Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà".

Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðây sẽ là niềm an ủi của con

Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.

Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi". Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ". Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.

Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: "Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con".

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.

Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.

Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.

Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: "Tooi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh".

(Trích trong ‘Lẽ Sống’)

 

SUY NIỆM 2: Ðức Mẹ Sầu Bi

Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.

Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến khía cạnh Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của Gioan, làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ðoạn Phúc Âm không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Phúc Âm thì chỉ có Phúc Âm theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.

Lạy Mẹ Maria,

Xin Mẹ hãy đồng hành bên cạnh con như Mẹ hiện diện bên cạnh Con Mẹ. Chúng con cần đến Mẹ nhất là khi gặp những gian nan thử thách. Xin Mẹ giúp chúng con trung thành với ơn gọi và với Chúa Giêsu Con Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Đức Mẹ đau khổ

Mẹ đứng kề Thánh Giá ! Mẹ đứng đó với Gioan và với cả hai tên trộm cướp ! Mẹ đứng đó, trên đồi Gôlgôtha, không xa mấy, dưới chân đồi, đám dân, những người tò mò, những người vô can, những người kêu khóc, những người sợ hãi đang đứng dưới bóng cây thánh giá, bóng Đức Mẹ và Con Ngài, họ cảm thấy mình hoàn toàn không chịu trách nhiệm về cái chết này. Còn những kẻ thi hành án và những kẻ có quyền thì sao ? Họ không cúi đầu, lại chê cười thất vọng và chua chát !

Đứng kề !

Đức Mẹ không lo nghĩ đến bị rơi vào bất tỉnh trước những sỉ nhục, những kết tội của kẻ thù, những la ó, Mẹ đứng đó, đứng thẳng ! Điều quan trọng hơn đối với Mẹ là Con Ngài là xương là thịt của xương thịt Ngài, Kìa đang bị treo trên thánh giá, Người là sự hy vọng cùng đích bảo đảm cho tất cả, nhờ sự hiện diện của Mẹ, nhờ bà Mẹ này, mọi sự ước muốn và yêu dấu được toại nguyện !

Mẹ đứng đó, đứng thẳng vững chắc, trong thái độ xin vâng ! Mẹ luôn luôn sẵn sàng tiếp tục ơn gọi suốt đường đời, ơn gọi tới tận chân thánh giá. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng trọn đời trên thập giá ! vượt trên mọi lượng định nhân loại của Đức Mẹ. Mẹ không được chọn vì cây thập giá, nhưng được chọn cùng với các con cháu loài người để đón nhận vào cuộc sống của Mẹ như bình thánh đựng máu tình yêu  của con Ngài mới có sức tắm rửa, thanh tẩy và làm sống lại.

Chăm chú

Đức Mẹ dâng tiến lên Thiên Chúa và cho thế nhân con của Mẹ, đồng thời Mẹ chăm chú lắng nghe con Ngài, Mẹ chú ý lắng nghe tiếng con Mẹ và đã nghe thấy nguyện vọng sau cùng của Người  thốt lên.

Ma-ri-a lúc truyền tin, đã chú ý lắng nghe Đấng Messia của Israel, và đã thành bà mẹ.

Bây giờ Mẹ đang chú ý ! Mẹ đoán mọi sự chưa hoàn tất đối với Mẹ ! Ước chi cuộc sống Mẹ còn tiếp tục ! Mẹ sẽ nhận được lời nguyện cuối cùng của Con Mẹ, Mẹ bắt đầu lắng nghe mọi người bởi vì Mẹ đang lắng nghe Thiên Chúa !

Là chứng nhân về tình yêu Con Mẹ, Mẹ được chia sẻ với Người sống đến tột đỉnh của đức tin.

J.M.

 

SUY NIỆM 4: Đứng gần thập giá

Suy niệm :

Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,

khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,

mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,

khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,

và chôn táng Con trong mộ.

Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.

Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.

Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.

Chỉ ai yêu mới biết đau.

Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,

các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.

Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.

Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.

Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.

Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.

Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.

Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,

Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.

Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.

Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.

Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,

và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.

Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.

Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.

Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.

Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,

nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.

Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.

Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.

Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.

Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).

Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).

Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,

nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.

Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.

Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.

Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,

đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).

và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).

Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.

Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.

Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.

Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.

Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.

 

Cầu nguyện :

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

SUY NIỆM: 

1. Đức Mẹ Sầu Bi

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ « Đức Mẹ Sầu Bi ». Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay là vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (chẳng hạn Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…). Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta : Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời !

Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào ? Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và « suy chiêm » những đau khổ của Mẹ. Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.

2. Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ

Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ « Đức Mẹ Bảy Sự ». Con số « bảy » cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu : bảy lần; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35); bảy giỏ (x. Mc 8, 8). Sau đây là « bảy sự » của Đức Mẹ: 

  • Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  • Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  • Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
  • Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
  • Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.
  • Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
  • Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.

Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa « xin vâng », đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xẩy ra cho Mẹ. Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ : Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa ; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài ; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.

Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với « Đức Ki-tô chịu đóng đinh ». Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ. Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn… , thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ. Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ ?

Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài. Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu. Như thánh Augustino nói : « Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi ».

3. Đau khổ thứ năm: Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá

Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.

*  *  *

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

me sau bi

Friday (September 15): “Standing by the cross of Jesus”

 

Scripture: John 19:25-27  

But standing by the cross of Jesus were his mother, and his mother’s sister, Mary the wife of Clopas, and Mary Magdalene. When Jesus saw his mother, and the disciple whom he loved standing near, he said to his mother, ‘Woman, behold, your son!’ Then he said to the disciple, ‘Behold, your mother!’ And from that hour the disciple took her to his own home.

Thứ Sáu     15-9           Đứng kề bên thập giá Đức Giêsu

 

Ga 19,25-27

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Meditation: Does suffering or sorrow weigh you down? The cross brings us face to face with Jesus’ suffering. He was alone. All his disciples had deserted him except for his mother and three women along with John, the beloved disciple. The apostles had fled in fear. But Mary, the mother of Jesus and three other women who loved him were present at the cross. They demonstrate the power of love for overcoming fear (1 John 4:18).

 

Love sustains us in hope through griefs and trials

At the beginning of Jesus’ birth, when he was presented in the temple, Simeon had predicted that Mary would suffer greatly – a sword will pierce through your own soul (see Luke 2:33-35). Many have called Mary a martyr in spirit. Bernard of Clairvaux said: “[Jesus] died in body through a love greater than anyone had known. She died in spirit through a love unlike any other since his.” Mary did not despair in her sorrow and loss, since her faith and hope were sustained by her trust in God and the love she had for her Son. 
The love of Christ enables us to bear all things

Jesus, in his grief and suffering, did not forget his mother. He entrusted her care to John, as well as John to her. No loss, no suffering can keep us from the love of Christ (Romans 8:35-39). Paul the Apostle says that love bears all things, believes all things, hopes all things, endures all things (1 Corinthians 13:3). We can find no greater proof of God’s love for us than the willing sacrifice of his only begotten Son, the Lord Jesus Christ, on the cross. Do you know the love that enables you to bear your cross and to endure trial and difficulties with faith and hope in God?

“Lord Jesus Christ, by your death on the cross you have won pardon for us and freedom from the tyranny of sin and death. May I live in the joy and freedom of your victory over sin, condemnation, and death.”

Suy niệm: Đau khổ hay buồn phiền có đè bẹp bạn không? Thánh giá mang chúng ta giáp mặt với sự đau khổ của Đức Giêsu. Người rất cô đơn. Tất cả các môn đệ lìa bỏ Người, ngoại trừ mẹ Người và ba người phụ nữ, cùng với Gioan, người môn đệ Chúa yêu. Các tông đồ chạy trốn vì sợ hãi. Nhưng Maria, mẹ Đức Giêsu và 3 phụ nữ khác, những người yêu mến Người vẫn hiện diện ở thập giá. Họ biểu lộ sức mạnh của tình yêu vượt thắng sự sợ hãi (1Ga 4,18).

 

Tình yêu giữ vững chúng ta trong hy vọng qua những đau khổ và thử thách

Khi Đức Giêsu mới sinh ra, khi Người được dâng tiến trong đền thờ, ông Simeon đã tiên báo rằng Maria sẽ đau khổ vô cùng – một thanh gươm sẽ đâm thâu lòng bà (Lc 2,33-35). Nhiều người gọi Mẹ Maria là người tử đạo trong tâm hồn. Thánh Bênađô thành Clairvaux nói rằng: “Đức Giêsu chết trong thân xác với một tình yêu lớn lao không ai hiểu được. Còn Mẹ Maria chết trong tâm hồn với một tình yêu không giống như bất kỳ một ai khác dành cho Người”. Mẹ Maria đã không tuyệt vọng trong đau khổ và mất mát, vì niềm tin và hy vọng của mẹ được duy trì bởi lòng tin tưởng vào Chúa, và tình yêu mẹ dành cho con mình.

Tình yêu của Đức Kitô giúp chúng ta chịu đựng tất cả

Đức Giêsu, trong sự đau đớn tột cùng, đã không quên mẹ mình. Người giao phó mẹ cho Gioan, cũng như giao phó Gioan cho mẹ. Không có sự mất mát nào, không có sự đau khổ nào có thể tách chúng ta khỏi lòng mến Đức Kitô (Rm 8,35-39). Thánh Phaolô tông đồ nói rằng tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, ôm ấp tất cả (1Cor 13,3). Chúng ta không thể tìm được bằng chứng nào lớn hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta sự tự nguyện hy sinh  Con của Người trên thập giá. Bạn có biết tình yêu, có thể giúp bạn mang lấy thánh giá của mình và chịu đựng những thử thách và khó khăn với niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa không?

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết của Chúa trên thập giá, Chúa đã tha thứ cho con và giải thoát con khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết. Chớ gì con được sống trong sự chiến thắng của niềm vui và tự do của Người trên tội lỗi và sự chết.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

môn đệ, người yêu

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận