Thứ năm đầu tháng, tuần 26 thường niên – Thánh Phanxicô Assisi

Đăng lúc: Thứ năm - 04/10/2018 02:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ năm đầu tháng, tuần 26 thường niên – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.

"Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy".

 

* Thánh nhân sinh năm 1182 tại Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo dân hãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết cho những người chưa tin. Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh và dịu dàng yêu thương mọi người.

 

Lời Chúa: Lc 10, 1-12

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.

Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Tinh Thần Nghèo Khó Ðích Thực

Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:

Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?

Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:

Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?

Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:

Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó; Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài. Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.

Trong thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giầu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển hay làm giầu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.

Thế nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy, có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.

Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn hơn người khác vì được thịnh vượng, giầu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Rao Giảng Và Chữa Lành Bệnh Tật

Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm mười hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố phục sinh để thực tập, để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau phục sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,18-20).

Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu . Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa, cho rằng Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu. Vượt qua giới hạn của thời gian, Chúa đã kêu gọi, huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian nhờ những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.

Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa là công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để thờ Thiên Chúa, nhà thương chăm sóc bệnh nhân, nhà săn sóc người cao niên, nhà học tập cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa.

Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sai sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Đừng ảo tưởng

Sau đó Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc. 10, 1-2)

Đừng ảo tưởng! truyền giáo, theo Đức Kitô, chính là không ngừng nghỉ. Ngay từ đầu các môn đệ đã được chỉ định rõ rệt. Thầy đã nói từng chi tiết những gì các ông trông đợi trước khi sai các ông đi. Đi từng hai đến các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Trước hết, các môn đệ cần phải xác tín rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Muốn có số thợ gặt sẵn sàng và có hiệu quả, phải cầu nguyện tận lực xin tuyển mộ được những thợ gặt chân chính và chắc chắn để đi loan truyền sứ điệp của Đức Kitô.

Số thợ tuyển mộ thì ít, họ như chiên ở giữa sói rừng! họ không được phép giơ tay năm ngón chỉ trỏ kiêu hãnh để áp đặt sứ điệp bằng bạo lực hay bất cứ thứ gì như thế. Nhưng chỉ đề nghị, rất trong sáng, an bình và tự do, không một chút bó buộc nào cả.

Những người truyền giáo nghèo khó, trơ trụi không trang bị những phương tiện gì to lớn của loài người, như tiền của tài năng, trù ếm, ảo thuật, không được dính bén những gía trị quan trọng quyền thế của trần tục, của bảo hiểm dưới đất, của an toàn vật chất, tuy không khinh bỉ chúng, nhưng không để chúng lôi kéo mình vịn lý do cần thiết.

Đối với Đức Kitô, những lời chào hỏi dọc đường là không cần thiết. Hãy trực tiếp đến nơi để rao giảng thì tốt hơn. “Đừng chào ai dọc đường” cũng có nghĩa là “hãy đi thẳng đến mục đích”. “Trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”, đó là đem niềm vui đến cho họ, rồi đừng để mất giờ, hãy chữa bệnh tật cho họ và nói cho họ biết: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.

Đó là những chỉ dẫn thật chính xác, rất ngắn gọn và cô đọng, đáng cảm phục biết bao một tinh thần trung thực vĩ đại! Người ta chấp nhận hay từ chối sứ điệp không phải dài dòng lý sự bắt người ta phải kính trọng. Người còn nói: “Nếu người ta không tiếp đón, hãy đi nơi khác”.

Người truyền giáo cần hành động chứ không van xin than thở.

GF

 

SUY NIỆM 4: MỖI NGƯỜI ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI (Lc 10, 1-12)

Xem lại CN 14 TN C

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ quát của sứ vụ này.

Khi được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của Chúa. Người tông đồ là người được sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu độ.

Tuy nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng buồn chán, thất vọng và buông xuôi...

Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và tinh thần của người thừa sai, để các ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.

Trước tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy của mình, đến để cứu độ bằng con đường thập giá. Vì thế, can đảm đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu thương là tinh thần của người môn đệ. Khó khăn này được ví như: "Chiên giữa bầy sói".

Thứ đến: người môn đệ phải sống cuộc sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn. Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì đáng được thưởng công. Vì thế: không bị, không tiền, không mang hai áo ... là tinh thần của người thừa sai.

Tiếp theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi trở nên của ăn cho người khác. Vì thế, người môn đệ cần nhạy bén để khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng: "Đi hết nhà này đến nhà kia" mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.

Mặt khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống, văn hóa, được chuyển tải bằng những thứ ngôn ngữ của chính người bản địa. Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế, người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu "hạ đẳng" của chính mình. Vì vậy: "Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em".

Hơn nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu lời giảng dạy là để giới thiệu Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, đứng về phía người nghèo, áp bức, bất công để giải thoát con người cách toàn diện, thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về tình thương, sự liên đới do lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ yếu đuối... để làm chứng cho: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần".

Cuối cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban cho người khác bình an được. Cuộc đời sứ vụ của người thừa sai mà thiếu đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy: "Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con".

Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với đời sống bác ái yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Như chiên con

Suy niệm :

Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước,

từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.

Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào.

Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.

“Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).

Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ,

yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.

Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.

Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt,

như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).

Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,

trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ.

Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều:

không túi tiền, không bao bị, không giầy dép,

dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.

Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác.

Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.

Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh,

liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ.

Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.

Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc.

Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ

qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),

cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).

Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).

Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),

thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện.

Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối,

khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.

Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.

Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay.

Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần,

với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh.

Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.

Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.

Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín,

và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ?

Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ?

Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,

như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung,

và làm việc như một người thợ để phục vụ.

Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

Hôm nay, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Thánh Lễ kính nhớ hai thánh Giám Mục, môn đệ của thánh Phao-lô Tông Đồ, đó là hai thánh Ti-tô và Ti-mô-thê. Xin Chúa cũng thương ban cho tất cả chúng ta ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, để có thể đi theo Người và loan báo Tin Mừng của Người đến cùng, như các thánh chúng ta mừng kính hôm nay.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận ra ba đặc điểm thuộc về sứ mạng loan báo Tin Mừng, và để con tim của chúng ta được chinh phục, nghĩa là được ơn hiểu biết sâu sa, có lòng ước ao và quảng đại dấn thân thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.

1. Sứ mạng phục vụ cho sự sống

Sẽ thật là ấn tượng và rất có ý nghĩa, khi chúng ta hình dung ra một nhóm rất đông gồm bảy mươi hai môn đệ, được Đức Giê-su đích thân chỉ định, sai đi từng hai người một. Hình ảnh bảy mươi hai môn đệ nói cho chúng ta về sự phong phú của đời tu hôm nay, nam cũng như nữ, trong Giáo Hội và nhất là tại Giáo Hội Việt Nam, và về chính chúng ta nữa, hay những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta đang ở trong Năm Đời Sống Thánh Hiến. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho tất cả chúng ta và cách đặc biệt cho tất cả những người đang tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, niềm xác tín này : đó là được Chúa đích thân tuyển chọn và sai đi, cho dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào.

Và sứ mạng của các môn đệ là chuẩn bị cho Chúa đến một cách đích thân : « Người sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến ». Nói cách khác, cánh đồng và sứ mạng là của Chúa, chúng ta không phải chủ, nhưng là nữ tì, là tôi tớ, là « ơn huệ », Chúa ban cho cánh đồng nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội, của rất nhiều người, nhất là của những người thân yêu. Và lời loan báo : « Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần », gắn liền với hoạt động chữa những người đau yếu:

Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” (c. 9)

Đức Giê-su cũng đã làm như thế khi loan báo Nước Trời. Như thế, các môn được mời gọi làm cùng một điều như Đức Giê-su đã làm, khi được chọn và sai đi, đó là hoạt động phục vụ cho sự sống : chữa bệnh liên quan đến sự sống ở mức độ căn bản nhất là sức khỏe, nhưng sự sống của con người không chỉ là sức khỏe, nhưng còn là và nhất là được đón nhận, được đồng hành, được tôn trọng, được yêu thương, được lắng nghe, được hòa giải với bản thân và với nhau, được cảm thông, được bao dung tha thứ, được chữa lành những vết thương trong tâm hồn.

2. « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói »

Giống như Đức Giê-su, Đấng chọn và sai chúng ta đi, chính khi chúng ta thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống, chúng ta đánh liều chính sự sống của mình: « Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói ». Chiên con, chứ không phải chiên mẹ hay chiên bố, ở giữa bầy sói, thì chắc chắn là « chết » ! Bởi vì chính Đức Giê-su là « Chiên Con », như chúng ta tung hô nhiều lần trong Thánh Lễ : « Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian… »

Tuy nhiên, hình ảnh chiên và sói lại diễn tả cách tuyệt vời sự tương phản giữa sự hiền lành của Thiên Chúa và tính bạo lực của sự dữ. Giống như Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi chiến thắng bạo lực của sự dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, bằng cách phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, bằng chính sự dịu hiền của Thiên Chúa:

Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ,
cất tiếng ngợi khen chống lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)

Bởi vì nếu chúng ta sử dụng cùng một phương tiện bạo lực, mà sự dữ dùng, để chống lại sự dữ, thì chúng ta sẽ không khác gì sự dữ, và nhất là vì chúng ta sẽ rất mau bị cuốn vào xoáy của sự dữ. Thật vậy, khi người ta dùng gươm dao súng ống để chống lại kẻ xấu, không sớm thì muộn, người ta sẽ say mê gươm dao súng ống luôn. Chính vì thế, Đức Giê-su mời gọi chúng đừng chống lại kẻ dữ (x. Mt 5, 39).

Đánh liều sự sống, khi thi hành sứ mạng phục vụ sự sống. Điều này thật là thiệt thòi, thử thách và đau khổ. Nhưng đó lại là qui luật muôn đời của sự sống, được ghi khắc trong công trình sáng tạo và trong kinh nghiệm sống của loài người chúng ta: muốn phục vụ sự sống, muốn cho sự sống sinh sôi nẩy nở, phải cho đi chính sự sống của mình: đó là hạt lúa mì khi được gieo vào lòng đất, đó là người mẹ khi cưu mang và sinh con. Đức Ki-tô đến để cho thế gian được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10, 10), và Người đã không đi con đường nào khác, ngoài con đường của hạt lúa mì. Thử thách và đau khổ, nhưng đồng thời cũng là hạnh phúc sâu xa và niềm vui bao la nếu được sống bằng tình yêu và lòng biết ơn. Và nhất là khi, trong Chúa, đó là con đường Vượt Qua, dẫn chúng ta đến ơn huệ sự sống gấp trăm và viên mãn.

3. « Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép »

Chính Chúa ban sự sống và ban lại sự sống gấp trăm, điều này, giúp chúng ta hiểu hiểu được ý nghĩa của lời dặn rất triệt để của Đức Giê-su, không thể áp dụng được trong thực tế, đó là không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.

Như thế, chúng ta đi vùng sâu vùng xa hoặc đi Đông hay đi Tây làm sao được ? Không thể thực hiện được nhưng lại mang một ý nghĩa quyết định, đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta không tuyệt đối phụ thuộc vào những phương tiện vật chất chúng ta có và những khả năng chúng ta tạo lập được, mặc dù những điều này là quan trọng. Sống ơn gọi và thi hành sứ mạng, chúng ta được mời gọi sống bằng ơn Chúa và bằng chính Chúa, chứ không phải bằng phương tiện và khả năng sinh sống và làm việc của riêng mình. Đó là ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.

Và ơn Chúa được ban cho chúng ta một cách rất cụ thể ngang qua sự tiếp đón và quà tặng do người khác chia sẻ, cụ thể là bữa ăn:

Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó… Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (c. 7-8)

Trong lời dặn dành cho các môn đệ được sai đi, Đức Giê-su nói tới bữa ăn người ta đãi tới hai lần, và lần sau ăn lớn hơn lần trước, bởi vì là bữa ăn cấp thành phố !

*  *  *

Ước ao phục vụ, có khả năng phục vụ và làm được cái gì đó cho người khác, Giáo Hội, hay Hội Dòng, đó là điều mọi người thao thức, và việc tuyển lựa ơn gọi và huấn luyện cũng dựa vào những tiêu chuẩn này. Điều đó thật đáng vui, như kinh nghiệm của các môn đệ cho thấy:

Khi ấy nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ hớn hở nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”!

(Lc 10, 17)

Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng tới một niềm vui lớn hơn, đó là “tên anh em đã được ghi trên trời”:

Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.

(c. 20)

Lời Đức Giê-su muốn nói rằng, các môn đệ của Ngài, xưa kia cũng như hôm nay, hiện diện trong cung lòng Thiên Chúa từ muôn thủa và mãi về sau cách nhưng không. Đây không chỉ là niềm vui lớn hơn, mà còn là nguồn hành động và làm cho hành động trở nên đích thực và đi đúng hướng. Hơn nữa, đó chính là lẽ sống, khi chúng ta không còn phục vụ được gì nữa, không còn sức lực nữa. Không chỉ sau này về già, hay những lúc đau bệnh, nhưng ngay những lúc thất bại, bị coi thường, chê bỏ…

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Thursday (October 4):  “The kingdom of God has come near to you”

 

Scripture: Luke 10:1-12  

1 After this the Lord appointed seventy others, and sent them on ahead of him, two by two, into every town and place where he himself was about to come. 2 And he said to them, “The harvest is plentiful, but the laborers are few; pray therefore the Lord of the harvest to send out laborers into his harvest. 3 Go your way; behold, I send you out as lambs in the midst of wolves. 4 Carry no purse, no bag, no sandals; and salute no one on the road. 5 Whatever house you enter, first say, `Peace be to this house!’ 6 And if a son of peace is there, your peace shall rest upon him; but if not, it shall return to you. 7 And remain in the same house, eating and drinking what they provide, for the laborer deserves his wages; do not go from house to house. 8 Whenever you enter a town and they receive you, eat what is set before you; 9 heal the sick in it and say to them, `The kingdom of God has come near to you.’ 10 But whenever you enter a town and they do not receive you, go into its streets and say, 11 `Even the dust of your town that clings to our feet, we wipe off against you; nevertheless know this, that the kingdom of God has come  near.’ 12 I tell you, it shall be more tolerable on that day for Sodom than for that town.

Thứ Năm     4-10       Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi

 

Lc 10,1-12

1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”10Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói:11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

Meditation: What kind of harvest does the Lord want us to reap today for his kingdom? When Jesus commissioned seventy of his disciples to go on mission, he gave them a vision of a vast field that is ready to be harvested for the kingdom of God. Jesus frequently used the image of a harvest to convey the coming of God’s reign on earth. The harvest is the fruition of much labor and growth – beginning with the sowing of seeds, then growth to maturity, and finally the reaping of fruit for the harvest. 

 

God’s word grows like a seed within us

In like manner, the word of God is sown in the hearts of receptive men and women who hear his word, accept it with trust and obedience, and then share the abundant fruit of God’s word in their life with others. The harvest Jesus had in mind was not only the gathering in of the people of Israel, but all the peoples (and nations) of the world. John the Evangelist tells us that  “God so loved the world that he gave his one and only Son, that whoever believes in him shall not perish but have eternal life” (John 3:16).

Be a sower of God’s word of peace and mercy

What does Jesus mean when he says his disciples must be “lambs in the midst of wolves”? The prophet Isaiah foretold a time when wolves and lambs will dwell in peace (Isaiah 11:6 and 65:25). This certainly refers to the second coming of of the Lord Jesus when all will be united under the Lordship of Jesus after he has put down his enemies and established the reign of God over the heavens and the earth. In the meantime, the disciples must expect opposition and persecution from those who would oppose the Gospel. Jesus came to lay down his life for us, as our sacrificial lamb, to atone for our sins and the sins of the world. We, in turn, must be willing to offer our lives with gratitude and humble service for our Savior, the Lord Jesus Christ.

We are called to speak and witness in God’s name

What is the significance of Jesus appointing seventy disciples to the ministry of the word? Seventy was a significant number in biblical times. Moses chose seventy elders to help him in the task of leading the people through the wilderness. The Jewish Sanhedrin, the governing council for the nation of Israel, was composed of seventy members. In Jesus’ times seventy was held to be the number of nations throughout the world. Jesus commissioned the seventy to a two-fold task – to speak in his name and to act with his power. 

Jesus gave his disciples instructions for how they were to carry out their ministry. They must go and serve as people without guile, full of charity (selfless giving in love) and peace, and simplicity. They must give their full attention to the proclamation of God’s kingdom and not be diverted by other lesser things. They must  travel light – only take what was essential and leave behind whatever would distract them – in order to concentrate on the task of speaking the word of the God. They must do their work, not for what they can get out of it, but for what they can give freely to others, without expecting reward or payment. “Poverty of spirit” frees us from greed and preoccupation with possessions and makes ample room for God’s provision. The Lord Jesus wants his disciples to be dependent on him and not on themselves.

God gives us his life-giving word that we may have abundant life in him. He wills to work in and through each of us for his glory. God shares his word with us and he commissions us to speak it boldly and plainly to others. Do you witness the truth and joy of the Gospel by word and example to those around you?

 

“Lord Jesus, may the joy and truth of the Gospel transform my life that I may witness it to those around me. Grant that I may spread your truth and merciful love wherever I go.”

Suy niệm: Ngày hôm nay, Chúa muốn chúng ta thu hoạch loại mùa gặt nào cho vương quốc của Người? Khi Đức Giêsu ủy quyền cho 70 môn đệ đi truyền giáo, Người cho họ thấy cảnh tượng của cánh đồng rộng lớn sẵn sàng cho một mùa gặt lớn cho nước Chúa. Đức Giêsu thường dùng hình ảnh mùa gặt để diễn tả việc vương quyền của Chúa sẽ đến trên thế gian. Mùa gặt là sự kết tinh của sự lao công và sự lớn lên – khởi đầu với việc gieo giống, rồi lớn lên, và cuối cùng đem lại hoa trái cho mùa gặt.

 

 

Lời Chúa lớn lên như hạt giống trong ta

Trong cách thức tương tự, lời Chúa được gieo vào lòng những người nam hay nữ lắng nghe lời Người, tiếp nhận nó với lòng tin tưởng và vâng phục rồi chia sẻ hoa trái sung mãn của lời Chúa trong cuộc đời mình và người khác. Mùa gặt mà Đức Giêsu đề cập tới không chỉ là việc quy tụ dân Israel, nhưng là tất cả mọi dân tộc (mọi quốc gia) trên thế giới. Thánh sử Gioan nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để những ai tin nhận Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Hãy là người gieo lời bình an và thương xót của Thiên Chúa

Đức Giêsu có ý muốn nói gì khi Người nói các môn đệ phải như “chiên giữa bầy sói”? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời gian khi sói và chiên sống trong hòa bình (Is 11,6- 65,25). Điều này chắc chắn có ý nói đến việc Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai khi tất cả sẽ được hiệp nhất dưới uy quyền của Đức Giêsu, sau khi Người hạ bệ các kẻ thù của Người xuống và thiết lập vương quốc của Chúa cả trên trời dưới đất. Đồng thời, các môn đệ phải đón nhận sự chống đối và bách hại từ những kẻ chống lại Tin mừng. Đức Giêsu đến để hiến mạng sống mình vì chúng ta, như con chiên tế lễ để đền bù tội lỗi của chúng ta và của thế giới. Phần chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình trong sự phục vụ Đấng cứu độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô cách biết ơn và khiêm tốn.

Chúng ta được kêu gọi để nói và làm chứng nhân danh Thiên Chúa

Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chỉ định 70 môn đệ lo việc mục vụ lời Chúa là gì? Bảy mươi là một con số ý nghĩa trong Kinh thánh. Môisen đã chọn 70 vị trưởng lão để giúp ông trong việc hướng dẫn dân chúng trong thời kỳ đi trong hoang địa. Tòa án tối cao của Dothái, hội đồng quốc gia Israel, gồm có 70 thành viên. Vào thời Đức Giêsu, con số 70 được gắn liền với con số các quốc gia trên thế giới. Đức Giêsu ủy quyền cho nhóm 70 hai công việc: Nói nhân danh Người và hành động với uy quyền của Người.

 

 

Đức Giêsu cho họ những chỉ dẫn để thực hiện sứ mệnh của mình. Họ phải đi và phục vụ với tư cách là những người không lừa dối, đầy bác ái, bình an, và giản dị. Họ phải chú trọng hoàn toàn đến việc rao giảng vương quốc của Chúa, không được lệch hướng sang những chuyện nhỏ nhặt khác. Họ phải ra đi nhẹ nhàng – chỉ đem những gì cần thiết và bỏ lại sau lưng bất cứ thứ gì có thể làm cho họ sao lãng – để tập trung vào việc rao giảng lời Chúa. Họ phải thực hiện sứ mạng của mình, không vì những gì họ có thể lãnh nhận, nhưng vì những gì họ có thể ban tặng cho người khác cách tự do, mà không mong đợi phần thưởng hay sự đáp trả nào. “Tinh thần nghèo khó” giải thoát chúng ta khỏi sự tham lam và tích trữ của cải vật chất, và mở rộng cõi lòng cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải tùy thuộc vào Người chứ không phải họ.

Đức Giêsu ban lời sự sống của Người cho chúng ta để chúng ta có được cuộc sống sung mãn trong Người. Người muốn làm việc qua và trong mỗi người chúng ta cho vinh quang của Người. Thiên Chúa chia sẻ lời Người cho chúng ta và Người ủy thác cho chúng ta nói lời Người một cách mạnh mẽ nhưng đơn giản cho những người khác. Bạn có làm chứng về sự thật và niềm vui của Tin mừng bằng lời nói và gương mẫu của mình cho những người xung quanh mình không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì niềm vui và chân lý của Tin mừng biến đổi cuộc đời con, để con có thể làm chứng cho những người xung quanh. Chớ gì con gieo rắc chân lý và ánh sáng của Người bất cứ nơi nào con đến.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận