THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG – THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Đăng lúc: Thứ tư - 03/12/2014 04:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG– THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng".

 

* Phanxicô sinh năm 1506 tại Xaviê thuộc giáo phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình quyền quý. Năm 19 tuổi, ngài sang Ba Lê để tiếp tục việc học. Tám năm sau, ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư đại học đó. Ðược nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng một ngày kia, Chúa đã dùng miệng lưỡi thánh Ignatiô, cũng là thầy dạy, để nói cùng ngài: “Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?”. Và Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim thánh nhân, biến ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Năm 1539, Phanxicô hăng hái lãnh sứ mệnh nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ.

Mười một năm trường nhiệt thành với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, đời sống thánh nhân là một cuộc hành trình không ngừng. Bước chân ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng như thôn quê để rao giảng Phúc Âm Chúa Giêsu. Tiếng ngài vang vọng từ Ấn Ðộ, Tích Lan đến Nhật Bản. Riêng tại Ấn Ðộ, ngài đã đem về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn và Rửa Tội cho nhiều bậc quân vương. Dù vậy, ngài luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhượng hiếm có: Ngài thường quỳ gối để viết thư cho thánh Inhaxiô là Bề Trên của mình. Chúa đã hỗ trợ lòng nhiệt thành của thánh nhân bằng nhiều phép lạ phi thường.

Ngày 02/12/1552, khi đang trên đường tới gần Trung Hoa thì ngài ngã bệnh và từ trần tại đảo Tân Châu (Sancian). Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn Ðộ.

Ðúng 70 năm sau, Ðức Grêgôriô XV đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh (1622). Và đến năm 1904, Ðức Thánh Cha Piô X đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.

 

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thày, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

SUY NIỆM 1: Giác ngộ

“Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.

Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...

“Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.

Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...

Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...

Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...

Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 

 

SUY NIỆM 2: Thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy các xứ truyền giáo

Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê, thuộc giáo phận Pampelune, nước Tây ban nha. Năm 17 tuổi đến Paris theo học tại trường đại học danh tiếng Sorbonne nước Pháp. Tám năm sau Phanxicô tốt nghiệp và được tuyển làm giáo sư triết học tại đại học này. Nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng trần gian.

Ngài có một người bạn thân là Inhaxiô Loyola, một hôm đã gieo lời Chúa vào tai Phanxicô: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích gì”(Mt 16,26). Được ơn thánh Chúa tác động, Phanxicô đã cùng 7 anh em bạn đến Montmartre thành lập dòng Chúa Giêsu (ngày nay là dòng Tên) do Inhaxiô Loyola đứng đầu, cùng khấn khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ.

Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venetia miền bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tầu từ Lisbonne (Bồ đào nha) đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức thánh Cha Phaolô III.

Suốt 11 năm ngài đã đi giảng đạo tại Ấn độ, Tích lan, qua Nhật và còn dự định vào Trung quốc. Tại Ấn độ ngài rửa tội cho nhiều bậc quân vương. Tại Nhật ngài cũng được Nhật hoàng Bungolu hết sức cảm phục. Ngài đã vượt hàng ngàn cây số đường bộ nhất là đường biển và đã đem lại cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn. Ngoài thánh Phaolô chắc có ít vị thánh nào có hành trình truyền giáo như thánh Phanxicô.

Lòng nhiệt thành cứu các linh hồn còn thôi thúc ngài tới lục địa Trung quốc bao la để truyền giáo, nhưng đang trên cuộc hành trình tới đó, ngài đã qua đời tại đảo Tân châu (Trung quốc) ngày 03/12/1552. Xác ngài được đưa về mai táng tại Goa (Ấn độ). Năm 1622, tức sau 70 năm, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã phong thánh cho ngài cùng với thánh Inhaxiô và được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Chúa Giêsu đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần”(x. Mt 16,16). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ chia nhau đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng. Việc rao giảng Tin mừng ấy còn phải được kế thừa trong Giáo hội. Như vậy, mọi người đều có trách nhiệm phải rao giảng Tin mừng trong hoàn cảnh thực tế của mình.

Thánh Phanxicô đã ý thức về điều đó. Ngài thấy rằng không có gì quí trọng bằng một linh hồn, bởi vì “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì có ích gì” (Mt 16,16). Ngài thấy cánh đồng truyền giáo còn rộng rãi bao la, nhiều người đang sẵn sàng đón nhận Tin mừng, nhưng tiếc thay, không có người đi rao giảng cho họ. Mối thao thức của ngài được diễn tả trong bức thư ngài gửi về cho thánh Inhaxiô:

“Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ trở nên người có đạo.

Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng: “Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục.

Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã ủy thác cho họ (Các giờ kinh Phụng vụ, tr 535).

Thượng hội đồng Giám mục Á châu đã cho thấy mối ưu tư của các Giáo hội ở Á châu. Về việc truyền giáo cho các dân tộc Á châu. Nhìn vào bản đồ Á châu, chúng ta thấy đây là một lục địa đông dân cư nhất, nhưng lại là lục địa có con số Công giáo thấp nhất, khoảng 2,6%. Đây là một thách đố lớn cho công việc truyền giáo. Giáo hội Á châu là một Giáo hội bé nhỏ trong một lục địa mênh mông được mời gọi rao giảng về sứ mạng tình yêu và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô tại Á châu.

Thánh Phanxicô đã làm gương cho chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo vì yêu Chúa và các linh hồn, ngài đã hy sinh tất cả bởi vì như ngài nói: “Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi”. Đúng như lời thánh Augustinô nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó không còn khó nhọc nữa. Mà nếu có khó nhọc thì họ lại yêu thích chính sự khó nhọc đó”.

Vì thế, sau khi rửa tội cho một bà già đau nặng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, bỏ cha mẹ, quê hương, vượt trùng dương để cứu một linh hồn mà thôi thì con cũng thỏa mãn lắm rồi. Nay có chết con cũng vui lòng”. Điều đó chứng tỏ ngài yêu các linh hồn như thế nào.

Gương truyền giáo của thánh Phanxicô thật tuyệt vời, còn chúng ta thì sao? Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để “đi rao giảng cho muôn dân” (x. Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hằng ngày.

Một cách cụ thể, chúng ta thực hiện việc truyền giáo trước hết bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Chỉ có Chúa mới làm cho người khác tin Chúa mà thôi. Chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó vì Chúa đã phán: “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,7-8; Lc 11,9-10; Ga 14,13-14).

Thứ đến phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác vì như người ta nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”. Gương sáng có tính cách thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”.

Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người, qua việc thực thi bác ái của Tin mừng mà thôi. Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình là tấm gương tốt lành, công bằng, yêu thương minh chứng cụ thể cho đức tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

Lm. Đinh Lập Liễm
 

SUY NIỆM 3:

I. “Cháy, cháy… trong tim”

Trong cuốn Bạn Đường Chúa Giêsu, cha Hoàng Sóc Sơn viết về thánh Phanxicô Xaviê như sau:

Trong 10 năm truyền giáo, ngài đã vượt gần 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia, Nhật Bản và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa […].

Ai cũng phải công nhận ngài táo bạo đến mức liều lĩnh. Đường biển thời ấy luôn bị đe dọa vì bệnh dịch, bão tố và hải tặc, nhưng ngài tin tưởng nếu Chúa không cho phép, không có gì làm hại được ngài[1].

Với những lao nhọc và thành quả truyền giáo phi thường như thế, thánh Phanxicô được coi là, theo như phần giới thiệu về thánh Phanxicô trong Sách Lễ Phụng Vụ Dòng Tên, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh, chỉ sau thánh Phaolô. Đối với Dòng Tên, ngài là nhà truyền giáo đầu tiên và số một; ngài được tuyên thánh năm 1622, và được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

*  *  *

Đó chính là khuôn mặt của thánh Phanxicô Xaviê mà mọi người thường nói và viết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tự hỏi: những biến cố nào đã dẫn ngài đến với Phương Đông? Đâu là những kinh nghiệm đem lại cho ngài sức mạnh như vô tận để thực hiện được những điều phi thường như thế? Chắc chắn chúng ta chỉ có thể khám phá ra câu trả lời, khi trở lại với thời gian ngài học ở Paris.

Trước hết, đó là kinh nghiệm ở cùng phòng với thánh I-nhã Loyola[2]. Kinh nghiệm này như các thư của ngài chứng tỏ, sẽ mãi mãi ghi dấu trong tim của thánh Phanxicô. Nhưng làm thế nào I-nhã đã chinh phục được Phanxicô? Điều này mãi vẫn là một bí ẩn giữa hai người, và ở đàng sau, đó là điều bí ẩn của chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể so sánh bí ẩn này với bí ẩn của thánh Phaolô. Có người nói rằng, đó là nhờ vào sự kiên trì của I-nhã rỉ vào tai Phanxicô một câu nói của Đức Giêsu: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8, 36) Điều này có lẽ là không đủ và chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi, bởi lẽ Lời Chúa không thể thấm vào lòng người bằng con đường áp đặt. Điều chúng ta có thể biết chắc chắn, đó là ngài được ví như “nắm bột thô nhất” trong số các bạn của I-nhã.

Tiếp đến, đó là kinh nghiệm tình bạn trong Chúa, một tình bạn được thôi thúc bởi lòng ước ao trở thành những người phục vụ cho sứ mạng của Đức Kitô trong thời đại của các ngài. Tình bạn này được khởi sự và triển nở ngay trong những sinh hoạt rất bình thường của đời sinh viên, như học tập, trao đổi, giải trí, những việc làm thường ngày; tuy nhiên, tình bạn này chỉ trở nên “tình bạn trong Chúa” khi được nuôi dưỡng và trở nên sâu đậm bởi một đời sống thiêng liêng sâu xa của từng người và ngang qua những lúc họp mặt cầu nguyện và chia sẻ. Tình bạn của thánh Phanxicô và các bạn đạt tới đỉnh cao nơi lời khấn Montmartre, vào ngày 15/08/1534: cùng nhau sống khó nghèo, khiết tịnh và đi hành hương Giêrusalem; sau đó trở về làm việc cho phần rỗi tha nhân, những người tin cũng như chưa tin, rao giảng Lời Chúa và cử hành cách nhưng không các bí tích.

Và sau cùng, phải kể đến kinh nghiệm Linh Thao. Chính thánh I-nhã đã hướng dẫn Linh Thao cho thánh Phanxicô vào cuối tháng 9 năm 1534, nghĩa là ngay sau lời khấn ở Montmartre. Chắc chắn, thánh Phanxicô đã học được rất nhiều điều trong suốt hơn mười năm ở Paris; tuy nhiên, khi đọc các thư của ngài, chúng ta có cảm tưởng rằng nội dung giảng dạy và cách thức ngài hướng dẫn người khác sống đức tin chủ yếu đến từ nội dung và phương pháp của Linh Thao!

*  *  *

Bạn “cùng phòng” với thánh Inhã, tình bạn trong Chúa và tháng Linh Thao, theo một cách thức thích ứng với từng người, cũng chính là những kinh nghiệm mà mỗi người chúng ta đều đã và đang thực sự trải qua. Đối với chúng ta, kinh nghiệm bạn “cùng phòng” với thánh I-nhã phát xuất cách nào đó từ việc đọc và học Trình Thuật của thánh Inhã; kinh nghiệm này cần được nuôi dưỡng để không bị nhạt nhòa, ngang qua việc đọc đi đọc lại Trình Thuật và đọc thêm các bản văn khác của ngài, và đặc biệt ngang qua những hoạt động mừng kính ngài hằng năm (chẳng hạn như viết bài chia sẻ, sáng tác nhạc, ngâm thơ, hát vọng cổ, đóng kịch về thánh nhân). Kinh nghiệm cho thấy rằng, chúng ta càng hiểu và yêu mến thánh I-nhã, như thánh Phanxicô đã hiểu và yêu mến, chúng ta càng sẵn sàng để cho Chúa biến đổi và lòng chúng ta càng “bùng cháy” với niềm khát khao phụng sự Đức Kitô, Chúa chúng ta, như bài hát về thánh Inhã của cha Hữu Thu diễn tả: “Cháy, cháy… trong tim”. Thánh I-nhã có tài thông truyền “ngọn lửa” này cho những ai chịu “nói chuyện” với ngài và thực sự chịu để cho ngài hướng dẫn.

Những kinh nghiệm này là ân sủng, đúng hơn là “đặc sủng”, vì Chúa ban một cách thật đặc biệt và với nhiều ưu ái cho thánh Phanxicô và tiếp tục ban cho mỗi người chúng ta theo cùng một cách thức. Ước gì “đặc sủng” này cũng làm cho con tim chúng ta bùng cháy để trở thành những người phục vụ “phi thường” cho sứ mạng của Đức Ki-tô hôm nay.

II. « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ »

1. Lắng nghe lời chứng (c. 14)

Trước khi Đức Ki-tô phục sinh sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng : « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ… », Ngài đã khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng đối với lời chứng của các chứng nhân : « Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy » (c. 14).

Như thế, Đức Ki-tô phục sinh rất coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau, lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Magdala và chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về (c. 9-13). Bởi vì chính Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nơi lời chứng mà chúng ta chia sẻ cho nhau.

2. Ra đi làm chứng (c. 15-18)

Tuy vậy, một đàng Người khiển trách các môn đệ, đàng khác Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng trao sứ mạng cho ông. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô :

- Người mời gọi các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Đó là chiều kích phổ quát của việc loan báo Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng của Đức Ki-tô và Tin Mừng của thế giới sáng tạo là một (x. Rm 10, 18 trích Tv 19, 5).

- « Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, sẽ bị kết án ». Nhưng kinh nghiệm sống cho chúng ta nhận ra rằng, người ta đã « tự kết án » mình rồi, khi không tin, bởi vì không tin vào sự sống người ta tất yếu sẽ hành động cho sự chết, sẽ chứng minh sự chết mạnh nhất, do đó, sẽ trở thành nô lệ của thần chết.

Ngoài ra, Đức Ki-tô còn ban những dấu lạ, đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Đức Ki-tô, các chứng nhân trừ quỉ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống thuốc độc cũng không sao và chữa bệnh bằng cách đặt tay.

Thế hệ đầu tiên đã được ban những ơn đặc biệt như thế. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn :

- Ơn nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra sự hiện diện và cách hành động của Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự có mặt và các hành động « mưu mô » của Sự Dữ.

- Ơn thông truyền đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng gặp gỡ Chúa, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa…

- Con rắn và thuốc độc là những biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô, như lời Tv 8 : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».

- Chúng ta được mời gọi quan tâm chăm sóc bệnh nhân ; bởi vì, bệnh nhân còn sống và được chữa lành bởi sự hiện diện cảm thông và yêu thương nữa, nhất là những trường hợp hiểm nghèo hay nan y.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

3. Đức Ki-tô phục sinh lên trời (c. 19-20)

« Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng ». Như thế, « lên trời » có nghĩa là « ngự bên hữu Thiên Chúa »; Đức Ki-tô đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa, ngang qua thân phận con người. Chúng ta cũng chia sẻ niềm vui với Đức Ki-tô ; đồng thời đây cũng là niềm hi vọng lớn lao cho chúng ta :

- Thân phận con người là đường đi, và thiết yếu là ơn huệ, và ơn huệ lớn nhất và căn bản nhất là ơn huệ sự sống, chứ không phải ngỏ cụt, hình phạt hay nơi chốn của thử thách, theo nghĩa người được thách vẫn chưa đáng tin, cần phải kiểm tra hay kiểm nghiệm. Bởi lẽ, Chúa đã đến phục vụ cho sự sống của chúng ta và Người đã « phục vụ đến cùng ».

- Và nơi đến là chính Thiên Chúa ; vì Ngài đã nói : « Thầy đi để dọn chỗ, trong Nhà Cha có nhiều chỗ ; để thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy » ; « Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ; Cha của Thầy cũng là Cha của anh em. »

Ngoài ra, theo thánh Mác-cô, chính khi Đức Ki-tô « lên trời », Ngài đi vào cách hiện hữu mới, để có thể hoạt động cùng với các chứng nhân, là các Tông Đồ, là Giáo Hội, là mỗi người chúng ta.

*  *  *

Xin cho chúng ta nhận ra sự đồng hành rất âm thầm và kín đáo, nhưng cũng rất sống động của Đức Ki-tô phục sinh trong sứ vụ, trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến và trong đời sống hàng ngày, ngang qua các dấu chỉ và ơn huệ, nhất là Lời Chúa và các Bí Tích.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Hoàng Sóc Sơn, Bạn Đường Chúa Giêsu, 1997, trang 15-16.

 

[2] Thánh I-nhã (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Tên (Dòng Chúa Giê-su; lễ nhớ ngày 31/07.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận