Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/12/2015 01:47 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

"Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 5-25

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già. Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương. Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: "Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị. Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?" Thiên Thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng". Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời.

 

Suy Niệm 1: Gioan Tẩy Giả Sinh Ra

Trong bài đọc I hôm nay, sách Thẩm Phán cũng kể lại việc thiên thần Chúa hiện ra với Zacharia, là chồng của Élizabeth thuộc hi họ Dan, và nói với ông rằng: "Người son sẻ không có con, nhưng sẽ được thụ thai và sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch vì ngươi sẽ thụ thai hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó, nó sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh. Bà hạ sinh một con trai và con trẻ sinh ra tên là Samson".

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nêu lên hai ý tưởng:

- "Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được". Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục". Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ. Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: "Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được".

- Muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: "Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch". Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Cứu Thế đến, chúng ta không chỉ sửa soạn sạch sẽ, tô vôi, sơn quét lại ngôi thánh đường thân yêu trong Giáo Xứ, làm hang đá thật đẹp, thật lộng lẫy để Chúa Hài Nhi nằm nhưng chúng ta còn phải lo quét dọn tâm hồn, trang hoàng hang đá và làm cho ngôi thánh đường nhỏ bé xinh xinh ở trong tâm hồn chúng ta luôn sạch sẽ để như chiên bò ngày xưa thở hơi ấm áp cho Chúa nơi hang đá giá lạnh trần gian. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình đón Chúa như lời thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: "Núi đồi hãy san cho bằng, hố sâu hãy lấp cho đầy, đùng quanh queo hãy uốn cho ngay thẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Lạy Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Xin cho chúng con nhận biết Quyền Năng của Chúa để chúng con luôn sống trong tin yêu và hy vọng trong cuộc đời. Lạy Chúa, để dấn thân phục vụ Nước Chúa cho rộng lớn, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết dùng tự do, thời giờ, tâm trí và tài năng riêng của mỗi người mà Chúa đã ban cho để tham dự vào việc mở mang nước Chúa mà không một đắn đo suy tính thua thiệt theo kiểu nhân loại. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Truyền tin cho Zakaria

Bài tin mừng hôm nay làm nổi bật tác động cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa không bỏ rơi ý định cứu độ của Ngài, nhưng Ngài chuẩn bị và thực hiện bằng những bước vững chắc suốt chiều dài lịch sử- cho đến Gioan, vị sứ giả sống sát thời Đấng Mêsia.

Việc Thiên Chúa can thiệp tích cực trong mầu nhiệm cứu độ chính là biểu hiện của tình thương hải hà. Thiên Chúa can thiệp và cứu độ chỉ có nghĩa là Ngài quá xót thương con người mà thôi. Bởi đó, càng nhìn lại những sự kiện, những hoàn cảnh hay những con người đã giúp thực hiện việc cứu độ, chúng ta càng nhận thấy vai trò sự cứu độ viên mãn. Đây là một điểm quan trọng, bởi vì đứng trước hoạt động lớn lao của Thiên Chúa, con người thời này thường có thái độ phản kháng khi cho rằng Thiên Chúa xử sự bằng cách giữ phần chủ chốt tức là đã coi thường con người, trong khi lẽ ra họ phải bày tỏ tâm tình khiêm tốn, thán phục và biết ơn Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương, đã dấn thân và làm mọi sự chỉ vì hạnh phúc cho con cái mình.

Sống mùa vọng, ước gì chúng ta biết  nhận ra tác động của Thiên Chúa trong đời mình và trong lịch sử nhân loại, đồng thời biết hướng theo lời mời gọi hoán cải tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 3: Một Thiên Chúa đột xuất

Vậy một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…”. (Lc. 1,11-13)

Ở tuổi già và với người vợ son sẻ, ông già Gia-ca-ri-a không còn hy vọng gì có con nữa. Đứa con trong ước mơ đã được ông liên lỉ cầu nguyện. Nhưng bây giờ về cuối đời rồi, ông không còn cầu nguyện xin sinh cậu ấm như trước nữa. Không còn trông cậy kêu xin một điều hão huyền đó với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với Thiên Chúa, không có gì hão huyền, không có gì bất lực. Điều không thể đó sẽ xảy ra. Ê-li-gia-bét, vợ ông, sẽ sinh Gioan tẩy giả.

Ông Gia-ca-ri-a đã suy ngắm Kinh thánh suốt đời ông, tuy vậy, ông vẫn nghi ngờ một chút rằng Thiên Chúa đã luôn luôn hài lòng nắm giữ trong tay mọi sự và thực hiện những kỳ công trong lúc bất ngờ. Ông đã biết rõ rằng trong quá khứ, nhiều lần hình như tuyệt vọng, như mất hết, Thiên Chúa đã can thiệp giải thoát cho dân khốn cùng. Ông đã biết thế, nhưng ông không thể tưởng tượng được Thiên Chúa lại làm như thế cho ông.

Chúng ta nhiều lần có những nghi ngờ như ông Gia-ca-ri-a. Đọc Kinh thánh, chúng ta thấy lạ lùng trước những sự kiện cao cả đã được Thiên Chúa thực hiện trong suốt dòng lịch sử, nhưng ý nghĩ như thế không còn xảy đến nên không còn làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa. Chúng ta tin nhiều kỳ công Thiên Chúa đã làm cách đột xuất lạ lùng xưa kia hơn là ngày nay. Chúng ta phải tự hỏi mình xem mình còn tin thật rằng Thiên Chúa luôn luôn sống động không?

Hiện thời Giáo hội đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Giáo hội đang đi trong đen tối, không còn ảnh hưởng như xưa. Nhiều con cái đã bỏ Giáo hội. Nhiều con cái khác lại phản đối Giáo hội trầm trọng. Hầu như chạy tán loạn! Sau cùng … nhiều kẻ nghĩ và nói rằng: “Tương lai không còn Giáo hội nữa”.

Nhưng chính những lúc đó, khi tất cả đều đen tối và như tuyệt vọng, thì Thiên Chúa lại hiện ra mạnh mẽ hơn xưa. Chúng ta có còn đủ niềm tin rằng Ngài sẽ lại hiện đến không? Chúng ta còn đủ lòng hy vọng cậy trông rằng khủng hoảng hiện thời sẽ là một khủng hoảng trưởng thành, khủng hoảng thăng tiến không?

Thiên Chúa mà chúng ta cử hành lễ tạ ơn Ngài là một Thiên Chúa đột xuất và sống động hàng ngày.

G.F
 

SUY NIỆM

1. Truyền tin cho ông Dacaria và truyền tin cho Đức Maria

Sự kiện ông Dacaria và bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn sinh con như lời sứ thần loan báo trong bài Tin Mừng, có tương quan đặc biệt đối với lịch sử cứu độ và đối với lời “xin vâng” của Đức Maria, vốn làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Chúng ta sẽ nghe lại lời “xin vâng” của Đức Maria trong biến cố truyền tin trong Thánh Lễ ngày mai. 
Thực vậy, trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, trường hợp bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn thụ thai, được nêu ra hai lần một cách long trọng:

- Lần đầu, trường hợp của bà Elizabet làm nên bối cảnh của trình thuật truyền tin : « Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a » (Lc 1, 26-27)

- Và lần thứ hai, trường hợp của bà Elizabet làm nên chứng từ về quyền năng sáng tạo sự sống của Thiên Chúa ; và lời chứng này đủ mạnh để cho Đức Maria can đảm thưa « xin vâng ». Thực vậy, sứ thần Gabrien đã thuyết phục Đức Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được »

Như thế, sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng vẫn có thể mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi vì sự kiện này nhắc nhớ cách hành động của Đức Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Và rộng hơn nữa, Đức Chúa có thể mở lối cho Dân Người đi, ở nơi không thể, là biển cả, là đường cùng, là tai họa, là sự dữ, là tội lỗi, như lời Thánh Vịnh diễn tả :

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Người rẽ nước mênh mông, 
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người.
(Tv 77, 22)

Và hơn thế nữa, Đức Chúa là Đấng sáng tạo ra sự sống, làm trào vọt ra sự sống từ lòng dạ « vô sinh » của thiên nhiên, trong công trình tạo dựng. Như thế, Thiên Chúa là Đấng có thể làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được.

2. « Ông không nói với họ được »

Về chuyện ông Dacaria bị câm, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta, nhưng sau này, ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth. « Không nói được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được ; và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa.

Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, « Gioan » có nghĩa là Thiên Chúa Thi Ân, thì ông « lưỡi ông lại mở ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa :

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria. Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hi vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.

Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa : « Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là « người câm » vậy thôi ! Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn.

3. Hành trình hướng tới lời ca tụng

Mỗi sáng, khi hát bài ca Benedictus, có lẽ chúng ta ít chú ý đến điều gì hay đúng hơn hành trình nào, đã dẫn ông Dacaria đến lời ca tụng bất hủ này. Thực vậy, theo Tin Mừng Luca, bài ca này là điểm tới của cả một hành trình thật dài : khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian bé Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên ; và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.

Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc « tĩnh tâm » dài ; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng « Gioan ». Như thế, rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian « cưu mang » Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng : « Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: « Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời. » (c. 23-25)

Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ :

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người « đầy Thánh Thần » (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành chính là Lời Chúa cho chúng ta.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận