SUY NIỆM 4

Cả bài đọc I và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong Thánh Lễ hôm nay đều nói về ngôn sứ Elia. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su.

Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, Gio-an Tẩy Giả được coi là Elia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả Gioan lẫn Elia : « Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế ».

1. Ngôn sứ Elia

Bài đọc I, trích sách Huấn Ca, kể lại những kì công mà ngôn sứ Elia đã thực hiện :

Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông?
(Hc 48, 4)

Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Elia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, vì bị đuổi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4) Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Elia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).

2. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su

Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ Elia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, và dường như kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Người một cách hoàn toàn mới.

Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như bài đọc I tưởng nhớ : « Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi. » Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này và cũng chính vì thế mà những thế hệ sau này chờ đợi ông trở lại : « Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : Sao các kinh sư nói rằng ông Elia phải đến trước ? »

Thực vậy, trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Lúc ấy, ngôn sứ Elia đã không đến can thiệp để cứu Đức Giê-su, và như thế, ông đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết. Như thế Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Đức Giê-su cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” cho đến đến cùng.

3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa

Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thing lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

* * *

Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Suy niệm 5

A- Phân tích (Hạt giống...)

Văn mạch: đoạn trước bài Phúc Âm này thuật chuyện Chúa Giêsu biến hình. Khi ấy người trở nên vinh quang, có Môsê và Êlia hiện đến đàm đạo với Ngài (x. Mt 17,1-8).

Vì đã thấy Êlia cho nên khi thầy trò từ núi đi xuống, các môn đệ thắc mắc: tại sao Êlia chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, trong khi các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước Chúa Giêsu để dọn đường cho Ngài. Người Do Thái tin rằng xưa kia Êlia được đưa lên trời, để rồi sẽ trở xuống trần thế dọn đường trước khi Đấng Messia tới. Sở dĩ người ta nghĩ như vậy vì người ta đã hiểu quá sát nghĩa đen câu tiên tri của Malakhi 3,23-24.

Đáp lại, Chúa Giêsu ngầm nói phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về vị tiền hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy chính là Chúa Giêsu, còn người tiền hô chính là Gioan Tẩy Giả.

Vì dân Do Thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi Chúa Giêsu đến, họ cũng bách hại.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. “Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ”(c. 12). Ngày xưa dân Do Thái không nhận ra Gioan Tiền Hô là kẻ dọn đường cho Đấng Messia, lại còn giết hại ông. Ngày nay cũng có nhiều kẻ đang dọn đường cho Chúa nhưng người ta cũng không nhận ra, có khi còn thù ghét. Những Êlia của thời nay là ai? Là gì?

2. “Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông...” (c. 12).

Lời của Chúa Giêsu trên đây mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá các biến cố. Nên nhìn theo tinh thần hơn là quá cứng rắn theo chữ nghĩa.

Gioan Tiền Hô không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia.

3. Gioan Tiền Hô là Êlia mới. Nếu Êlia đã xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của Đức Chúa” mà dân Chúa hằng mong đợi đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền Hô đã là một dấu chỉ, là một thời điểm.

- Tôi có là một dấu chỉ, một thời điểm để đưa anh chị em tôi tới với Chúa?

- Tôi có nhận ra Chúa nơi anh chị em tôi không? (Gặp Chúa: - qua Lời Chúa - qua nơi con người - qua biến cố).

4. “Thầy bảo các con, Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ.” (Mt 17,12)

Ngôn sứ Êlia đã đến, nhưng dân Israel không nhận ra ngài. Đức Giêsu cũng đã đến, tệ hơn, họ đã đóng đinh Người vào thập giá. Còn tôi, tôi đã đón nhận Chúa thế nào trong cuộc sống? Có lần, một cậu bé khẩn khoản xin tôi giúp đỡ. Tôi lạnh lùng quan sát cậu từ đầu đến chân. Vì nghi ngờ, tôi đã đuổi cậu. Cậu bé đi rồi, nhưng hình ảnh cậu cứ lởn vởn mãi trong tâm trí tôi. Và tôi bắt đầu cảm thấy ray rứt vì đã nhẫn tâm khước từ.

Lạy Chúa, con đã không nhận ra Người khi thản nhiên khước từ một người bé mọn, vì đã quên: mỗi lần như thế là con đã làm cho chính Chúa. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã Giáng sinh làm người. Chúa đã và đang hoà nhập trong cuộc đời chúng con. Chúa vẫn tiếp tiếp tục nhập thể trong nhân thế hôm nay. Xin cho chúng con biết mở lòng đón nhận Chúa. Xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con qua tha nhân, qua bạn bè và những biến cố vui buồn của cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, vì yêu thương chúng con nên Chúa đã mang lấy thân phận người nghèo như chúng con. Chúa cũng hiểu nỗi đau của sự khước từ. Chúa đã cảm nhận sự lạnh buốt của tình người giá băng. Chúa đã phải giáng sinh nơi đồng hoang mông quạnh. Xin Chúa thương ban bình an đến cho những cảnh đời đang gặp bất hạnh, rủi ro. Xin cho có nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân làm vơi đi nỗi đau cho anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ khước từ anh em. Xin giúp chúng con biết đón nhận nhau vì Chúa đang hiện diện nơi họ. Họ đang cần một ly trà, một chén cơm, một lời khích lệ, một sự cảm thông, tha thứ. Xin cho chúng con hiểu rằng: mỗi lần chúng con làm những nghĩa cử bác ái yêu thương là một lần chúng con đón nhận Chúa giáng sinh trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tin rằng: mỗi lần chúng con làm một điều gì cho những người bé mọn là chúng con làm cho chính Chúa. Amen.

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)