Thứ Hai tuần 29 thường niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 23/10/2017 00:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Hai tuần 29 thường niên.

"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

 

Lời Chúa: Lc 12, 13-21

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?"

Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu". Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Đoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ðiều Chỉnh Hướng Ði

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:

Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.

Con người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.

Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?

Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.

Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.

Dù phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Đêm Nay Đòi Mạng Ngươi

Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” (Lc. 12, 15)

Đức Giêsu đến thế gian để lo thực hiện công việc của Cha Người: “Của nuôi Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công việc của Ngài”. Người loan báo nước trời đã đến rồi, phải sám hối trở về kẻo quá trễ. Thời giờ gấp lắm rồi.

Có một người đến xin Đức Giêsu bảo anh mình chia gia tài cho mình. Chúng ta tất cả cũng giống như anh đó thường xin Người giúp đỡ cho những nhu cầu của chúng ta hàng ngày. Đức Giêsu không được Thiên Chúa sai đến để lo giải quyết những công việc đời này. Thánh ý Thiên Chúa là muốn Người loan báo Tin mừng cứu độ cho người nghèo khổ. Đó mới là khẩn thiết! Người không để bị phân tán về những việc theo đuổi của cải thế gian. “Coi chừng!” đời sống đời đời của mỗi người không được của cải bảo đảm đâu. Thay vì trì hoãn để tham lam thu góp giàu sang thế gian, hãy lo chuẩn bị đón nhận nước trời.

Chúng ta đều biết tất cả mọi của cải dễ gây rắc rối bấn loạn. Những người tham quyền, tham giàu, tham danh, hưởng lạc, tự do buông thả, của cải dù bất chính hay chính đáng không bao giờ thỏa mãn dục vọng cho đã, cho sung sướng, vui chơi thỏa thích đâu. Họ không lo đến ngày mai. Họ muốn tất cả, do đó chắc chắn bằng bạo lực hay bằng sức cố gắng riêng và kiệt lực đến bất nhẫn. Họ thật vô phúc như sách Khôn ngoan nói: Chúng bôn ba vội vã hưởng lạc nhờ của hiện có và phung phí của thiên tạo như thời thanh xuân trác táng. Đức Giêsu bảo: “Đồ ngốc, đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi”, và sau đó còn gì …?

Lúc thuận cũng như lúc nghịch, Đức Giêsu thường nhắc tới tính chất mỏng dòn của đời sống, đặc biệt đối với kẻ tưởng mình được ổn định. Cái chết thường xuyên xẩy đến, nhất là lúc chúng ta không ngờ. Cần phải tích trữ những kho tàng trên trời bằng sám hối, cầu nguyện, ăn chay và bố thí trước kẻo quá trễ.

RC

Suy niệm 3: 

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.

Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.

Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: "Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Vì đồng tiền mà ảnh hưởng đến ơn cứu độ và liên lụy đến hành trình theo Chúa là điều đáng lên án.

Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội.... Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.

Ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

 

VinC Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 4:

Cái kho là quan trọng. 
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước. 
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông. 
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng. 
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng. 
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho. 
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng. 
Sau một vụ mùa bội thu, 
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn 
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình, 
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa. 
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này: 
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn, 
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó, 
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm. 
Khi nhà kho đã an toàn 
thì tương lai của ông vững vàng ổn định. 
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm. 
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống. 
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai. 
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc. 
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34). 
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy. 
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở. 
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác. 
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho. 
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho. 
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, 
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, 
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến. 
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. 
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. 
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. 
Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho. 
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên, 
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới. 
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này. 
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu. 
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15). 
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình, 
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi, 
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân. 
Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích. 
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa 
là người biết mở kho để trao đi 
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại. 
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa, 
chúng ta thấy kho của mình trống trơn 
vì vừa mới cho đi tất cả.

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng 
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, 
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, 
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. 
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, 
có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, 
có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, 
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. 
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. 
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. 
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội. 
Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó 
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. 
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, 
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. 
Thế giới còn nhiều người đói nghèo 
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. 
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, 
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. Tranh chấp

Những tranh chấp về quyền lợi hay của cải là điều thường xẩy ra trong cuộc sống, không chỉ giữa các nhóm hay các gia đình, nhưng còn giữa những người trong cùng một gia đình, như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. 
Những tranh chấp như thế cần được giải quyết bằng đối thoại trực tiếp hoặc qua trung gian; nhưng trong thực tế, đôi khi người ta phải nại đến pháp luật. Nhưng, nại đến pháp luật là điều không nên, bởi vì luật thì công minh, nhưng người thi hành luật thì không luôn luôn công minh. Hơn nữa, trước pháp luật, tương quan huynh đệ sẽ đổ vỡ, vì người ta buộc phải biện hộ cho mình và để biện hộ cho mình, thì phải tố cáo người khác, mà người khác lại là chính người thân của mình. Chính vì thế, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công” (Mt 5, 25). Đức Giê-su mời gọi chúng ta hành động theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, được ghi khắc trong nhân tính của chúng ta.

Lời Chúa còn mặc khải cho chúng ta điều bí ẩn này: tố cáo và lên án chính là những hành vi đặc trưng của Sa-tan; bởi lẽ “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan theo sách Khải Huyền (x. Kh 12, 10). Vậy mà, trong thực tế, chúng ta cứ nghĩ mình hành động vì sự thật và sự thiện, hành động cho sự thật và sự thiện, khi dựa vào lề luật, nội qui, hiến pháp và những bằng chứng ít nhiều hiển nhiên về sự sai phạm, để tố cáo và lên án người anh em hay chị em. Sự tương phản giữa Sự Thiện đi đôi với thinh lặng, hiền lành và bao dung và Sự Dữ đi đối với tiếng la ó tố cáo đòi mạng, sẽ trở nên sáng tỏ tuyệt đối trong cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Sự Thiện rạng ngời như thế nơi khuôn mặt của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua có sức mạnh chữa lành chữa lành cho ta khỏi Sự Dữ và mọi biểu hiện của Sự Dữ một cách khôn ngoan (x. 1Cr 1, 22-24).

2. Sứ mạng của Đức Giê-su

Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể hình dung ra tình cảnh của người đến xin Đức Giê-su phân giải: anh thật đáng thương, vì chắc là cha mẹ đã khuất, và bị người anh ăn hiếp, chiếm lấy hết gia tài. Anh cần được giúp đỡ. Thế nhưng, tại sao Đức Giê-su lại từ chối giúp đỡ anh ta?

Bởi vì, đó không phải là sứ mạng của Đức Giê-su: sứ mạng của Ngài không phải là giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và của cải, bởi lẽ, con người có thể tự giải quyết được, hoặc bằng sự hòa giải, hoặc bằng luật pháp. Sứ mạng của Ngài liên quan đến những vấn đề tận căn của con người, và chỉ có Thiên Chúa mới làm được, đó là giúp con người tự do với quyền lợi và của cải, giải phóng con người khỏi tương quan nô lệ đối với quyền lợi và của cải, khỏi lòng tham và ham muốn, bằng cách hướng chúng ta về sự sống và niềm vui vừa đích thật vừa bền vững, về nguồn gốc và cùng đích, là chính Thiên Chúa. Như sách Giảng Viên đã nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2); vì thế, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta:

Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới (Cl 3, 1-2).

Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng(c. 5).

Đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là trong ơn gọi tu trì, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho “những thực tại thuộc thượng giới”.

3. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Chính vì thế, Đức Giê-su nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Và dụ ngôn về người phú hộ giàu có, mà Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng, mời gọi chúng ta hãy khôn ngoan, nhìn ra sự thật về đời sống con người: đời sống con người không chỉ mau qua, nhưng còn có thể qua đi bất cứ lúc nào, như Thiên Chúa nói với ông phú hộ trong dụ ngôn:
Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

Lời nguyện Thánh Vịnh cũng nói lên cùng một sự thật về đời sống con người, bởi vì, lời của Đức Giê-su và lời nguyện Thánh Vịnh đều là Lời Chúa:

Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài,
hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu,
vì khi chết, nó đâu mang được cả,
kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.
Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc:
“Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình!”
Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp,
chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương!
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không hiểu biết gì;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.

(Tv 49, 17-21)

* * *

Thay vì, làm giàu trước mặt người đời và trước mặt bản thân mình, Đức Giê-su mời gọi chúng ta “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, bằng cách lắng nghe và sống theo lời của Ngài, như Ngài mời gọi: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25), bằng cách trở nên môn đệ của Ngài để sinh nhiều hoa trái cho vinh danh Thiên Chúa (x. Ga 15, 8).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Monday (October 23):  Storing up true riches

 

Scripture:  Luke 12:13-21

13 One of the multitude said to him, “Teacher, bid my brother divide the inheritance with me.” 14 But he said to him, “Man, who made me a judge or divider over you?” 15 And he said to them, “Take heed, and beware of all covetousness; for a man’s life does not consist in the abundance of his possessions.” 16 And he told them a parable, saying, “The land of a rich man brought forth plentifully; 17 and he thought to himself, `What shall I do, for I have nowhere to store my crops?’ 18 And he said, `I will do this: I will pull down my barns, and build larger ones; and there I will store all my grain and my goods. 19 And I will say to my soul, Soul, you have ample goods laid up for many years; take your ease, eat, drink, be merry.’ 20 But God said to him, `Fool! This night your soul is required of you; and the things you have prepared, whose will they be?’ 21 So is he who lays up treasure for himself, and is not rich toward God.”

Thứ Hai     23-10           Hãy tích trữ của cải thật

 

Lc 12,13-21

(13) Có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. (14) Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (15) Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”.(16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” (18) Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ vê tay ai?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Meditation:  Have you ever tried to settle a money dispute or an inheritance issue? Inheritance disputes are rarely ever easy to resolve, especially when the relatives or close associates of the deceased benefactor cannot agree on who should get what and who should get the most. Why did Jesus refuse to settle an inheritance dispute between two brothers? He saw that the heart of the issue was not justice or fairness but rather greed and possessiveness.

 

 

Loving possessions rather than loving my neighbor

The ten commandments were summarized into two prohibitions – do not worship false idols and do not covet what belongs to another. It’s the flip side of the two great commandments – love God and love your neighbor. Jesus warned the man who wanted half of his brother’s inheritance to “beware of all covetousness.” To covet is to wish to get wrongfully what another possesses or to begrudge what God has given to another. Jesus restates the commandment “do not covet”, but he also states that a person’s life does not consist in the abundance of his or her possessions.

August of Hippo (354-430 AD) comments on Jesus’ words to the brother who wanted more:

Greed wants to divide, just as love desires to gather. What is the significance of ‘guard against all greed,’ unless it is ‘fill yourselves with love?’ We, possessing love for our portion, inconvenience the Lord because of our brother just as that man did against his brother, but we do not use the same plea. He said, ‘Master, tell my brother to divide the inheritance with me.’ We say, ‘Master, tell my brother that he may have my inheritance.’ (Sermon 265.9)

 

The fool who was possessed by his riches

Jesus reinforces his point with a parable about a foolish rich man (Luke 12:16-21). Why does Jesus call this wealthy landowner a fool? Jesus does not fault the rich man for his industriousness and skill in acquiring wealth, but rather for his egoism and selfishness – it’s mine, all mine, and no one else’s. This parable is similar to the parable of the rich man who refused to give any help to the beggar Lazarus (Luke 16:19-31). The rich fool had lost the capacity to be concerned for others. His life was consumed with his possessions and his only interests were in himself. His death was the final loss of his soul! What is Jesus’ lesson on using material possessions? It is in giving that we receive. Those who are rich towards God receive ample reward – not only in this life – but in eternity as well.

Where is your treasure?

In this little parable Jesus probes our heart – where is your treasure? Treasure has a special connection to the heart, the place of desire and longing, the place of will and focus. The thing we most set our heart on is our highest treasure. What do you treasure above all else?

 

“Lord Jesus, free my heart from all possessiveness and from coveting what belongs to another. May I desire you alone as the one true treasure worth possessing above all else. Help me to make good use of the material blessings you give me that I may use them generously for your glory and for the good of others.”

Suy niệm:  Bạn có bao giờ cố gắng dàn xếp một cuộc bàn cãi về tiền bạc hay vấn đề thừa kế chưa? Những tranh luận về quyền thừa kế không dễ dàng giải quyết chút nào, đặc biệt khi những người thân thuộc hay những người có mối quan hệ gần gũi với người chết để lại gia tài không thể chấp thuận ai sẽ được cái gì, và ai sẽ được nhiều nhất. Tại sao Ðức Giêsu từ chối dàn xếp cuộc tranh cãi về tài sản thừa kế của hai anh em kia? Bởi vì Chúa thấy rằng trọng tâm của vấn đề không phải là sự công bằng hay tốt đẹp, nhưng chỉ là sự tham lam và chiếm hữu.

 

Việc yêu thích của cải vật chất hơn yêu mến tha nhân

Mười điều răn được tóm tắt lại trong hai điều cấm: không được thờ bụt thần và không được tham lam những gì thuộc về người khác. Nói cách khác là: phải mến Chúa và yêu người. Ðức Giêsu đã cảnh báo người thanh niên muốn có được phân nửa tài sản thừa kế của anh mình “phải coi chừng tất cả sự tham lam.” Tham lam là ước muốn có được những gì người khác sở hữu cách bất chính, hay ghen tị với những gì Thiên Chúa ban cho người khác. Ðức Giêsu nhắc lại giới răn “đừng tham lam”, và Người cũng nói rằng cuộc sống con người không cốt tại có nhiều của cải vật chất.

 

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) giải thích lời của Ðức Giêsu nói với người em muốn thêm của cải rằng:

Tham lam muốn chia rẽ, còn yêu thương thì muốn đoàn tụ. Ý nghĩa của “ngăn ngừa khỏi mọi thứ tham lam” là gì, nếu không phải là “lòng chứa đầy tình yêu” đó sao? Chúng ta, chiếm hữu tình yêu cho số phận của mình, làm phiền Thiên Chúa vì người anh em của mình giống như người thanh niên kia đã chống lại anh mình, nhưng chúng ta không sử dụng cùng một lời nói đó. Anh ta nói: “Xin Thầy nói với anh tôi chia phần gia tài thừa kế cho tôi.” Còn chúng ta nói: “Thưa Thầy, xin hãy nói với anh tôi rằng anh ấy có thể lấy phần thừa kế tài sản của tôi” (Bài giảng 265.9).

Người ngu bị của cải chiếm hữu

Ðức Giêsu củng cố quan điểm của mình bằng một dụ ngôn về người giàu có dại dột (Lc 12,16-21). Tại sao Ðức Giêsu gọi người chủ giàu có kia là người dại dột? Ðức Giêsu không bắt lỗi người giàu có kia về tính cần cù siêng năng và kỹ năng làm giàu của ông ta, nhưng bắt lỗi về tính ngoan cố và ích kỷ của ông. Của tôi, tất cả là của tôi, không có ai khác. Dụ ngôn này tương tự với dụ ngôn người giàu có từ chối đưa ra bất cứ sự giúp đỡ nào với người ăn mày Lagiarô (Lc 16,19-31). Người ngu dại giàu có này đã đánh mất khả năng quan tâm đến người khác. Cuộc sống của ông ta lãng phí với những của cải của mình và chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Cái chết của ông là sự mất mát cuối cùng của linh hồn ông! Bài học về việc sử dụng của cải vật chất của Đức Giêsu là gì? Hãy cho như chúng ta lãnh nhận. Những ai giàu có trước mặt Thiên Chúa sẽ nhận được phần thưởng dư dật, không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau nữa.

Kho báu của bạn ở đâu?

Trong dụ ngôn ngắn ngủi này, Ðức Giêsu thăm dò tâm hồn chúng ta: của cải của ngươi ở đâu? Kho báu có một mối liên kết đặc biệt với tâm hồn, nơi chốn của mọi ước muốn, mọi ý định và chú tâm. Điều gì mà lòng trí chúng ta hướng về nhiều nhất, chính là kho báu cao quý nhất. Bạn quan tâm đến điều gì nhất?

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát tâm hồn con khỏi tất cả những sự chiếm hữu và tham lam đến những gì thuộc về người khác. Ước gì con chỉ ao ước một mình Chúa như kho báu thật sự trên hết mọi thứ khác. Xin Chúa giúp con biết sử dụng tốt của cải vật chất mà Chúa ban cho con, để con có thể dùng chúng cách quảng đại cho vinh quang của Chúa và cho lợi ích của tha nhân.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận