Thứ Ba tuần 28 thường niên

Đăng lúc: Thứ ba - 17/10/2017 02:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 28 thường niên – Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

* Giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha”.

 

Lời Chúa: Lc 11, 37-41

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

 

 

 

 

Suy Niệm 1: Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Những Kẻ Sống Giả Hình

Việc rửa tay trước khi dùng bữa là một nghi thức, là một nếp sống theo truyền thống chứ không phải là một giới răn bắt buộc. Ðây là một nghi thức tự nó không có tính cách bắt buộc tuyệt đối. Nhưng những người biệt phái đã có thái độ câu nệ vào đó một cách thái quá, đến độ dùng nó như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người. Chúa Giêsu không để mình phải lệ thuộc vào một nghi thức bề ngoài này, và đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, tuân giữ luật Chúa là điều quan trọng hơn. Chúa Giêsu đã trách thái độ giả hình của người Pharisiêu: "Các ngươi lo rửa tay, rửa chén dĩa cho sạch, mà không lo thanh luyện tâm hồn trong sạch, để tâm hồn mình đầy sự gian ác, mánh mung".

Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao. Thái độ sống giả hình, vụ hình thức là một cám dỗ triền miên của con người mọi thời đại. Những lời trách của Chúa Giêsu đối với người biệt phái, thức tỉnh mỗi người chúng ta hôm nay trong nếp sống đức tin của mình.

Phải chăng chúng ta cũng đang rơi vào thái độ vụ hình thức giả hình, chúng ta mang thánh giá Chúa trên mình, đọc kinh trước khi dùng bữa nhưng thật sự tâm hồn chúng ta thì sao? Có đầy lòng mến Chúa, có tình yêu thương chân thành, chia sẻ, khiêm tốn phục vụ anh chị em chung quanh hay không? Chúng ta đến nhà thờ đọc kinh, nhưng tâm hồn chúng ta có đầy lòng yêu mến và tôn thờ Chúa hay không? Hay là giống như dân Do Thái ngày xưa, bị Chúa Giêsu quở trách: "Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì ở xa ta. Không phải chỉ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa" thì được vào nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha Ta thì người ấy mới đáng vào nước Trời". Chu toàn giới răn Chúa, tôn thờ giới răn Chúa trong Thánh Thần và trong sự thật, đó là điều quan trọng nhất. Ðức tin chúng ta cần được trưởng thành mỗi ngày một hơn.

Lạy Chúa

Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự giả hình, xin ban cho chúng con một tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa và nhờ tình yêu này mà chu toàn những lời dạy của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Dành ưu tiên cho nội tâm

Hôm nay chúng ta đề cập tới ít đoạn Phúc Âm nói về lòng thù ghét của nhóm biệt phái đối với Chúa Giêsu. Chúng cho ta phỏng đoán một trong những kích thước của sự thù nghịch con người đối với Thiên Chúa. Đó quả là một mầu nhiệm.

Một phần nào, mầu nhiệm ấy nằm ở chỗ con người cảm thấy khó sống trong “trung tâm” mình, cái trung tâm thiêng liêng của lương tâm. Khuynh hướng của con người, và ngay của tư tưởng nó, những gì điều kiện hóa nó. Cá nhân thường đánh giá mình bằng cách đối chiếu với kẻ khác. Nó tìm cách để được người ta chấp nhận và mến chuộng mình. Trên bình diện tư tưởng (và tư tưởng lắm khi do những sự chọn lựa sâu xa gây nên), một triết thuyết như thuyết mác-xít đang giản lược con người vào điều kiện vật chất của nó. Trong cả hai trường hợp, liên hệ của lương tâm với Thiên Chúa đều không có.

Chúa Giêsu quở trách bọn biệt phái một cái gì tương tự như thế, bởi họ lo lắng về bề ngoài hơn bề trong.

Nhưng lời nói sau đây mới đáng ngạc nhiên: “Vậy hãy làm phúc bố thí… thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ngươi”. Trong mạch văn tổng quát của Phúc Âm, thì của bố thí có giá trị tẩy rửa trong mức độ nó diễn tả tình yêu đích thực đối với tha nhân. Tình yêu này bắt nguồn trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều đó có nghĩa là con người được tẩy rửa tùy theo chỗ nó tiến gần đến Chúa Tình Yêu như thế nào. Nếu con người cố gắng yêu mến thật sự như Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, thì nó sẽ gột bỏ được lòng ích kỷ, sẽ trở nên đơn giản, tinh tuyền.

 

Suy Niệm 4: Rửa cái gì mới sạch nhất?

Đức Giêsu nói: “Thật nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc. 11, 39)

Bệnh dễ sợ bị lây nhiễm đủ thứ không hợp thời với mục tử. Từ lâu trước thời Đức Giêsu, luật Mô-sê đã phổ biến nghi thức thanh tẩy rất tỉ mỉ, câu nệ, lại được nhóm biệt phái cố gắng thực hành và áp đặt mọi người tuân theo.

Đối với những vết nhơ

Suốt buổi sáng người ta đi làm phải tiếp xúc với đủ mọi thứ và đủ mọi người, làm họ có thể bị ô uế như luật dạy. Trước bữa trưa, điều quan trọng buộc họ phải thanh tẩy kỹ lưỡng khỏi mọi thứ ô uế nhơ bẩn trước khi đọc kinh tạ ơn Thiên Chúa để dùng bữa.

Đức Giêsu thấy tận căn sâu thẳm: Người ta không thể hư mất do việc không thanh tẩy bên ngoài, sự ô uế bên trong mới đáng sợ. Từ lâu, tác giả Thánh vịnh đã nhận thức được điều đó: “Xin dùng cành hương thảo rửa tội tôi thì tôi được trong sạch, xin rửa tôi thì tôi được trắng hơn tuyết” (Tv. 50, 9). Chính vì thế, Đức Giêsu nhắc nhóm biệt phái. Họ ngạc nhiên thấy Người và môn đệ không rửa tay trước khi ăn. “Các ông chỉ rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong các ông đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.

Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu

Có gì khác giữa chúng ta và biệt phái? Chẳng phải chúng ta cũng như biệt phái, đã nồng nhiệt tiếp đón người khác theo dáng vẻ bên ngoài mà không quan tâm đến tính tình bên trong đó sao?

Đức Giêsu nói rằng chính bên trong, tận thâm sâu giữa lòng con người mới đáng kể. Nếu lương tâm mình ô uế thì không còn gì bên ngoài có thể rửa sạch được. Cần phải ăn năn sám hối tội lỗi mình và cầu xin Thiên Chúa, Đấng làm nên cả bên trong lẫn bên ngoài, mới làm cho con tim mình nên trong sạch. Lúc đó, được đầy lòng mến Chúa, mình mới hiến thân đi bố thí giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi và không mong đáp lại. Như vậy, mới có tấm lòng trong sạch hoàn toàn. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân có sức thanh tẩy tận cõi lòng. Thánh Augustinô đã diễn tả sự thật này: “Hãy yêu mến và làm điều anh muốn” thì mới được tốt đẹp.

RC

 

Suy niệm 4:

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa. 
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài. 
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc. 
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn. 
Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu. 
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi. 
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn, 
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó. 
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70, 
giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu. 
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa. 
Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa. 
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ. 
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết. 
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê, 
nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó 
được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách. 
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu, 
cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa. 
“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39). 
Như thế cái bên trong của chén đĩa 
tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người. 
Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ. 
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. 
Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. 
Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ. 
Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu, 
tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ, 
khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận. 
Nhưng Thiên Chúa thì không. 
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40). 
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41). 
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót. 
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.” 
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong. 
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương. 
Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu. 
Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm, 
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài. 
Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa? 
Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong? 
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức, 
đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình. 
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, 
chúng con thường mang những mặt nạ. 
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. 
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt 
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. 
Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. 
Có những hành vi đạo đức bên ngoài 
để che giấu cái trống rỗng bên trong. 
Có những lời kinh đọc trên môi, 
nhưng không có chỗ trong tâm hồn, 
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế. 
Lạy Chúa Giêsu, 
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, 
tự ru ngủ và đánh lừa mình, 
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. 
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, 
đã ăn sâu vào da thịt chúng con, 
để chúng con thôi đánh lừa nhau, 
đánh lừa Chúa và chính mình. 
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, 
để chúng con được lớn lên trong bình an. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

 SUY NIỆM:

1. Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu

Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chằng hạn Đức Giê-su được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).

Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.

2. Rửa tay trước bữa ăn

Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.

Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tầy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.
Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà ».

Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.

3. Cái bên trong và cái bên ngoài

Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm », nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ». Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời, Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi con người trọn vẹn của chúng ta.

Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người ». Đây chính là quan niệm hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (October 17): What makes the heart clean and holy?

 

Scripture:  Luke 11:37-41

37 While he was speaking, a Pharisee asked him to dine with him; so he went in and sat at table. 38 The Pharisee was astonished to see that he did not first wash before dinner. 39 And the Lord said to him, “Now you Pharisees cleanse the outside of the cup and of the dish, but inside you are full of extortion and  wickedness. 40 You fools! Did not he who made the outside make the inside also? 41 But give for alms those things which are within; and behold, everything is clean for you.

Thứ Ba     17-10                Cái gì làm cho tâm hồn nên trong sạch và thánh thiện?

 

Lc 11,37-41

37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.39Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.

Meditation: Is the Lord Jesus welcomed at your table and are you ready to feast at his table? A Pharisee, after hearing Jesus preach, invited him to dinner, no doubt, because he wanted to hear more from this extraordinary man who spoke the word of God as no one else had done before. It was not unusual for a rabbi to give a teaching over dinner. Jesus, however, did something which offended his host. He did not perform the ceremonial washing of hands before beginning the meal. Did Jesus forget or was he deliberately performing a sign to reveal something to his host? Jesus turned the table on his host by chiding him for uncleanness of heart. 

 

What makes the heart clean and holy?

Which is more important to God – clean hands or a clean mind and heart? Jesus chided the Pharisees for harboring evil thoughts that make us unclean spiritually – such as greed, pride, bitterness, envy, arrogance, and the like. Why does he urge them, and us, to give alms? When we give freely and generously to those in need we express love, compassion, kindness, and mercy. And if the heart is full of love and compassion, then there is no room for envy, greed, bitterness, and the like. Do you allow God’s love to transform your heart, mind, and actions toward your neighbor?

“Lord Jesus, fill me with your love and increase my thirst for holiness. Cleanse my heart of every evil thought and desire and help me to act kindly and justly and to speak charitably with my neighbor.”

Suy niệm: Thiên Chúa có được chào đón ở bàn ăn của bạn, và bạn có sẵn sàng để dự tiệc ở bàn của Người không? Một người Pharisêu, sau khi nghe Đức Giêsu giảng, đã mời Người về nhà dùng bữa tối. Rõ ràng vì ông ta muốn nghe thêm những điều từ một người siêu việt này, và chưa từng có ai nói lời Chúa như người này. Việc một thầy Rabbi giảng dạy trong bữa ăn là một điều bất thường. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã làm một điều khiến chủ nhà phải khó chịu. Người đã không rửa tay theo nghi thức trước khi dùng bữa. Phải chăng Đức Giêsu đã quên hay Người cố ý làm một dấu chỉ để mặc khải cho chủ nhà một điều gì đó? Người đã khiển trách chủ nhà về việc không trong sạch trong tâm hồn.

 

 

Điều gì làm tâm hồn trong sạch và thánh thiện?

Điều nào quan trọng hơn đối với Chúa – rửa tay hay rửa tâm trí? Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu về sự che giấu những tư tưởng xấu xa, làm cho chúng ta ra ô uế về mặt thiêng liêng – như tham lam, kiêu ngạo, ghen tị, gay gắt, và những điều tương tự. Tại sao Đức Giêsu thúc giục họ và chúng ta phải bố thí? Khi chúng ta cho đi cách tự do và quảng đại cho những người đang túng thiếu, chúng ta bày tỏ tình yêu, lòng trắc ẩn, sự khoan dung, và lòng thương xót. Nếu như tâm hồn tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn, thì làm gì có chỗ cho ghen tị, tham lam, gay gắt, và những điều như thế. Bạn có để cho tình yêu Thiên Chúa biến đổi tâm trí bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa lấp đầy lòng con tình yêu của Chúa, và gia tăng khát vọng thánh thiện nơi con. Xin Chúa thanh tẩy lòng mỗi người khỏi tư tưởng và ước muốn xấu xa và xin Chúa giúp con hành động một cách công bình và bác ái trong lời nói cũng như việc làm đối với tha nhân.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận