Thứ bảy tuần 15 thường niên

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/07/2016 03:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ bảy tuần 15 thường niên – Đức Mẹ núi Carmel.

"Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".

 

Từ thời cổ xưa, núi Cát-minh đã lừng danh vì gắn liền với kỳ tích Êlia, vị ngôn sứ cương quyết bảo vệ lòng tin tinh tuyền vào Thiên Chúa hằng sống. Vào thế kỷ XII, nhiều tín hữu đạo đức đã tìm đến đây sống đời ẩn sĩ, rồi quy tụ nhau lại sống theo một tu luật chung (năm 1209). Đó là nguồn gốc của dòng Cát-minh, được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Đức Trinh Nữ thành Nagiarét và Mẹ của những người chiêm niệm.

 

Lời Chúa: Mt 12, 14-21

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:

"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".

 

 

Suy Niệm 1: Người Tôi Trung Hiền Lành

Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.

Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.

Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Làm Chứng Cho Sự Thật (Mt 12,12-21)

Chúng ta có thể nhận ra hai phần khá rõ của đoạn Tin Mừng trên. Phần một tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là về những hành động chữa lành các bệnh nhân như dấu chỉ Nước Chúa ngự đến. Và phần thứ hai là một đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia chương 42, 1-4, nói về dung mạo người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu. Khi tóm lược về những việc làm của Chúa Giêsu, đoạn Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến hai chi tiết: một bên là những người Pharisiêu chống đối Chúa họp nhau lại để tìm cách bắt Ngài, trong khi đó thì dân chúng lại theo Chúa rất đông và những người bệnh được chữa lành.

Bị chống đối nơi này, Chúa Giêsu đi nơi khác và tiếp tục sứ mạng của Người. Chúa không ngừng thi ân, mặc dù có những kẻ khước từ không nhìn nhận những ân ban đó. Rồi nơi những lời trích từ sách Ngôn sứ Isaia, nói về người tôi tớ hiền lành của Thiên Chúa được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể lưu ý đến những lời nói về Chúa Giêsu như là kẻ luôn trung thành làm chứng cho sự thật: "Ta sẽ đặt Thánh Linh của Ta trên Người, và Người sẽ rao giảng sự thật cho các ông. Người sẽ không cãi cọ, không có những hành động bạo lực. Cây sậy đã giập, Người không bẻ đi. Cho đến khi Người đem sự thật đến chỗ toàn thắng".

Rao giảng sự thật và đem sự thật đến chỗ toàn thắng, đó là lời tóm gọn đủ và đúng cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này. Sau này, trước mặt quan Philatô xử án Chúa, thì Chúa Giêsu cũng đã mạnh mẽ chấp nhận: "Ta sinh ra trên trần gian là để làm chứng cho sự thật. Ai hành động theo sự thật thì nghe theo Ta". Chúa Giêsu cương quyết làm chứng cho sự thật, nhưng với công thức hiền lành, với tình thương nhân từ, biết thông cảm và nâng dậy những ai lạc bước như chủ chăn nhân từ đi tìm con chiên lạc.

Là đồ đệ của Chúa, mỗi người được mời gọi theo gương Chúa làm chứng cho sự thật giữa anh chị em, nhưng làm chứng với một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương và diệu hiền.

Lạy Chúa,

Xin dạy con sống noi gương Chúa làm kẻ phục vụ anh chị em hết tình thương mến, nhân hậu và thông cảm.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Bất Bạo Lực

Đây là người tôi trung Ta đã tuyển chọn,

Đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.

Ta cho thần khí Ta ngự trên Người.

Người sẽ loan báo công lý trước mặt muôn dân.

Người sẽ không cãi vã, không kêu to,

Chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,

Tim đèn leo lét. Chẳng nỡ tắt đi,

Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.

Và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt. 12, 18-21)

Người có khả năng cứu kẻ khác.

Bạn hãy đọc lại Kinh thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bạn sẽ nhận thầy điều này. Người được Thiên Chúa sai đến với con người để cứu họ, không phải là kẻ tàn bạo. Đó là một người hiền lành, một người nhân hậu. Người hùng mạnh, nhưng không bao giờ ỷ sức mạnh để ức hiếp, đàn áp đập tan. Người nhẫn nại, có khả năng chịu khổ, biết chịu đựng. Sức mạnh lớn lao của Người là yêu thương, cảm thông cho đi và tha thứ.

Con Người đã cứu loài người ấy tên là Giêsu. Để cứu vớt muôn người, Người đã không đả kích sự sống của ai, mà lại trao ban sự sống mình cho họ. Ta phải nhìn ngắm con người đó, phải tin tưởng vào Người, phải bắt chước Người.

Hãy giết chết bạo lực.

Mỗi ngày xã hội thời nay ngày càng trở nên tàn bạo, ngày càng có nhiều người nghĩ rằng chỉ có bạo lực. Thể lý hay tinh thần. Mới có thể duy trì được hòa bình, giải phóng người bị áp bức, đem lại quyền lợi cho những người bị tước mất. Họ đi sai đường rồi. Họ lầm lạc đáng thương. Bạo lực chỉ có thể sinh thêm bạo lực mà thôi.

Ta phải giết chết bạo lực. Phải lấy yêu thương, nhẫn nhịn và nhân hậu để thắng bạo lực. Phải học cho biết sự hiền hòa. Chỉ những sức mạnh đó, chứ không sức mạnh nào khác mới có thể cứu vớt con người.

Người có sức mạnh thật là người hiền từ. Kẻ bạo lực hóa ra lại là người yêu. Yêu thương dẫn đến sự sống, bạo lực đưa đến chết chóc. Khi gieo chết chóc cho người khác, người ta chỉ làm cho chết chóc thêm lên. Khi tự mình biết chết đi, ta gieo vãi sự sống. Chính những con người không dùng bạo lực mới cứu được thế giới này.

J.Y.G

SUY NIỆM 3: ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA

Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giêsu chữa lành một người bại liệt, lần này xảy ra ngay giữa Hội Đường và lại vào đúng ngày Sabát. Vì thế, những người Pharisêu tính kế lập mưu để tìm cách giết Đức Giêsu.

Khi biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã tìm cách để lánh đi nơi khác. Ngài cũng cấm không cho những kẻ theo mình tiết lộ điều gì liên quan đến Ngài. Sự tránh né này không phải vì sợ hay do nhát đảm hoặc yếu thế..., nhưng là để tránh đi sự hiểu lầm vì “giờ” của Ngài chưa tới. Đây cũng chính là thái độ của những người cao thượng lấy “nhu thắng cường, nhược  thắng cương”.

Sang phần hai của bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã khéo léo khi giới thiệu Đức Giêsu như người Tôi Trung trong Cựu Ước mà tiên tri Isaia đã loan báo. Những đặc tính để nhận ra Ngài là: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói.

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn. Không vì ghen tức mà tìm cách hại người khác chỉ vì việc tốt họ đã làm. Cũng không vì ích kỷ đến độ thấy người khác tốt lành hơn, nhân hậu hơn, làm được nhiều việc tốt hơn mà sinh lòng ác độc đối với anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa hiền hậu, khiêm nhường và hết lòng yêu thương luôn là lời mời gọi cho chúng con noi theo. Xin Chúa cho chúng con trở nên những con người thánh thiện, luôn biết yêu thương người khác. Amen.

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

SUY NIỆM:

Trước đó, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su chữa lành người bại tay trong Hội Đường (c. 9-13) ; và chính vì chuyện này mà, như câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay kể lại, nhóm Pha-ri-sêu tìm cách loại trừ Người : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su  » (c. 14).

1. Lời ban sự sống

Đức Giê-su chữa người bại tay vào ngày sa-bát: “Anh giơ tay ra” (x. Mt 12, 9-13). Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề Luật. Đức Giê-su không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình bày lập trường của mình về ngày sa-bát; theo lời kể của thánh sử Mác-cô (Mc 3, 1-6), Ngài đáp lại sự im lặng bằng cái nhìn giận dữ, Ngài đau khổ (thương cảm) vì con tim bệnh tật của họ, và Ngài thực hiện quyền năng chữa lành người bệnh bằng Lời Sự Sống, chứ không phải bằng việc làm, vốn bị cấm trong ngày sa-bát. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.

Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng lời; do đó, lề luật không còn là chỗ ần nấp của họ. Chính những người rình rập Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại, chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách duy nhất để thuyết phục nó.

Quyền năng, nơi Đức Giêsu vốn là một với lời của Ngài, được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định, nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết. Nếu con tim của những kẻ đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.

2. « Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó »

Nhưng, thay vì tranh cãi, phản đối hay dùng sức mạnh để chống lại những người tìm cách làm hại mình, Đức Giê-su lánh đi, nói cách khác, Ngài « băng qua » giữa họ mà đi ; như lời ngôn sứ Isaia loan báo về Người Tôi Trung được Đức Chúa tuyển chọn, Người được Đức Chúa yêu dấu và Đức Chúa hài lòng về Người :

Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. (c. 19)

Và chính khi Đức Giê-su lánh đi, chính lúc Ngài « băng qua » những người có ý đồ muốn giết chết Ngài, thì dân chúng theo người đông đảo và Người chữa lành hết (c. 15), và cũng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo :

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi(c. 20)

Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, loan báo cho chúng ta thật rõ ràng mầu nhiệm Vượt Qua : chính lúc người ta muốn làm hại Đức Giê-su, thì Ngài trờ nên nguồn ban phát ơn chữa lành, Ngài tỏ bày Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa cho con người, như Thánh Phao-lô xác tín một cách rõ ràng và mạnh mẽ :

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su(Rm 3, 23-24).

3. « Niềm hi vọng nơi Danh Người »

Tuy nhiên, có điều khác biệt tuyệt đối là, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su không còn băng qua ý muốn giết chết Ngài, nhưng Ngài băng qua chính sự chết. Thực vậy, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su để cho Sự Dữ có nơi lòng của con người đi đến cùng, là giết chết Ngài, nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết, Ngài chiến thắng sự chết, Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh, và trở thành Nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn người. Đó chính là sự toàn thắng của Đức Công Chính thần linh mà ngôn sứ Isaia đã loan báo :

Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người. (c. 20-21)

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa, được bày tỏ cho chúng nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, và nhất là nơi ngôi vị của Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành  mỗi ngày trong Thánh Lễ:

  • Đó chính là Đức Công Chính của Tình yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu và những gì thuộc về Tình Yêu mà thôi.
  • Đó là Đức Công Chính của lòng thương xót, thay vì xét xử và luận phạt.
  • Đó là Đức Công Chính của ánh sáng và sự sống, mạnh hơn bóng tối và sự chết có ở nơi lòng chúng ta và ở giữa chúng ta.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận