Thánh Cecilia, Trinh nữ Tử đạo, Bổn mạng các Ca đoàn Giáo phận

Đăng lúc: Thứ bảy - 22/11/2014 01:38 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BẢY TUẦN 33 TNTh. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo



Bài đọc (Kh 11, 4-12)
Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.
Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Đức Chúa Trời”.


Tin Mừng (Lc 20, 27-40)
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.


Thánh Cecilia, Trinh nữ Tử đạo (thế kỷ III)

Dù thánh Cecilia là một trong các vị tử đạo nổi tiếng của Rôma, nhưng các câu chuyện về bà vẫn không được kể lại chính xác. Thời kỳ đầu không thấy dấu hiệu nào cho thấy bà được tôn kính. Một câu được khắc hồi cuối thế kỷ IV nói đến một nhà thờ mang tên bà, và lễ mừng kính bà có từ năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là Kitô hữu thuộc dòng dõi quý tộc, đính hôn với một người Rôma tên là Valerian. Nhờ ảnh hưởng của bà, Valerian đã trở lại đạo và chịu tử đạo với người anh em của ông. Truyền thuyết về cái chết của Thánh Cecilia nói rằng sau khi bị chém vào cổ 3 lần, bà vẫn sống thêm 3 ngày, và bà xin Đức giáo hoàng lấy nhà của bà làm nhà thờ. Từ thời Cải Cách, bà thường được vẽ chân dung với cây đàn viola hoặc đàn organ.

Thánh Cêcilia, đồng trinh tử đạo

Anh chị em thân mến.
Chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng ngày sinh nhật trên trời của một vị thánh đã sống xa cách chúng ta cả gần 18 thế kỷ, nhưng những hình ảnh ít ỏi hiếm hoi về đời sống của vị thánh trẻ này vẫn còn thật sống dộng trong lòng rất nhiều người chúng ta.

I. Nếu phải hỏi: "Cécilia là ai?" thì quả thực chúng ta không có được những tài liệu lịch sử chính xác và đầy đủ về vị thánh nữ trẻ trung đặc biệt này. Hồi qua thăm Roma khi viếng một trong những hang toại đạo nổi tiếng tại đó, tôi đã có dịp tận mắt nhìn chỗ mà trước đây người ta đã an táng chị. Đây là một vị trí đặc biệt, gần sát với chỗ chỗ nhiều vị Giáo hoàng cử hành thánh lễ trong những năm Giáo Hội gặp nhiều thử thách gian nan.
Truy nguyên xa hơn một chút thì người ta còn biết: Cécilia là con của những một gia đình quí phái sống tại Roma dưới thời hoàng đế Alexander Sêvêrô, một trong những vị hoàng đế khét tiếng là độc ác với những người theo đạo của Chúa lúc đó. Trong gia đình chỉ có một mình Cécilia trở lại đạo.
Tới tuổi dựng vợ gả chồng thì, Cécilia được cha mẹ hứa gả cho một chàng thanh niên cũng thuộc dòng tộc quí phái và cũng sống tại Roma tên là Valêriô. Cuộc hôn nhân lạ lùng này đúng là do Chúa xếp đặt để làm vinh danh Ngài. Valeriô và em đã bị Céciliachinh phục. Họ đã được chính Đức Giáo hoàng Urbanô đã dạy giáo lý và rửa tội cho. Sau khi được Rửa tội, bộ ba Cécilia-Valêriô và Tiburtiô đã trở thành những chiến sĩ kiên cường trong công việc tông đồ. Họ bí mật tiếp tế cho những tín hữu bị giam giữ, cầu nguyện cho những người bị kết án, khuyến khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về họ lo chôn cất xác của những vị tử đạo.
Về sau chẳng may công việc của họ bị bại lộ. Họ bị bắt. Valêriô và Turbitiô chịu tử đạo trước. Còn Cécilia chịu tử đạo sau. Theo đài Chân lý Á châu ngày 22-11-1991 thì năm 1229 người ta thực hiện một cuộc cải táng phần mộ của Cécilia, người ta thấy xác của Cécilia vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một hồng ân Chúa dành cho những con cái yêu dấu của Người.

II. Một vài nhận định.
Qua cuộc đời của Cécilia chúng ta có thể rút ra được một vài bài học này.
1. Niềm tin mạnh có thể biến đối một con người bình thường thành những con người cao cả, cũng như biến những con người sang trọng quen hưởng thụ thành những con người dám xả thân vì lý tưởng bác ái yêu thương.
a- Khi bị bắt và bị điệu tới trước mặt quan tổng trấn Amalchiô vì tội lo lắng chôn cất xác của các vị tử đạo, quan tổng trấn hỏi:
- Tại sao các ngươi không chấp hành lệnh của ta mà cứ còn quan tâm đến những tử tội mà ta đã kết án?
Cécilia trả lời:
- Thật là một điều đẹp lòng Chúa khi chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ cho những người bị ngài kết án là tử tội.
b- Sau cái chết của Valeriô và Turbitiô, Cécilia bán tất cả những gì còn lại, phân phối cho những người nghèo khó. Khi quan toà điều tra về tài sản của mình, Cécilia trả lời không một chút sợ hãi: "Tất cả đã được phân phối cho những người nghèo khó rồi"
Quan bắt Cécilia phải đốt hương tế thần Cécilia trả lời: "Thần của quí vị chỉ là đá, là đồng, là chì."
Các binh lính đứng đó tỏ lòng tiếc thương cho một người con gái sang trọng sắp phải chết có khuyên nàng: "Cô sang trọng và trẻ đẹp. Hãy dâng hương tế thần đi. Hai mươi tuổi đầu….chết….uổng lắm"
Cécilia trả lời: "Các ông không biết rằng chết vào tuổi tôi không phải là đánh mất tuổi trẻ nhưng là một sự đổi chác sao? Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm gấp ngàn lần cái mà người ta dâng hiến cho Ngài. Các ông có lưỡng lự khi người ta đem quí khi để đổi lấy một vật tầm thường không?
2. Thiên Chúa yêu thương và luôn bảo vệ những ai biết tin tưởng tuyệt đối vào Người.
a- Cécilia đã can đảm tin theo Chúa. Cécilia cũng đã sống niềm tin ấy một cách anh hùng dường như không có gì có thể thay đổi được. Bên cạnh cái vẻ sang trọng của một cô gái quí phái, dưới lớp áo thêu vàng Cécilia thường mặc thêm một mảnh áo nhặm. Cécilia làm thế để nói lên một quyết tâm muốn từ bỏ những quyến rũ của trần gian và quyết tâm một lòng chỉ theo Chúa. Cécilia cũng say mê với những  việc từ thiện Bác ái.
Để tưởng thưởng cho những hy sinh và lòng yêu mến Chúa nồng nàn đó, Chúa đã cho Cécilia luôn được nhìn thấy thiên thần hộ thủ bên cạnh  mình. Có lẽ đây chính là lý do làm cho Cécilia có thể dễ dàng chấp nhận sự xếp đặt của gia đình trong việc thành hôn với Valeriô.
Sau đám cưới linh đình và sang trọng, chiều về Valêriô như say như mê trước sắc đẹp và vẻ quyến dủ của người yêu. Nhưng Cécilia không để cho chàng phải chờ lâu. Cécilia báo ngay cho chàng một tin vui. Cécilia vui vẻ nói với chàng:
- Thưa anh. Em có điều này muốn nói với anh. Không một bàn tay trần tục nào được động vào con người của em vì em có một thiên thần luôn bảo vệ. Nếu anh biết tôn trọng em, thì Ngài sẽ yêu mến anh và sẽ ban ân phúc cho anh.
Vừa ngạc nhiên, vừa cảm kích. Valêriô ao ước được nhìn thấy Thiên thần. Cécilia đề nghị anh đến gặp Đức Thánh Cha Urbanô đang ở trong  hang toại đạo.
Vào trong hang toại đạo, anh đã gặp Đức Giáo Hoàng và một thời gian sau anh được Rửa tội. Lúc trở về anh thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy hai thiên thần cầm hai mũ triều thiên trên tay đang đứng cạnh Cécilia đang lúc chị cầu nguyện. Và từ giây phút đó hai người tự nguyện dâng trọn cuộc đời cho Chúa.
b- Và đây là việc thứ hai: Cécilia ao ước được gặp Đức Thánh Cha trước khi tắt thở và Cécilia đã được toại nguyện.
Almachiô đã ra lệnh chém đầu Cécilia. Nhưng những tên lính hành hình đã không thế nào kết thức cuộc đời của Cécilia. Họ đã chém tới ba lần nhưng đầu của Cécilia vẫn không chịu lìa thân. Phải đợi cho đến  khi Đức Giáo hoàng tới dể ban những bí tích cuối cùng cho chị, chị mới an nghỉ trong Chúa. Đây chính là phần thưởng Chúa dành cho những ai biết tin tưởng nơi Người.
Kính thưa anh chị em đến đây tưởng cũng đã đủ để chúng ta thấy được lý do tại sao mà Cécilia lại được rất nhiều người yêu mến trên đời này. Xin Chúa cho chúng ta cũng biết bắt chước gương Người để lại để làm cho cuộc sống của chúng ta trên đời này thực sự là cuộc đời của những người con cái Chúa và mai sau chúng ta được hân hoan trên cõi vĩnh hằng. Amen.
 
Suy niệm 1: SỐNG TRINH KHIẾT

Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc. Nhóm này không tin có sự sống lại, và họ cũng thuộc về một trong các nhóm chuyên chống đối Đức Giêsu.
Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.
Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: Theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình.
Vậy cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì anh ta đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.
Vấn đề đặt ra là , như thế, khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ gả chồng nữa”.
Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.
Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc sống này, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.

Suy niệm 2: TẤT CẢ ĐỀU ĐANG SỐNG

“Vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38)
Suy niệm: Tháng 10 vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình nhóm họp; lý do là ngày nay, với nhiều chuyển biến của xã hội, gia đình đang bị nhiều đe dọa, thương tổn, đổ vỡ, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là việc con người ngày nay không kính trọng sự sống của nhau và của chính mình. Vì không kính trọng sự sống, nên người ta dễ đi đến dâm ô, bạo lực gia đình, phá thai, v.v…. Lời Chúa hôm nay là một tin vui nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.” Tin vui vì chúng ta hy vọng sẽ được sống lại, chúng ta có mặt trên đời và hiện diện mãi mãi, đời đời. Là lời thức tỉnh, bởi vì, chúng ta không thể hủy diệt được sự sống của chúng ta, dù chúng ta có tự kết liễu đời mình. Vì thế, niềm vui sẽ đến với gia đình chúng ta, nếu chúng ta nghe lời Chúa dạy biết kính trọng sự sống ở đời này để được bước vào sự sống đời đời.
Mời Bạn: Chúa mời gọi chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc đầu tiên thụ thai đến khi lìa đời. Trong mỗi gia đình, nếu cha mẹ biết cách dạy con, thì sẽ bớt đi những tiếng kêu não lòng: “Mẹ ơi đừng đánh con đau!”
Chia sẻ: Sự sống không thể bị hủy diệt. “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Điều đó gợi cho bạn suy nghĩ gì?
Sống Lời Chúa: Xin lỗi Chúa vì tôi đã không biết quí trọng sự sống Chúa ban.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho chúng con biết: chỉ có một thực tại, đó là sống. Chúng con không muốn sống trong hỏa ngục, chúng con chỉ muốn sống đời đời bên Chúa mà thôi. Amen.

Suy niệm 3: SO SÁNH

Những người thuộc nhóm Xa-đốc đã chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề liên quan đến cuộc sống đời sau. Chúa Giêsu đã trả lời cho họ một cách rõ ràng rằng cuộc sống đời sau không như cuộc sống hiện tại nơi trần gian. Lời chất vấn của những người này và câu trả lời của Chúa Giêsu đã gợi lên cho tôi những suy nghĩ sau:
Cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, nhiều khi tôi cho ý kiến của mình là đúng là hay, là số một.. để rồi tôi bắt mọi người phải theo ý của tôi.
Cũng giống như những người Xa-đốc, nhiều khi tôi lấy mình làm tiêu chuẩn, hay đặt ra những tiêu chuẩn để so sánh, để bắt bẻ chê bai và hạ bệ tha nhân.
Cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, nhiều khi tôi cũng chạy theo những đam mê trần tục như: danh, lợi, thú và chỉ nghĩ đến cuộc sống nơi trần gian mà quên đi những giá trị thiêng thiêng cho cuộc đời của mình.
Lạy Chúa, xin cho con biệt nhận ra giá trị của cuộc sống hiện tại và mai sau. Và xin cho con biết tôn trọng tha nhân để mỗi ngày con sống xứng đáng là người con của Chúa. Amen.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa viếng thăm. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đi vào cuộc đời chúng con. Chúa chiếm trọn thân xác tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con được ở trong tình Chúa. Xin giúp chúng con biết hưởng nếm sự ngọt ngào từ sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Chúa muốn chúng con trở nên bất tử khi chúng con sống yêu thương nhau. Tình yêu ví tựa như hơi thở là dấu chỉ sự sống. Con người phải biết sống yêu thương tựa như con người cần không khí để thở. Chúa chính là Thiên Chúa của kẻ sống vì Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa vượt không gian và thời gian. Tình yêu Chúa bất tử như chính Chúa là Đấng hằng hữu. Xin cho chúng con biết họa lại hình ảnh của Chúa qua đời sống yêu thương, bác ái và dấn thân. Xin cho chúng con biết khôn ngoan tìm kiếm giá trị vĩnh cửu bằng việc lành phúc đức hơn là những hoan lạc trần gian mau qua.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, xin ban cho chúng con sự sống của Chúa để chúng con biết sống cho tình yêu và vì tình yêu với tha nhân. Amen.
 
suy niệm 4: “Đối với Người, tất cả đều đang sống”
 
Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, thật là an ủi cho chúng ta, khi Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay :
Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
Xin cho lời này của Đức Giê-su cũng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại ; và ước gì niềm tin này đem lại ý nghĩa và hướng đi cho chúng ta trong cuộc đời chóng qua này, nhất là trong tương quan của chúng ta đối với những gì thuộc về đời này.
Và xin cho các linh hồn, nhất là linh hồn của những người thân yêu của chúng ta được Chúa thứ tha, thương xót và cho sống lại để cùng nhau xum họp và mãi mãi thuộc về Chúa, là Đấng Hằng Sống.
1. Các linh hồn và sự sống lại
Chúng ta vẫn đang ở trong tháng cầu cho các linh hổn đã qua đời. Vì thế, thật là ý nghĩa, khi Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại. Bởi lẽ, chính vì niềm tin vào sự sống lại mà chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính : “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.
Và tất cả chúng ta những người đang có mặt trong Thánh Lễ này, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng sẽ lần lượt qua đi với niềm hi vọng được sống lại với Chúa và với nhau. Vì thế, ngay hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi hướng về sự sống lại của chúng ta rồi, đã sống cho sự sống lại của chúng ta rồi, ngay khi còn đang sống trong cuộc đời chóng qua này.
Tuy nhiên cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, không tin có sự sống lại, chúng ta cũng có những câu hỏi, những vấn nạn, những thắc mắc nan giải về sự sống lại, khiến cho niềm tin của chúng ta bị lung lay.
2. Niềm hi vọng sống lại
Chắc chắn, mãi mãi chúng ta sẽ không hiểu hết được về sự sống lại, bởi vì đó là quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo thuộc về kế hoạch cứu độ của riêng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ tin, bởi vì tin thì không cần phải biết hết. Và thật bi đát cho loài người chúng ta, khi sống cuộc đời chóng qua này mà không có niềm hi vọng sống mãi.
Thật vậy, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên chúng ta tự trong cõi lòng, dù ý thức hay không ý thức, luôn khao khát được hằng sống. Và thật là bất hạnh cho chúng ta, khi khao khát mà không được ban tặng, không được làm cho no thỏa. Và Đức Giê-su, phát xuất từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài đến để xác chuẩn cho chúng ta về lời đáp của Thiên Chúa, là sẽ ban tặng sự sống đời đời của Thiên Chúa cho chúng ta : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Và đó là lí do, chúng ta luôn cầu nguyện cho các linh hồn ; và chính chúng ta một ngày nào đó, cũng sẽ được cầu nguyện như thế.
Hơn nữa, loài người chúng ta luôn khao khát sự sống đời đời, nhất là khi thương yêu nhau : khi thương yêu nhau, chúng ta luôn ước ao thương yêu nhau mãi, và để thương yêu nhau mãi, thì phải sống mãi. Bởi vì tình thương phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống và hướng về Thiên Chúa hằng sống. Tình thương tự bản chất hướng về vô biên và sẽ tồn tại mãi mãi, như Thánh Phaolo nói : “Lòng mến không bao giờ mất được” (1Cor 13, 8). Bởi vì Thiên Chúa là lòng mến, là tình thương.
Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và ơn huệ sống lại, sẽ làm cho chúng ta được bình an và tự do đối với sự sống này và những gì thuộc về sự sống này, đó là của cải, tiện nghi vật chất, sức khỏe, vẻ bề ngoài, thành công, danh vọng. Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta tương đối hóa những điều này và không biến những điều này thành cùng đích, thành chủ nhân, thành ngẫu tượng.
Cuối cùng, cuộc đời này có rất nhiều người bất hạnh do số phận, sinh ra đã bệnh tật hay tật nguyền, hay bất hạnh do thiên tai, như ở nhiều nơi trong những ngày này, có những em bé bị giết hại khi chưa được sinh ra, có những con người hi sinh đời mình để sống cho Chúa và cho người khác, trong đời tu cũng như trong đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, Chúa sẽ an ủi mãi mãi những người này một cách quảng đại và nhưng không.
3. “Đối với Người, tất cả đều đang sống”
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng, để lắng nghe và cố gắng hiểu câu trà lời của chính Đức Giê-su về sự sống lại. Chắc hẳn, chúng ta cũng có những thắc mắc liên quan đến sự sống đời sau và sự sống lại, tương tự như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Tuy nhiên trong đức tin, chúng ta được mời gọi vượt qua lòng ham muốn biết tất cả, để nói như thánh I-nhã Loyola qua miệng cha Karl Rahner : “Hãy thả mình vào trong cung lòng của Thiên Chúa”[1] một cách vô điều kiện. Và đó chính là lời gọi mà chúng ta có thể nghe ra được trong câu trả lời của Đức Giê-su.
Theo Đức Giê-su, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống ; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi ; như Tv 136 tuyên xưng :
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết. Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Đức Giê-su nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại :
Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta tuyên xưng : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Ước gì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô chết và phục sinh trở thành lẽ sống và niềm hi vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời này.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
_______
[1] Karl Rahner, SJ, Ignatius von Loyola, Herder, 1978 (bản dịch Tiếng Việt của Lm Bùi Quang Minh, Tâm sự của Thánh I-nhã Loyola với một Giê-su Hữu hôm nay, An Tôn & Đuốc Sáng, 2009).
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận