Thánh Antôn, viện phụ.

Đăng lúc: Thứ ba - 17/01/2017 01:28 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ.

"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".
 

THÁNH ANTÔN
VIỆN PHỤ

1. Đôi dòng tiểu sử.

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Antôn. Thánh Antôn hôm nay Giáo Hội mừng kính không phải là thánh Antôn Padua quen thuộc mà mọi người chúng ta kính mến. Antôn thành Padua hoặc Antôn thành Lisboa, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 và qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, là một linh mục Công giáo người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Còn thánh Antôn chúng ta mừng kính hôm nay được gọi là thánh Antôn viện phụ sinh tại Cosma bên AiCập vào khoảng năm 250 và qua đời vào ngày 17/1/356.

Nhìn lại cuộc đời của Ngài, chúng ta phải nhận là Ngài có nhiều may mắn. Cha mẹ Ngài là người giầu có, quí phái. Ngài và cô em gái luôn được sống trong sự bao bọc ấm cúng của gia đình.

Lúc ngài được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài lần lượt ra đi để lại cho hai anh em một gia tài kếch xù. Hai anh em tiếp tục sống đùm bọc yêu thương nhau. Với số của cải cha mẹ để lại, hai anh em có thể sống một cuộc sống dư dật và thật thoải mái. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người đã kêu gọi Antôn dâng hiến cuộc đời cho Người.

Hôm đó trong ngôi nhà nguyện nhỏ dâng cúng thánh Augustinô, Lời Chúa vang lên: "Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó" (Mt 19,21). Lời Tin Mừng đó đã làm cho Antôn suy nghĩ vì hai anh em đang có thật nhiều tiền của. Nghe những Lời đó Antôn tưởng như Chúa đang nói với chính mình nhưng chưa biết phải làm gì. Và Chúa Nhật sau đó, Lời Chúa lại vang lên như một chỉ dẫn: "Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy."(Mt 6,34). Thế là con đường đã quá rõ. Antôn nhất định áp dụng đến cùng Lời Chúa dạy, và nhất quyết theo Chúa đến cùng. Ngài về nhà, chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người nghèo khóBan đầu ngài còn để lại chút ít để nuôi mình và cô em gái, nhưng khi suy nghĩ đến LờiChúa: "Con đừng bận tâm đến ngày mai", Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho người nghèo. Xong việc, ngài gởi cô em vào một cộng đoàn Trinh nữ, rồi quyết tâm bỏ thế gian.

Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của Ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin Ngài chỉ giáo.

Năm 327, khi được tin hoàng đế Maximinô Đaia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexandria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu trung kiên, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, Ngài cùng với một anh em khác xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố, rồi Ngài ngang nhiên tiến thẳng vào tòa án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin; không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến giây phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo. Chúa muốn Ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện, ăn chay cho đại gia đình trụ trì, tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị Alexandria cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới quay gót về cộng đồng của mình.

Và từ đây cho đến cuối đời, Ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày đón tiếp mọi người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân.

Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, Ngài liền hội các tu sinh lại quanh giường khuyên bảo họ lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các thày và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa. Hôm ấy là ngày 17.1.365.

Năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, sau đó tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

2. Bài học.

Cuộc đời của thánh Antôn để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là bài học về lòng yêu mến Lời Chúa. Đối với Antôn thì Lời Chúa chính là Kim Chỉ Nam, là lẽ sống cũng như là ánh sáng luôn hướng dẫn cuộc đời của mình. Ngài luôn đi tìm thánh ý của Thiên Chúa, can đảm đem những soi sáng của Chúa vào cuộc đời của mình.

Được cha mẹ để lại cho một gia tài kếch xù, Antôn đã không nghĩ như người phú hộ trong Tin Mừng Luca. Người phú hộ trong Tin Mừng Luca nhìn vào đống tài sản trời ban cho đã nghĩ ngay đến việc hưởng thụ. Ông đã vẽ ra cho mình một tương lai mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh gọi là bỉ ổi: "Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!"(Lc 12,19).

Antôn đã không nghĩ như vậy. Ngài đã đi tìm ý Chúa và sau khi được Chúa soi sáng qua Lời Chúa trong Tin Mừng, Antôn đã bán tất cả và cho đi tất cả không giữ lại cho mình cái gì. Rồi sau khi được soi sáng cũng qua Lời Chúa trong Tin Mừng Antôn đã bỏ tất cả và sống đời phó thác cho Chúa.

Năm 35 tuổi thánh nhân muốn rút hẳn vào sa mạc. Với một số lương thực vừa đủ sáu tháng Ngài băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atfite và ở đó suốt 20 năm, không tiếp đón ai, trừ mấy mấy người bạn hàng năm hai lần đem lương thực tới cho Ngài.

Ngài có ý tránh xa thế tục, nhưng hương thơm nhân đức lại lôi kéo nhiều người khách thập phương đến thăm. Ban đầu thánh nhân còn tìm lẽ nọ lẽ kia, bày ra kế nọ kế kia để thoái thác, nhưng được ít lâu vì số người đến mỗi ngày một đông, lại nhất định tìm mọi cách để gặp mặt đấng thánh nên thánh nhân buộc lòng phải ra đón tiếp họ.

Năm 305, ý Chúa là muốn Ngài bỏ đời ẩn tu để đi lập các tu viện. Vâng ý Chúa, Ngài lập nhiều tu viện các cộng đồng tu hành và huấn dụ về đời sống thiêng liêng.Theo kinh nghiệm bản thân, Ngài bày tỏ cho các tu sĩ những mưu mô xảo quyệt của satan, chỉ cho họ những  khí giới chiến đấu hữu hiệu hơn cả là cầu nguyện, ăn chay, làm dấu thánh giá và thái độ coi khinh chúng.

Đó là cuộc đời của một vị thánh. Chúng ta cám ơn Chúa đã để lại cho chúng ta tấm gương của một con người đã cố gắng đi theo tiếng gọi của Chúa, sống một cuộc đời siêu thoát thánh thiện đễ nên gương sáng cho mọi người.

 

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh An-tôn, viện phụ sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lờingài nguyệngiúp cầu thay mà cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

 

* Thánh Antôn là tổ phụ của các đan sĩ Ai Cập. Người chào đời quãng năm 250. Sau khi song thân qua đời, đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo rồi hãy đến theo tôi”, người rút lui vào sa mạc sống đời khổ chế và đền tội. Nhiều bạn hữu đã đến theo người, sống nếp sống khắc khổ để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Người cũng có công nâng đỡ các tín hữu trong thời kỳ hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô bách hại đạo, người cũng trợ giúp thánh Athanaxiô đối phó với phái Ariô. Người qua đời năm 356.

 

LỜI CHÚA: Mc 2, 23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"

Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".

 

 

 

Suy Niệm 1: Linh hồn của Lề Luật

Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau: "Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.

Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.

Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.

Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.

Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu thương ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa phục vụ con người

Vào ngày sa bát Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Nhưng người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi ngày sa bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”

Đức Giêsu nói: “Ngày sa bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa bát. Bởi đó con người làm chủ luôn ngày sa bát. (Mc. 2, 23-24. 27-28)

Điều khiến ta ngạc nhiên nhất khi đọc trích đoạn Phúc âm này không phải là việc Chúa Giêsu đặt mình ở trên luật về ngày sa-bát hay là muốn cho truyền thống mang một sắc thái khác, mà đúng hơn là việc Người tỏ cho ta biết rằng ngày sa-bát được làm ra vì con người.

Ngày sa-bát, ngày của Thiên Chúa

Khi viết tường thuật về việc Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, các tác giả theo truyền thống tư tế đã xếp đặt cho công việc tạo dựng này được hoàn tất trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi: đó là ngàyThiên Chúa dành cho chính mình. Vì thế, “ngày-của-chúa” đó, dân chúng phải sống và làm việc vì Chúa, cho Chúa, và ngày đó vì thế đã trở thành ngày dành cho việc phụng thờ.Cho nên các linh mục là những người phải lo viêc Đền thờ, có giảng giải và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ ngày chúa nhật như kiêng việc xác, đi lễ đọc kinh, làm việc đạo đức và từ thiện….thì cũng là điều dễ hiểu và bình thường thôi.

Vậy mà Chúa Giêsu lại nói: “Cái ngày mà anh em coi như thuộc về Thiên Chúa, ngày ấy lại được làm ra vì anh em”. Có nghía là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã hướng cuộc sống, sự hiện hữu của mình vì con người.

Một Thiên Chúa phục vụ

Thiên Chúa phục vụ con người, đây không phải là một mạc khải mới mẻ. Tất cả lịch sử của dân được tuyển chọn đều kể lại cho ta hay Đức Giavê đã sẵn sàng phục vụ như thế nào: đem họ ra khỏi Ai cập, đưa họ từ chốn lưu đầy trở về, lập vương quốc cho Đavít… Cả khi họ hối lỗi trở về, thì Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha. Vừa thoáng có dấu hiệu của sự hối cải, trở về là Chúa hoan hỉ, và quên đi ngay những đe dọa trừng phạt.

Và đấy chính là điều Chúa muốn khẳng dịnh lại khi nói rằng ngày sa-bát được làm ra vì con người. Tất cả những gì liên quan tới Chúa, thì Người đã ràng buộc nó vào vận mệnh của chúng ta. Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ ta, để ta cũng theo gương Người mà phục người khác như vậy.

Mạc khải này đưa chúng ta đến câu hỏi sau đây: Ta có đi đúng đường khi giữ cũng như bảo người khác giữ ngày của Chúa? Phải chăng ta chỉ nhắc lại suông bằng lời mà không thực hành bằng việc, mạc khải Chúa đã tỏ cho ta là Thiên Chúa phục vụ con người? Phục vụ tha nhân, há chẳng phải là nét cao cả, là điểm nổi bật trong đời sống Kitô hữu, và là con dường hay nhất giúp ta đến và sống với tha nhân sao?

Thiên Chúa phục vụ! Thiên-Chúa-vì-con-người!

Ai đón nhận Tin Mừng này sẽ không còn phải sợ mình không thuộc về Chúa vậy.

 

Suy niệm 3:

Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai 
thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát. 
Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo 
Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36). 
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.

Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát. 
Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa. 
Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong. 
Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm: 
“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.” 
Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát, 
lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, 
mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát. 
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê. 
Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này, 
nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật 
nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.

Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít. 
Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực. 
Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6). 
Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9). 
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế. 
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng 
nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh 
thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó 
cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).

Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại. 
Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát. 
Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi 
hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15). 
Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, 
nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.

Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa, 
nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa. 
Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần. 
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở 
về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa. 
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.

Cầu nguyện:

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa, 
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan, 
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài, 
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la, 
trong cô đơn và thầm lặng, 
với tấm lòng thanh tịnh, 
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn, 
huyên náo vì đấu tranh, 
giữa đám đông hối hả lăng xăng, 
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời, 
lạy Thiên Chúa muôn loài, 
một mình, lặng lẽ, 
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận