Thứ Bảy đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

Đăng lúc: Thứ bảy - 07/01/2017 02:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Bảy đầu tháng, trước lễ Hiển Linh.

"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa"

 

LỜI CHÚA: Ga 2, 1-12

Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, phải làm theo". Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc", và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này". Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

 

 

 

Suy Niệm 1: Phép lạ

Đoạn Tin Mừng vừa nghe không nói rõ là tiệc cưới của ai, nhưng chắc chắn là của một người trong họ hàng thân thiết với Chúa, vì người ta thấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ.

Theo tục lệ của người Do Thái, thì đám cưới thường kéo dài tới 7 ngày. Dĩ nhiên khách được mời không bắt buộc phải ở lại dự tiệc suốt 7 ngày. nhưng số người ở lại cho tới hồi kết thúc có lẽ không ít, nên xảy ra nạn thiếu rượu. Thiếu rượu nửa chừng trong một tiệc cưới quả là một tai hoạ. Danh dự của đôi tân hôn có thể bị thương tổn. Như thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi lo âu và cảnh chạy đôn chạy đáo của nhà đám. Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, với sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, hẳn đã nhận ra được những sự lục đục diễn ra ở hậu trường của tiệc cưới và hiểu được nỗi khốn quẫn của nhà đám. Dù sao thì Mẹ Maria đã là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng này: họ không còn rượu nữa.

Một nhận định vô tư về tình hình hay còn hàm chứa một lời cầu xin? Có thể đây chỉ là một lời tỏ bày, báo động với Chúa Giêsu về nỗi quẫn bách của nhà đám, không nhất thiết Mẹ Maria phải xin một phép lạ. Điều quan trọng hơn ở đây là Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu trước tình trạng quẫn bách của con người. Nhưng người đọc không thể không sửng sốt trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Này bà, đối với tôi và bà, nào có việc gì. Một câu trả lời xem ra có vẻ cứng cỏi và xa vắng. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng trong một số trường hợp, câu nói này khá thông thường trong các giới Do Thái, và trong ngôn ngữ Hy Lạp, thì có nghĩa là: việc gì đến bà. Câu trả lời cua Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy hai người, Người và mẹ Người không ở trên cùng một bình diện. Hành động của Người sẽ vượt lên trên rất xa điều Mẹ Maria có thể nghĩ đến. Tiếng bà dùng ở đây để chỉ Mẹ Maria không hề có nghĩa bất kính, mà chỉ là một kiểu xưng hô theo tập tục của của người Hy Lạp.

Như thế giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria có một sự khác biệt trong tầm nhìn. Đối với Chúa Giêsu phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người được thực hiện là theo ý định của Cha Người. Sau cùng phép lạ đã xảy ra, cơn khốn quẫn của nhà đám được giải quyết một cách dư dật quá lòng mong muốn, sáu chum nước lã, mỗi chum chứa hai hoặc ba thùng, biến thành một loại rượu ngon. Nước lã biến thành rượu ngon. Thế nhưng nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy, phép lạ đã không diễn ra chỉ bằng một lời phán, nhưng đã khởi sự từ việc nhận ra sự khốn quẫn của người khác, từ công lao khó nhọc của các gia nhân gánh đầy mấy chum nước.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận, dù là trong phép lạ, thì sự tham gia cộng tác của con người cũng vẫn là điều cần thiết.

 

Suy Niệm 2: Dấu lạ đầu tiên

(Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Kitô hữu ngày nay dễ dàng biết rằng Đức Giêsu có thể làm phép lạ hóa nước thành rượu thượng hảo hạng, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể; tuy nhiên những người đồng dự tiệc với Đức Giêsu không hiểu được như vậy. Vì vậy, biến cố Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này đã tác động mạnh mẽ trên những người biết sự việc này. Qua dấu lạ này, người ta và các môn đệ của Đức Giêsu nhận ra Ngài là một con người rất đặc biệt, Ngài là người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Đức Giêsu bắt đầu sự nghiệp bằng việc rao giảng. Không biết Ngài rao giảng có thành công hơn những thầy dạy khác trong dân Do Thái không? Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu theo sự thỉnh cầu của Đức Mẹ. Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Maria là người đầu tiên hy vọng vào Đức Giêsu, tin vào Đức Giêsu! Người ta tin vào Đức Giêsu sau khi thấy dấu lạ Ngài làm, còn Đức Maria tin vào Đức Giêsu trước cả khi Đức Giêsu làm phép lạ. Đức Maria cũng là người biết Đức Giêsu hơn ai khác: Mẹ dám ngỏ lời nhắc nhở Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi”.

Đức Maria rất tế nhị, Mẹ biết điều làm cho đôi tân hôn bối rối và không biết giải quyết làm sao. Mẹ biết nếu Đức Giêsu biết điều này, Đức Giêsu có thể làm một cái gì đó cho họ; và Mẹ đã không thất vọng. Qua sự kiện này, chúng ta thấy Đức Mẹ hiểu Đức Giêsu đến độ nào! “Ngài nói sao, các anh cứ làm như vậy”. Đức Giêsu đã can thiệp như Mẹ tiên đoán. Thật là đúng khi các Kitô hữu tôn Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì ngày xưa Mẹ đã biết, và đã tế nhị can thiệp với Thiên Chúa cho con người, thì nay Mẹ cũng vẫn làm như vậy.

“Qua dấu lạ này, các môn đệ đã tin vào Ngài” (Ga.2, 11). Các môn đệ của Đức Giêsu tin Đức Giêsu là ai? Chắc chắn không phải các môn đệ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể vì lúc đó mầu nhiệm cao siêu này chưa được con người nhận rõ. Có lẽ các môn đệ tin Đức Giêsu là Người từ Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để yêu thương và giúp đỡ dân. Cho dù người ta có biết có ý thức hay không, Đức Giêsu vẫn là Thiên Chúa nhập thể. Thế nhưng, điều này các môn đệ chưa ý thức, chưa biết được vào thời điểm đó. Đức Giêsu cũng là người phải khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ đối với Ngài. Sau này Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?…. Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mt.16, 16).

Đức tin của các môn đệ đối với Đức Giêsu mỗi ngày một lớn dần, nhưng không phải là đồng đều đối với tất cả mọi người. Một số môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều khó nghe, đã bỏ Đức Giêsu không theo Ngài nữa: ”Lời này chướng quá, ai nghe cho nổi……Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu nữa” (Ga.6, 60.66). Khủng hoảng đức tin vào Đức Giêsu lên tột đỉnh với biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, nhưng với biến cố Phục Sinh và những lần hiện ra cho các tông đồ, các môn đệ Đức Giêsu tin vào Đức Giêsu mãnh liệt hơn, và biết Ngài là ai rõ ràng hơn sau biến cố Phục Sinh.

Với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Giêsu: Người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa. Cũng với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra Thánh Thần là ai, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu là ai, sau khi nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với họ (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13). Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa; Ngài biến đổi lòng người, Ngài giúp con người tin vào Đức Giêsu.

Theo thánh Phaolô, Thánh Thần làm sinh động Hội Thánh qua những ân sủng của Ngài. Tất cả những gì hay tốt con người có, đặc biệt những gì con người đang phục vụ Giáo Hội, đều đến từ Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giảng dậy, ban ơn quảng đại để phục vụ anh chị em mình, ban đặc sủng để chữa bệnh. Thánh Thần ở nơi cung lòng mỗi người (Ga.14, 16; 1Cor.3, 16-17).

Thánh Thần đổi mới mọi sự, đổi mới vận mạng một dân thành: thành Yêrusalem không còn bị ruồng bỏ nữa, nhưng được yêu vì. Cũng chính Thánh Thần biến đổi lòng dạ con người, đưa dẫn con người trở về với Thiên Chúa, đưa con người trở về với anh chị em mình. Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn con người, thánh hóa con người, làm cho con người trở nên dễ yêu dễ thương, trở nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is.62, 5).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có cảm nghiệm những gì xảy tới cho những anh em sống xung quanh, liên hệ mật thiết với bạn, và bạn đã xin Thiên Chúa can thiệp không? Xin chia sẻ nếu bạn có điều này.

2. Chỉ với phép lạ biến nước thành bánh, đã đủ cho người ta kết luận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể chưa? Tại sao?

3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ.

 

Suy Niệm 3: Hãy mời Chúa vào nhà.

(‘Niềm Vui Chia Sẻ)

Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của gia đình bà. Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đầu ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo bức hình Chúa Giêsu kích thước khoảng: 40x50 cm vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý nhưng ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.

Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe theo ý kiến của chồng.

Giờ đây bà nói rằng bà rất vui đã nghe theo ý chồng vì bà nghĩ rằng bức hình Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa nữa. Chẳng bạn ngày nọ có người khách lạ sau khi chăm chú nhìn vào bức hình liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức hình đó không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!”. Và đêm nọ, một người bạn, sau khi ngồi ngắm bức hình cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, -người phụ nữ nói thêm – ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên bạn bè khách khứa của tôi là mỗi khi nhìn tấm hình Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng lên cao.

Cuối cùng, người phụ nữ nói rằng, có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà tâm sự: “Theo ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.

Thưa anh chị em,

Đôi tân hôn trẻ trong Tin Mừng hôm nay hẳn đồng ý với người phụ nữ trên. Họ đã mời Chúa Giêsu vào nhà họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên ở đó khi họ thiếu rượu. Nhờ phép lạ hóa nước thành rượu ngon, Chúa Giêsu đã cứu vãn tình thế lúng túng của nhà đám và đem lại niềm vui tràn đầy cho mọi người.

Thực tế mà nói, mỗi cặp vợ chồng thường thiếu một cái gì đó vào một lúc nào đó trong đời sống hôn nhân gia đình: thiếu kiên nhẫn, thiếu hiểu nhau, thiếu thông cảm… và đôi khi thiếu ngay cả tình yêu, như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Bạn hết tiền, bạn không có việc làm, bạn thiếu sức khỏe… bạn hãy mời Chúa Giêsu đến, như đôi tân hôn ở Cana, bạn sẽ được giúp đỡ những gì bạn cần để hôn nhân bạn hạnh phúc hơn. Bạn phải làm phần của bạn: bạn phải làm việc nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, suy tín nhiều hơn. Giả sử hôn nhân của bạn điêu đứng vì thiếu kiên nhẫn, bạn hãy bàn hỏi, lập kế hoạch để bạn có thể kiên nhẫn làm sao và khi nào? Rồi – đây là điều quan trọng – bạn hãy xin Chúa Giêsu giúp bạn kiên nhẫn. Bạn thiếu hụt tài chánh ư? Bạn lập kế hoạch làm sổ chi tiêu. Rồi – đây là điều quạn trọng thứ nhất – bạn xin Chúa Giêsu giúp bạn đủ chi tiêu.

Sự sai lầm của các cặp vợ chồng là đã không xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề. Đức Cha Tihamer Toth đã hỏi các bạn trẻ: “Các bạn có biết cái tội đầu tiên mà đôi bạn Công giáo đã phạm không? Và Ngài đã trả lời: đó là khi làm đám cưới, các bạn đã mời tất cả, nào là bà con, bạn hữu, phụ dâu, phụ rể, cả thợ trang điểm, thợ may, mời luôn dàn nhạc, mời hết chỉ trừ Chúa Giêsu là không có trong danh sách được mời. Đó là cái tội đầu tiên của đôi tân hôn. Và cái tội đầu tiên nầy là khởi điểm của một cuộc phiêu lưu dẫn đôi bạn trẻ vào một con đường vô định, một con đường đầy bóng tối…”.

Một em bé gái mới lên năm, vừa cùng mẹ đọc kinh trước khi ăn cơm. Mẹ em thường ứng khẩu những lời kinh nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy nên vị khách quý của bữa cơm hôm nay”. Bà cầu nguyện chưa xong, thì bỗng em bé nhìn mẹ và nói: “Nhưng thưa mẹ, con không muốn Chúa Giêsu làm người khách của chúng ta”. Bà mẹ hoảng hốt hỏi lại: “Tại sao lại thế”?. Em bé trả lời: “Vâng, thưa mẹ, là người khác, Chúa chỉ đến một vài lần thôi. Con muốn Chúa Giêsu đến đây và ở lại luôn mãi với chúng ta” (Knight).

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu phải có mặt trong đám cưới của anh chị em, Chúa Giêsu phải là một phần tử của gia đình anh chị em. Ngài sẵn sàng giúp đỡ. Ngài đang chờ anh chị em xin Ngài, như Đức Maria đã làm tại Cana. Tốt nhất anh chị em hãy cầu xin qua Đức Maria những gì anh chị em cần trong đời sống hôn nhân, gia đình của anh chị em. Như vậy sẽ không có gì thiếu nữa.

Giáo dân Châu Âu xưa kia có một câu tục ngữ như thế nầy: “Nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ, bạn hãy đọc một kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi du lịch bằng đường biển, bạn hãy đọc hai kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi cưới vợ, lấy chồng, bạn hãy đọc một trăm kinh Kính Mừng”. Phải, đời sống hôn nhân gia đình đâu phải chỉ là một chuyến du lịch mà là cả một cuộc hành trình đến mãn đời. Không có sự hiện diện của Chúa, không có Đức Mẹ, vợ chồng khó lòng trung thành với nhau trọn tình vẹn nghĩa thủy chung được, nhất là những khi thiếu rượu nồng tình yêu.

Thiên Chúa nhập thể đã làm đám cưới với nhân loại, vì yêu thương nhân loại, để nhân loại bắt tay nhau. Động cơ của hợp nhất, đầu mối của hạnh phúc lứa đôi là tình thương yêu. Tình thương yêu là cái gì tự nhiên nhất của con người. Giận ghét, oán thù, chia rẽ, phân ly là tình trạng bất bình thường. Đã là bất bình thường thì mọi người phải tìm cách giàn xếp để cùng nhau trở lại tình trạng bình thường là yêu thương nhau, hiêp nhất với nhau. Nếu chúng ta không mời Chúa Giêsu đến trong đời sống hôn nhân và gia đình, gia đình sẽ có nguy cơ cạn dần thứ rượu nồng của tình yêu. Chúa Giêsu phải có mặt trong gia đình và mọi người trong gia đình phải biết sống với Ngài, yêu mến Ngài, kính trọng Ngài như một Thượng Khách, thì tình yêu thương giữa mọi người sẽ như thứ rượu mới luôn luôn đầy tràn và đời sống gia đình sẽ là nguồn vui và hạnh phúc.

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình chúng con. Xin chúc lành cho cánh cửa nhà chúng con. Ước chi những cánh cửa nầy luôn biết mở ra cho kẻ tha phương và người hiu quạnh. Xin chúc lành cho phòng ốc gia đình chúng con, để chúng tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Và trên hết, xin Chúa hãy chúc lành cho mỗi người trong gia đình chúng con, để tâm trí chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đôi tay luôn biết rộng mở cho những kẻ nghèo khó, và trái tim luôn luôn biết hướng về Chúa. Amen.

Suy nim 4:

Ðức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ 
cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. 
Ðám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. 
Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. 
Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. 
Ngài đã biến nước thành rượu. 
Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa. 
Những dấu lạ vén mở con người Ðức Giêsu. 
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Ðức Giêsu là Bánh thật. 
Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Ðức Giêsu là Ánh Sáng. 
Hoàn sinh Ladarô cho thấy Ðức Giêsu là sự Sống Lại. 
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài. 
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, 
Ðức Giêsu biến nó thành rượu ngon, 
một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi. 
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. 
Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới 
thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ. 
Ðức Giêsu cho thấy mình chính là Ðấng Mêsia. 
Ngài đến để thiết lập một trật tự mới 
dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.

Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. 
Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. 
Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh. 
Ðức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana. 
Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. 
Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ. 
Ðừng để Ðức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. 
Ðừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có. 
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, 
bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.

Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Ðức Giêsu là ai, 
nhưng Ðức Maria cũng có một vai trò đáng kể. 
Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Ðức Giêsu. 
Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể. 
“Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy. 
Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. 
Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. 
“Người bảo gì, các anh hãy làm.” 
Quả thật Ðức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, 
nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. 
Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, 
đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi! 
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ… 
Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ 
trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối. 
“Người bảo gì, các con hãy làm”: 
Ðó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

unnamed

Saturday (January 7):  “Jesus manifested his glory at Cana”

 

Scripture: John 2:1-12

1 On the third day there was a marriage at Cana in Galilee, and the mother of Jesus was there; 2 Jesus also was invited to the marriage, with his disciples. 3 When the wine failed, the mother of Jesus said to him, “They have no wine.” 4 And Jesus said to her, “O woman, what have you to do with me? My hour has not yet come.” 5 His mother said to the servants, “Do whatever he tells you.” 6 Now six stone jars were standing there, for the Jewish rites of purification, each holding twenty or thirty gallons. 7 Jesus said to them, “Fill the jars with water.” And they filled them up to the brim. 8 He said to them, “Now draw some out, and take it to the steward of the feast.” So they took it. 9 When the steward of the feast tasted the water now become wine, and did not know where it came from (though the servants who had drawn the water knew), the steward of the feast called the bridegroom 10 and said to him, “Every man serves the good wine first; and when men have drunk freely, then the poor wine; but you have kept the good wine until now.” 11 This, the first of his signs, Jesus did at Cana in Galilee, and manifested his glory; and his disciples believed in him. 12 After this he went down to Capernaum, with his mother and his brothers and his disciples; and there they stayed for a few days.

 

Thứ Bảy     7-1                               Đức Giêsu tỏ vinh quang của Người ở Cana

 

Ga 2,1-12

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”5Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

Meditation: John, the beloved disciple of Jesus, tells us that Jesus did many signs in the presence of his disciples. John recorded seven of these signs to strengthen our belief that ‘Jesus is the Christ, the Son of God, and that believing you may have life in his name’ (John 20:30-31). Jesus’ first sign took place at a wedding reception in the town of Cana, which was very close to Nazareth in Galilee where Jesus grew up. What does this sign tell us about about Jesus? And what is its significance for us?  

 

From skepticism to belief

John locates his account of Jesus’ first sign by telling us that it occurred on the third day (John 2:1-2). What is the significance of the third day? This is three days after skeptical Nathaniel’s first encounter with Jesus. Philip had encouraged Nathaniel to “come and see” for himself who this Jesus was. When Nathaniel met Jesus, Jesus did something out of the ordinary. He revealed something personal about Nathaniel that only Nathaniel would have known. And then Jesus made a claim: ‘You shall see greater things than these.’ And he said to Nathaniel, “Truly, truly, I say to you, you will see heaven opened, and the angels of God ascending and descending upon the Son of man”  (John 1:50-51). Jesus in so many words told Nathaniel, ‘“You don’t just have to believe my words, what I am saying here. I am going to perform signs that will back up the truth of what I’m saying and prove that I am who I claim to be.’ If someone makes that kind of claim to you, you are going to closely watch whatever he does to see if he can make good on the claim. You want to find out if he is genuine or just an imposter or maybe deluded and crazy. 

Turning failure into blessing

Three days later Jesus takes his disciples to a wedding reception and there he does something quite out of the ordinary, right in the middle of the celebration – and during a very embarrassing moment for the bride and groom. When Jesus’ mother presses Jesus to do something about the situation, Jesus seems to put her off. But she knows her son very well and understands that Jesus will handle the situation that way he thinks best.

Why did the wedding party run out of wine in the middle of the feast? Perhaps Jesus contributed to this embarrassing failure by bringing a group of his disciples to the feast at the last minute. But Jesus had a purpose in turning a wedding feast fiasco into a blessing beyond reckoning. He wanted to bless a newly-wed couple and all those at the wedding banquet as well. Everyone received in abundance the best of wine. John describes Jesus’ first public miracle as a sign. It is more than simply a demonstration of his power to change nature. It is a sign of what he has come to do – to transform the lives of all who will believe in him.

Bridegroom of the new Israel

Why did Jesus pick an ordinary wedding feast in a little out-of-the-way town to perform his first sign and to launch his public ministry? A wedding feast in nearly every culture is a very big event, often the biggest celebration that people experience, because it brings families, neighbors, and sometimes the whole town together. For many people it is the happiest and most memorable occasion in their life. 
For the people of Israel, the wedding feast had a special spiritual significance as well. It came to symbolize God’s special relationship and covenant with the people of Israel. The Old Testament describes God as the Bridegroom of Israel and presents his covenant relationship with the people of God as a spiritual marriage (Isaiah 54:5; Jeremiah 3:14; Hosea 2:16, 19-20). One of the most powerful images of heaven is the wedding banquet (Revelations 19:7-9). The Bible ends with the invitation to this marriage feast. “The Spirit and the Bride say, ‘Come'” (Revelations 21:17).

So when Jesus chooses a wedding feast for his first sign, he is giving us a hint about something that will become more explicit when John the Baptist describes Jesus as the betrothed bridegroom of his people (John 3:29). In the other Gospels Jesus also alludes to his role as the bridegroom of the new people of Israel (see Mark 2:18-20; Matthew 9:14-15; Matthew 22:1-14; Matthew 25:6) when he invites both Jews and Gentiles to share in his heavenly banquet at the end of the age (Luke 13:29). 

Changing water into wine

What is so special about Jesus changing water into wine? Any good winemaker knows how to take a watery substance such as grape juice and turn it into wine. First you wait for the grapes to grow and mature. Then you pick the choicest grapes for the best wine you want to make. You crush the grapes into a mush. Then you add some water, yeast, and sugar. You allow this mixture to ferment over a period of several weeks. During that time you skim off the solid material until you are left with pure liquid – wine. Wine must be slightly aged to be drinkable – white wine must sit for half a year, and red wine for a full year. Some of the most famous wines are aged for many years. 

Jesus didn’t turn the water into a fruity grape juice, or into ordinary table wine. He instantly produced the finest and most expensive of wines – a fine vintage wine that would normally take years to age. He didn’t produce just enough wine to satisfy the embarrassed bride and groom and guests. He produced 120 gallons! Abundance indeed. The instantaneous turning of water into wine shows Jesus’ supernatural power to transform natural things – what is physical and material – into something of a higher order. He has the same power which God possesses – to create, transform, and change creation itself.

The gift of abundant life

If Jesus can change water into wine for an embarrassed wedding couple, how much more can he change us through the transforming power of his Holy Spirit. John tells us that ‘all who received him [Jesus], who believed in his name, he gave power to become children of God; who were born, not of blood nor of the will of the flesh nor of the will of man, but of God’ (John 1:12,13). Jesus gives us abundant life. This sign at Cana points to his power not simply to improve the quality of our lives but to change and transform us to be like him – people of joy, peace, and love who do not fear death, but who know and experience even now the taste of eternal life – the life of God’s kingdom. He gives us everything we need to live as his disciples – as sons and daughters of God.Jesus blessed a nameless couple in Cana, not only with his presence, but with his power. He will bless us as well, not only with his presence, but with his healing love and life-changing power. 

Let go of pride and fear

What might hold us back from allowing Jesus to change and transform us? Perhaps you feel that your faith is weak, or that you are unworthy to receive God’s favor and gifts. Perhaps you struggle with anxiety or despair because your life feels hopelessly out of control. Jesus knows our struggles and weaknesses better than we do. And that doesn’t stop him from offering us freedom and transformation through the gift and working of his Holy Spirit. 

Paul the Apostle reminds us that God chooses to work in and through fragile and cracked vessels, such as us, to reveal the power of his glory and love. ‘We have this treasure in earthen vessels, to show that the transcendent power belongs to God and not to us’ (2 Corinthians 4:7).

If there is anything holding you back from trusting in Jesus, let it go – give it to Jesus. Let go of fear – fear of losing your life. Let go of pride – wanting to always be in control and get things to go your way. And let go of unbelief – the stubborn refusal to accept Jesus on his own terms and to deny that he has the words of eternal life. Be like Nathaniel and choose to follow the master – to the wedding banquet and beyond, to even greater things. 

“Heavenly Father, you have revealed your glory in our Lord Jesus Christ. Fill me with your Holy Spirit that I may bring you glory in all that I do and say.”

 

Suy niệm: Gioan, người môn đệ yêu dấu của Đức Giêsu, nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trước sự hiện diện của các môn đệ. Gioan ghi nhận 7 dấu lạ này để củng cố niềm tin của chúng ta rằng “Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ việc tin này mà bạn có được sự sống nhờ danh của Người” (Ga 20,30-31). Dấu lạ thứ nhất của Đức Giêsu xảy ra ở tiệc cưới Cana, rất gần với Nagiarét ở Galilê, nơi Đức Giêsu lớn lên. Dấu lạ này nói với chúng ta điều gì về Đức Giêsu? Và ý nghĩa của nó dành cho chúng ta là gì?

 

Từ nghi ngờ đến tin tưởng

Gioan sắp xếp câu chuyện của mình về dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu bằng việc nói với chúng ta rằng nó xảy ra vào ngày thứ ba (Ga 2,1-2). Ý nghĩa của ngày thứ ba là gì? Đây là ba ngày sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của Nathaniel với Đức Giêsu. Philip đã khích lệ Nathaniel tự mình “đến mà xem” Đức Giêsu là ai. Khi Nathaniel gặp Đức Giêsu, Đức Giêsu đã làm một điều hết sức lạ lùng. Người mặc khải điều gì đó bí ẩn về Nathaniel mà chỉ có Nathaniel mới biết được. Và rồi Đức Giêsu đã tuyên bố: “Anh sẽ thấy những điều còn lớn lao hơn thế này nữa”. Và Người nói với Nathaniel “Thật, Ta bảo thật cho anh biết, anh sẽ thấy trời mở ra, và thiên thần của Chúa sẽ bay xuống trên Con Người” (Ga 1,50-51). Đức Giêsu như muốn nói với Nathaniel rằng “Anh không cần phải tin vào lời Ta đang nói bây giờ. Ta sẽ làm những dấu lạ để củng cố sự thật về những gì Ta đang nói và chứng tỏ rằng Ta là Đấng mà Ta tuyên bố”. Nếu ai đó nói với bạn lời tuyên bố như thế, bạn sẽ xem xét cẩn thận những gì họ làm để xem họ có nói đúng như lời họ nói không. Bạn muốn tìm ra xem họ là người thành thật hay chỉ là kẻ lừa đảo hay có lẽ là người gian dối và điên khùng.

Biến thất bại thành phúc lành

Ba ngày sau, Đức Giêsu đưa các môn đệ tới một tiệc cưới và ở đó Người đã làm một điều lạ thường, ngay trong giữa buổi tiệc – và trong lúc chàng rể và cô dâu đang lúng túng xấu hổ. Khi Mẹ của Đức Giêsu nói với Đức Giêsu làm điều gì đó về tình huống này, Đức Giêsu xem ra phớt lờ Mẹ mình. Nhưng Bà biết Con mình rất rõ và hiểu rằng Đức Giêsu sẽ xử lý tình huống này theo cách mà Người nghĩ là tốt nhất.  

Tại sao tiệc cưới lại hết rượu trong lúc giữa buổi tiệc? Có lẽ Đức Giêsu đã góp phần vào sự thất bại đáng xấu hổ này vì đã đem theo một nhóm các môn đệ tới bữa tiệc vào giờ phút cuối. Nhưng Đức Giêsu đã có một mục đích trong việc biến sự thất bại của tiệc cưới trở thành một sự chúc lành ngoài sức tưởng tượng. Người muốn chúc lành cho đôi tân hôn mới cưới và cho tất cả những ai ở buổi tiệc cưới nữa. Mọi người đều lãnh nhận dư dật rượu ngon. Gioan mô tả phép lạ đầu tiên công khai của Đức Giêsu như một dấu chỉ. Nó còn đơn giản hơn cả sự chứng minh về quyền năng thay đổi tự nhiên của Người. Đây là dấu chỉ về những gì Người phải đến để thực hiện – biến đổi cuộc sống của tất cả những ai tin tưởng vào Người.

Chàng rể của dân Israel mới

Tại sao Đức Giêsu lại chọn bữa tiệc cưới bình thường trong một ngôi làng nhỏ bé để thực hiện dấu lạ đầu tiên và khởi đầu sứ mạng công khai của Người? Tiệc cưới trong hầu hết các văn hóa đều là một sự kiện lớn, thường là bữa tiệc lớn nhất mà người ta biết, bởi vì nó đem các gia đình, hàng xóm, và thỉnh thoảng cả làng đến với nhau. Đối với nhiều người, đó là dịp kỷ niệm hạnh phúc và đáng nhớ nhất trong đời mình.

Đối với người dân Israel, tiệc cưới còn có một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt nữa. Nó thể hiện mối quan hệ đặc biệt và giao ước của Thiên Chúa với dân Israel. Cựu ước mô tả Thiên Chúa là Chàng Rể của Israel và bày tỏ mối quan hệ giao ước với dân Thiên Chúa như một bữa tiệc cưới thiêng liêng (Is 54,5; Gr 3,14; hy sinh 2,16.19-20). Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của Thiên đàng là bữa tiệc cưới (Kh 19,7-9). Kinh thánh kết thúc với lời mời gọi đến với bữa tiệc cưới này. “Thần Khí và Nàng Dâu nói ‘hãy đến’” (Kh 21,17).  

Vì vậy khi Đức Giêsu chọn bữa tiệc cưới cho dấu lạ đầu tiên của Người, Người cho chúng ta câu trả lời về điều sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Gioan tẩy giả mô tả Đức Giêsu là Chàng Rể sắp cưới của dân Người (Ga 3,29). Trong các Tin mừng khác, Đức Giêsu cũng ám chỉ vai trò của mình như chàng rể của dân Israel mới (Mc 2,18-20; Mt 9,14-15; Mt 22,1-14; Mt 25,6) khi Người mời gọi cả người Do thái lẫn dân ngoại đến chia sẻ trong bữa tiệc trên trời của Người và ngày tận thế (Lc 13,29).

 

Biến nước thành rượu

Điều gì quá đặc biệt về Đức Giêsu hóa nước thành rượu? Bất cứ người pha chế rượu rành nghề đều biết làm thế nào để chiết chất nước như nước trái cây để làm thành rượu. Trước hết bạn chờ cho nho lớn lên và chín. Rồi bạn lựa những trái nho ngon nhất để bạn làm ra rượu ngon. Bạn ép nho bồn. Rồi bạn bỏ thêm vào nước, men, và đường. Bạn cho nó trộn lẫn để lên men trong khoảng thời gian vài tuần. Trong thời gian đó, bạn vớt đi các chất bã cứng cho tới khi chỉ còn lại chất lỏng thuần túy là rượu. Rượu uống phải được để lâu – rượu trắng phải để tới nửa năm, và rượu đỏ phải để tới một năm. Một số rượu nổi tiếng nhất phải để tới nhiều năm.  

Đức Giêsu đã không biến nước lã thành nước trái cây, hoặc thành rượu xoàng. Người tức khắc tạo thành rượu hảo hạng và mắc tiền nhất – loại rượu được cất giữ lâu ngày, rất có thể được để hai năm theo sự thường. Người đã không chỉ tạo thành đủ rượu để làm vui lòng cô dâu chú rể đang xấu hổ và quan khách. Người làm ra 120 galon rượu! Một số lượng quá nhiều. Việc hóa nước lã thành rượu ngay tức khắc chứng tỏ quyền phép siêu nhiên của Đức Giêsu để biến đổi các sự vật tự nhiên – những gì thuộc thể lý và chất liệu – thành một thứ cao cấp hơn. Người có cùng quyền phép như Thiên Chúa – tạo dựng, biến đổi, và thay đổi bản chất của thụ tạo.

Hồng ân của sự sống sung mãn

Nếu Đức Giêsu có thể hóa phép cho nước lã biến thành rượu cho đôi tân hôn đang xấu hổ, thì Người còn thay đổi chúng ta nhiều hơn biết chừng nào qua quyền năng biến đổi Thánh Thần của Người. Gioan nói với chúng ta rằng ‘những ai đón nhận Người (Đức Giêsu), tin vào danh Người, Người sẽ ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa; những người được sinh ra, không phải do dòng máu huyết tộc hay ý muốn của phàm nhân, nhưng do bởi Thiên Chúa’ (Ga 1,12-13). Đức Giêsu ban cho chúng ta sự sống sung mãn. Dấu lạ ở Cana này cho thấy quyền năng của Người không chỉ đơn giản cải thiện phẩm chất đời sống chúng ta mà còn thay đổi chúng ta nên giống Người – con người của niềm vui, bình an, và yêu thương, không sợ chết, nhưng biết và cảm nghiệm ngay cả bây giờ sự sống vĩnh cửu – sự sống của nước Chúa. Người ban cho chúng ta mọi sự cần thiết để sống như người môn đệ – làm con cái của Thiên Chúa. Đức Giêsu chúc lành cho đôi vợ chồng không tên ở Cana, không chỉ với sự hiện diện mà còn với quyền năng của Người nữa. Người sẽ chúc lành cho chúng ta nữa, không chỉ với sự hiện diện mà còn với tình yêu chữa lành và sức mạnh biến đổi cuộc sống nữa.

Hãy loại bỏ kiêu căng và sợ hãi

Có điều gì ngăn cản không cho phép Đức Giêsu thay đổi và sửa sai chúng ta không? Có lẽ bạn cảm thấy rằng đức tin của bạn yếu kém, hay bạn bất xứng đón nhận ân huệ và phúc lành của Thiên Chúa. Có lẽ bạn bị giằng co với sự lo lắng hay tuyệt vọng bởi vì cuộc đời bạn cảm thấy chán nản vì mất kiểm soát. Đức Giêsu biết những khó khăn và yếu đuối của chúng ta hơn chúng ta nhiều. Và điều đó không ngăn cản Người ban cho chúng ta sự tự do và biến đổi ngang qua hồng ân và tác động của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa chọn cách hoạt động trong và qua những yếu đuối và mỏng dòn, như chúng ta, để bày tỏ quyền năng yêu thương và vinh quang của Người. “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7).

Nếu có điều gì ngăn cản bạn không tin cậy vào Đức Giêsu, hãy kệ nó – dâng nó cho Đức Giêsu. Đừng sợ hãi – sợ mất mạng sống của mình. Đừng kiêu ngạo – lúc nào cũng muốn trong tầm kiểm soát và mọi thứ đều theo ý của mình. Đừng vô tín – ngoan cố khước từ đón nhận Đức Giêsu qua các mối quan hệ của Người và từ chối rằng Người có lời hằng sống. Như Nathaniel và chọn đi theo Thầy – đến dự tiệc cưới và vượt xa hơn nữa, kể cả những điều lớn lao hơn. 

Lạy Cha trên trời, Cha đã mặc khải vinh quang của Cha trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Xin lấp đầy lòng con Thánh Thần của Cha để con có thể đem lại cho Cha vinh quang trong tất cả những gì con làm và con nói.

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận