Hành Hương Đức Mẹ Tàpao Tháng 9 Năm 2018

Đăng lúc: Thứ năm - 13/09/2018 21:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO THÁNG 9 NĂM 2018

 

hình ảnh

 

Trong mùa hè qua, số lượt khách về hành hương Đức Mẹ Tàpao khá đông. Bước sang tháng chín, tháng của mùa tựu trường, người đi hành hương đến đây có phần thưa thớt hơn. Tuy vậy, chương trình của ngày hành hương tối 12 và thánh lễ sáng 13 vẫn diễn ra với tâm tình rất trang nghiêm và sốt sắng.

 

TỐI NGÀY 12/9/2018

 

Như thường lệ, 18 giờ, cộng đoàn hành hương đã bắt đầu tập trung tại quảng trường. Đúng 19 giờ, chương trình Rước kiệu Đức Mẹ - Lần Chuỗi Mân Côi – Chầu Thánh Thể được bắt đầu. Tối 12 tháng này, cha Tổng đại diện Giáo phận – Giuse Hồ Sĩ Hữu - chủ sự giờ chầu thánh, hướng cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện xin ơn tha thứ và tạ ơn về hồng ân Cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại qua lời xin vâng của thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu. Cha hướng dẫn cộng đoàn suy ngắm gương mau mắn vâng lời Thiên Chúa, mau mắn thực thi ý Chúa của Thánh Giuse khi đón Mẹ Maria và con trẻ Giêsu về nhà. Noi gương thánh Giuse, mỗi người hãy mau đón Đức Maria vào nhà mình, và đó cũng chính là đón nhận hồng ân Cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta.

Dù thời tiết tối nay không thuận lợi lắm, vì khi đang rước kiệu Đức Mẹ thì một cơn mưa to ập tới, nhưng vừa tìm nơi tránh mưa bớt tạt cộng đoàn vẫn vừa lần hạt và cầu nguyện trước Thánh Thể cách trọn vẹn, tâm tình.

 

SÁNG NGÀY 13/9/2018

 

Sang sáng 13, thời tiết râm và mát, khách hành hương tập trung tại lễ đài Quảng trường A từ sớm. Đúng 6 giờ 30’, cha Trung - phụ tá Trung tâm Tàpao, hướng dẫn giờ suy niệm - cầu nguyện, dâng lên Mẹ Tàpao các ý khấn của tất cả khách đã viết gửi Mẹ từ giữa tháng 8 đến nay.

 

7 giờ, thánh lễ của ngày hành hương bắt đầu. Đại diện cộng đoàn phụng vụ, một số giáo dân hạt Hàm Thuận Nam cùng đội trống đã rước Đức Cha chủ sự - Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Giáo phận – và đoàn đồng tế gồm 50 linh mục từ phía nhà hầm dưới Quảng trường C, tiến về lễ đài.

 

Trong năm thánh mừng kỷ niệm lần thứ 30 ngày các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn vinh, đây là một trong những lễ lãnh ơn toàn xá được ấn định của Giáo phận Phan Thiết. Tại Trung tâm Tàpao, ngày 13 tháng này, Giáo hạt Hàm Thuận Nam phụ trách hát lễ và các phần của chương trình ngày hành hương. Cộng đoàn tham dự thánh lễ sáng nay cũng không đông lắm, ước chừng có khoảng gần năm ngàn người.

 

Đức Cha Tôma đã ngỏ lời với cộng đoàn trước khi bước vào thánh lễ kính Mẹ Sầu Bi. Ngài nhắc nhớ ý nghĩa lễ Đức Mẹ Sầu Bi và mời gọi cộng đoàn cảm tạ Chúa và Mẹ Maria về những ơn lành đã nhận.

 

Trong bài giảng, Đức Cha suy niệm bài tin Mừng Đức Mẹ dưới chân Thập Giá

 

Tường thuật của Thánh sử Gioan mà chúng ta vừa nghe công bố thật đầy cảm xúc. Đứng gần Thập Giá có thân mẫu Chúa Giêsu, khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu: Đây là con bà! Rồi người nói với môn đệ: Đây là mẹ con!. Kể từ giờ đó môn đệ rước về nhà mình.

Từ tình mẫu tử huyết nhục, Chúa Giêsu hướng tới tình mẫu tử thiêng liêng. Từ giao ước Thập Giá, Chúa Giêsu diễn tả sâu sắc mối liên hệ mới đó là vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với loài người. Thân mẫu của Chúa Giêsu được trao ban cho loài người và cho từng người chúng ta, như là người mẹ.

 

Mẹ Maria là thụ tạo tuyệt hảo của Thiên Chúa – Đấng đã chọn Mẹ trong muôn vàn thiếu nữ Israel, đã gìn giữ và bảo vệ Mẹ khỏi vướng mắc tội tổ tông truyền, đã ban cho Mẹ ơn phước tràn đầy để mẹ trở nên người mẹ sinh hạ Đấng Cứu Thế cho loài người. Từ vai trò Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ trở nên Mẹ của mọi tín hữu. Loài người hiện diện dưới chân Thánh Giá là Gioan, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến và là người môn đệ trung thành đến bên thập giá. Thánh Gioan lãnh nhận Đức Maria là mẹ với tư cách đại diện toàn thể nhân loại. Dưới chân Thánh Giá, Gioan đón nhận Mẹ vừa với tư cách Linh mục mà Chúa Giêsu đã trao ban tác vụ nơi phòng tiệc Thánh Thể vào chiều thứ Năm Thánh. Đức Maria là Mẹ các chi thể của Chúa Giêsu, vì Mẹ đã cộng tác trong Đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh như Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đã tuyên xưng. Mẹ Maria đứng kề bên Thánh Giá, Mẹ đau xót nhìn con đang kiệt sức từ từ vì gánh tội nặng nề cho nhân loại và những cực hình thảm khóc nơi thân xác của con, Mẹ luôn nhận lấy nơi tâm hồn của Mẹ.

 

Hôm nay, tại linh địa TàPao này, chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Maria là người Mẹ của mỗi người chúng ta, người Mẹ mà Chúa Giêsu đã trối ban cho chúng ta dưới chân Thánh Giá trước khi Chúa trút hơi thở cuối cùng để về cùng Chúa Cha. Chúng ta thường chiêm ngắm bảy nỗi đau buồn của Đức Mẹ như một kinh mà chúng ta đọc hằng ngày. Bảy nỗi đau đó, khi Mẹ nghe lời tiên tri Sêmeon nói về tương lai số phận đau khổ của con Mẹ. Khi Mẹ đưa con trốn sang Ai Cập, khi Mẹ lạc mất con nơi đền thờ, khi cùng con lên đỉnh cao Núi Sọ, khi đứng bên con chịu đóng đinh, khi dang đôi tay nhận xác con được tháo ra khỏi Thập Giá và khi an táng con trong ngôi mộ mới. Những nỗi đau này luôn đi theo suốt đời của mình, người Mẹ đã thưa tiếng xin vâng, những nỗi đau trong lòng ngực của Mẹ, những nỗi đau này còn được tiếp nối bởi biết bao nhiêu nỗi đau khổ khác của Mẹ trong suốt hành trình Đức Tin.

 

Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ, các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rạng ngời tình yêu và sự thánh thiện, sự thanh khiết, sự đạo đức thiêng liêng. Hôm nay, khi chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ Sầu Bi dưới chân Thánh Giá, chúng ta thấy đời Mẹ thấm đẫm những u buồn. Như bài Thánh Ca Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá ngắm nhìn con mắt lệ tuôn trào. Chúng ta chứng kiến khuôn mặt đau đớn của Đức Mẹ, chính khuôn mặt buồn khổ của Đức Mẹ làm cho chúng ta gần gũi Mẹ hơn khi biết rằng Mẹ chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người chúng ta. Mẹ cảm thông cái nặng nề của phận người, chúng ta thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi, điều đó đúng với chúng ta, nhưng không đúng với Đức Mẹ. Mẹ được Thiên Chúa đổ tràn ân sủng, Mẹ được Thiên Chúa yêu thương, Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tổ. Nhưng điều đó không làm tránh được mọi đau khổ, Thập Giá luôn phủ trên đời của Mẹ ngay từ những “xin vâng” đầu tiên, và từ đó Mẹ đã trả giá cho lời “xin vâng”. Dù vậy, Mẹ luôn bình an vì biết mình sống theo ý Chúa; vì biết con của Mẹ là Đấng Cứu Độ; vì nhận biết rằng yêu mến Chúa luôn là một nhiệm vụ, là một đòi hỏi, là một thu hút đối với Mẹ. Mẹ luôn trung thành với Chúa Giêsu cho đến dưới chân Thập Giá. Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi con của Mẹ khởi đầu sứ vụ và bây giờ Mẹ lại có mặt khi con hoàn tất sứ vụ Cứu Độ ấy trên đỉnh cao Núi Sọ bằng cái chết thảm khóc ô nhục trên Thập Giá. Mẹ Maria dù không theo Chúa trên mọi nẻo đường nhưng Mẹ là người môn đệ hơn mọi môn đệ khác. Mẹ không chạy trốn nhưng muốn chiếm trọn nỗi đau của con, để Mẹ mỗi ngày thuộc về con nhiều hơn và khi thuộc về con Mẹ cũng thuộc về Hội Thánh. Chính trong giờ hấp hối, Chúa Giêsu đã làm một điều không ai ngờ. Chúa Giêsu nối kết Mẹ với người môn đệ mà Chúa yêu thương: “Thưa bà, đây là con Bà, đây là Mẹ con”. Và dưới chân Thập Giá, Chúa Giêsu lập một gia đình mới là Hội Thánh, gia đình mới gồm những ai biết nghe và tuân giữ lời Chúa truyền dạy. Nơi môn đệ Gioan, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của mình, chúng ta hãy như Gioan đón Mẹ về nhà mình và nhận Mẹ làm Mẹ. Chính Mẹ Maria sẽ hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống Đức Tin và Đức Ái. Chính Đức Mẹ gìn giữ hướng dẫn giúp chúng ta luôn trung thành với niềm tin, luôn chung thủy với lòng yêu mến và chính Mẹ Maria giúp chúng ta biết luôn sống xin vâng phó thác nơi Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

 

Anh chị em thân mến! Khi tham dự lễ Đức Mẹ Sầu bi, chúng ta hãy nhớ mình là con cái của Mẹ Maria theo lời di chúc của Chúa Giêsu dưới chân Thánh Giá. Là con cái của Mẹ, chúng ta hãy bước theo chân Mẹ, chúng ta hãy sống như Mẹ sống, biết Xin Vâng mỗi ngày trong cuộc hành trình Đức Tin của mình, biết tìm Thánh ý Chúa, biết suy niệm Tin Mừng và sống Tin Mừng để đời sống của mỗi người chúng ta luôn tỏa sáng Tin Mừng của Chúa Kitô, Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng mang ơn sủng. Và chính khi chúng ta trung thành sống như Mẹ đã sống thì chúng ta mới thật sự trở nên con của Thiên Chúa con của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.

 

Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ cùng ngày. Đức cha còn làm phép nước và ảnh tượng cho khách hành hương. Mọi người nhận phép lành cuối lễ rồi chia tay nhau, chào Mẹ ra về, hẹn gặp vào ngày hành hương Tàpao Tháng 10 - Mừng lễ Mẹ Mân Côi - sắp tới.

 

BTT.GPPT

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận