Nhịp Sống Đạo Tháng 6

Đăng lúc: Thứ ba - 03/06/2014 18:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
                                                                                                                    HỌC HỎI TÔNG HUẤN GIA ĐÌNH 3
                                                                                                                                   (câu 36-49)

           
Tháng 6 là tháng các em học sinh, sinh viên nghỉ hè. Trẻ em và bạn trẻ có cơ hội ở nhà nhiều hơn ở trường, có nhiều thời giờ bên cha mẹ nơi mái ấm gia đình để được hưởng nền giáo dục gia đình tích cực hơn. Và các em còn có dịp (về quê thăm) sống với ông bà nội ngoại… để “các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ, nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người”(Kinh Phúc Âm hóa gia đình). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vừa được phong thánh vào Chúa Nhật 27.04.2014. Thật ý nghĩa khi chúng ta tiếp tục học hỏi Tông huấn Gia Đình từ số 26-39, chính là lắng lời dạy quí báu của vị thánh mới trong thời đại hôm nay, vị thánh của gia đình. 15 câu hỏi tiếp theo đây, giúp ta đón nhận lời ngài giáo huấn các gia đình để: bảo vệ sự sống, quan tâm chăm sóc trẻ thơ và người già, những thành viên quan trọng dễ bị “bỏ rơi” cách nào đó do nhịp sống sản xuất lao động… ngày nay.

36.H. Trẻ em quí giá thế nào trong gia đình?
T. Trẻ em đem lại niềm vui cho gia đình, các em là mùa xuân của cuộc đời, là lời báo trước về trang sử sắp đến của mỗi miền quê hương trần thế. Các em là thế hệ mới sẽ tiếp nối cha ông mình, lãnh nhận gia sản đa dạng về những giá trị, bổn phận, khát vọng của đất nước và của toàn thể gia đình nhân loại.(26)
37.H. Trẻ em đóng góp gì cho gia đình?
T. Được đón tiếp trong yêu thương, quí chuộng và chăm sóc về vật chất, tình cảm, giáo dục, siêu nhiên, trẻ em có thể lớn lên về “khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta”, sẽ mang lại sự đóng góp quí báu cho gia đình, ngay cả trong việc thánh hoá cha mẹ. (26)
38.H. Phải có thái độ thế nào đối với người già trong gia đình?
T. Phải biểu lộ sự kính trọng đặc biệt và không được coi họ như một gánh nặng vô ích. Đưa người cao niên vào những hình thức sống ngoài lề là không thể chấp nhận được, và làm cho gia đình nghèo nàn về mặt tinh thần. Những người cao niên có đặc sủng để lấp đầy những hố ngăn cách giữa các thế hệ. “Triều thiên của ông bà chính là con cháu của họ.”(27)
39.H. Tại sao phải trân trọng và bảo vệ sự sống trong gia đình?
T. Sự sống con người dù yếu ớt và đầy đau khổ vẫn luôn luôn là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành. Hội Thánh đứng về phe sự sống, bênh vực cho con người và thế giới chống lại những kẻ đe doạ sự sống và làm hại sự sống.(30)
40.H. Hội Thánh có vai trò nào trong hôn nhân?
T. Cả trong lãnh vực luân lý hôn nhân, Hội Thánh vẫn là Mẹ bằng sự gần gũi với những cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong đời sống luân lý hôn nhân; và là Thầy Dạy, qua việc hướng dẫn sự truyền sinh có trách nhiệm, để làm cho người ta hiểu biết, quí chuộng và thực hành những phương pháp tự nhiên giúp điều hoà sinh sản.(33-35)
41.H. Cha mẹ có vai trò nào trong việc giáo dục con cái ?
T. Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được.(36)
42.H. Vì sao bổn phận giáo dục của cha mẹ quan trọng hơn hết?
T. Bổn phận giáo dục nằm trong yếu tính (căn tính, bản tính) của cha mẹ. Nó độc đáo và nền tảng hơn so với bổn phận giáo dục của người khác, không thể thay thế, không thể chuyển nhượng được, nên không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt.(36)
43.H. Đâu là “linh hồn” và thái độ giáo dục phải có?
T. Tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và  là nguyên tắc gợi hứng hướng dẫn các hành động giáo dục như dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, chăm sóc vô vị lợi, hy sinh...(36)
44.H. Trước lối sống hưởng thụ, cha mẹ cần giáo dục con em thế nào?
T. Cha mẹ cần can đảm và tin tưởng giáo dục trẻ em lớn lên trong sự tự do chân chính trước của cải vật chất, biết chọn nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: “Giá trị con người là do cái mình làm, hơn là do cái mình có.”(37)
45.H.Làm sao giáo dục con em tránh lối sống cá nhân và ích kỷ?
T. Trong xã hội bị lung lay và phân hoá do chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại, các em cần giáo dục để ý thức về sự công bằng đích thực đưa đến sự kính trọng phẩm giá của từng người. Phải dạy cho các em ý thức về tình yêu chân thực, tình yêu dệt bằng mối quan tâm và chân thành phục vụ người khác cách vô vị lợi, nhất là những người nghèo khó, người cần giúp đỡ.(37)
46. H. Tông huấn có đề cập đến việc giáo dục giới tính cho các em không?
T. Trước một văn hoá đang biến phần lớn tính dục con người thành chuyện tầm thường, liên kết tính dục với thể xác và lạc thú ích kỷ… cha mẹ phải cương quyết nhắm đến một nền văn hoá tính dục phong phú của toàn thể con người: thể xác-tình cảm-linh hồn, bằng việc hiến thân trong tình yêu hôn nhân chân chính, và không thể nào bỏ qua việc giáo dục đức khiết tịnh.(37)
47. H. Giáo Hội có thái độ nào với thông tin tính dục nguy hại?
T. Hội Thánh cực lực chống lại một số hình thức thông tin về tính dục không để ý đến các qui tắc luân lý, đang rất phổ biến ngày nay, những thông tin như lời dẫn nhập đẩy người trẻ vào kinh nghiệm lạc thú ngay ở tuổi còn non dại, đến chỗ đánh mất sự tươi sáng, và mở đường cho tật xấu.(20)
48.H. Tại sao Tông huấn coi gia đình-“Hội Thánh tại gia” như Hội Thánh toàn cầu?
T. Chính là vai trò giáo dục cao quí, phong phú và bất khả nhượng của gia đình. Gia đình những người đã được rửa tội, được Lời Chúa và Bí tích qui tụ như là Hội Thánh tại gia, cũng đồng thời trở thành mẹ và thầy dạy, như Hội Thánh toàn cầu.(38)
49.H. Tông huấn dạy gì về bổn phận giáo dục đức tin cho con cái?
T. Cha mẹ là người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Khi cầu nguyện cùng với con cái, khi cùng các con đọc Lời Chúa, giúp chúng thân mật với Đức Kitô nhờ Thánh Thể và Hội Thánh qua việc khai tâm Kitô giáo, họ trở nên cha mẹ theo nghĩa trọn vẹn, vì không chỉ sinh ra con cái theo sự sống phần xác, mà còn theo sự sống tuôn trào từ thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, khi chúng được tái sinh trong Thần Khí.(39)
            Giáo huấn tràn đầy sự quan tâm chăm sóc gia đình của bậc hiền phụ nơi vị thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, được nối tiếp nơi ĐTC Phanxicô, khi người ân cần mời gọi các gia đình trên thế giới bảo vệ sự sống, nâng đỡ trẻ em và người già trong bài nói chuyện với phong trào Bảo vệ Sự Sống, ngày 11.04.2014: “…Ta cần phải xác định sự chống đối mạnh mẽ đối với mọi mưu toan trực tiếp chống lại sự sống, nhất là sự sống vô tội và yếu ớt, và trẻ chưa sinh còn trong bụng mẹ là người vô tội hơn cả. Chúng ta nhớ lại lời của Công Đồng Vatican II: “Do đó, từ giây phút được tượng thai, sự sống phải được bảo vệ với một sự săn sóc lớn nhất vì phá thai và sát nhi là những tội ác không thể nào tả xiết” (Hiến Chuế Vui Mừng và Hy Vọng, 51). Tôi còn nhớ, lâu lắm rồi, tôi có một cuộc hội bàn với các bác sĩ. Sau cuộc hội bàn ấy, tôi đã đến chào thăm họ, việc này xẩy ra lâu lắm rồi. Tôi ngỏ lời chào họ, chuyện trò với họ, và một bác sĩ mời tôi ra một chỗ. Ông có một gói đồ và ông nói với tôi: “Thưa cha, con muốn để lại chiếc gói này cho cha. Đây là những dụng cụ con từng dùng để phá thai. Con đã tìm thấy Chúa, con đã ăn năn, và hiện nay con tranh đấu cho sự sống”. Ông trao cho tôi tất cả những dụng cụ ấy. Anh chị em hãy cầu nguyện cho người đàn ông tốt lành này!
Chứng tá phúc âm này luôn cần được nêu ra cho bất cứ ai là Kitô hữu: để bảo vệ sự sống một cách can đảm và đầy yêu thương trong mọi giai đoạn của nó. Tôi khuyến khích anh chị em luôn luôn làm như thế với một phong thái gần gũi, cận kề: để mọi phụ nữ cảm thấy mình được coi như một con người, được lắng nghe, được tiếp nhận và được hỗ trợ. 
Chúng ta đã nói về trẻ em: các em đông biết bao! Nhưng tôi cũng muốn nói về các ông bà, một thành phần khác của sự sống! vì ta cũng phải săn sóc các ông bà nữa, bởi các trẻ em và các ông bà đều là niềm hy vọng của một dân tộc. Các trẻ em, các người trẻ (là hy vọng) vì các em đem họ tiến lên, các em sẽ đem các dân tộc tiến lên phía trước; còn các ông bà (là hy vọng) vì các ngài có sự khôn ngoan của lịch sử, các ngài là ký ức của một dân tộc. Để bảo vệ sự sống giữa thời buổi trẻ em và các bậc ông bà rơi vào nền văn hóa vứt bỏ này và bị coi như đồ vật để phế thải. Không! Trẻ em và các ông bà là hy vọng của một dân tộc!”
 
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận