Học Hỏi Tông Huấn Gia Đình-4

Đăng lúc: Thứ bảy - 02/08/2014 01:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HỌC HỎI TÔNG HUẤN GIA ĐÌNH-4
câu 50-64

Nhịp sống đạo tháng 8 mời gọi chúng ta cùng nhau tiếp tục học hỏi “Tông huấn gia đình” của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II. Lược trích lời vị giáo hoàng của gia đình, từ số 49-66 trong tông huấn làm thành 15 câu hỏi thưa tiếp theo, giúp ta hiểu rõ mối tương quan đặc biệt giữa gia đình-Hội Thánh tại giaGiáo Hội-gia đình của Thiên Chúa.

Gia đình công giáo được xây dựng và nuôi dưỡng bởi đời sống của Hội Thánh, nhất là nhờ kinh nguyện và các Bí tích, thì đối lại, từng gia đình cũng góp phần xây dựng và phát triển Hội Thánh theo ơn gọi của mình qua sứ vụ Phúc âm hóa đời sống gia đình…

50.H. Gia đình Kitô hữu diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh?
T. Đúng vậy, vì Tông huấn nâng gia đình Kitô hữu là “Hội Thánh thu nhỏ”, đến nỗi theo cách của mình, gia đình là hình ảnh sống động và là biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Hội Thánh. (49)
51.H. Gia đình được mời gọi phục vụ Hội Thánh thế nào?
T. Gia đình Kitô hữu đã được Đức Kitô canh tân nhờ đức tin và các Bí tích, nên được tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh: vợ chồng phải phục vụ Hội Thánh trong tư cách là đôi bạn, cũng như cha mẹ và con cái phải phục vụ Hội Thánh trong tư cách là gia đình chung “một tấm lòng và một linh hồn” trong đức tin và tinh thần tông đồ. (50)
52.H. Theo Tông huấn, ta có thể định nghĩa gia đình Kitô hữu thế nào nữa?
T. Qui chiếu vào Đức Kitô trong tư cách là tiên tri, là tư tế và là vua, gia đình Kitô hữu còn được định nghĩa là : [1]Cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng; [2]Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa; [3]Cộng đồng phục vụ con người. (50)
53.H. Gia đình thi hành thừa tác vụ Phúc Âm hóa làm sao?
T. Cũng như Hội Thánh, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt, và lan tỏa ra. Mọi phần tử gia đình đều vừa được Phúc Âm hóa, vừa là tác nhân thi hành việc Phúc Âm hóa: Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn lãnh nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế, sẽ có sức Tin Mừng hóa nhiều gia đình khác và cả môi trường xung quanh. (52)
54.H. Tông huấn cảm thông và hướng dẫn gia đình vượt qua khó khăn trong việc Phúc Âm hóa thế nào?
T. Thừa tác vụ Phúc Âm hóa và dạy giáo lý của cha mẹ phải theo sát con cái suốt đời, cả trong tuổi thiếu niên và thanh niên, là tuổi mà thường con cái hay đứng lên phản kháng hoặc thẳng thừng từ chối đức tin Kitô giáo mà chúng đã nhận trong những năm đầu tiên của cuộc đời… Công việc Phúc Âm hóa không bao giờ được thực hiện mà không gây đau khổ cho vị tông đồ, nên cha mẹ phải rất can đảm và hết sức đương đầu với những khó khăn của việc Phúc Âm hóa chính con cái của họ. (53)
55.H. Gia đình cần Bí tích Thánh Thể thế nào?
T. Nơi ân huệ Thánh Thể, là Bí tích của đức ái, gia đình Kitô hữu gặp được nền tảng và linh hồn cho sự hiệp thông và cho sứ mạng của mình. Bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau trong gia đình, trở nên một thân thể duy nhất, thành một hình ảnh diễn tả và tham dự vào Mình Máu Chúa Kitô, nguồn mạch bất tận năng lực tông đồ cho gia đình. (55)
56.H. Gia đình cần Bí tích hoán cải và giao hòa ra sao?
T. Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình đưa đến khoảnh khắc đặc biệt nơi Bí tích thống hối Kitô giáo. Nếu tội lỗi còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng với một sự bền đỗ khiêm tốn, họ chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn luôn luôn tuôn đổ dồi dào trong Bí tích thống hối. (58)
57.H. Tông huấn dạy gì về kinh nguyện gia đình?
T. Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các Bí tích Rửa tội và Hôn phối đem lại. (59)
58.H. ĐTC khuyên biến nhịp sống gia đình thành lời kinh thế nào?
T. Chính cuộc sống gia đình, qua những cảnh huống khác nhau: vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến xa nhà trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu… đều là những dấu hiệu sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình. Đó là những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha chung trên trời. (59)
59.H. Muốn dạy con cái cầu nguyện, cha mẹ phải làm gì?
T. Chứng tá sống động của cha mẹ là yếu tố căn bản không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được. (60)
60.H. Tông huấn giúp cha mẹ tự kiểm thế nào trong việc xây dựng gia đình là cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa ?
T. Hãy trả lời ĐTC Phaolô VI đã hỏi: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các Bí tích: Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ đồng trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở nhà không? Còn anh em, hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống ngay thẳng của anh em trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ ít nhiều bằng kinh nguyện chung, quả là một bài học sống động, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương.” (60)
61.H. Hội Thánh can thiệp thế nào vào gia đình ?
T. Hội Thánh phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức để ngành mục vụ gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thật ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lai, việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội Thánh tại gia. (65)
62.H. Hội Thánh quan tâm chăm sóc những gia đình nào ?
T. Hội Thánh không chỉ giới hạn vào các gia đình Kitô hữu gần nhất, nhưng mở rộng chân trời theo trái tim Chúa Giêsu, tích cực chăm sóc các gia đình nói chung, và cách riêng các gia đình đang sống trong tình trạng khó khăn và ngoại lệ. Hội Thánh sẽ là lời nói của sự thật, của lòng nhân hậu, cảm thông, hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ. (65)
63.H. Tông huấn dạy gì về mục vụ chuẩn bị hôn nhân ?
T. Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Nó gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích. (66)
64.H. Chuẩn bị xa thế nào ?
T. Bắt đầu từ thời thơ ấu, khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình dần dần ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực, biết tự chủ, tiết xử dụng đúng đắn các xu hướng của riêng mình, biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái… Đặc biệt đối với các Kitô hữu, phải có một sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu được rằng, hôn nhân là ơn gọi và sứ mạng đích thực, nhưng vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ. (66)

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận