Học hỏi Tông huấn gia đình (6)

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/11/2014 21:02 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
HỌC HỎI TÔNG HUẤN GIA ĐÌNH-6
câu 76-86 (hết)

Gần kết thúc năm “Phúc âm hóa đời sống gia đình” để bước vào năm phụng vụ mới, và nhịp sống mới trong năm Phúc âm hóa giáo xứ,  Nhịp sống đạo tháng 11 giới thiệu phần cuối trong loạt bài “Học hỏi tông huấn gia đình.”
Chúng ta sẽ đọc thấy đường lối mục vụ đầy lòng thương xót ngay thời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua những chỉ dạy cách đây 33 năm đầy tình phụ tử của ngài diễn tả mẹ hiền Giáo Hội, chăm sóc cả những hoàn cảnh hôn nhân đặc thù, bất thường. Lòng thương xót ấy bọc lộ mạnh mẻ nơi cung cách mục vụ của ĐTC Phanxicô, người đã phong thánh cho vị tiền nhiệm là tác giả Tông huấn này, và đang nỗ lực chăm sóc gia đình qua Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về Gia Đình (THĐGMTG/GĐ) từ ngày 05 đến 19 tháng 10 năm 2014.
76.H. Đối với những người sống chung không hôn nhân thì sao ?
T. Các chủ chăn và cộng đồng Hội Thánh phải chuyên tâm tìm cách hiểu rõ những tình cảnh ấy và các nguyên cớ của chúng, từng trường hợp một; các vị phải để tâm, với sự kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang sống như thế, kiên nhẫn khai sáng cho họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Kitô hữu, tức là làm tất cả những gì có thể để đưa họ đến hợp thức hôn phối. (81)
77.H. Còn những người công giáo kết hôn mà chỉ có hôn phối dân sự ta làm thế nào?
T. (Cùng với trường hợp trên (câu 76) họ là những người sống vợ chồng với nhau mà không có phép đạo, tức chưa được chứng hôn phối, ta thường gọi là “rối” nhưng có thể “gỡ được”.) Mục vụ cũng phải cố gắng làm tất cả những gì có thể để hợp thức tình cảnh của họ theo nguyên tắc Kitô giáo (hợp thức hóa hôn phối, chứng hôn theo luật đạo cho họ, “gỡ rối”). Mặc dù đầy tình bác ái lớn lao đối với họ và muốn đưa họ về với cuộc sống cộng đoàn, nhưng dầu vậy, bao lâu họ chưa hợp thức hôn phối, thì các chủ chăn vẫn không thể chấp nhận cho họ xưng tội rước lễ. (82)
78.H. Tông huấn nói gì đến trường hợp li thân ?
T. Có những nguyên nhân khác nhau, như thiếu sự thông cảm giữa vợ chồng… có thể làm cho cuộc hôn nhân đi tới chỗ đổ vỡ đau thương, mà không hàn gắn nổi. Hiển nhiên là việc li thân chỉ có thể được dùng như phương thuốc cuối cùng sau khi đã dùng đủ mọi cố gắng để tránh mà không hữu ích gì. (83)
79.H. Còn với người li dị không tái hôn thì sao ?
T. Nhất là đối với những người vô tội, Hội Thánh phải nâng đỡ người ấy hơn bao giờ hết, phải đem lại cho người ấy một sự quí mến, liên đới cảm thông và giúp đỡ để người ấy có thể trung thành ngay cả trong tình cảnh khó khăn của mình; phải giúp người ấy vun trồng sự tha thứ và tình yêu thương Kitô giáo đòi hỏi biết luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng trước kia. (83)
80.H. Người vô tội hay bị bó buộc phải li dị nhưng chưa tái hôn có được rước lễ không ?
T. Ý thức tính bất khả phân li của hôn phối thành sự, người ấy không để mình bị lôi cuốn vào sự kết hợp mới, nhưng chỉ ra sức chu toàn các bổn phận gia đình và trách nhiệm Kitô hữu của mình… Hội Thánh phải đem lại cho họ một sự giúp đỡ đầy khích lệ và ưu ái, và cho họ tham dự các bí tích, không một cản trở nào. (83)
81.Những người li dị tái hôn thì sao ?
T. (Tức là những người đã kết hôn theo phép đạo một lần, nay phân li hôn phối ấy và sống vợ chồng với một người khác, bình dân ta gọi họ là “rối không thể gỡ”.) Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người li dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể… Nếu chấp nhận cho họ rước lễ sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý Hội Thánh về sự bất khả phân li của hôn nhân. (84)
82. H. Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy chăm sóc người li dị tái hôn thế nào ?
T. Cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người li dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể, mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh. Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự hy tế Thánh Lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, vun trồng tinh thần đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội Thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin và đức cậy. (84)
83.H. Tông huấn có quan tâm đến những người không lập gia đình không ?
T. Đối với những người không có gia đình tự nhiên, thì càng mở rộng hơn nữa cánh cửa của đại gia đình Hội Thánh. Đại gia đình này mang một khuôn mặt cụ thể trong gia đình giáo phận và giáo xứ, trong các cộng đoàn căn bản và trong các phong trào tông đồ. Trong thế giời ngày nay không ai vô gia đình: Hội Thánh là nhà và gia đình của tất cả mọi người, cách riêng là của những ai “đang lao đao và gánh nặng”. (85)
84.H. Đức thánh cha kết luận thế nào ?
T. Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình. Thế nên trọng yếu và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình để bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình. (86)
85.H. Khẩu hiệu thánh giáo hoàng kêu gọi các gia đình trước tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng ngày nay là gì ?
T. “Các gia đình ngày nay phải trấn tỉnh lại! Phải theo Chúa Kitô!” (86)
86.H. ĐTC kêu gọi noi gương Thánh Gia Nazareth thế nào?
T. Chúng ta hãy nhìn Gia đình ấy, Gia đình có một không hai trên thế giới, Gia đình đã sống âm thầm, lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ Palestina, Gia đình đã bị thách thức vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đày, Gia đình tôn vinh Thiên Chúa một cách trổi vượt và tinh khiết vô song; Gia đình ấy sẽ không quên cứu giúp các gia đình Kitô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày, biết cách chịu đựng những lo âu xáo trộn trong cuộc sống, quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác để họ vui vẻ hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã định cho họ. (số cuối 86 của Tông huấn)
Tạm tóm kết Tông huấn Gia Đình của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II với 86 số, thành 86 câu hỏi thưa, tuy không tương ứng với từng số của tông huấn, nhưng cố gắng ghi lại trực tiếp lời giáo huấn khôn ngoan của bậc hiền phụ săn sóc gia đình. Năm gia đình sẽ kết thúc, nhưng đời sống gia đình vẫn tồn tại mãi với lịch sử nhân loại.
Hiệp với ĐTC Phanxicô và dùng chính lời ngài, chúng ta Cầu xin cho làn gió của Lễ Hiện Xuống thổi vào công việc của Thượng Hội Đồng, thổi trên Giáo Hội, và trên tất cả nhân loại để tháo những nút chặn cản trở con người gặp nhau, hàn gắn những vết thương chảy máu, và nhen nhóm lại hy vọng.”(Lời khai mạc đêm canh thức 04.10.2014) và làm thức tỉnh nơi mọi người, ý thức bản chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, cũng như vẻ đẹp của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Amen. (Kinh cầu cho THĐGMTG/GĐ).

Toàn bộ chuyên đề học hỏi Tông huấn

tải file pdf

Mũi Né, 16.10.2014
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận