Luyện ngục là gì?

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/11/2014 14:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Luyện ngục là gì?

Lm. Giu-se Phan Tấn Thành O.P.

Hỏi: Tháng 11 dương lịch thường được gọi là tháng các linh hồn, tức là dành để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Thế nhưng luyện ngục là gì thưa cha?

- Nếu tôi không lầm thì trong tiếng Việt, chúng ta dùng hai từ đồng nghĩa: luyện ngục hay lửa luyện tội. Xét dưới khía cạnh thần học thì có lẽ hai từ ấy đều không chỉnh, bởi vì “luyện ngục” xem ra nhấn mạnh đến nơi tù ngục giam cầm. Nhưng thử hỏi: làm sao có thể nhốt các linh hồn là loài thiêng liêng được? Chúng ta có thể lấy gông cùm, xích sắt trói buộc thân xác, hoặc xây cất xà lim với tường xi măng cốt thép để nhốt tội nhân, nhưng với loài thiêng liêng thì làm sao mà trói buộc được?
Từ “lửa luyện tội” cũng vậy. Thân xác chúng ta có cảm giác nên mới thấy nóng lạnh, chứ loài thiêng liêng thì đâu có cảm giác. Đó là chưa nói đến thắc mắc của nhiều người về sự khác biệt giữa luyện ngục và hỏa ngục. Nhiều người quan niệm cả hai đều khổ như nhau, chỉ khác ở chỗ là một bên thì tù chung thân, còn bên kia thì tù hữu hạn. Thêm vào đó, có lẽ một phần do các thần thoại của các tôn giáo khác, làm cho óc tưởng tượng còn bày vẽ ra bao thứ ngục hình, dầu sôi, rắn rết, hình cụ tra tấn. Dĩ nhiên là những hình khổ ấy chỉ có thể áp dụng cho những loài có thể xác, chứ không thể áp dụng cho các linh hồn được.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là ở dưới luyện ngục làm gì có chuyện cực hình đau khổ. Nói đúng hơn: đâu có luyện ngục giam giữ các linh hồn?

- Nhiều người đã nêu lên những vấn nạn như vậy với những lý do khác nhau. Nếu ai không tin có linh hồn, nghĩa là chết thì hết chuyện, thì dĩ nhiên vấn đề luyện ngục, thiên đàng hay hỏa ngục không được đặt ra. Còn ai cho rằng con người có chết đi nhưng linh hồn bất tử, thì họ sẽ nêu lên câu hỏi: linh hồn đi đâu? Một số tôn giáo cho rằng linh hồn sẽ bàng bạc trên không trung; một số tôn giáo giáo nữa thì cho rằng nó sẽ đầu thai vào kiếp khác.

Hỏi: Còn Ki-tô giáo thì nói sao?

- Tân ước cũng như từ ngữ Ki-tô giáo ở các thế kỷ đầu dùng những từ ngữ rất đẹp: an nghỉ trong Chúa, về trời, về nhà Cha, nhưng không nói rõ là ở nơi nào! Mặt khác, ngay từ Tân ước, chúng ta đọc thấy những đoạn nói rằng không phải ai cũng đáng được hưởng nhan thánh Chúa. Đành rằng những người ác sẽ bị xua đuổi khỏi nhan Chúa; nhưng một số người khác, tuy không bị xếp vào loại người ác, nhưng cũng chưa được thánh thiện, thì phải qua một cuộc thanh luyện.

Hỏi: Thanh luyện bằng cách nào?

- Thật khó mà nói được. Chúng ta đừng quên rằng Tân ước nhiều lần cũng dùng hình ảnh mà chắc rằng chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen được, như khi nói đến ngục thất hay lửa thiêu. Như đã nói ở trên, ngục thất hay lửa thiêu là những cực hình dành cho xác thể, chứ không thể áp dụng cho loài thiêng được. Ví dụ điển hình nhất là trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô ví những người làm việc tông đồ như những người cất nhà: người thì cất bằng vàng bạc đá qúy, người thì dùng gỗ, kẻ khác thì dùng cỏ rơm. Đến khi Chúa đến Người sẽ dùng lửa mà thử nghiệm hết các công trình ấy. Thánh Phao-lô dùng hình ảnh lửa theo nghĩa bóng, ví như lửa dùng để thử vàng thật hay vàng giả. Điều đáng ghi nhận là các Giáo phụ nói đến trạng thái thanh tẩy, hay luyện lọc chứ không nói đến tù ngục (x. 1 Cr 3, 13 -15). Mãi đến thời Trung cổ mới xuất hiện ý tưởng một nơi cho các linh hồn bị giam cầm.

Hỏi: Nói như vậy có nghĩa là ý tưởng luyện ngục do các nhà thần học hay lòng đạo đức bình dân bày đặt ra, chứ đâu buộc phải tin?

- Cần phải phân biệt hai khía cạnh: một đàng là sự thanh luyện, và một bên là hình ảnh diễn tả sự thanh luyện. Giáo hội qua các Giáo phụ và các Công đồng Firenze (1439) và Công đồng Tren-tô (1563) dạy rằng các linh hồn mắc tội nhẹ hoặc chưa đền tội đủ, thì phải trải qua sự thanh luyện trước khi vào Nước Chúa. Chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện và dâng lễ hy sinh để giúp đỡ các linh hồn ấy. Điều này nằm trong những tín điều của Giáo hội, và thiết tưởng không có gì khó hiểu. Bởi vì đa số chúng ta tuy không đến nỗi phản nghịch với Chúa, nhưng cũng chưa hoàn thiện đủ để kết hợp với Chúa; chúng ta còn nhiều bất toàn, tình yêu của chúng ta còn vướng víu với bao đam mê,… chính vì vậy mà chúng ta cần được thanh tẩy, luyện lọc để xứng đáng kết hợp với Đấng Toàn Thiện. Sự thanh luyện ấy diễn ra thế nào thì khó mà hình dung được. Chính trong sắc lệnh về đền tội, Công đồng Tren-tô khuyên hãy tránh những hình ảnh nhằm kích thích trí tưởng tượng, ví dụ: hình ảnh tra tấn, ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao…
Theo thiển ý, chúng ta cũng cần cẩn thận khi nói đến nơi và thời gian thử luyện. xét về nơi chốn, thì tất nhiên rồi, không thể xây một chuồng cọp để nhốt các linh hồn, và cũng không cần phải chuyên chở tới suối nước nóng để nấu họ, bởi vì đó là những hình ảnh chỉ có giá trị đối với thân xác chứ không áp dụng cho linh hồn.
Về thời gian thì cũng vậy: thời gian năm tháng chỉ có giá trị ở trên đời này, còn đối với Thiên Chúa nó chẳng có giá trị gì. Mặt khác, chúng ta biết có thời gian vật lý (đo lường bằng đồng hồ) và thời gian tâm lý: khi chúng ta mong chờ người yêu đến, thì một phút lâu như cả một giờ, còn một tuần xem ra dài một thế kỷ!

Hỏi: Nhưng nghe nói có linh hồn hiện về than rằng họ bị lửa đốt và bị giam giữ ba bốn chục năm trong luyện ngục, có thật như vậy không?

- Thật là khó nói có những chuyện linh hồn hiện về thực hư thế nào. Dĩ nhiên người thấy một linh hồn thì cũng thấy một hình thù nào đó, chứ làm sao thấy được chính linh hồn. Mặt khác, nếu linh hồn muốn nói chuyện với chúng ta thì phải dùng ngôn ngữ của chúng ta mới hiểu được, trong số đó có thời gian năm tháng. Những ngôn ngữ đó đúng với sự thực như thế nào thì quả là khó kiểm chứng. Khi đã ra khỏi cuộc đời này rồi thì cũng là ra khỏi chiều kích thời gian.

Hỏi: Nói như vậy thì các linh hồn nơi luyện ngục đâu có biết gì là đau khổ, bởi vì đau khổ chỉ có ảnh hưởng đến thân xác thôi?

- Tôi nghĩ rằng các linh hồn ở luyện ngục có phần sướng, xét như là họ không sợ đi lùi lại nữa, họ được bảo đảm sớm muộn sẽ được về với Chúa. Tuy nhiên, chính cái sướng ấy làm cho họ khổ. Chúng ta cứ tưởng tượng cái khổ của những anh chàng si tình thì biết; họ cứ mất ăn mất ngủ vì tưởng nhớ đến người yêu mà họ không thể gặp được; giá như họ không yêu thì họ đâu có đau khổ như vậy!
Có lẽ đây là cực hình nhất cho các linh hồn trong luyện ngục: họ cảm thấy mình còn quá nhơ nhớp chưa đáng được người yêu đoái đến, và càng khắc khoải thì càng khổ. Đó chỉ là một hình ảnh để so sánh thôi. Trên thực tế khi đọc hạnh các thánh, chẳng hạn như thánh Gio-an Thánh Giá hay gần đây là thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, chúng ta thấy các ngài kể lại những cuộc thanh tẩy mà các ngài phải trải qua trước khi tiến đến giai đoạn thần bí, các ngài nói rằng, những đau khổ do bệnh tật thân xác, do những vu khống cáo gian thì không thấm vào đâu so với nhưng thanh luyện của các nhân đức tin, cậy, mến.
Từ đó, ta có thể suy ra những đau khổ tinh thần mà các linh hồn phải trải qua trong thời gian thanh luyện trước khi về hưởng nhan thánh Chúa.

Hỏi: Để kết luận, tin hay không tin có luyện ngục thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống?

- Nếu đem luyện ngục hay hỏa ngục như một thứ cực hình để đe dọa cho người ta sợ mà tránh tội thì cũng là một điều tốt rồi. Nhưng thiết tưởng cần phải đi xa hơn nữa. Cần phải nói rằng nếu chỉ giữ mình sạch tội mà thôi thì chưa đủ để kết hợp với Chúa; nhưng còn phải thực hiện đức ái đến mức anh hùng, nghĩa là dứt bỏ mọi quyến luyến với thụ vật để chỉ gắn bó với một mình Chúa. Bao lâu chưa đến mức độ ấy, linh hồn cần phải được thanh luyện, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau.
Và sau cùng việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là một việc đáng ca ngợi, vì đó là một nghĩa cử cụ thể nhất của tình liên đới bác ái q
 
 
NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ ( 1 tháng 11 )

Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành một ngày có tính cách ma quái bí ẩn, mà thật ra tên gọi đúng là Halloween, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, ( All Hallow là Các Thánh; Even, Lễ Vọng ), có nghĩa "Lễ Vọng Các Thánh".
Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Kitô hữu có thói quen mừng lễ kính nhớ một vị Tử Đạo vào chính ngày vị Thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về ngày lễ, rước hài cốt các Thánh và mừng lễ các nhóm Tử Đạo chung cùng một ngày với nhau.
Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị Thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gioan Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính các Thánh Tử Đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong Thánh được thiết lập, số các Thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có Lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v..
Chính Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III ( 731-41 ) đã dành một Nhà Nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rôma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ.
Về sau, Ðức Grêgôriô IV ( 827-44 ) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV ( 1261-64 ) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ” ( Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999 ).

NGUỒN GỐC LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN ( 2 tháng 11 )

Cũng theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo Hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về Ơn Cứu Độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.
Giáo Hội gọi cuộc thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày Giáo Lý của Đức Tin về việc thanh luyện tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh ( 1Cr 3, 15; 1Pr 1, 7 ), Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy...” ( Giáo Lý, 1030-1031 ).
Vào thời Giáo Hội tiên khởi, người Kitô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào “danh sách những người đã ra đi” để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Bênêđitô có nghi thức tưởng nhớ đến các thành viên Tu Sĩ đã qua đời. Tại Tây Ban Nha, có ngày cầu cho các linh hồn vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo Hội chấp thuận.
Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các Tu Hội Bênêđitô mỗi năm dành một ngày cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây Ban Nha, Đồ Đào Nha và Mỹ Latinh, ngày 2.11, các Linh Mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ( 1878-1903 ) ban chỉ thị làm lễ Cầu Hồn “Requiem” cho Các Ðẳng.
Trong các Giáo Hội theo nghi lễ Hy Lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn.

Từ thanhcavietnam.net 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận