Nhịp sống đạo tháng 7 - Giáo Lý

Đăng lúc: Thứ tư - 02/07/2014 13:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIÁO LÝ

Ngày 26 tháng 7 là ngày tử đạo của chân phước Anrê Phú Yên (1625-1644)-Bổn mạng giáo lý viên Việt Nam. Đó là lý do Nhịp sống đạo tháng này mời gọi ta quan tâm đến giáo lý viên và việc dạy giáo lý trong giáo xứ và gia đình.
Thực trạng ngày nay các gia đình và giáo xứ đều thấy hiện tượng các em bỏ học giáo lý ngày càng nhiều, hay học đối phó cho xong để lãnh Bí tích... Thêm Sức xong thì “hết sức”...

Cả trong các giờ giáo lý, khó khăn lắm mới giúp các em học thuộc một số câu hỏi hay kinh nguyện căn bản, học bài dò bài vất vả vì tràn ngập bài vở ở trường... Giáo lý trở thành gắng sức nhồi nhét thêm kiến thức tôn giáo cho trẻ thơ khi trong đầu các em chất đầy những kiến thức đời và trò chơi mạng... dạy giáo lý làm sao “cạnh tranh” được với dạy ở trường, dạy thêm... đây ?

Không, giáo lý không phải là một cuộc cạnh tranh giữa kiến thức đạo và đời, để rồi có người nói vì các em bận học ở trường quá nặng mà quên, hay không thể học ở nhà thờ thêm nữa. Dạy giáo lý không chỉ giúp cho trẻ thơ có kiến thức về Chúa và Hội Thánh, mà quan trọng hơn là gặp Chúa, sống với Chúa trong lòng Giáo Hội, xây dựng Hội Thánh.

“Hướng dẫn dạy giáo lý” (HDDGL) của Bộ Giáo Sĩ-năm 1997, tuy đã cách đây 17 năm rồi, vẫn còn hợp thời cho định hướng giáo lý của chúng ta ngày nay:

1-“Hội Thánh phải phát triển việc dạy giáo lý quan tâm đến việc gặp gỡ Thiên Chúa và tăng cường mối dây hiệp thông thường xuyên với Ngài.” (HDDGL-số 23). Giáo lý không phải chỉ là thuộc bài và trả bài thì xong, mà là một cuộc gặp gỡ và thông hiệp. Người dạy phải gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện và phụng vụ, và cố gắng đưa các em, sau khi biết Chúa nhờ học hỏi, được gặp gỡ Đức Kitô, và gặp Ngài cách thường xuyên...

2-Tuy vậy, cũng không được bất cập khi bỏ qua việc trang bị cho các em những kiến thức giáo lý căn bản cách đầy đủ, tránh những thiếu xót đáng tiếc. HDDGL viết : “Nội dung của việc dạy giáo lý, vẫn tồn đọng những vấn đề khác nhau, như một số thiếu sót về giáo thuyết liên quan đến chân lý về Thiên Chúa và loài người, về tội lỗi và ân sủng cũng như về cánh chung...” (số 30). “Cây giáo lý” phải có đủ bốn cành: Tín Lý-Phụng Vụ-Luân Lý-Kinh Nguyện. Tùy theo tuổi của học viên mà cây này phát triển xum xuê với nhiều cành nhỏ khác trên bốn cành lớn ấy.

3-“Mục tiêu của việc dạy giáo lý là cổ võ sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô.”(số 30) “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô.” (số 80) Đây là điểm qui chiếu kết quả trước mắt và lâu dài của một người học giáo lý, một lớp giáo lý, một thế hệ được thông truyền đức tin. Một em học giáo lý giỏi, trả lời hết mọi câu hỏi thưa trong sách giáo lý, chỉ cần học 5 phút là thuộc 1 kinh, thi đua là được giải... nhưng ít đi Lễ, bỏ chầu, lười cầu nguyện, càng lớn càng ít đi Lễ Chúa Nhật, bỏ bê việc xưng tội... thì việc dạy giáo lý cho em đó đã không đạt! Tất nhiên còn có các nguyên nhân bản thân, gia đình và xã hội đưa đến điều ấy... Nhưng cần hiểu rõ “mục đích tối hậu”này, để giáo lý viên và phụ huynh, trong khi dạy các em, biết ưu tiên cái gì, làm cái gì, kiến thức hay gặp Chúa...

4-“Việc dạy giáo lý phải liên kết mật thiết với toàn thể sinh hoạt phụng vụ và bí tích”. Thế mà thường xuyên việc dạy giáo lý chỉ có mối tương quan yếu ớt hoặc rời rạc với phụng vụ. Người ta ít chú tâm đến dấu chỉ và nghi thức phụng vụ và ít làm nổi bật các nguồn mạch phụng vụ. Các giáo án rất ít hay không hề gắn liền với năm phụng vụ và những cử hành phụng vụ trong đó chỉ là chuyện phụ.”(số 30). Lại một lần nữa ta thấy vai trò quan trọng của việc gặp gỡ Chúa, vì phụng vụ, các bí tích là phương thế giúp ta gặp gỡ, hiệp thông với Chúa. Không được cắt bỏ việc các em tham dự phụng vụ của giáo xứ chỉ vì đang học giáo lý. Giáo lý đưa các em đến với Thánh Lễ, thế mà thực tế nhờ học giáo lý các em đi dự Lễ, hôm nào nghỉ học giáo lý thì nghỉ Lễ luôn... Làm sao cho các em quí các giờ đạo đức, kinh nguyện và phụng vụ chung của giáo xứ... Học giáo lý là tìm biết Chúa, phụng vụ là gặp gỡ thân thưa với Chúa. Lo tìm mà không gặp thì nào ích chi ?!

5- “Noi gương cách dạy giáo lý của thời các Giáo phụ, việc dạy giáo lý phải đào luyện nhân cách cho người tín hữu.”(số 33). Ở trường, thông minh và đạo đức là hai việc khác nhau. Có trẻ thông minh, học giỏi nhưng là dạng cá biệt ngỗ nghịch. Nhà trường đã đề cao lại nhân cách khi theo lời xưa : “tiên học lễ, hậu học văn”. Đào luyện nhân cách con người là trước hết và trên hết, tài năng cần sau... thì dạy giáo lý phải nhắm đến việc giáo dục nhân cách nhiều hơn nữa, bởi nó giúp các em sống theo gương Chúa Giêsu, con người trọn lành. Đừng để các em chỉ biết thuộc bài mà thiếu tư cách. Trang nghiêm, lễ phép, biết chấp tay, khoanh tay, đứng quì trong phụng vụ... rất cần nói đến trong giờ giáo lý, và thực hành trong giờ kinh nguyện, phụng vụ, trong nhà thờ...

6-“Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên về đức tin của con cái mình... Cha mẹ đã nhận được trong Bí tích Hôn nhân ân sủng và trách nhiệm phải cho con cái một nền giáo dục Kitô giáo.”(số 227). Năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, thì việc đầu tiên của bậc phụ huynh là ý thức và thực hành tích cực nhiệm vụ giáo dục đức tin, nhiệm vụ “bất khả nhượng và không thể thay thế được” của cha mẹ. Thử làm bảng thống kê sinh hoạt của con em : bao nhiêu môn học và chi phí dành cho con em đến nhà trường; bao nhiêu cho nhà thờ ? Đưa con trẻ đến lớp bao nhiêu lần, đến lớp giáo lý bao nhiêu lần/tuần. Thời gian học giáo lý có được 1/10 thời gian học bài khác không?...

7- “Hội Thánh kêu gọi cách riêng các tu sĩ tham dự vào những hoạt động giáo lý và ước mong “các cộng đoàn tu trì dành tối đa những nỗ lực và khả năng của họ vào công cuộc chuyên môn này” (số 228) “Dành tối đa những nỗ lực và khả năng”... Đây là lời chất vấn mọi tu sĩ và cộng đoàn đang phục vụ các giáo xứ, biết ưu tiên cho ơn gọi và sứ vụ của mình...

8-“Ơn gọi của người giáo dân vào việc dạy giáo lý xuất phát từ bí tích Rửa tội và được củng cố bằng bí tích Thêm sức. Nhờ hai bí tích này mà người giáo dân được tham dự vào “chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô”. Thêm vào ơn gọi chung làm tông đồ, một số giáo dân cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi bên trong để đảm nhận trách vụ giáo lý viên. Hội Thánh khuyến khích, phân định ơn gọi này và giao cho họ nhiệm vụ dạy giáo lý.” (số 231) Các giáo lý viên vui mừng vì Hội Thánh, giáo xứ luôn biết ơn, khuyến khích và nâng đỡ các bạn chu toàn ơn gọi cao quí này. ĐTC Phanxicô đã nói với các bạn ngày 27.09.2013 : “Việc giảng dạy giáo lý là một trụ cột trong việc giáo dục đức tin, và cần phải có những giáo lý viên tốt ! Cảm ơn công việc phục vụ của các con cho Giáo Hội và trong Giáo Hội.”

9-“Để thừa tác vụ dạy Giáo Lý trong Giáo Hội địa phương được hoạt động tốt, việc có một mục vụ thích hợp dành cho giáo lý viên là điều vô cùng quan trọng... Hiện nay, trong khi các nhu cầu về huấn giáo ngày càng đa dạng, cần phải cổ võ nhiều mẫu giáo lý viên khác nhau. “ Những giáo lý viên chuyên biệt rất cần thiết” (số 233) Mục vụ, đào tạo cho các giáo lý viên là việc quan trọng trong giáo phận và giáo xứ. Có nhiều lý do chưa được đáp ứng đúng mức, nhưng điều đó không cản trở sứ vụ của các bạn. Thánh Bổn mạng của chúng ta, Anrê Phú Yên, một tân tòng mới nhập đạo là trở thành giáo lý viên, chỉ có ba năm thời tuổi trẻ: 16-19 tuổi, ba năm sống đức tin cũng là ba năm thông truyền đức tin... và nên thánh. Đó chính là mẫu gương giúp bạn không tự ti vì tuổi trẻ hay kiến thức hạn hẹp, nhưng biết tự rèn luyện trong khi thi hành sứ vụ, và nhất là nhờ “tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, trở nên tự tin trong vai trò là người “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy.”

10- Mến chúc bạn giáo lý viên trở thành môn đệ Chúa Kitô cách đích thực, để có thể đạt được “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô.” (số 80)

Mũi Né, 17.06.2014

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
 
 
Từ khóa:

giáo lý, lý do, quan tâm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận