Chủ đề cho Tuần lễ Hiệp Nhất 2016

Đăng lúc: Thứ hai - 18/01/2016 02:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Chủ đề cho Tuần lễ Hiệp Nhất 2016

 

 

 

 

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ ĐẠI KẾT CHO NĂM 2016

Chủ đề được chọn trong Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2016 này, gợi hứng từ thư thứ nhất của thánh Phêrô Tông Đồ, chương 2 câu 9: “Được mời gọi để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”

BẢN THÁNH KINH CHO NĂM 2016: 1 Pr 2,9-10

Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.

1. Lời mời gọi trở nên dân của Chúa

Thánh Phêrô, trong lá thư đầy nhiệt huyết của mình, đã nhắc nhớ Giáo hội sơ khai rằng trong cuộc tìm kiếm của họ về ý nghĩa trước khi gặp gỡ Tin Mừng, họ không phải là một dân. Nhưng nhờ biết lắng nghe lời kêu gọi để trở thành giống nòi được Thiên Chúa tuyển chọn và đón nhận quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, họ đã trở thành dân của Chúa. Thực tại này được diễn tả trong Bí tích Rửa Tội, chung cho tất cả các Kitô hữu. Nơi Bí tích Rửa Tội chúng ta được sinh lại bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5). Nơi Bí tích Rửa Tội, chúng ta chết đi cho tội để cùng sống lại với Đức Kitô cho một cuộc sống mới tràn đầy ân sủng trong Chúa. Để duy trì nhận thức về căn tính mới này trong Đức Kitô, quả là một thách đố thường ngày.
- Làm sao chúng ta nhận thức được rằng ơn kêu gọi chung của chúng ta là trở nên “dân của Chúa”?
- Làm sao chúng ta có thể diễn đạt căn tính rửa tội của mình như là một “phẩm vị tư tế vương giả”?

2. Nghe biết về những kỳ công của Thiên Chúa

Bí tích Rửa Tội mở ra cho chúng ta một hành trình mới của đức tin, hiệp nhất mỗi Kitô hữu với dân Chúa qua mọi thời. Lời Chúa – nghĩa là Thánh Kinh, mà theo truyền thống các Kitô hữu vẫn dùng để cầu nguyện, học hỏi và suy gẫm, chính là nền tảng của một sự hiệp thông thật sự cho dẫu chưa trọn vẹn. Trong việc chia sẻ các bản văn Thánh Kinh, chúng ta nghe biết về các hoạt động cứu độ của Chúa trong lịch sử cứu độ: dẫn đưa Dân Ngài thoát khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, và công trình vĩ đại kỳ diệu của Chúa: là cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, vốn mở ra một cuộc sống mới cho tất cả chúng ta. Thêm vào đó, việc đọc Thánh Kinh cách sốt mến sẽ dẫn người Kitô hữu đến việc nhận biết những kỳ công của Chúa ngay cả trong cuộc sống riêng của họ.

- Bằng phương cách nào chúng ta nhận ra và đáp lại trước “những kỳ công” của Thiên Chúa: trong việc phụng thờ và ngợi khen, trong việc phục vụ cho công lý và hoà bình?
- Làm cách nào để chúng ta quý trọng Thánh Kinh như là Lời mang lại sự sống, đang mời gọi chúng ta vươn đến sự hiệp nhất và sứ mạng cao cả hơn?

3. Đáp trả và loan báo

Thiên Chúa đã chọn chúng ta không phải như một thứ ưu đãi. Ngài làm cho chúng ta thánh thiện, nhưng không phải theo nghĩa là các Kitô hữu thì đạo đức hơn người khác. Ngài đã chọn chúng ta để chu toàn một mục đích. Chúng ta là thánh chỉ trong khuôn khổ chúng ta dấn thân phục vụ cho Chúa, tức là luôn đem tình yêu của Ngài đến cho mọi người. Là một dân tư tế, điều này có nghĩa là những người phục vụ cho thế giới, các Kitô hữu sống lời kêu gọi của Bí tích Rửa Tội và làm chứng cho những kỳ công của Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau:

• Chữa lành những thương tích: Các cuộc chiến tranh, xung đột và lạm dụng đã gây tổn thương cho đời sống tình cảm và tương quan của nhiều quốc gia. Ân sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta nài xin sự tha thứ cho những trở ngại đang ngăn cản sự hoà giải và chữa lành, để đón nhận lòng thương xót và tăng trưởng trong sự thánh thiện.

• Việc tìm kiếm chân lý và hiệp nhất: Nhận thức về căn tính chung của chúng ta trong Đức Kitô, mời gọi chúng ta cùng nỗ lực nhằm trả lời cho những vấn nạn vẫn còn làm chia rẽ những Kitô hữu chúng ta. Giống như các môn đệ trên đường đến Emmaus, chúng ta được mời gọi để chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta và cũng để khám phá ra rằng trong cuộc lữ hành chung của chúng ta, có Chúa Giêsu Kitô luôn ở giữa chúng ta.

• Tích cực dấn thân để cổ võ cho phẩm giá con người: Các Kitô hữu, những con người đã được đưa ra khỏi bóng tối vào trong ánh sáng huyền diệu của Thiên Quốc, phải nhận ra phẩm giá siêu việt nơi đời sống mỗi con người. Thông qua những chương trình từ thiện xã hội, chúng ta được mời gọi để đến với những người nghèo, những người thiếu thốn, những người nghiện ngập và những người bị gạt ra bên lề.

- Đang khi chúng ta xét đến trách nhiệm về sự hiệp nhất các Kitô hữu, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ về điều gì?
- Khi nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần phải thực hiện như thế nào cùng với các Kitô hữu khác trong các hoạt động bác ái xã hội?


CỬ HÀNH TUẦN ĐẠI KẾT TẠI CÁC CỘNG ĐOÀN VÀ GIÁO XỨ

Trong ý hướng sống Năm Thánh Lòng Thương Xót, đồng thời cùng hoà nhịp cảm thức với Giáo hội hoàn vũ trong việc cầu nguyện và cổ võ đối thoại đại kết giữa các Kitô hữu, các buổi cầu nguyện được cử hành trong các cộng đoàn và giáo xứ như là một cơ hội quý giá để huấn luyện tâm hồn người Kitô hữu, hoán cải nội tâm và thắt chặt tinh thần hiệp nhất ngay từ chính môi trường mà mỗi người đang sống.

Đây cũng chính là cách thức cụ thể để người tín hữu sống lời tuyên tín: “Tôi tin một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, một Giáo hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất.

DIỄN TIẾN BUỔI CỬ HÀNH

• Chuẩn bị cho buổi cử hành
- Giếng rửa tội đặt cạnh bên giảng đài - nơi công bố Tin Mừng.
- Nến Phục Sinh và đĩa muối đặt hai bên giá - nơi đặt sách Tin Mừng.
- Các cây nến nhỏ cho cuộc rước.
- Tập tài liệu cho Tuần Hiệp Nhất 2016.

• Ngày khai mạc
Đang khi cộng đoàn hát bài mở đầu “Lên Đền thánh”, một số anh chị em cầm nến trên tay đi đầu đoàn rước, kế đến là hai người cầm nến Phục Sinh và đĩa muối, rồi đến hai thừa tác viên (giúp đọc các câu xuớng trong tài liệu), sau cùng vị chủ sự cầm sách Tin Mừng. Tất cả hợp thành đoàn rước cùng tiến lên gian cung thánh (hoặc một nơi thích hợp) rồi đặt tất cả vào đúng các vị trí đã chuẩn bị truớc. Sau đó, mỗi ngưòi trong đoàn rước trở về vị trí cùa mình. Chủ tế đến ghế chủ toạ và làm dấu Thánh giá khai mạc, sau đó buổi cử hành tiếp tục diễn ra theo thứ tự và nội dung như đã in sẵn trong tập tài liệu.

• Ngày bế mạc
Sau khi đọc lời nguyện kết thúc, chủ sự tiến đến thắp lửa từ nến Phục Sinh và chuyền cho các thừa tác viên, sau đó cho tất cả cộng đoàn. Khi tất cả đã cầm nến sáng trên tay, Chủ sự ban phép lành và đọc lời sai đi. Đang khi cộng đoàn hát bài kết thúc “Con xin làm chứng tá” thì đoàn ruớc với các nến nhỏ, nến Phục Sinh và muối cùng với sách Tin Mừng tiến đi ra bên ngoài nhà nguyện.

Lưu ý: 
Trong buổi cử hành, phần phụng vụ Lời Chúa có thể chỉ cần đọc bài Tin Mừng mà thôi. 

 

NỘI DUNG BUỔI CỬ HÀNH TUẦN HIỆP NHẤT

Ngày I (18/01): HÃY ĐẨY HÒN ĐÁ LĂN ĐI
Ngày II (19/01): ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ NÊN NHỮNG SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI 
Ngày III (20/01): LỜI CHỨNG CỦA TÌNH BẰNG HỮU 
Ngày IV (21/01): MỘT DÂN TƯ TẾ ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG 
Ngày V (22/01): TÌNH THÂN HỮU CỦA CÁC TÔNG ĐỒ 
Ngày VI (23/01): XIN HÃY NGHE GIẤC MƠ NÀY
Ngày VII (24/01): TÌNH THÂN ÁI GIÚP CHO VIỆC CẦU NGUYỆN 
Ngày VIII (25/01): NHỮNG TRÁI TIM BỪNG CHÁY CHO SỰ HIỆP NHẤT

KINH XIN ƠN HIỆP NHẤT

Lạy Chúa Giêsu,/ hôm trước ngày chịu chết vì chúng con,/ Chúa đã cầu xin cho tất cả các môn đệ được hiệp nhất/ như sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa./ Xin cho chúng con biết đau lòng cảm thấy sự bất trung gây chia rẽ của chúng con./ Xin cho chúng con biết trung thực nhìn nhận/ và can đảm bỏ đi những gì là thờ ơ ngờ vực,/ và ngay cả hận thù lẫn nhau đang tiềm tàng nơi chúng con.

Xin ban cho tất cả chúng con được gặp nhau trong Chúa,/ để từ tâm hồn và môi miệng chúng con/ không ngớt cất lên lời Chúa nguyện cầu cho các tín hữu Kitô/ được hiệp nhất như ý định của Chúa/ theo phương cách và thời điểm Chúa an bài.

Xin cho chúng con tìm thấy/ con đường đi đến hiệp nhất nơi Chúa là Đức Ái hoàn hảo/ trong sự vâng phục Tình Thương và Chân Lý của Chúa./ Amen.
 

Tuần lễ Hiệp Nhất: Ngày I (18/01/2016)
 

Chủ đề: HÃY ĐẨY HÒN ĐÁ LĂN ĐI

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến, Trong thánh lễ hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta bắt đầu Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Xin anh chị em hiệp ý cầu nguyện cho các Kitô hữu bước vào hành trình hiệp nhất bằng việc can đảm “đẩy hòn đá” của sự ganh ghét, hận thù ra khỏi tâm hồn mình để ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu rọi vào, mà chữa lành những vết thương bên trong là nguyên nhân của sự chia rẽ.

II. DẪN VÀO BUỔI CẦU NGUYỆN

Anh chị em thân mến, Hội Thánh là Mẹ luôn ưu tư, mong mỏi các Kitô hữu được hiệp nhất nên một trong Chúa Thánh Thần và mời gọi con cái mình ra sức cầu nguyện cho sự hiệp nhất ấy. Vì thế, qua chủ đề của buổi cầu nguyện hôm nay: “Hãy đẩy hòn đá lăn đi”, mỗi người trong chúng ta cùng được mời gọi “hãy đẩy những hòn đá” của sự ganh ghét, thù hận đã từ lâu che lấp và giam kín tâm hồn mình trong sự chết. Và như thế, một khi cánh cửa tâm hồn của chúng ta được rộng mở sẽ là dịp để ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu rọi vào, mà chữa lành những vết thương và làm cho chúng ta được sống trong tình yêu hiệp nhất của Chúa Thánh Thần.

1. Mở đầu

Hát bài LÊN ĐỀN THÁNH của Thành Tâm

Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. CĐ: Amen.

Chủ sự: Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,
Hôm nay, chúng ta cùng họp nhau nơi đây, trong buổi cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, để cảm tạ Thiên Chúa vì phẩm giá và ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận; đồng thời chúng ta cùng hoà nhịp tâm hồn để hiệp lời cầu nguyện cùng với tất các Kitô hữu trên toàn thế giới với hy vọng: tất cả cùng được hiệp nhất với nhau trong Ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông hiệp của Chúa Thánh Thần.

2. Lời nguyện với Chúa Thánh Thần

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và cư ngụ trong tâm hồn chúng con, giúp chúng con biết lắng nghe tiếng nói của Ngài. 
CĐ: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con Thần khí tác tạo của Chúa, Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng.

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần là Nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa, xin chỉ cho chúng con tình yêu của Chúa Cha.
CĐ: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con...

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần là Lửa tình yêu của Thiên Chúa, xin thanh tẩy chúng con, loại bỏ khỏi tâm hồn chúng con những chia rẽ và làm cho chúng con nên một trong Đức Kitô. 
CĐ: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con...

Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin đến ngự trị trong chúng con để chúng con có thể nên một trong sự hiệp thông tình yêu và thánh thiện. Xin làm cho chúng con nên một trong Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. 
CĐ: Amen.

3. Lời nguyện giao hoà

Chủ sự: Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta giao hoà để bước vào hành trình hiệp nhất. Chúng ta cùng hối cải về những suy nghĩ, ước muốn và việc làm của chúng ta để lãnh ơn giao hoà; nhờ đó, trổ sinh hoa trái của tình hiệp nhất trong tâm hồn. (Thinh lặng)

Xướng: Lạy Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Ngài. Xin Chúa tha thứ vì nhiều lần trong cuộc sống chúng con đã không nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những anh chị em mà chúng con gặp gỡ và ngay cả trong chính bản thân chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con phải tha thứ cho anh chị em mình. Xin Chúa tha thứ mỗi khi chúng con chỉ biết sống như người chủ nợ mà quên rằng chính mình là con nợ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Thiên Chúa của tình yêu và bình an, xin tha thứ mỗi khi chúng con gây ra chia rẽ, bất hoà mà quên đi việc xây đắp cho tình huynh đệ trong cộng đoàn chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

Chủ sự: Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin rộng lòng tha thứ và đổ tràn ân sủng của Chúa trong tâm hồn chúng con, để chúng con trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa ở những nơi chúng con hiện diện. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen.

4. Lời Chúa

Ed 37,12-14: “Hỡi dân Ta! Này Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt.”
Tv 71,18b-23: “Lạy Chúa, dũng lực và đức chính trực của Ngài cao vời vợi.”
Rm 8,15-21: “Chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.”
Mt 28,1-10: “Người không có ở đây vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói.”

Hát: LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.
Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Đó là lời Chúa.

5. Lời gợi ý

Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu mà chúng ta vừa nghe, diễn tả nỗi sợ hãi của bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, là những môn đệ của Chúa Giêsu, khi chứng kiến Ngôi Mộ Trống với tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ. Thật vậy, làm sao không sợ hãi trước sự kiện ngôi mộ trống và Chúa Giêsu đã ra khỏi đó. Đó là một thực tại chưa bao giờ các bà dám nghĩ tới và là chuyện xem ra không tưởng, nhưng giờ đây lại là sự thật. Và nỗi sợ hãi của các bà chỉ có thể được xua tan khi chính lời của Đấng Phục Sinh cất lên: “Chị em đừng sợ!”, “Lời” ấy đã chữa lành và biến nỗi sợ hãi thành niềm vui bất tận trong tâm hồn các bà.

Kinh nghiệm cho thấy, cũng không ít điều mà ngày nay chúng ta vẫn cho rằng “không tưởng, không thể được”: Làm sao có thể tha thứ cho một người xúc phạm đến mình? Nhất là khi sự xúc phạm lại đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình? Vết thương càng lớn và càng đau thì sự tha thứ càng trở nên khó và không thể. Chưa hết, tha thứ đã khó khăn nhưng mở miệng xin tha thứ còn khó khăn hơn biết mấy. Bởi lẽ, ít ai dám nhận mình lầm lỗi, nên cũng ít ai thành thật xin tha lỗi, và điều đó dường như là không thể. Tất cả những điều không thể ấy phải chăng là những tảng đá lớn như muốn phủ lấp và giam kín chúng ta trong sự chết của tâm hồn?

Hôm nay, một lần nữa, Lời của Đấng Phục Sinh được cất lên cho chúng ta: “Anh chị em đừng sợ!” Lời ấy kêu gọi chúng ta hãy can đảm và mạnh mẽ đẩy những tảng đá nặng nề ấy ra khỏi tâm hồn mình để một lần nữa ánh sáng của Đấng Phục Sinh chiếu rọi và chữa lành chúng ta. Đây chẳng phải là nỗi ưu tư của Mẹ Hội Thánh vẫn ngày đêm mong chờ con cái của mình thực hiện hay sao? Bởi lẽ, chỉ khi tảng đá che lấp được lăn đi, thì lúc đó ánh sáng của tình yêu hiệp nhất mới có thể được chiếu toả trong cộng đoàn nơi chúng ta đang sống.

6. Lời mời gọi hồi tâm

- Nhìn lại đời sống nơi cộng đoàn (giáo xứ) chúng ta hôm nay, điều gì đã khiến chúng ta đang tự nhốt mình trong sự buồn bã, lo âu và thất vọng? Điều gì đang ngăn cản ánh sáng của Đấng Phục Sinh chiếu rọi vào tâm hồn chúng ta?

- Mỗi khi ta tha thứ là mỗi khi ta được nhẹ nhàng và an vui, mỗi khi ta thứ tha là mỗi khi ta đang kết dệt đời mình bằng tình yêu thương. Chúng ta đã thật sự sẵn sàng để bước vào hành trình hiệp nhất hay chưa?

Hát suy niệm: ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG của Vinh Hạnh

7. Lời nguyện cậy trông

Chủ sự: Như là những người con của Thiên Chúa, ý thức về phẩm vị và sứ mạng của mình, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện xin và bày tỏ lòng khao khát được trở nên dân thánh của Người.
Xướng: Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin hãy biến đổi tâm hồn chúng con.
CĐ: Xin làm cho chúng con được thánh thiện và nên một trong Đức Kitô.

Xướng: Lạy Chúa Con Chí Thánh, xin Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa xua tan cơn khát tình thương trong cộng đoàn chúng con, hầu giúp chúng con được hiệp nhất trọn vẹn.
CĐ: Xin làm cho chúng con được thánh thiện và nên một trong Đức Kitô.

Xướng: Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Khí của hoan lạc và bình an, xin hàn gắn những chia rẽ nơi thẳm sâu tâm hồn mỗi người chúng con, hầu giúp chúng con hiệp nhất nên một đoàn chiên của Chúa.
CĐ: Xin làm cho chúng con được thánh thiện và nên một trong Đức Kitô.

8. Lời kinh Lạy Cha

CĐ: Lạy Cha chúng con…

9. Lời nguyện kết

Chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, từ muôn thuở Chúa vẫn yêu chúng con và đã tỏ bày tình yêu đó bằng cái chết trên thập giá vì chúng con. Qua đó, Chúa đã chia sẻ những khổ đau và thương tích của chúng con. Trong giây phút này, chúng con xin đặt ở dưới chân thập giá Chúa tất cả những trở ngại làm chúng con xa cách tình yêu của Ngài. Xin hãy lăn đi những tảng đá giam giữ chúng con. Xin thức tỉnh chúng con trong ánh bình minh Phục Sinh của Chúa để ở đó, chúng con có thể gặp gỡ những anh chị em mà chúng con bị chia cách. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
CĐ: Amen.

10. Lời chúc lành kết thúc

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.
CĐ: Và ở cùng cha.

Chủ sự: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Xin Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
CĐ: Amen.

Chủ sự: Chúc anh chị em ra về trong bình an của Đức Kitô.
CĐ: Tạ ơn Chúa.

11. Lời ca dâng Mẹ

Bài hát DÂNG MẸ của  Hoài Đức.
 

Ngày II (19/01/2016)

 

Chủ đề: ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ NÊN NHỮNG SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến,
Nhìn thấy biết bao thảm cảnh đang diễn ra hằng ngày: con người đau khổ lầm than, sống trong cuộc sống u buồn, hay có khi chỉ biết tìm những niềm vui chóng qua. Trong ngày thứ hai của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu cảm nếm được niềm vui trong Chúa Kitô, đồng thời được thôi thúc cùng hướng đến một mục đích là trở thành “những sứ giả của niềm vui” để đem Chúa là nguồn vui đến xoa dịu đau khổ của con người.

II. DẪN VÀO BUỔI CẦU NGUYỆN

Anh chị em thân mến,
Khi nhìn thấy cuộc sống của những con người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần trong thế giới hôm nay, điều đó thôi thúc các Kitô hữu, những người đã cảm nếm được niềm vui của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, biết đem Chúa đến cho họ. Đây không là nhiệm vụ của riêng ai, nhưng là của tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đều được mời gọi đem Chúa là nguồn vui đến với những anh chị em đang đau khổ, lầm than. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng bước vào buổi cầu nguyện tối nay với chủ đề: “Được kêu gọi trở nên những sứ giả của niềm vui.”

1. Mở đầu

Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
CĐ: Amen.

2. Lời nguyện với Chúa Thánh Thần

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đốt lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng mỗi người chúng con để chúng con ngày càng yêu mến Chúa và hết lòng phụng sự Người.
CĐ: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở cho chúng con đôi mắt để nhìn thấy những anh chị em đang đau khổ; và cùng với Ngài, chúng con biết mang Lòng Thương Xót của Chúa đến cho họ để nâng đỡ cuộc sống và xoa dịu tâm hồn họ.
CĐ: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…

3. Lời nguyện giao hoà

Chủ sự: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho những ai biết hối cải, ăn năn. Trong tâm tình sám hối về những lầm lỗi của mình, chúng ta hãy tính thác vào lòng thương xót của Chúa và xin Người giúp chúng ta tiến lên trên con đường hiệp nhất. (Thinh lặng)
Xướng: Lạy Chúa, Chúa cho chúng con được cảm nếm Tình Yêu vô biên của Chúa. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót của chúng con trong việc loan báo Tình Yêu ấy cho các anh chị em chưa biết Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã truyền dạy chúng con phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con đã không yêu thương anh chị em của chúng con, và có khi còn cố ý loại trừ họ ra khỏi cuộc sống của chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã kêu gọi chúng con trở nên những sứ giả của niềm vui. Xin Chúa tha thứ cho những khi chúng con thay vì là sứ giả của niềm vui, thì lại đem nỗi buồn phiền đến cho anh chị em chung quanh. Xin Chúa thương xót chúng con.
CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin tha thứ cho chúng con vì những lầm lỗi đã làm chúng con phải xa lìa Chúa và chia rẽ nhau. Xin Chúa thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất, để chúng con trở nên những sứ giả đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen.

4. Lời Chúa

Is 61,1-4: “Thần Khí Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho những kẻ nghèo hèn.”
Tv 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.”
Pl 2,1-5: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn và cùng một hướng như nhau.”

Ga 15,9-12: “Thầy đã nói với anh em các điều ấy để anh em được hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
Hát: LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.
Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Đó là lời Chúa.

5. Lời gợi ý

Trong cuộc sống hằng ngày, khi nhìn thấy một công việc được mọi người cùng thực hiện cách tích cực và kết quả tốt đẹp, thì chúng ta nhận ra rằng có một sự gắn kết ở giữa họ trong công việc, và cũng từ nơi đó phát xuất ra một niềm vui mà chắc hẳn ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.

Nơi những người Kitô hữu đang sống trong niềm vui của yêu thương, hiệp nhất, chúng ta còn bắt gặp điều đáng ngưỡng mộ hơn thế nữa. Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe: “Như Chúa Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em như vậy, anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” và “anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”, chúng ta nhận thấy rằng sự gắn kết và niềm vui đó xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta; và tình yêu của chúng ta đối với nhau như là kết quả tất yếu của tình yêu Thiên Chúa. Sự gắn kết và niềm vui trong tình yêu đó tạo nên một cảnh tượng tốt đẹp thật khó diễn tả hết, đến nỗi tác giả Thánh vịnh 133 đã phải thốt lên rằng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Sự ngọt ngào ấy thôi thúc chúng ta đem Tin Mừng Đức Kitô đến cho những người đau khổ, những tấm lòng tan vỡ, để họ được băng bó và chữa lành như lời của tiên tri Isaia: “Thần Khí Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho những kẻ nghèo hèn” (Is 61,1).

Tuy nhiên trong đời sống cộng đoàn, mặc dù niềm vui mà sự hiệp nhất mang lại thì thật lớn lao, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi cảnh “chín người mười ý”, và vì ai cũng ra sức bảo vệ cho ý riêng của mình, thế nên nguy cơ đổ vỡ cùng với nỗi buồn chia rẽ thì luôn luôn rình rập. Chính vì thế, để gìn giữ sự hiệp nhất trong cộng đoàn và để niềm vui luôn được bền vững, lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê dạy chúng ta rằng: “Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình” (Pl 2,3).

Trong đời sống cộng đoàn, những nỗi buồn, những đau khổ do sự chia rẽ gây ra, thường làm chúng ta mất đi sức mạnh để loan báo “niềm vui Tin Mừng” mà ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu. Một nụ cười, một câu nói thân tình, một sự sẻ chia cảm thông, một sự từ bỏ ý riêng… tuy âm thầm, nhỏ bé, nhưng nếu được thực hiện với tất cả lòng chân thành, cũng sẽ mang lại nhiều niềm vui. Xin Chúa Giêsu làm cho ước muốn mang lại niềm vui cho anh chị em của chúng ta, lớn lên từ môi trường gia đình, cộng đoàn hay giáo xứ và từ từ lan toả ra đến những môi trường rộng lớn chung quanh.

6. Lời mời gọi hồi tâm

- Theo anh chị em, điều gì có thể bóp chết niềm vui trong cộng đoàn chúng ta?
- Để niềm vui của Đức Giêsu ở trong chúng ta, và làm cho chúng ta trở thành nhân chứng của Tin Mừng, chúng ta có thể đón nhận những gì từ những anh chị em Kitô hữu khác?

Hát suy niệm: CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU của Nguyễn Duy

7. Lời nguyện cậy trông

Chủ sự: Ý thức về phẩm vị làm con Thiên Chúa và sứ mạng đem niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin tha thiết.

Xướng: Lạy Cha nhân từ, xin cho chúng con luôn cảm nhận được tình thương của Cha, để nhờ đó, chúng con cũng nhận ra các Kitô hữu khác cũng chính là anh chị em của chúng con và cùng được liên liên kết với nhau như anh chị em một nhà.
CĐ: Xin làm cho Dân Chúa luôn yêu thương và nên một trong Đức Kitô.

Xướng: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống, xin cho chúng con luôn biết đem Chúa đến với những anh chị em đang đau khổ để xoa dịu nỗi đau, chia sẻ khốn khó, nhờ đó chúng con sẽ sống xứng đáng là dân của Chúa.
CĐ: Xin làm cho Dân Chúa luôn yêu thương và nên một trong Đức Kitô.

Xướng: Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Khí của niềm hoan lạc và bình an, xin hàn gắn những chia rẽ do sự ích kỷ và kiêu ngạo của chúng con; xin cho chúng con biết coi người khác trọng hơn mình để, nhờ sự hướng dẫn của Ngài, chúng con sẽ được hiệp nhất với nhau.
CĐ: Xin làm cho Dân Chúa luôn yêu thương và nên một trong Đức Kitô.

8. Lời kinh Lạy Cha
CĐ: Lạy Cha chúng con…

9. Lời nguyện kết

Chủ sự:
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, cho dẫu chúng con nghèo nàn tinh thần và khả năng giới hạn, nhưng xin Chúa thương nhìn đến tấm lòng thiện chí của chúng con phục vụ Chúa. Xin cho sự hiện diện của Chúa lấp đầy những khát vọng sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng con. Xin tình yêu của Chúa chữa lành trái tim thương tích của chúng con để chúng con có thể yêu như Chúa đã yêu. Xin ban cho chúng con ơn hiệp nhất để chúng con có thể phục vụ Chúa trong niềm vui và chia sẻ tình yêu của Chúa cho hết mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen.

10. Lời chúc lành kết thúc

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.
CĐ: Và ở cùng cha.

Chủ sự: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).
Xin Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
CĐ: Amen.

Chủ sự: Chúc anh chị em ra về trong bình an của Đức Kitô.
CĐ: Tạ ơn Chúa.

11. Lời ca dâng Mẹ
TẬN HIẾN CHO MẸ của Huyền Linh


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận