Dạy giáo lý

Đăng lúc: Thứ tư - 01/07/2015 14:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
DẠY GIÁO LÝ

1-Mừng chân phước Anrê Phú Yên (1625-1644)-Bổn mạng giáo lý viên Việt Nam tử đạo ngày 26 tháng 7, nên tháng 7 hằng năm luôn có dịp Đại hội giáo lý viên. Năm nay Đại Hội Giáo Lý Viên Phan Thiết sẽ diễn ra tại nhà thờ Chính Tòa vào Thứ Ba, 28.07.2015, để tất cả các giáo lý viên toàn giáo phận cùng nhau dâng Thánh Lễ và lắng nghe lời giáo huấn của Đức Giám Mục giáo phận, là thầy dạy đức tin của Giáo Hội địa phương. Đây cũng là cơ hội cho họ gặp gỡ nhau, chia sẻ những kinh nghiệm và ưu tư trong công việc huấn giáo nơi giáo xứ mình phục vụ... Chúng ta cùng chung vui với tất cả giáo lý viên trong giáo phận, cầu nguyện cho họ chu toàn tốt vai trò cao quí của người giáo dục đức tin, và giúp họ trong việc chăm lo giáo lý tại gia đình và giáo xứ.
2-Tầm quan trọng của việc dạy giáo lý :
-“Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy giáo lý là một trong những công tác chính của mình.” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn dạy giáo lý-THDGL, số 1)... “ Việc dạy Giáo Lý luôn luôn là một nhiệm vụ thánh và một quyền bất khả xâm phạm” (THDGL-14). Được gọi là “công tác chính”, “nhiệm vụ thánh” cho thấy tính chất quan trọng và cao quí của công việc dạy giáo lý. Đây là hoạt động ngay khi Giáo Hội hình thành, và giúp hình thành Giáo Hội. Công đoàn Kitô hữu đầu tiên đã từng nghe các tông đồ dạy giáo lý, và nhờ đón nhận giáo lý của các tông đồ mà gia tăng số tín hữu, hình thành các cộng đoàn mới... Một giáo xứ có thể thiếu đoàn thể này, hoặc chưa có đoàn thể kia, nhưng không bao giờ thiếu việc dạy giáo lý và không được phép không có giáo lý. Tân Phúc âm hóa đời sống giáo xứ là dịp giáo xứ canh tân việc học và dạy giáo lý của mình trong thời đại ngày nay...
3-Giáo xứ và trách nhiệm dạy giáo lý
Hướng dẫn dạy giáo lý (HDDGL) của Bộ Giáo Sĩ, số 220-221 chỉ rõ nhiệm vụ của giáo xứ trong việc dạy giáo lý : “Dạy giáo lý là trách nhiệm của tất cả cộng đoàn. Thực vậy, khai tâm Kitô giáo “không phải chỉ là công việc của các giáo lý viên hay của các linh mục mà thôi, mà còn là công việc của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu”. Cũng thế, việc giáo dục thường xuyên về đức tin là bổn phận của tất cả cộng đoàn. Vì vậy, dạy giáo lý là một sinh hoạt giáo dục mà mỗi thành viên của cộng đoàn phải thi hành với trách nhiệm riêng của mình, trong một bối cảnh hay môi trường có tính cộng đoàn giàu mối quan hệ với nhau. Những mối quan hệ ấy sẽ giúp cho các tân tòng và những người học giáo lý hòa nhập và tham gia sinh động vào đời sống của cộng đoàn.
            Cộng đoàn Kitô hữu phải theo sự phát triển của qui trình giáo lý, dù là với trẻ em, thanh niên hay người trưởng thành, như một cái gì đó liên đới với cộng đoàn và khiến cộng đoàn phải dấn thân một cách trực tiếp. Ngoài ra, sau một khóa giáo lý, cũng chính cộng đoàn Kitô hữu phải đón tiếp những người đã học giáo lý vào môi trường huynh đệ “trong đó họ có thể sống một cách trọn vẹn nhất những gì họ đã học.”

Nếu cộng đoàn Kitô hữu giúp nhiều cho những người học giáo lý, thì cũng sẽ nhận lại nhiều. Những người mới trở lại đạo, nhất là người trẻ và người trưởng thành, do kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, sẽ đem lại cho chính cộng đoàn đã tiếp nhận họ một sự phong phú mới, cả về mặt nhân bản lẫn tôn giáo. Như thế cộng đoàn được lớn lên, được phát huy, vì huấn giáo không chỉ đưa người học đến sự trưởng thành đức tin mà còn dẫn cả cộng đoàn tới mức trưởng thành như vậy.
           
Mặc dầu toàn thể cộng đoàn Kitô hữu đều có trách nhiệm về việc dạy giáo lý và tất cả mọi thành viên đều phải làm chứng cho đức tin, nhưng chỉ có một số người được Hội Thánh ủy nhiệm để trở thành giáo lý viên. Cùng với sứ mạng đầu tiên của các bậc cha mẹ đối với con cái, Hội Thánh trao một cách chính thức cho một số thành viên của Dân Chúa, đã được mời gọi cách đặc biệt, sứ mạng tế nhị là truyền đạt đức tin một cách có hệ thống ngay trong cộng đoàn.”
4-Giáo lý cho mọi người
Thông thường và thực tế, chúng ta hiểu việc dạy giáo lý là giúp chuẩn bị cho học viên lãnh các bí tích: thiếu nhi học để được xưng tội rước lễ, thêm sức ; người dự tòng học để được lãnh các bí tích khai tâm, giới trẻ học để chuẩn bị hôn phối. Nhưng HDDGL, số 274 cho ta thấy đây là công việc dành của mọi người và cho mọi người. Mọi người có bổn phận chăm lo việc dạy giáo lý thế nào thì mọi người cũng cần được học giáo lý suốt đời như vậy :
“Kế hoạch giáo lý cấp giáo phận là một cống hiến toàn bộ về giáo lý của một Giáo Hội địa phương bao gồm, một cách mạch lạc, chặt chẽ và phối hợp, những tiến trình dạy giáo lý mà giáo phận đề ra cho những người được thừa hưởng thuộc các lứa tuổi khác nhau.
 a. Một tiến trình khai tâm Kitô giáo, thống nhất và chặt chẽ, dành cho ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ, được liên kết mật thiết với các bí tích khai tâm đã lãnh nhận hoặc sẽ lãnh nhận, và với mục vụ về giáo dục.
b. Một tiến trình giáo lý đối với người trưởng thành, dành cho những Kitô hữu cần có một nền tảng đức tin, bằng cách bổ túc việc khai tâm Kitô giáo đã bắt đầu với phép Rửa tội, hay bằng cách thực hiện việc khai tâm đó để lãnh nhận bí tích Rửa tội.
c. Ngày nay trong nhiều nước, thấy cần phải có một tiến trình giáo lý dành cho những người cao tuổi, những Kitô hữu đã đạt đến lứa tuổi thứ ba và sau cùng của cuộc đời, có thể là lần đầu tiên, họ muốn củng cố nền tảng đức tin của mình cho vững chắc.”
5-Dạy giáo lý theo “Niềm Vui của Tin Mừng”
Ngày 24.11.2013, ĐTC Phanxicô, vị giáo hoàng của niềm vui và nụ cười công bố tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (NVTM) như một định hướng mới cho Giáo Hội toàn cầu. ĐHY Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, trong chuyến viếng thăm Việt Nam một tuần, từ ngày 19.01.2015, đã trích dẫn nhiều tư tưởng trong Tông huấn này, và coi nó như một chỉ nam mục vụ cho Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam. Đó là lý do chúng ta cũng cần nhìn việc dạy giáo lý ngày nay dưới ánh sáng của thông điệp quan trọng này :
-Suốt 2000 năm lịch sử dạy giáo lý, với những từ ngữ cổ xưa, đôi khi là những phạm trù triết học kinh viện, có thể xa lạ, khó hiểu với ngôn ngữ hiện đại, nhưng chúng ta vững tin vào Đức Kitô, vị Giáo Lý Viên đầu tiên và kiểu mẫu từ Thiên Chúa và vẫn là Thầy dạy của mọi thời đang nâng đỡ những người chia sẻ công việc Ngài trao. “Sứ điệp của Hội Thánh không bao giờ già đi. Đức Giêsu Kitô có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta tìm cách trở về nguồn để lấy lại sự tươi mát ban đầu của Tin Mừng, thì những con đường mới, những phương pháp sáng tạo, các hình thức diễn tả khác, những dấu chỉ hùng hồn nhất, những lời nói đầy ý nghĩa mới mẻ cho thế giới ngày nay được nảy sinh. Thực ra, tất cả các hoạt động rao giảng Tin Mừng đích thực vẫn luôn luôn “mới mẻ” (NVTM.11).
-Dạy giáo lý là rao giảng Đức Kitô. “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng mà còn là một cái gì xinh đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn” (NVTM. 167).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm Chúa là niềm vui của con, để con chia sẻ niềm vui ấy cách vui tươi cho mọi người. Amen.
 
Mũi Né, 17.06.2015
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận