Nhịp sống đạo tháng 6.2015

Đăng lúc: Thứ hai - 01/06/2015 03:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
MỤC VỤ DI DÂN

Ý cầu nguyện chung tháng 6 này dành cho người “di dân, tị nạn”. Vì thế, Nhịp sống đạo mời gọi chúng ta, không chỉ cầu cho “những người di dân tị nạn được tiếp đón nồng nhiệt trong đất nước họ đến và được đối xử tử tế” như bận tâm của ĐTC Phanxicô cho người di dân trên toàn thế giới; mà cụ thể : lưu tâm đến con em chúng ta, là di dân khi làm ăn học hành xa xứ đạo, xa gia đình mình ; và tiếp nhận chính các tín hữu từ xứ bạn, vì nhu cầu cuộc sống đang tạm trú nơi giáo xứ chúng ta.
Huấn Thị “Tình yêu Đức Kitô dành cho di dân” (HT) của Hội đồng Giáo hoàng mục vụ di dân được ban hành ngày 03.05.2004, và bản tóm lược HT của Ủy ban mục vụ di dân trực thuộc HĐGMVN (TL), cho ta hiểu thêm về họ và có định hướng mục vụ thích hợp giúp đỡ đối tượng đặc biệt này.

1-Di dân là ai? “Di dân là những anh chị em của chúng ta mà vì nhiều lý do khác nhau (lao động, kinh tế, văn hóa, học vấn, chính trị, tôn giáo…) tự ý hay bị ép buộc rời bỏ quê hương xứ sở để tìm tới nơi xa lạ tìm kế sinh nhai xây dựng cuộc sống mới.” (TL.số 1) Những thuyền nhân tị nạn lênh đênh trên biển đang nhập cư vào các nước châu Âu, những người tị nạn chiến tranh xung đột… là những người di dân bắt buộc; còn con cái chúng ta, vì nhu cầu học hành, lao động… rời nông thôn, làng xã, giáo xứ vùng quê, ồ ạt tiến về đô thị, thành phố… chính là những di dân tự ý theo nhịp sống hiện đại ngày nay.

2-Thách thức khó khăn của người di dân : Họ phải đối mặt với nhiều thách đố và nguy cơ trong cuộc sống mới. Loại di chuyển này phần lớn bị phó mặc, do đó khuyến khích sự phát triển nhanh chóng và vô tổ chức các khu dân cư không chút chuẩn bị đón nhận một lượng người lớn như thế, và hình thành các khu nhà ổ chuột với các điều kiện sinh sống thật tệ hại cả về mặt xã hội lẫn luân lý. Di dân bị buộc phải định cư trong những môi trường rất khác lạ với quê quán gốc, vì thế sẽ phát sinh ra nhiều khó khăn và nguy cơ mất gốc về mặt xã hội, kéo theo các hậu quả nghiêm trọng đối với truyền thống tôn giáo và văn hoá cho những người này.” (HT. số 10) Những lời của huấn thị chính xác hơn với tình trạng di dân ồ ạt cả gia đình tìm nơi định cư mới. Tuy vậy, con cái chúng ta là những bạn trẻ đi học, đi làm, hay những phụ huynh buộc phải rời mái ấm làm ăn vất vả nuôi con…mỗi tháng, hay mỗi năm mới về nhà… cũng không tránh khỏi những khó khăn về nơi cu trú, sinh hoạt tôn giáo, nhất là rời xa các hoạt động phụng vụ, đạo đức, kinh hạt của xứ nhà… Con cái xa cha mẹ hoặc cha mẹ xa con cái, đều là thách đố cho việc giáo dục đức tin, cho đời sống đạo…

3-Mục vụ di dân : Phát xuất từ những khó khăn trên mà ta có thể cảm thông, giúp đỡ di dân rời xứ, hay di dân từ nơi khác đến sinh hoạt nơi giáo xứ chúng ta.
-Đối với con cái phải rời xa xứ, “Đừng để việc họ bị bứng gốc (khỏi quê hương, gia đình, ngôn ngữ v.v.) mà chuyện xuất ngoại chắc chắn tạo nên, trở thành tệ hại hơn nữa vì còn bị bứng gốc cả về nghi lễ và căn tính tôn giáo.” (HT. 49) Bằng các phương tiện truyền thông liên lạc ngày nay, hãy luôn nối nhịp sống gia đình, giữ vững các hoạt động giáo dục, kinh nguyện, lòng đạo đức bình dân cần thiết cho đời sống con em chúng ta. Các giáo phận đều có những mục tử mục vụ di dân, để dịp thuận tiện vào thăm, gặp gỡ, động viên con cái mình đang sinh sống xa giáo phận, vẫn nhận được sự nâng đỡ từ quê nhà.
-Đối lại, gần như xứ nào cũng có người mới nhập cư để chính mình phải biết chăm sóc di dân. “Bộ Giáo luật mới của Giáo hội Latinh, khi khẳng định và thể hiện các ước muốn của Giáo Hội, đã đòi các linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm tới những người sống xa quê hương (Can. 529, *1) và mong muốn cũng như đòi hỏi, khi có thể được, dàn xếp để có mục vụ riêng chăm sóc cho họ (Can. 568). (HT. 24) Những lời của HT số 30 tuy dành cho tầm cở quốc gia và quốc tế, cũng hữu ích cho cộng đoàn nhỏ giáo xứ tiếp nhận, mục vụ di dân : “Huấn quyền cũng nhấn mạnh nhu cầu phải có các chính sách hữu hiệu bảo đảm các quyền của di dân: “hết sức tránh bất kỳ hình thức kỳ thị nào” (33); nêu lên một loạt các giá trị và cách cư sử (hiếu khách, liên đới, chia sẻ); và về phía các cộng đoàn tiếp nhận: cần loại bỏ mọi tình cảm và biểu hiện của tinh thần bài ngoại, phân biệt chủng tộc.”

4-Giáo Hội là nhà của di dân: Vì Giáo Hội là một gia đình, nên dù mọi người đi xa đến đâu cũng nằm trong lòng Giáo Hội và có Giáo Hội là nhà. Mong sao con cái chúng ta rời xa giáo xứ, vẫn tìm được mái ấm chở che nơi giáo hội địa phương nào đó; và chính chúng ta, phải cho ngươi di dân cảm thấy giáo xứ chúng ta là nhà cho họ. Chính lời của huấn thị giúp ta thực hiện điều đó :
-“Ngày nay di dân tạo thành cuộc chuyển động những con người, đôi khi cả một dân tộc, vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Nó đưa chúng ta tới tiếp xúc với các con người nam nữ, các anh chị em của chúng ta mà vì lý do kinh tế, văn hoá, chính trị hay tôn giáo đã rời bỏ hay bị ép buộc rời bỏ mái ấm để phần đa rơi vào các trại tị nạn, các thành phố khổng lồ vô hồn, các khu ổ chuột vùng ven đô, ở đó họ phải chia sẻ số phận bị hất hủi của các kẻ thất nghiệp, các trẻ bụi đời và các phụ nữ bị ruồng bỏ. Di dân khao khát những nghĩa cử làm họ cảm thấy được tiếp đón, được nhìn nhận như một con người. Đôi khi chỉ cần một câu chào hỏi thôi đã đủ.”(số 96)…
-“Đối thoại huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau, sống chứng tá tình yêu và đón tiếp, tự chúng trở thành hình thái Phúc âm hoá đầu tiên và không thể thiếu.” (HT.99)
-“Ngoại kiều” là sứ giả của Chúa gây cho ta ngạc nhiên và cắt ngang sự đều đặn và hơp lý của cuộc sống thường nhật, đem những kẻ ở xa lại gần. Trong “ngoại kiều” Giáo Hội nhận ra Đức Kitô “tới cắm lều giữa chúng ta” (cf. Ga 1:14) và “gõ cửa nhà chúng ta” (cf. Ep 1:9-10). Sự gặp gỡ này có đặc tính là quan tâm, đón tiếp, chia sẻ và liên đới, bảo vệ quyền của di dân và cam kết Phúc âm hoá họ… Điều đó cho thấy Giáo Hội hằng quan tâm vì khám phá ra nơi di dân các giá trị chân chính và coi di dân như tài nguyên vĩ đại của nhân loại.” (HT.101)

Mũi Né, 14.05.2015
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
 
 
 
 
 
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận