Lịch sử cứu độ: Bài 4

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/06/2017 21:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Bài 4: 

THÀNH LẬP DÂN THIÊN CHÚA – GIA TỘC BIẾN THÀNH DÂN TỘC

 

Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa với nhân loại dù vẫn gặp những cản trở từ phía con người và thiên nhiên vũ trụ, Thiên Chúa, bằng tình yêu quan phòng và quyền năng, vẫn bảo toàn lời hứa của Ngài với tổ phụ Abraham, Issac và Giacop. Được quy tụ bởi niềm tin vào Thiên Chúa qua trung gian Môsê, Israel trở nên dân của Thiên Chúa qua giao ước Sinai tiến về Đất Hứa.

 

1.               Thiên Chúa luôn đi trước và làm chủ lịch sử bằng tình yêu và quyền năng của Ngài

 

  • Để thoát khỏi nạn đói và có thể tồn vong, gia tộc của tổ phụ Giacop đã phải thực hiện cuộc di cư đến đất Ai cập. Trước đó, Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị một con người – Giuse – để qua ông, một không gian của tình yêu và sự sống được mở ra trên đất Ai cập để đón nhận con cháu Giacop như lời Người đã hứa (St 46,1-2).

 

  • Để cứu con cháu Giacop khỏi thảm họa diệt vong bởi kế hoạch hiểm ác của Pharaoh (Xh 2,20-22), Thiên Chúa qua công chúa và triều đình Ai cập đã chuẩn bị một vị cứu tinh cho Dân của Người – Môsê. Và để chuẩn bị cho sứ vụ của Môsê: dẫn dân Chúa thoát khỏi sự truy đuổi của quân Aicập, Thiên Chúa đã đưa Môsê vào sa mạc, mạc khải danh Ngài và kế hoạch giải cứu đoàn dân lâm nguy cho ông (Xh 2,16-22; 3,1-15).

 

2.               Thiên Chúa cảnh báo và khi cần, vung cánh tay mạnh mẽ để khuất phục những thế lực muốn chống lại kế hoạch của Ngài

 

  • Những tai ương (Xh 7-10) như những cảnh báo Thiên Chúa dành cho Pharaoh trước sự kháng cự của ông ấy (Xh 4,1) trước khi Ngài dùng cánh tay mạnh buộc Pharaoh phải khuất phục: “mọi con đầu lòng của Pharaoh, kẻ sẽ được ngự trên ngai của nó, cho đến con đầu lòng của đứa nữ tì phận hèn cối say và đến con đầu lòng thú vật sẽ phải chết” (Xh 11,29-34) trừ ra những con đầu lòng trong các nhà của Israel, nơi có dấu máu chiên bôi trên cửa. Trước tai họa khủng khiếp đó, Pharaoh đành nhượng bộ để đoàn dân nô lệ thưc hiện cuộc xuất hành.

 

  • Dầu vậy, Pharaoh vẫn chưa từ bỏ sự kháng cự của mình trước Thiên Chúa Giavê. Tin vào chiến xa, kỵ binh và sức mạnh con người, Pharaoh đuổi theo đoàn dân với ý định tiêu diệt hay bắt họ quy phục. Qua những tác nhân thiên nhiên vũ trụ, Thiên Chúa cảnh báo Pharaoh trước khi dùng nước biển đỏ nhấn chìm tham vọng và sự kháng cự cuối cùng của ông (Xh 14,5-31).

 

3.  Một dân được thiết lập bởi niềm tin và giao ước

 

  • Chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa qua sự kiện biển Đỏ, đoàn dân được giải thoát khỏi ách nô lệ tin vào Thiên Chúa và Môsê tôi tớ của Ngài. Niềm tin đã quy tụ những người bị đau khổ, áp bức trên đất Ai cập thành một cộng đồng của niềm tin. Tập thể này không chỉ bao gồm con cháu Giacop và Giuse trên đất Ai cập nhưng bao gồm những ai tin vào Thiên Chúa.

 

  • Trước khi trở thành một dân riêng của Thiên Chúa, đoàn dân vừa được cứu thoát cần được tôi luyện qua thử thách của hành trình sa mạc. Những bất trung bội tín vừa giúp họ ý thức hơn ân huệ được tuyển chọn và quan trọng hơn, tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa luôn lớn hơn và vượt xa sự bất trung bội tín của chính họ (Xh 15,22-18,27).

 

  • Giao ước Sinai với nghi thức Môsê rảy máu thú vật trên bàn thờ và trên dân chúng làm cho Israel và Thiên Chúa trở nên một gia đình trong đó dân thực sự là dân của Chúa còn Thiên Chúa là Chúa của dân. Như thế, Thiên Chúa không chỉ quy tụ họ bằng tình thương và quyền năng của Ngài mà còn biến họ thành nỗi lòng, thành sở hữu, thành dân riêng của Ngài. 

 

  • Đoàn dân được cứu thoát khỏi ách nô lệ của Ai cập với việc được Thiên Chúa ký kết giao ước và ban những điều luật chính thức trở thành một dân tộc và như thế, lời hứa với tổ phụ Abraham về một dòng dõi đã trở thành hiện thực kèm theo phúc lành của Thiên Chúa qua sự hiện diện hữu hình của Ngài. Dân tộc này còn phải tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía trước để hoàn thành lời hứa về một đất (St 12,7).

 

4.  Hành trình tiến vào đất hứa

 

  • Hành trình tiến vào đất hứa của dân Israel gặp không ít khó khăn và không ít lần thất bại (Ds 14,45), tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Môsê và người kế vị ông – Giosuê, cách đặc biệt sự trợ giúp của Thiên Chúa, họ đã vượt qua sông Giođan (3,14-4,18) tiến vào Đất Hứa rồi cử hành lễ vượt qua trong tư cách của dân Chúa, những người được cắt bì với phẩm vật của đất ấy thay cho manna (Gs 5,2-12).

 

  • Cuộc chinh phục đất hứa của dân không diễn ra cùng một lúc và một lần thay cho tất cả nhưng là một quá trình tiệm tiến và diễn ra theo những cách thức khác nhau theo từng hoàn cảnh của mỗi thị tộc. 

 

  • Chính quá trình tiếp xúc và hội nhập vào trong vùng đất mới cách riêng lẻ đã khiến Israel không ít lần đối diện với nguy cơ bị tiêu diệt bởi những dân bản xứ và nhất là kẻ thù bên ngoài là Philitinh. Không chỉ có vậy, Israel đã không ít lần đánh mất nhận dạng “dân riêng của Chúa” qua việc vi phạm giao ước. Họ bỏ Chúa để chạy theo thần ngoại và lối sống vô luân. Hình phạt của Thiên Chúa đã bao lần giáng xuống trên họ như những lời cảnh báo, dầu vậy, tình thương vẫn là tiếng nói cuối cùng của Ngài. Thiên Chúa vẫn ban cho họ những Thủ Lãnh để cứu vớt họ và giúp họ trụ vững trên đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ.

 

Tóm lại, với biến cố xuất hành và giao ước Sinai, Thiên Chúa không chỉ giải thoát con cháu các tổ phụ Abraham, Issac và Giacop khỏi thảm họa bị tiêu diệt trên đất Aicập nhưng còn quy tụ những người bị áp bức thành một dân, Dân Thiên Chúa qua trung gian Môsê. Với Giosuê, Thiên Chúa còn đưa dân của Ngài vào chiếm hữu phần Đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, nhu cầu để thống nhất các chi tộc về một mối để hình thành một đất nước, một vương quốc dưới quyền lãnh đạo của một vị vua anh minh và một trung tâm tôn giáo nơi ấy Thiên Chúa hiện diện như là Chúa ở giữa dân Người là vô cùng cấp thiết. Đây chính là nội dung sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp. 

 

Lm Augustino Nguyễn Đức Lợi

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận