Giáo lý dự tòng từ thánh lễ, bài số 1

Đăng lúc: Thứ năm - 20/08/2015 16:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GẶP GỠ

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Kính chào cha, con là Trung có bạn gái là người Công Giáo, muốn kết duyên nên vợ chồng và con xin học đạo. Còn đây là Tín bạn con, nghe con nói đi học đạo nên cùng đi theo cho vui và muốn học cho biết.
 
Tốt lắm, rất vui đón tiếp các bạn ! Hiện nay người Công Giáo Việt Nam khoảng 6,8 triệu trên khắp nước ta với hơn 90 triệu dân. Nhưng dù tỉ lệ bé nhỏ vẫn có những dấu chỉ giúp ta nhận ra người có đạo. Bạn có nhận ra họ không, và vì sao ?
 
Dạ, cũng dễ thôi, thấy người nào ngày Chúa Nhật đến nhà thờ thì con biết đó là người có đạo.
 
Chính xác ! Họ đến nhà thờ để tham dự một nghi lễ rất lâu đời, khoảng 2000 năm, nghi lễ này do chính Chúa Giêsu Kitô truyền cử hành, và cũng là nghi lễ giúp người có đạo (gọi là tín hữu) gặp gỡ Đức Kitô. Nghi lễ cổ kính, thánh thiêng ấy gọi là Thánh Lễ. Chúa Nhật này mời bạn đúng 6g00 đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, và từ nền tảng Thánh Lễ, tôi sẽ giúp bạn học giáo lý để trở thành người Công Giáo.

 
-Bài 01-

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.”
THIÊN CHÚA BA NGÔI
 
Chúa Nhật vừa rồi là lần đầu tiên chúng con đi lễ, và cảm tưởng ban đầu là thích nghe hát, nhạc êm dịu, thanh thoát chứ không phải xập xình !
 
Đó là thánh nhạc, nhạc được chọn lọc kỹ phải hội đủ yếu tố thánh thiêng và mỹ thuật, giúp nâng tâm hồn người tín hữu, được phê chuẩn mới dùng trong nhà thờ cho việc thờ phượng gọi là nhạc phụng vụ. Bài đầu tiên bạn nghe là ca nhập lễ.
Rồi chủ tế khởi đầu thánh lễ bằng dấu thánh giá “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Cộng đoàn đáp Amen”. Bạn có biết câu đọc đó có ý nghĩa gì không ?
 
Cha là chính cha đang dâng lễ, con là chúng con đây và thần thánh nào đó, điểm danh hiện diện ! Phải vậy không cha ?
 
Đúng là mới nghe đọc dễ ngộ nhận như vậy ! Dấu thánh giá làm trên mình, và đọc “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” là tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chữ “Cha”, “Con” VIẾT HOA, chứ không phải viết thường để chỉ cha con mình. Nhờ Chúa Giêsu dạy, chúng ta tin Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải trong một ngôi vị đơn độc, nhưng có đến ba ngôi, ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi… Trước đây bạn có theo đạo nào không ?
Dạ không, theo đạo ông bà và tin có ông trời.
“Ông Trời” đó là Thiên Chúa. Việt Nam mình gọi bằng “Ông” nhưng Chúa Giêsu là Con của Trời xuống thế dạy và nâng chúng ta lên cũng là con trời, gọi Thiên Chúa là “Cha”, gần hơn một cấp độ, một đời !
“Con” khi làm dấu thánh giá chỉ Chúa Con đó là ai ?
Là Chúa Giêsu. Chính là Con Thiên Chúa làm người. Ngôi Hai Thiên Chúa làm người tên là Giêsu, còn được gọi là Đức Kitô.
Còn Thánh Thần là thần hoàng nào vậy ?
Không, là Chúa luôn, ngôi thứ ba Thiên Chúa. Thần hoàng là người được vua phong thần để tín ngưỡng dân gian tôn kính, còn Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Bạn cũng phân biệt luôn với thiên thần là loài thiêng liêng do Chúa dựng nên, cũng khác với Thánh Thần là chính Thiên Chúa ta tôn thờ.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ba Chúa à ?
Không, một Chúa ba ngôi. Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần. Hơi khó hiểu một tí, ta gọi là mầu nhiệm, nhưng thử dùng lý trí con người tiếp cận : chúng ta đây có ba người : Trung, Tín và tôi-linh mục Phêrô. Chúng ta là ba người khác nhau, ba ngôi vị nhân trần khác nhau, nhưng đều là người, một loại người theo nhân chủng học, bình đẳng với nhau, nhân quyền như nhau, không ai đẳng cấp thấp cao khác nhau như quan niệm sai lầm xa xưa, mà cùng được tôn trọng như nhau.
Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần là ba ngôi vị riêng biệt, nhưng “đồng bản thể và cùng được phụng thờ” như nhau, không ngôi vị nào hơn kém ngôi vị nào. Một cách đơn giản, tương đối (triết học gọi là nghĩa loại suy, na ná như vậy) cũng như chỉ có một loại người là loài người, dù có nhiều người khác nhau, thì chỉ có một Chúa mà có ba ngôi vị riêng biệt.
Nói “Ông trời” ta hiểu ngay chỉ có một, còn Đức Chúa Trời có ba ngôi dễ lộn là ba Chúa quá !
Đó là lý do mà Thiên Chúa dạy khá muộn chân lý này, mãi thời Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đến giảng cho ta mới biết điều ấy, chứ từ hàng ngàn năm trước dân Chúa vẫn tin một Chúa duy nhất. Khi con người có khuynh hướng đa thần, và chưa đủ sức tiếp nhận, Thiên Chúa chỉ dạy một Chúa duy nhất. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa làm người mới dạy về Ba Ngôi.
Cha thử đưa ra những gì minh chứng Chúa Giêsu dạy điều đó.
Nhiều lắm ! Trước hết các bạn nên biết chân lý tôn giáo, hay giáo lý ta đang học, mà bao người tín hữu tin, là nhờ Chúa dạy, gọi là Chúa mạc khải, và được ghi trong Kinh Thánh : gồm 46 cuốn viết trước công nguyên (-tcn-tức trước Chúa Giáng Sinh) gọi là Cựu Ước ; và 27 cuốn viết sau công nguyên gọi là Tân Ước. Từ Tân Ước chúng ta sẽ tìm thấy lý chứng Kinh Thánh về mầu nhiệm Ba Ngôi. Tôi chỉ trích 2 chỗ : khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng : Mt 3, 13-17 và sau khi Người từ cỏi chết sống lại : Mt 28, 16-20.

1- Đức Giê-su chịu phép rửa (Mt 3, 13-17)
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.14 Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! "15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."
- “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu” là Chúa Thánh Thần ; “tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." chính là tiếng Chúa Cha ; và rất rõ nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. 


2- Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân (Mt 28, 16-20)
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

- “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” : công thức ba ngôi để cử hành bí tích rửa tội, làm dấu thánh giá… diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sao có lúc gọi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, có khi chỉ có Cha, Con và Thánh Thần, bỏ chữ Chúa ?
Khi sợ ngộ nhận như bạn chỉ nghe tưởng cha con mình, nên có lúc dịch, người ta thêm vào chữ Chúa cho rõ. Trong phụng vụ, buộc dịch sát bản văn Latin dấu thánh giá “In nomine Patris, et Filii, et Spritus Sancti” thì không có chữ Chúa. English : In the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Spirit, cũng không có chữ Chúa: God.
Thiên Chúa là tình yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa là kiểu mẫu cho mọi mô hình hiệp nhất, hiệp thông, yêu thương. Đơn độc, một mình không thể diễn tả tình yêu và sự hiệp nhất nội tại. Ba Ngôi Thiên Chúa vừa là nguồn, là sức mạnh, là kiểu mẫu cho tình yêu và sự hiệp nhất trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh.
Thế còn chữ Amen khi cộng đoàn thưa có nghĩa gì ?
Tiếng Do Thái Amen –cũng được dùng để kết thúc quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh, cũng như một số lời cầu nguyện của Tân Ước và các lời cầu nguyện phụng vụ của Hội Thánh– diễn tả lời ‘Thưa vâng” đầy tin tưởng và trọn vẹn của chúng ta đối với những gì chúng ta đã tuyên xưng.
Có công thức nào để ta dễ ghi nhớ các điều chúng ta vừa trao đổi không ?
Bản Giáo Lý hỏi thưa của Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ tóm kết cuộc trao đổi của chúng ta, và giúp bạn ghi nhớ những giáo lý căn bản của đạo Công Giáo.

1.    Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là gì?
T.    Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. [44]
2.    H.        Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào?
T.    Hội Thánh tuyên xưng một Thiên Chúa mà Ngài có ba ngôi: ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần. [44]
3.    H.        Nhờ đâu chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
T.    Nhờ Chúa Giêsu mạc khải mà chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19). [45]

Vâng, về nhà con sẽ ôn lại để ghi nhớ những chân lý đức tin này !
Và bạn hãy tập làm dấu thánh giá thật trang trọng trước khi đi ngủ và khi thức dậy, trước và sau bữa ăn… để diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Có kinh Sáng Danh chúc tụng Chúa Ba Ngôi : Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen. Bạn học thuộc luôn để tập cầu nguyện đơn giản ! Dấu thánh giá thường khởi đầu, kinh Sáng Danh thường kết thúc cho việc cầu nguyện hay hoạt động đạo đức, cả sinh hoạt đời thường khi mình dâng cho Chúa.


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận