Bài 2: Thiên Chúa Sáng Tạo

Đăng lúc: Thứ hai - 07/09/2015 15:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
-Bài 02-
“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là
Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất…”
THIÊN CHÚA SÁNG TẠO


Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy
 
Chúng ta dựa vào Thánh Lễ để trao đổi giáo lý, nhưng không đi theo diễn tiến từ đầu đến cuối, mà tôi chọn những lời đọc diễn ra trong đó để dẫn giải giáo lý theo nội dung truyền thống từ xưa gồm 4 phần : Tín Lý-Phụng Vụ-Luân Lý-Kinh Nguyện. Ngay cả phần I Tín Lý : Điều chúng ta tin, cũng theo thứ tự Thiên Chúa Ba Ngôi, sáng tao, Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ, Hội Thánh…
 
Trong Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng, sau khi cha giảng thì cộng đoàn tuyên xưng đức tin. Có 3 hình thức : đọc (hoặc hát) kinh Tin Kính ngắn gọi là kinh Tin Kính các Tông Đồ ; kinh dài gọi là Kinh Tin Kính của Công đồng Nicê-Constantinôp ; hoặc tuyên xưng hỏi đáp như khi Rửa Tội, Thêm Sức hay trong Lễ Vọng Phục Sinh.
 
Bằng kinh Tin Kính các Tông Đồ, chúng ta tuyên xưng : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.” Còn kinh dài chúng ta hát “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình…” Bạn có biết câu tục ngữ nào nói về trời sinh ra sinh vật không ?
 
Dạ, “trời sinh voi, trời sinh cỏ.”
Hay lắm ! Đó là câu nói ông trời là tác nhân sinh thành. “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chúng ta có thể hiểu Chúa Trời tạo dựng nên mọi sự, không chỉ có voi và cỏ thôi, mà cả mọi giống thảo mộc và muông chim thú, cả vũ trụ. Vừa rồi mới tìm ra một “anh của trái đất” hành tinh Kepler 452b, cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng, khoa học thì mới tìm ra, nhưng tất cả đều do Thiên Chúa dựng nên rất lâu rồi…
 
Cũng có lý thuyết cho rằng thế giới tự nhiên mà có. Thế người Công Giáo căn cứ vào câu tục ngữ thành ngữ nào mà nói Chúa tạo dựng ?
 
Từ Kinh Thánh. Không phải một câu, một vài câu đâu, mà cả cuốn sách, cả một bộ sách cho mọi vấn đề của niềm tin. Bạn hãy đọc những câu đầu tiên của cuốn sách đầu tiên là Sáng Thế chương 1 :
 
Thiên Chúa sáng tạo trời đất
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
3 Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
6 Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước."7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy.8 Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
9 Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy.10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất", khối nước tụ lại là "biển". Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
11 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy.12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
14 Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy.16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất,18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
20 Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời."21 Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất."23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
24 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy.25 Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
26 Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu…”
 
Mấy con số trong đoạn này là gì thưa cha ?
Đó là số câu. Kinh Thánh là bộ sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất thế giới, được nghiên cứu học hỏi sâu rộng, và trích dẫn chính xác minh chứng cho chân lý đức tin. Vì vậy ngươi ta chia ra từng chương và câu. Nhiều lúc học thuộc nữa. Viết tắt bằng 2 chữ đầu (nếu trùng thì viết chữ thứ ba) và các con số diễn tả chương và câu. Ví dụ Đức Giê-su chịu phép rửa Mt 3, 13-17 là trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu, chương 3, câu 13 đến 17 ; Viết tắt đoạn sáng tạo vừa rồi là St 1, 1-31.
 
Sao chỉ có 6 ngày mà dựng nên mọi sự, mặt trời thì chưa có mà có ánh sáng, còn các nhà khoa học thì nói sinh vật tiến hóa từ từ, hàng triệu năm, vũ trụ hình thành hàng tỉ năm… ?
 
Kinh Thánh do Thiên Chúa linh hứng (gợi hứng bởi thần linh, soi sáng, giúp đỡ) cho tác giả nhân trần là con người, dùng ngôn ngữ của con người trong thời đại đó để diễn tả chân lý đức tin. Nếu người ta coi bộ sách Sáng Thế thuộc Ngũ Kinh do Môsê và truyền thống của ông là tác giả, thì nhân vật nổi tiếng giúp Dân Chúa thoát khỏi ách nô lệ bởi vua Pharaon Aicập khoảng thế kỷ 13 tcn, cách đây hơn 3.200 năm rồi. Dù Thiên Chúa là tác giả chính, nhưng Kinh Thánh vẫn lệ thuộc vào ngôn ngữ giới hạn của con người lúc trướt tác. Nếu so với tục ngữ Việt Nam “trời sinh voi, trời sinh cỏ” thì cả bài Kinh Thánh rất xa xưa này diễn tả đầy đủ hơn về ông trời tạo dựng mọi sự phải không ! ?
Mục đích của Kinh Thánh là trình bày chân lý đức tin là những sự thật cần cho ơn cứu độ chúng ta. Chân lý ở đây là : mọi sự không phải tự nhiên mà có, nhưng bởi Thiên Chúa dựng nên, Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng Tác Thành (viết hoa để trân trọng) mọi người phải biết tri ân Thiên Chúa, chúc tụng tôn vinh Ngài, và sử dụng công trình tạo dựng rất tốt đẹp ban đầu để sống hạnh phúc cho nhau…
Bản văn không nhắm trình bày tiến trình hình thành vũ trụ, đó là công việc của khoa học tìm hiểu chân lý khoa học. Chúng ta không lấy cái nhìn hiện đại của viễn vọng kính Kepler để phê bình bản văn thời cổ đại về mặt khoa học. Cả ngày nay, chúng ta còn dùng kiểu nói “trời mưa, trời nắng, trời tối, mặt trời lặn” và nói như thế ai cũng hiểu ; chứ chúng ta không cần phải “khoa học hóa” những chân lý sinh hoạt hằng ngày. Bạn thử nghĩ khi được hỏi : tại sao bạn bị ướt mình, thay vì nói vì “trời mưa”, phải trả lời rằng : vì nước dưới mặt địa cầu gặp ánh nắng mặt trời bốc hơi thành hơi nước, gặp lạnh tụ lại thành mây, từ biển đông, áp lực khí quyển chênh lệch tạo thành gió đưa vào thềm lục địa và từ trên cao khoảng  10.000 m  rơi xuống ướt áo tôi… Ngày nay chúng ta cũng biết mặt trời là trung tâm của hệ mặt trời trong đó trái đất mình là một vệ tinh xoay quanh, và tự xoay quanh mình để có ngày đêm chứ không phải mặt trời di chuyển “mọc lên, lặn xuống”… Cả những gì tôi đang giảng giáo lý cho bạn mà có trích dẫn về khoa học, thì cũng có thể không chính xác lắm, bạn tra cứu và điều chỉnh lại. Điều chúng ta cần là nói về Thiên Chúa để gặp gỡ và yêu mến Ngài. Học đạo là tìm chân lý đức tin cần cho ơn cứu độ chúng ta.
Vâng, chúng con đã hiểu vấn đề ! Không tìm khoa học trong bản văn Kinh Thánh, nhưng tìm chân lý đức tin, những gì cần thiết cho cả vận mệnh con người.
Trở lại với kinh Tin Kính “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình…”. Thiên Chúa là Cha chúng ta đã nói lần trước, nhờ Chúa Giêsu dạy điều đó.
“Muôn vật hữu hình” là mọi sự ta thấy được, cả khi phải dùng kính hiển vi hay viễn vọng, bao gồm mọi sinh vật và cả vũ trụ này, đỉnh cao là con người.
“Vô hình” là loài thiêng liêng, ta không thấy, đó là các thiên thần. Trong Thánh Lễ khi chúng ta hát “thánh, thánh, thánh Chúa là Thiên Chúa các đạo binh…” đó là lời ca của thiên thần, và ta cùng hát với thiên thần. Mỗi người còn có một thiên thân hộ thủ, ta mừng lễ vào ngày 02.10. Ba Tổng lãnh thiên thần có tên quen thuộc là Micael, Gabriel và Raphael được mừng lễ vào ngày 29.09… sau này có dịp chúng ta nói kỹ hơn.
Tại sao ta biết đỉnh cao của muôn vật hữu hình là con người ?
Dự Thánh Lễ bạn thấy trong đoàn rước, chủ tế-người quan trọng nhất đi sau cùng phải không ? Bản văn như một diễn tiến phụng vụ, và con người là nhân vật xuất hiện sau cùng, vào ngày thứ 6, sau khi thế giới được dựng nên và tô điểm đầy đủ trong 5 ngày trước để phục vụ con người. Bản văn cũng cho thấy dựng nên con người quan trọng, nên dường như Thiên Chúa phải bàn bạc “Chúng ta hãy làm ra con người”, khác với các lời trước đó “Chúa phán” để tạo thành thế giới muôn vật khác. Sự cao trọng còn được thể hiện khi Chúa truyền cho con người “thống trị mặt đất”, là làm chủ công trình tạo dựng. Và nhất là con người được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa.” Trình thuật dựng con người khá dài, từ câu 26-31. Cảm nghiệm địa vị cao quí của mình, dân Chúa đã hát qua Thánh Vinh : “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8, 6).
Đúng là đọc bản văn trên cho thấy con người được Chúa ưu tiên nhất khi sáng tạo. Thế Chúa lấy nguyên liệu từ đâu mà dựng nên mọi sự ?
Từ “hư vô” nghĩa là từ không, không có gì cả. Từ trống rỗng, không có gì, quyền năng Chúa dựng nên mọi sự. Còn việc nó tiến hóa từ dạng này sang dạng khác, từ sinh vật cấp thấp đến sinh vật cấp cao để đấu tranh sinh tồn với môi trường, thì đó là tiến trình mà khoa học khám phá. Quá trình hình thành có thể là một vụ nổ Bigbang, một sự tiến hóa, nhưng ban đầu là không có gì.
Cha nghĩ sao khi thuyết tiến hóa cho rằng con người từ khỉ vượn tiến hóa thành ?
Nó chỉ là một thuyết, chưa là chân lý khoa học và ngày nay có phần suy yếu. Nếu thuyết đó đúng với con người, thì thân xác có thể tiến hóa, nhưng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” không chỉ có thân xác là vật chất, được Chúa lấy “bụi đất” dựng nên, mà có linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp ban cho, diễn tả qua việc Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi” : “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2, 7). Bạn hãy đọc St 2, 7-24 bổ túc trình thuật trên :
Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra… Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết."18 Đức Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.19 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.21 Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.22 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. 23 Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra."24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”
Sao cũng trình bày việc tạo dựng mà bản văn này khác bản văn trước ?
Cũng như trong thực tế, cùng một vấn đề phải được nhìn dưới nhiều khía cạnh để thấy và diễn tả, nên đây là một truyền thống văn chương khác, trình bày tạo dựng con người. Con người là một sinh vật (hữu thể) vừa vật chất vừa tinh thần. Vật chất là thân xác  từ “bụi đất” (nên sám hối bỏ tro trên đầu để nhớ mình trở về với tro bụi là chết đem chôn hoặc thiêu) diễn tả thân phận con người mong manh, yếu đuối chống qua. Nhưng con người cũng có phần thiêng liêng bất tử, trường tồn là linh hồn từ “sinh khí” được Chúa trực tiếp thổi hơi vào. Con người : xác-hồn.
“mất hồn, hết hồn, gọi hồn”… dân gian chưa biết Chúa vẫn tin có hồn. Thế, trình thuật này trình bày người nam bị rút xương sườn dựng nên người nữ là thế nào ?
Người đàn ông đầu tiên đó là Adam, “đặt tên muôn thú” cho thấy con người có chủ quyền trên tạo vật. Nhưng dù đã có mọi sự thế gian mà chưa có người nữ là Eva, thì ông thấy còn thiếu, thiếu nghiêm trọng ; và Adam chỉ vui, thỏa mãn khi có Eva. Đây là câu chuyện rất hay, dạy về  tình yêu đôi lứa, đời sống vợ chồng và gia đình.
Vợ chồng bình đẳng, một xương một thịt. Nếu Eva được làm từ xương đầu thì có quyền “cỡi đầu cỡi cổ” Ađam : vợ trên quyền chồng ; ngược lại, nếu lấy xương gót chân mà tạo Eva thì bị chà đạp, cảnh “chồng chúa vợ tôi.” Xương sườn gần con tim để yêu thương, xương sườn bên hông, ngang nhau, bình đẳng nhau…” “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23) diễn tả rất đẹp hình ảnh vợ chồng kết hợp nên một để sinh con cái…
À, và câu 24 con cũng hiểu tại sao vợ chồng ra riêng :Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” xây tổ ấm riêng, có quyền rời xa cha mẹ ruột mình !
“Kết hợp nên một để sinh sôi nảy nở” theo lệnh Chúa cũng chính là mục đích hôn nhân mà sau này bạn học về Bí tích Hôn Phối sẽ được nói kỹ hơn. Bạn để ý cả hai trình thuật Chúa dựng nên con người “có nam có nữ”, nên hôn nhân theo ý Chúa là kết hợp giữa hai ngưòi nam nữ chứ không phải hôn nhân đồng tính.
Phải công nhận thời cổ đại mà có một trình thuật về đời sống một vợ một chồng, bình đẳng yêu thương như thế thì quả là Kinh Thánh rất văn minh hiện đại !
Sau khi trò chuyện trao đổi, giờ ta chỉ ghi nhớ những điều căn bản :
1.  H.        Ai đã tạo dựng vũ trụ?
T.  Chính Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ. [52]
2.  H.        Vũ trụ được tạo dựng để làm gì?
T.  Vũ trụ được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho con người. [53]
3.  H.        Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ thế nào?
T.  Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà tạo dựng vũ trụ “từ hư vô” (2 Mcb 7,28). [54]
4.  H.        Thiên Chúa tạo dựng những gì?
T.  Thiên Chúa tạo dựng trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình. [59]
5.  H.        Muôn vật hữu hình là gì?
T.  Muôn vật hữu hình là tất cả các thụ tạo mà chúng ta thấy được, trong đó cao trọng nhất là con người. [63]
6.  H.        Ai ban linh hồn bất tử cho con người?
T.  Thiên Chúa trực tiếp ban linh hồn bất tử cho con người. [70]
7.  H.        Muôn vật vô hình là gì?
T.  Muôn vật vô hình là loài thiêng liêng, được dựng nên để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ loài người. Đó là các Thiên Thần. [60-61]

Bài thực hành là chúng ta tạ ơn Chúa “chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người” (kinh Cám Ơn) và làm chủ thế giới. Nhưng phải biết trân trọng nét đẹp của công trình sáng tạo, bảo vệ thiên nhiên môi trường, gìn giữ “ngôi nhà chung” của nhân loại như ĐTC Phanxicô kêu gọi qua thông điệp về môi sinh ban hành ngày 24.05.2015 : “Laudato si”-Ngợi khen Chúa. Bạn tiếp tục siêng năng đi lễ, cả ngày thường nữa để nhớ kỹ Thánh Lễ sẽ hiểu bài rõ hơn.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận