Giáo Lý Hôn Nhân

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2015 21:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
GIÁO LÝ HÔN NHÂN - ƠN GỌI HÔN NHÂN

 

  Để chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ cần hiểu biết về đời sống gia đình, vai trò người vợ - người chồng, trách nhiệm và bổn phận nuôi dạy con cái, sự hòa hợp trong tính dục… Tất cả những điều đó rất cần, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là học biết và sống theo gương Đức Giêsu. Giáo lý hôn nhân nhằm hướng dẫn tình yêu hai người nam nữ trong đời sống vợ chồng luôn bền vững và liên kết với tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Mọi cặp vợ chồng đều mong muốn gia đình mình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không tự đến, và cũng chẳng ai cho; ta chỉ có được khi biết kiếm tìm và cùng nhau nổ lực xây dựng. Học giáo lý hôn nhân là tìm đến với Chúa Giêsu, cầu nguyện và học với Ngài cách sống tình yêu, để từ đó nổ lực xây dựng hạnh phúc gia đình trong Chúa Kitô. Có Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình, mọi trở ngại, âu lo sẽ được vượt qua và sẽ có an bình tươi vui (x. Mt 8,23-26; Ga 2,1-12).

 

BÀI I.   ƠN GỌI HÔN NHÂN

 

       Ngày nay, nhiều bạn trẻ rất bình thản khi bước vào đời hôn nhân, xem đó như một việc tự nhiên bình thường, không có gì để nói. Thế nhưng, hôn nhân đâu phải chuyện tầm thường; nó quyết định cả vận mệnh tương lai đời người. Cần đặt nó đúng vị trí và hành động cho phù hợp.

 

1.Hôn nhân là ơn gọi nên thánh giữa đời

    Đời sống như ơn gọi. Mỗi người được Thiên Chúa mời gọi một cách : người thì bác sĩ, kẻ kỹ sư, người này thầy giáo, kẻ nọ thương gia.... Có người được Chúa mời gọi sống bậc tu trì, kẻ khác bậc đôi bạn. Chúa khôn ngoan thấy bạn hợp con đường nào, Người mời gọi bạn theo con đường ấy. Mẫu số chung của mọi ơn gọi là “Nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48; cf. Lv 19,2). Trước đây, người ta đơn giản nghĩ rằng chỉ có những người dâng hiến cuộc đời sống bậc tu trì như linh mục, tu sĩ để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân mới có ơn gọi. Còn đa số sống đời hôn nhân phàm tục thì làm gì có ơn gọi. Hôn nhân là lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong Kinh thánh, Chúa đã mời gọi Ađam và Eva sống đời hôn nhân đầu tiên, để từ đó phát sinh mọi hôn nhân nhân khác (St 1,22-24). Đức Maria không có ý định sống bậc gia đình, chỉ muốn trọn đời vui sống nhà Chúa, nhưng thiên ý nhiệm mầu đã mời gọi Mẹ làm mẹ Đấng Cứu thế (Lc 1,26.35). Hai ông bà Martin và Guérin, song thân của thánh nữ Têrêxa, đều muốn hiến dâng mình cho Chúa, nhưng Chúa lại muốn họ sống bậc gia đình và nên thánh giữa đời. Mọi nẻo đường đều dẫn tới đích chung hay vận mệnh chung của con người là hưởng hạnh phúc đích thực.

 

2.Lời mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo và phát triển.

    Thiên Chúa đã khởi sự công việc sáng tạo tốt đẹp. Ngài mời gọi con người cộng tác và tiếp tục làm cho sáng tạo ngày thêm hoàn mỹ. Cách thế cộng tác vào chương trình của Người là đời sống hôn nhân. Hôn nhân là cách sống ơn gọi làm người của bạn, nhờ đó mà bạn thành toàn nhân cách và trở nên người hơn. Bạn được mời gọi cộng tác với Đấng Tạo Hoá để sinh ra những con người mới, phát triển xã hội ngày càng đông đảo và làm cho Dân Chúa ngày thêm phong phú.

 

3.Một ơn gọi cần được chuẩn bị chu đáo.

Có những vấn đề sai một ly đi một dặm. Trong hôn nhân, sai một ly làm hỏng cả cuộc đời. Vì thế phải rất thận trọng để chọn lựa và quyết định bước vào đời hôn nhân.

-           Suy nghĩcho chín chắn. Vội vã trong tình yêu sẽ vội vã trong hận thù (ngạn ngữ Do thái).

-           Cầu nguyện.“Không có Ta, các con không làm gì được”. Ra trận, cầu nguyện một lần; vượt biển, cầu nguyện hai lần; lập gia đình, cầu nguyện nhiều lần.

-           Bàn hỏivới các bề trên, các bậc khôn ngoan, những người có trách nhiệm, từng trải và đạo đức.

-           Chọn lựa kỹ càng người bạn đời. Những tiêu chuẩn chọn lựa chính yếu :

    vLấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.

    v. Cái nết đánh chết cái đẹp. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Đàn ông thường hám sắc, vì thế sắc đẹp dễ làm mờ trí khôn. Hãy chọn cái đẹp tâm hồn là nết na đạo hạnh.

    v. Đức thắng tài. Tài đức song song là tuyệt vời. Nếu thiếu, hãy ưu tiên cho đức. Có tài mà không đức sẽ làm dễ điều gian ác. Có đức mà ít tài, chắc chắn không làm điều càn dỡ. Sự thánh thiện trong đời sống vẫn luôn là yếu tố chủ chốt.

    v. Đồng tôn giáo. Nếu không, khó tạo được bầu khí an hoà trong đời sống chung, và sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc giáo dục con cái.

 

BÀI II.  BÍ TÍCH HÔN NHÂN

 

I. Hôn nhân là gì?  Công đồng Vatican II trong Hiến chế “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” cho biết ý nghĩa của hôn nhân :

a.  Hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêucủa một người nam và một người nữ được Thiên Chúa thiết lập với sự ưng thuận không thể rút lại của hai người.

 

b.  Hôn nhân là một bí tích, nghĩa là một phương thế thánh để chuyển thông ơn cứu độ cho những người sống bậc vợ chồng.

 

c.   Tình yêu hôn nhân là biểu tượng, là phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.

Do đó, bậc sống hôn nhân là thánh thiện và đồng thời là một ơn gọi cao cả của Thiên Chúa ban. Điều này có được là nhờ Đức Giêsu Kitô. Người nhắc nhở cho biết phẩm giá của con người, của tình yêu. Người thánh hoá hôn nhân và đem đến cho hôn nhân vẽ đẹp tôn quý.

 

II. Bí tích hôn nhân

Hôn nhân là giao ước hay khế ước được tự do ký kết giữa một người nam và một người nữ  và có giá trị trọn đời cho cả hai người. Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã xác minh ý nghĩa nguyên thủy của sự phối hợp giữa người nam và nữ như Thiên Chúa muốn từ lúc đầu (x. Mt 19,8). Ngài nhấn mạnh tính bất khả phân ly của mối dây ràng buộc hôn nhân (x. Mt 19,10) và nâng hôn nhân lên hàng bí tích hầu giúp đôi bạn nên thánh (Mt 19,3-6).

 

Bí tích hôn nhân tạo thành “một cộng đồng đích thực về sự sống và tình yêu” giữa một người nam và một người nữ. Giao ước này đã được Thiên Chúa thiết lập và ban những quy luật riêng. Tự bản chất, giao ước này hướng về lợi ích của hai người phối ngẫu cũng như về việc sinh sản và giáo dục con cái.

 

Bí tích hôn nhân còn nói lên sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Bí tích này ban cho hai vợ chồng được biết yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh. Như vậy, ân sủng của bí tích sẽ kiện toàn tình yêu của hai vợ chồng, cũng cố tính đơn nhất, bất khả đoạn tiêu của họ và thánh hoá họ trên đường đi tới sự sống muôn đời.

 

Những điều kiện

Vì là một giao ước, Bí tích Hôn nhân  đòi hỏi một số điều kiện:

a.Hiểu biết và có chủ ý: mỗi bên phải có sự hiểu biết tương đối đủ về hôn nhân. Không có sự nhầm lẫn về đối tượng, hoặc bị gạt gẫm. Người điên, người đang say sưa không thể ký hôn ước. (GL 1097, 1098)

 

b.  Tự do: hai người không bị áp lực nào từ bên ngoài và bất chính (GL 1103) (vd: cưới vì để vui lòng lòng cha mẹ). Hôn nhân là một cộng đồng sống chung do Thiên Chúa thiết lập, nhưng được xây dựng trên sự ưng thuận tự do của hai người. Do đó để kết hôn cần phải được hoàn toàn tự do ưng thuận. Tất cả mọi miễn cưỡng, ép buộc từ bên ngoài, dưới bất cứ hình thức nào và do bất cứ người nào đều xâm phạm đến sự ưng thuận tự do và làm cho khế ước hôn nhân không thành. Cha mẹ, ông bà, họ hàng hãy tôn trọng quyền tự do của đôi bạn trong vấn đề trọng yếu này.

 

c.   Hỗ tương: cả hai cùng ưng thuận, chỉ cần một bên không ưng thuận, hoặc giả vờ ưng thuận thì hôn ước vô hiệu. (GL 1102, 2).

d.  Tỏ ra bên ngoài: phải bộc lộ ra bên ngoài bằng cách nói ra để người ta có thể nhận ra được (GL1104, 2).

e.  Tuyệt đối: không được đặt một điều kiện nào cho hôn nhân. Nếu đặt điều kiện ngược lại với với mục đích và đặc tính của hôn nhân thì hôn ước vô hiệu (GL 1102).

 

III. Những ngăn trở tiêu hôn và cản hôn

    Căn cứ trên Giáo luật, có 3 ngăn trở tiêu hôn (hôn nhân không thành) và 9 ngăn trở cản hôn (phải xin phép chuẩn từ  Đấng Bản quyền) :

•        Ngăn trở tiêu hôn

1.  Họ máu hàng dọc (GL 1091)

2.  Bất lực vĩnh viễn và có trước khi kết hôn (GL 1084).

3.  Bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước (GL !085).

•        Ngăn trở cản hôn.

1.  Tuổi: Nam chưa đủ 16 tuổi trọn, Nữ chưa đến 14 tuổi trọn. (Tuy nhiên, Giáo hội khuyên cần phải theo Dân luật. Việt Nam qui định nam 20 tuổi trọn, nữ 18 tuổi trọn). (GL 1083).

2.  Huyết tộc bàng hệ: hôn nhân vô hiệu đến cấp thứ tư. (GL1091, 2).

3.  Dị giáo: hôn nhân giữa một người đã Rửa tội và một người không Rửa tội (GL1086).

4.  Tội ác: kẻ giết vợ hoặc chồng của một người để lấy người ấy; hoặc giết chính vợ hoặc chồng mình để lấy người khác; hoặc cả hai đồng tình giết người có hôn nhân với mình để lấy nhau (GL1090).

5.  Thanh danh: hai người đã chung sống với nhau cách công khai như vợ chồng một cách hiển nhiên. Khi họ kết hôn với bất kì ai sẽ có ngăn trở (GL1093).

6.  Chức thánh: khi một người đã chịu chức thánh mà kết hôn (GL 1087).

7.  Khấn dòng: một người đã công khai khấn giữ khiết tịnh trọn đời trong dòng mà kết hôn.

8.  Đoạt nữ: dùng vũ lực bắt cóc người nữ, giam giữ, bắt ép kết hôn. (GL1089)

9.  Con nuôi: khi con nuôi được pháp luật nhìn nhận thì ngăn trở hôn nhân với người thân trong gia đình theo trực hệ hay bàng hệ đến cấp thứ hai. (GL 1094).

 

CÒN TIẾP……

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận