Bài VI: Sinh sản có trách nhiệm; Bài VII & VIII

Đăng lúc: Thứ hai - 13/07/2015 10:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Bài VI: Sinh sản có trách nhiệm

1.Hạn chế sinh sản

 Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mục Vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et Spes) số 51, chúng ta thấy:

1)        Công đồng công nhận rằng vợ chồng muốn sống theo lý tưởng hôn nhân, nhiều lúc sẽ phải hạn chế số con. Nhưng không gần gũi nhau, hay chỉ theo chu kỳ của người vợ, có thể làm hại cho tình yêu nhau, do đó cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và cho con cái nữa.

 

2)        Vậy khi cần hạn chế sinh sản, có thể dùng phương pháp nào? Công đồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ phương pháp xấu xa như phá thai và giết thai nhi. Rồi Công đồng dạy nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp.

 

3)        Điều kiện để chọn một phương pháp ngừa thai:

-       Vợ chồng phải có ý ngay lành, tức là phải có lương tâm trách nhiệm.

-       Phương pháp phải xứng hợp với các quy tắc khách quan về luân lý, nghĩa là phải tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và tôn trọng phẩm giá con người.

-       Vợ chồng ý thức rằng khiết tịnh hôn nhân là cần thiết.

-       Vợ chồng phải cố trung thành với Giáo huấn của Giáo hội.

Các phương pháp ngăn chặn sinh con không hợp với những điều kiện nêu trên gồm có: triệt sản, không cho xuất tinh, xuất tinh ngoài, dùng bao cao su, đặt vòng xoắn, thuốc để vào tử cung, điều hoà kinh nguyệt, phá thai.

 

2.Vấn đề phá thai

Phá thai là tội trạng đi ngược với sự sống (MV 51) vì phá thai là liều lĩnh giết người và đó là một trọng tội, và sát hại một kẻ không những hoàn toàn vô tội mà còn là đứa con của chính kẻ sát nhân. Dù trường hợp người mẹ lâm nguy, cũng không thể giết thai nhi để cứu mẹ. Vì mạng sống của thai nhi cũng như của chính người mẹ là thuộc quyền của Chúa, không ai có quyền cất đi. Không bao giờ được phép làm sự dữ, dù với mục đích tốt lành. Công đồng khẳng định:"Phá thai là tội ác đáng ghê tởm"(MV 27, 51). Vì thế Giáo Luật hiện nay quy định nghiêm khắc như sau:

 Tất cả những ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết  (GL 1398). Vạ này không "dành riêng cho tòa thánh", Đức Giám Mục giáo phận có quyền tha vạ này (GL 1355, 2), và thường ngài ủy quyền này cho các cha sở.

     Những người phạm tội cố sát hoặc phá thai có hiệu quả và tất cả những người cộng tác tích cực vào các tội đó đều bị cấm:

 

1)Không được chịu chức thánh (GL 1041,4)

 

2)Không được hành xử các chức thánh đã lãnh nhận (GL 1044, 3).

    Chỉ mình Toà Thánh có quyền miễn chuẩn cho những người đã công khai hay kín đáo "phá thai có hiệu quả hoặc cộng tác tích cực vào việc phá thai" để họ được chịu chức thánh (GL 1047, 2/2). Trong đơn xin miễn chuẩn, đương sự phải khai rõ số lần đã phạm (GL 1049, 2)

 

3.Vấn đề thụ tinh nhân tạo

A.Thụ tinh nhân tạo bằng bơm tinh

Khi vợ chồng giao hợp, tinh trùng của chồng gặp trứng của vợ, làm cho trứng thụ tinh, đó là thụ tinh tự nhiên. Ngày nay, người ta có những cách khác làm cho trứng thụ tinh, gọi là thụ tinh nhân tạo, bằng cách bơm tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu tinh và trứng của một cặp vợ chồng, gọi là thụ tinh nhân tạo đồng hợp (AIH), nếu của đôi nam nữ không phải là vợ chồng của nhau, gọi là dị hợp (AID).

       Huấn thị “Ơn sự sống”(Donum vitae) của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin  xác định việc sinh sản có trách nhiệm thực sự phải là kết quả của hôn nhân. Việc sinh sản một con người mới, qua đó vợ chồng được cộng tác với quyền năng của Đấng Tạo Hoá, phải là kết quả và là dấu chỉ của sự vợ chồng tự hiến cho nhau, của tình yêu và lòng chung thuỷ họ dành cho nhau. Vì thế, cấm bơm tinh nhân tạo đồng hợp để thay thế việc giao hợp. Việc thụ tinh nhân tạo dị hợp càng không thể được chấp nhận vì nó đối nghịch với sự duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của đôi vợ chồng, với ơn gọi dành riêng cho cha mẹ và với quyền lợi đứa con là được thụ thai và được chào đời trong hôn nhân và do hôn nhân.

 

B.Thụ tinh trong ống nghiệm

- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVR-ET) là lấy tinh trùng và trứng đặt vào ống nghiệm, kích hoạt cho trứng thụ tinh. Khoảng hai ngày sau khi thụ tinh, người ta cấy phôi (tức trứng thụ tinh) vào tử cung người nữ, phôi sẽ tiếp tục phát triển trong tử cung cách bình thường cho đến lúc em bé chào đời. Ngày 25-7-1978, hai nhà khoa học Patrick Steptoc và Paul Edwards đã thành công cho ra đời một em bé tên Louise Brown bằng thụ tinh trong ống nghiệm. IVR-ET đồng hợp được sử dụng cho những đôi vợ chồng muốn có con nhưng có những trục trặc (hoặc vợ hoặc chồng). IVR-ET dị hợp được sử dụng khi người chồng hoàn toàn vô sinh, hoặc buồng trứng của người vợ có vấn đề. Đem phôi gởi vào tử cung của một phụ nữ khác,  gọi là mang bầu mướn.

       - Việc thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện bên ngoài cơ thể của đôi vợ chồng, nhờ hành động và khả năng kỷ thuật của những nhà khoa học. Việc thụ tinh đó giao phó mạng sống và căn tính của phôi nhi cho quyền lực của các bác sĩ và nhà sinh học, và tạo nên sự thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và số phận của hữu thể nhân linh; như thế đối nghịch với phẩm giá và sự bình đẳng là những giá  trị chung cho cha mẹ và con cái. Giáo hội chống lại việc thụ tinh trong ống nghiệm, vì bất hợp pháp và đối nghịch với phẩm giá của việc sinh sản và của việc kết hợp vợ chồng. Dầu vậy, em bé chào đời vẫn phải được đón nhận như quà tặng của lòng nhân hậu Chúa và phải được nuôi dưỡng dạy dỗ cách yêu thương.

       - Việc mang thai mướn đối nghịch với sự duy nhất của hôn nhân và với phẩm giá của việc sinh sản con người. Nó còn là một thiếu sót khách quan đối với các bổn phận của tình mẫu tử, lòng chung thuỷ vợ chồng và của trách nhiệm làm me. Việc đó cũng xúc phạm tới phẩm giá và quyền lợi đứa bé là được thụ thai, được cưu mang trong dạ mẹ, được chào đời và nuôi dạy bởi chính cha mẹ của em. Việc mang thai mướn còn gây thiệt hại cho các gia đình vì tạo sự tách biệt giữa các yếu tố thể lý, tâm lý và đạo đức vốn là những yếu tố cấu thành các gia đình.
 

Bài VII. Giáo dục con cái

Sách Huấn ca dạy: "Hãy giáo dục và uốn nắn con cái ngay từ thuở còn thơ”(Hc 7,23); nếu không, "chúng trở nên mất dạy và làm nhục cho cả cha lẫn mẹ" (x. Hc 21,3-5;Hc 30,13); Trái lại, "Cả kho tàng của thế giới cũng không quí bằng có một người con được giáo dục tốt vì biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con và được hãnh diện vui sướng trước mọi người" (x.30,2-3).

 

1.Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái

“Sinh thành, dưỡng dục” là hai trách nhiệm gắn liền với nhau. Nhiều cha mẹ chỉ biết lo lắng làm ăn kinh tế, nghĩ rằng họ có bổn phận lo cho con cái một cuộc sống dư giả, đầy đủ tiện nghi, còn việc giáo dục thì đã có những nhà chuyên môn, các thầy cô ở trường. Quan niệm thật sai lầm đó sẽ làm cho họ trở thành những nạn nhân đầu tiên của con cái khi chúng thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ trong gia đình.

Cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái. Vai trò này quan trọng đến nỗi nếu họ thiếu sót thì khó lòng mà bổ khuyết được (x.THGĐ, 36). Cha mẹ phải bảo vệ quyền và bổn phận giáo dục con cái mình, vì quyền và bổn phận này vừa là điều cốt yếu, vừa là một điều độc đáo và chiếm hàng đầu so với bổn phận giáo dục của các người khác, vừa là điều không thể thay thế và không thể chuyển nhượng, nghĩa là không thể khoán trắng cho người khác. Cha mẹ phải lấy tình thương phụ tử, mẫu tử để giáo dục con cái. Người ta vẫn thường ví: lương sư như phụ mẫu; lương y như từ mẫu. Chính tình yêu thương của người cha như núi thái sơn, của ngừơi mẹ như nguồn chảy ra trở thành linh hồn và mẫu mực gợi lên những sáng kiến và hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục; cụ thể : sự dịu dàng, kiên nhẫn, tốt lành, phục vụ, vô vị lợi, hy sinh, là những hoa trái quý giá nhất của tình yêu thương (x.THGĐ 36).

 

2.Tại sao phải giáo dục con cái?

   Ca dao Việt Nam có câu :

Vợ chồng là nghĩa tào khang

Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui

Sinh con mới ra thân người

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no

Tuyên Ngôn “Giáo Dục Công Giáo” có viết :

 Vì đã nhận lãnh ân sủng cũng như bổn phận của bí tích Hôn phối, nên Cha Mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã nhận lãnh khi chịu phép Rửa tội (GD 3). Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái. (GD 6)

 Giáo luật dạy rằng:

 Tự bản tính, Hôn nhân phải hướng về lợi ích tinh thần và thể xác của đôi bạn và bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái (GL 1055)

    Qua văn hóa Việt Nam cũng như giáo huấn của Giáo Hội, lý do thứ nhất khiến cha mẹ phải giáo dục con cái là vì đó là mục đích của bí tích Hôn phối và vì đó là nghĩa tào khang. Gần với lý do nghĩa tào khang, là lý do nợ tông đường : 

Trứng rồng lại nở ra rồng,

Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.

Có cha mới sinh ra ta,

Làm ăn thời bởi mẹ cha vun trồng.

Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,

Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.

Đạo làm con chớ hững hờ,

Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.

Vả lại, việc giáo dục con cái là lẽ tự nhiên. Tự bản tính tự nhiên, sinh vật nào cũng biết chỉ dạy cho con cái nó. Cha mẹ nào cũng lo lắng dạy dỗ con cái mình :

Sinh con, ai nỡ sinh lòng,

Sinh con ai chẳng vun trồng cho con

Tuyên Ngôn “Giáo Dục Công Giáo” đã nhận định rằng:

 "Vì là nguồn truyền sự sống cho con cái, cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng; vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được" (GD 3)

    Sau cùng, vì Giáo hội đã dạy: “ Tự bản tính của nó, hôn nhân và tình yêu vợ chồng phải được hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, vì đó là chóp đỉnh cao đẹp của hôn nhân “ (GS 48)

 

3.Phải giáo dục ở những lãnh vực nào?

Trong Tâm thơ gởi các gia đình (1994), Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã vạch cho các bậc cha mẹ "lý tưởng giáo dục công giáo là một giáo dục toàn diện".

Thế nào là giáo dục toàn diện? Giáo dục toàn diện gồm :

- Lãnh vực nhân bản:  dạy con cách ăn, nói, cười, chơi. Dạy con những đức tính nhân bản

- Lãnh vực kinh tế:  dạy con biết tính toán, tiết độ

- Lãnh vực nghề nghiệp: dạy con biết chuyên cần làm ăn trong nghề nghiệp của mình

- Lãnh vực luân lý xã hội: dạy con biết cương thường, đạo lý

-Lãnh vực đức tin. Đối với con cái, cha mẹ là những người cộng tác với ơn Chúa, là những chứng nhân của đức tin. Thực vậy, cha mẹ là những kẻ trước tiên rao giảng và giáo dục đức tin cho con bằng lời nói và gương sáng (GD1). Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân (GD3). Trong Thông điệp "Tông đồ giáo dân" (1988), Đức thánh cha đã nhấn mạnh đến đức tin và giáo dục tôn giáo. Ngài cũng không quên lưu ý về những lãnh vực công dân, chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Theo ngài, đức tin phải là đức tin nhập thế và nhập thể. Do đó, đức tin phải được thực hiện không chỉ ở lòng mình, ở cộng đoàn, ở nhà thờ, mà phải sống động cả ở trong các môi trường khác nữa.

       Tông huấn Gia đình (THGĐ 37) nhắn nhủ cha mẹ chú ý đến những điểm chính yếu sau đây :

-            Quý trọng phẩm giá và tư cách con người.

-            Ý thức về sự công bằng.

-           Quý mến tình yêu chân thành, vô vị lợi, dành ưu tiên cho người nghèo.

-       Hiểu biết rõ ràng về tính dục, chống lại khuynh hướng tìm lạc thú xác thịt.

-       Giáo dục đầy đủ về cả hai mặt nhân bản và đức tin ngay từ lúc còn thơ bé. Mặt nhân bản là dạy con nên người tốt, đặc biệt sống đạo hiếu theo truyền thống dân tộc. Mặt đức tin dạy con trở nên người con ngoan của Chúa theo gương Chúa Giêsu.

4.Giáo dục con cái bằng phương pháp nào?

Trong Tâm thơ gởi các gia đình, Đức Gioan Phaolô II đã gợi lên ý tưởng này:

 "Phúc Am tình yêu là nguồn mạch bất tận nuôi dưỡng các gia đình Công giáo. Tất cả tiến trình giáo dục tìm được trong tình yêu sự nâng đỡ và ý nghĩa sau cùng, vì đó là hiệu quả toàn diện của vợ chồng yêu thương và hoan hỉ cho nhau.”

 

a)   Phương pháp 1 : Tình yêu là nguyên tắc, là phương pháp, là dụng cụ căn bản trong mọi hành động giáo dục.

 

b)    Phương pháp 2 : Sự cộng tác hỗ trợ của cả bố mẹ. Sự cộng tác hỗ trợ này được biểu lộ qua sự thống nhất về mệnh lệnh, giúp con cái an tâm và tin tưởng thi hành. Nên tránh tranh luận, gây gỗ trước mặt con cái về các mệnh lệnh trao cho chúng. Những tranh luận, gây gỗ này chỉ làm chúng hồ nghi, hoặc đưa cho chúng dịp lợi dụng sự khác biệt quan điểm của cha mẹ.

 

c)  Phương pháp 3: Quan tâm theo dõi. Yêu có nghĩa là chia sẻ, theo dõi, khuyến khích, chỉ dẫn. Nó ngược hẳn với sự buông thả phóng túng. Theo dõi để chia sẻ các ưu tư của con cái, để hiểu biết các giao du của chúng, để khuyến khích khi chúng làm đúng và để sửa dẫn khi chúng làm sai.

 

d)  Phương pháp 4:  Phương pháp tâm lý phát sinh và hoàn cảnh. Phương pháp này chú trọng đến khả năng hấp thụ của trẻ em tùy theo lứa tuổi, tùy theo cá tính và tùy theo hoàn cảnh. Nhưng đại cương thì lúc ban đầu rất quan trọng : Dạy con từ thuởcòn thơ. Sự mắng phạt phải tùy người, tùy lúc, tùy việc mà áp dụng.

 

BÀI VIII. Người vợ - mẹ trong gia đình

 

I.     Người vợ truyền thống : Tam tòng - Tứ  đức

 Nói đến vai trò người vợ, xã hội Việt Nam chẳng những xem tứ đức (công-dung-ngôn-hạnh) như mẫu mực thẩm định phẩm giá người nữ, mà còn là điều kiện căn bản để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Công là việc làm, là sự khéo léo. Công việc nội trợ, công việc đồng áng, buôn gánh bán bưng, ... đều cần bàn tay cần mẫn, khéo léo, chịu thương chịu khó của người vợ.

Theo dòng lịch sử, người nữ lần hồi hiện diện ở các ngành nghề xã hội càng lúc càng nhiều. Sự phân nhiệm truyền thống (chồng đi làm, vợ ở nhà lo nội trợ) cũng thay đổi để hòa nhập với đời sống mới. Người vợ đi làm nhưng vẫn đảm đang việc nội trợ.

 

Dung là nhan sắc. Đã đành "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng không vì thế mà lơ là chăm sóc dung nhan, vì "Nhan sắc làm thỏa mãn giác quan, còn đức tính làm thỏa mãn tâm hồn". Theo ý kiến của nhiều ông chồng thì người chồng chắc chắn sẽ hài lòng khi thấy vợ dù bận rộn cũng dành chút thời giờ chăm sóc dung nhan,   ăn mặc sạch sẽ tươm tất.

 

    Ngôn là lời nói. Lời nói thể hiện phần nào nhân cách. Xưa nay đều chuộng từ tốn, nhẹ nhàng: "nói ngọt lọt đến xương". Con người vốn bất toàn, nên đời sống vợ chồng rất cần sự đối thoại.

    Hạnh là hạnh kiểm, liên quan đến tính nết, đức độ. Nữ giới được huấn dạy theo những tiêu chuẩn mà xã hội quí trọng: tiết hạnh, chung thủy...

 Tứ đức kèm thêm tam tòng định phận cuộc đời người vợ : Tại gia tòng phụ. Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử.

 

II.Người vợ ngày nay

 

a.  Đối nội với người chồng. Có người tóm tắt dí dỏm như sau:

 

Là bà bếp để cho chàng những bữa ăn ngon.

Là cô làm công để thu dọn gọn sạch nhà cửa, giặt ủi áo quần.

Là bạn gái điểm trang xinh lịch để cùng chàng ra phố,đó  đây.

Là phụ tá giúp chàng trong công việc, hoạt động.

Là tri kỷ để chàng tâm sự, gởi gắm lý tưởng, ước mơ.

Là tình nhân sẵn sàng chiều chàng trong lạc thú gối chăn.

Là người chia sẻ gánh nặng tài chánh khi cần.

Là thuộcquyền để thỉnh thoảng chàng trút cơn nóng giận.

Thời nay, các gia đình trẻ quen dần với ý thức đồng hành, trách nhiệm phân chia, nên nhiều người chồng vui lòng san sẻ nhọc nhằn với vợ, tiếp giúp phần nào các việc mà trước đây xem như thuộc phạm vi nội trợ. Dù vậy, ý kiến kể trên vẫn là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 

b. Đối ngoại : với những người khác

Người vợ phải tiếp giao với ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng nội ngoại, bằng hữu, láng giềng... Biết hành xử đúng bực, không quá so đo tính toán, dè xẻn, biết tận dụng của cải thế gian để mưu ích lợi tinh thần cho gia đình, cộng đồng, xã hội... để

"Trước là đắc nghĩa cùng chồng

Sau là họ  mạc cũng không chê cười".

 

  Nhà văn René Bazin đã nhận định : “Nếu bạn thấy một gia đình hạnh phúc, bạn nên tin rằng ở trong gia đình đó có một người đàn bà biết quên mình".

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận