Cổng Thánh: Để làm gì và có từ bao giờ ?

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/12/2015 02:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Cổng Thánh: Để làm gì và có từ bao giờ ?

Theo truyền thống từ cổ xưa, mỗi Năm Thánh đều có những Cổng Thánh. Truyền thống này có lẽ phát xuất từ hồi Đức Giáo Hoàng Mác-ti-nô V, người đã sử dụng một Cổng Thánh giống hệt như Cổng Thánh ngày nay trong năm Thánh 1423 tại Vương Cung Thánh Đường Lateranô, tức nhà thờ Chính Tòa của Giám Mục Rô-ma. Còn tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, nhiều bằng chứng cho thấy, Cổng Thánh đã xuất hiện từ Năm Thánh 1450, khi Vương Cung Thánh Đường này vẫn còn là Ngôi Thánh Đường cũ tồn tại từ thời Constantin. Bấy giờ Cổng Thánh được đặt ở phía sau của một nguyện đường kính Đức Maria, và vẫn còn tồn tại cho tới tận hôm nay, tại chính chỗ đó.

 

Đức Giáo Hoàng Alexander VI đã muốn tăng thêm nhiều sức biểu tượng hơn nữa cho nghi thức khai mạc Năm Thánh 1500, và đã đưa ra chỉ thị rằng, tất cả các Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng đều sẽ có một Cổng Thánh, và những Cổng Thánh này sẽ được mở ra một cách trang trọng tại đó. Ngài đã dành riêng cho mình việc mở Cổng Thánh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô. Và nhân dịp này, Cổng Thánh có từ thời Đức Mác-ti-nô V đã được nới rộng thêm. Và việc nới rộng Cổng Thánh này đã được thực hiện trước khi diễn ra Lễ đặt viên đá đầu tiên cho Tân Thánh Đường kính Thánh Phê-rô vào năm 1506. Ngôi Thánh Đường mới này vẫn đang tồn tại cho tới ngày nay. Nghi thức mở Cổng Thánh vẫn giữ nguyên từ hồi đó cho tới tận ngày hôm nay mặc dầu đã trải qua nhiều thế kỷ. „Xin mở cửa công chính cho con để con vào tạ ơn ĐỨC CHÚA. Đây là cửa dẫn vào nơi CHÚA ngự, chỉ những người công chính mới được qua“ – Đức Thánh Cha sẽ nói như thế với Thánh Vịnh 118,19-20. Sau đó Ngài dùng búa đập ba lần vào bức tường gạch đang được xây bít lại lúc bình thường. Các công nhân có mặt sẽ phá bỏ bức tường này, còn những người khác sẽ dùng nước và nước hoa để lau sạch chiếc Cổng vừa được mở ra. Một cây Thánh Giá được đặt bên phải và một cây nến cháy được đặt bên trái Cổng Thánh, sau đó Đức Thánh Cha bước qua cổng này, và đồng thời Ngài cất Kinh Te Deum.

 

Nghi thức trong hình thức nêu trên đã có hiệu lực từ lúc đó cho tới tận Năm Thánh 1975, và cũng vẫn còn được giữ lại trong Năm Thánh 1983, nhưng trong Năm thánh này, nghi thức trên đã được bổ sung thêm với một đoàn rước và Kinh Cầu Các Thánh được hát trong khi rước. Trong Năm Thánh 2000, tức Năm Thánh mới đây nhất theo thứ tự, chiếc búa đã không còn được sử dụng nữa.

 

Đối với các Ki-tô hữu, việc bước qua Cổng Thánh có ý nghĩa như là một sự diễn tả về niềm khát khao của họ muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Hành vì này cũng gợi nhớ tới Bí Tích Thanh Tẩy, đó là hành vi đầu tiên để gia nhập cộng đoàn các tín hữu, tức Giáo hội. Khi bước qua Cổng Thánh, người Ki-tô hữu sẽ để sự đãng trí lại đàng sau mình, rồi tập trung tư tưởng, và bằng cách nào đó, đặt mình xuống dưới chân Chúa Giê-su như Mác-ta, chị của Maria, để lắng nghe Tin Mừng.

 

Theo de.rv 08.12.2015 gs

 

Chuyển ngữ: Minh Trần
 

Nghi Thức mở Cổng Thánh

* Sau nghi thức Hiệp Lễ, Phó Tế công bố:

Anh chị em thân mến,

Được gây phấn chấn và được thôi thúc bởi niềm tin vào Chúa Giê-su Đấng Cứu Độ chúng ta, mà Đức Tin ấy đã được chúng ta canh tân trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, và trong sự bảo vệ chở che của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Đấng chẳng mắc tội tổ tông truyền, giờ đây chúng ta sẽ khai mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Cổng Thánh sẽ được mở ra trước chúng ta: Đó chính là Chúa Ki-tô, Đấng dẫn dắt chúng ta, thông qua trách vụ của Giáo hội, đi vào trong mầu nhiệm ban niềm ủi an của Tình Yêu Thiên Chúa, đó là Tình Yêu vô biên Tình Yêu ấy bao trùm toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy làm cho con tim của mình được trở nên sẵn sàng đối với tác động của Chúa Thánh Thần – trong niềm khát khao được tương ứng với thái độ sẵn sàng của toàn thể ơn gọi Ki-tô hữu: Đó là ơn gọi nên thánh. Giờ đây chúng ta hãy bắt đầu trong sự bình an nhân danh Chúa Ki-tô.

* Sau đó cộng đoàn hát Thánh Vịnh 121 và 122; Trong khi Cộng Đoàn hát, Đức Thánh Cha và đoàn Lễ Nghi tiến tới trước Cổng Thánh. (Đây là cánh cửa nằm ở bên phải Đền Thờ Thánh Phê-rô, và bình thường nó được xây bít lại).

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải quyền năng của Chúa trước hết là thông qua Lòng Thương Xót và sự tha thứ. Xin ban cho chúng con, được trải qua một năm ân sủng, một thời gian tốt đẹp, để yêu mến Chúa và yêu thương những người anh chị em của chúng con trong niềm vui của Tin Mừng. Xin tiếp tục đổ tràn Thần Khí Chúa trên chúng con, để chúng con không bao giờ mệt mỏi nhưng hoàn toàn tín thác ngước nhìn lên Đấng đã bị đâm thủng bởi chúng con. Ngài là Con một Chúa đã trở thành người, và là dung nhan ngời sáng phản chiếu lòng nhân hậu vô biên của Chúa, và cũng là nơi trú ẩn chắc chắn cho tất cả mọi tội nhân chúng con những kẻ đang đói khát ơn tha thứ và sự bình an của Chúa – cũng như đói khát chân lý mà chân lý ấy có khả năng giải thoát và cứu độ. Ngài chính là chiếc cổng qua đó chúng con đến được với Chúa. Ngài cũng là nguồn mạch không cùng của niềm ủi an đối với tất cả. Ngài là sự tuyệt vời không biết tới sự cùng tận, là niềm vui tròn đầy không hề có sự kết thúc trong cuộc sống chúng con. Lạy Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin bảo vệ chúng con, Mẹ chính là hoa trái đầu mùa và vinh quang của chiến thắng Phục Sinh, là hừng Đông ngời sáng của trời mới và đất mới, là đích điểm cuối cùng của cuộc lữ hành dương thế mà chúng con đang thực hiện. Vinh danh Cha Chí Thánh, Con Một Cha – Đấng cứu Độ chúng con, và Chúa Thánh Thần – Đấng ủi an, từ muôn đời cho đến hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen.

Đức Thánh Cha: Đây là cửa dẫn vào nơi CHÚA ngự.
Cộng Đoàn: Chỉ những người Công Chính mới được qua.
Đức Thánh Cha: Xin mở cửa công chính cho con.
Cộng Đoàn: Để con bước vào tạ ơn Đức Chúa.
Đức Thánh Cha: Nhưng lạy Chúa, con sẽ được bước vào nhà Chúa nhờ sự tốt lành bao la của Chúa.
Cộng Đoàn: Con kính cẩn phủ phục trước Đền Thánh Chúa.

Đức Thánh Cha thinh lặng bước lên các bậc cấp trước Cổng Thánh. Sau đó Ngài mở Cổng Thánh rồi dừng lại nơi ngưỡng cửa và cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, Đức Thánh Cha bước vào Đền Thờ Thánh Phê-rô một mình với tư cách là người đầu tiên. Tiếp theo là đoàn Đồng Tế, một số Tu Sĩ và Giáo dân cũng sẽ cùng bước vào Đền Thờ Thánh Phê-rô. Tất cả đều đi đến bàn thờ thú tội, đó là bàn thờ được đặt trên mộ Thánh Phê-rô ngay giữa Vương Cung Thánh Đường. Sau đó, tất cả cùng hát Thánh Thi Năm Thánh. Lời đáp của Thánh Thi này là: „Lòng Thương Xót Chúa bền vững muôn năm“.

Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện trước bàn thờ và trước huyệt mộ Thánh Phê-rô như sau:

Lạy Cha Chí Thánh, Cha giầu Lòng Xót Thương và có tình thương yêu hải hà, chúng con ca ngợi Cha với trọn tấm lòng, và xin tạ ơn Cha về sự giầu sang ngập tràn của ân sủng Cha. Xin đoái nhìn chúng con là những người hôm nay đã mở Cổng Thánh và đã bắt đầu thời gian Năm Thánh với niềm vui. Chúng con cầu xin Cha ban cho tất cả những ai sẽ đi qua Cổng Lòng Thương Xót với tâm hồn hối cải ăn năn, với việc tuyên xưng Đức Tin, và với niềm tín thác con thảo, được kinh qua một cách sống động sự trìu mến đầy tình phụ tử của Cha, và được đón nhận hồng ân tha thứ, để bằng cả lời nói lẫn việc làm họ sẽ làm chứng cho dung nhan Lòng Xót Thương của Cha: Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha tới muôn thuở muôn đời.

Cộng Đoàn: Amen.

Sau đó là Phép Lành của Đức Thánh Cha:

Lạy Chúa, xin chúc lành cho dân Chúa, dân này đang đợi chờ ơn Thương Xót của Chúa, đang kiếm tìm sự tốt lành và trọn hảo, mà chính Chúa đã khơi lên trong họ. Chúng con cầu xin Nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.

Và xin phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở lại với anh chị em luôn mãi.

Cộng Đoàn: Amen.

Hãy có Lòng Thương Xót Như Cha anh em là Đấng hay Xót Thương.

Chúc anh chị em ra đi bình an.

Cộng Đoàn hát Kinh Salve Regina và kết thúc.

 

Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận