Giáo Lý Hôn Nhân, Bài 3 & 4

Đăng lúc: Thứ ba - 26/05/2015 16:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIÁO LÝ HÔN NHÂN Bài 3 & 4

BÀI 3: BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO
 
Trong đời sống hôn nhân, hai người nam và nữ hợp nhất với nhau kiến tạo mái ấm vững bền, đáp ứng cho nhau nhu cầu sinh lý trong yêu thương, từ đó sinh ra con cái. Họ lãnh nhận và đảm nhiệm vai trò giáo dục con cái. Quyền lập gia đình cũng như quyền bình đẳng giữa những người phối ngẫu là những quyền căn bản của con người.   
 
Từ khởi thuỷ sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên người nam (Ađam), và từ Ađam Thiên Chúa dựng nên người nữ (Eva). Người tác hợp họ nên một (x. St 2,25) và ban cho họ hạnh phúc Địa Đàng. Đây là cặp hôn nhân đầu tiên của lịch sử nhân loại. Như thế, hôn nhân là công trình yêu thương và khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Do đó, bản chất của hôn nhân chính là tình yêu.
 
1. Tình Yêu là gì ?
 Tình yêu có một hấp lực quyến rũ kỳ diệu, chiếm vị trí tối quan trọng trong hướng sống của mỗi người cũng như của biết bao thế hệ nối tiếp nhau từ nguyên thủy sáng tạo đến nay.
 
 Là người, không thể nào không đặt vấn đề tình yêu. Nhưng tìm tình yêu ở đâu? Có nên đi tìm tình yêu với bất cứ giá nào? Có thể nào yêu mà không gặp thử thách hay ảo tưởng? Có khi nào sống tình yêu mà không biết mình đang yêu hay đã được yêu? Ở đây, ta chỉ đề cập đến tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng.
 
Khi nghe nói trai gái yêu nhau, mọi người đều coi đó là chuyện thường. Nhưng nếu tìm hiểu truyền thống dân tộc và đọc lại Thánh Kinh, ta mới thấy tình yêu nam nữ  có hai điểm nổi bật: Thứ nhất là quan niệm về yêu rất mới đối với truyền thống dân tộc. Thứ hai là Kinh thánh Cựu ước so sánh tình yêu hôn nhân như biểu tượng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với dân tuyển chọn (Israel); Tân Ước so sánh tình yêu phu thê với tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội.
 
2. Tình Yêu Trong Truyền Thống Dân tộc
 Truyền thống dân tộc chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Quốc mà nguồn gốc là Tam Giáo (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo), qua những thuần phong mỹ tục như: thờ kính Tổ tiên, lễ nghi cưới hỏi, đạo nghĩa vợ chồng, con cái nối dõi tông đường...  
 
  Tư tưởng Khổng giáo, còn được gọi là Nho giáo, chú trọng vào nề nếp trật tự, xây dựng con người có trách nhiệm và giữ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội, có thể tóm lược vào bốn chữ "Ngũ luân, ngũ thường", gọi là luân thường đạo lý. Ngũ luân là tình vua - tôi, tình cha - con, tình vợ  - chồng, tình anh -  em, tình bè - bạn. Ngũ thường là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Khi con người biết tuân giữ đúng đắn những tương quan trên, ắt sẽ đạt tới hạnh phúc.
 
 Học thuyết Khổng giáo, theo Kinh Dịch, chủ trương trời đất do hai nguyên tố Âm - Dương tạo nên. Am-dương là đạo của trời đất, cương kỷ của vạn vật. Cho nên trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm dương mới có thể sinh trưởng được. Đó là lẽ tự nhiên của trời đất. Như vậy, vấn đề hôn nhân chỉ được nhìn dưới khía cạnh thiên nhiên như một hấp lực đực – cái, giống như các sinh vật khác, và không đặt vấn đề yêu đương. Người tuổi trẻ hôm nay khó chấp nhận một mẫu gia đình, trong đó người vợ phải chấp nhận chữ "tòng" chứ không được nghĩ đến chữ "yêu".
 
 Lão Tử là người có tư tưởng phóng khoáng, thích sống đời ẩn dật, đơn giản và khiêm tốn. Tư tưởng của Lão Tử được ghi chép trong "Đạo Đức Kinh". Chữ "đạo" của Lão Tử có rất nhiều nghĩa: vừa là nguyên thủy của vũ trụ, vừa là toàn thể vũ trụ, vừa là nguyên tố của vạn vật, vừa là con đường tu dẫn những người tu theo Đạo Giáo (cả nam lẫn nữ) tới nhịp chuyển vận của vũ trụ để được trường sinh bất tử trong "vô vi". Lão Giáo không nói gì về hôn nhân và vợ chồng, không nói gì về vấn đề yêu đương. Lão giáo khuyên con người nên sống tiêu dao, dinh dưỡng thể xác và tâm hồn, càng hòa hợp với thiên nhiên bao nhiêu càng được hạnh phúc bấy nhiêu.
 
  Trong giáo lý Phật giáo, chữ tình được xếp vào Thập Nhị Nhân Duyên, là một trong mười hai sự ham muốn lôi cuốn con người vào vòng luân hồi nghiệp chướng : Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Tình là dây oan, vì tình là một ham muốn mãnh liệt trói buộc con người vào đau khổ như sợi dây oan nghiệt. Tu là cõi phúc vì chỉ có con đường xa lánh trần tục, vui với câu kinh tiếng kệ nuôi tâm dưỡng tính, mới gỡ thoát khỏi dây oan nghiệt của chữ tình để tới cõi phúc Niết Bàn.
 
3. Tình Yêu Trong Thánh Kinh
TheoThánh Kinh, sống là yêu và yêu là tất cả. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,28), mà Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8). Vì thế con người được tạo dựng bởi và cho tình yêu. Yêu thương là căn tính của con người. Tin Mừng còn cho biết tình yêu gắn liền với thập giá, tình yêu mạnh hơn sự chết.  Thánh Kinh nói gì về tình yêu hôn nhân ?
 
 Sách Sáng Thế thuật lại ngay từ khởi nguyên sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ giống hình ảnh Thiên Chúa và Người đã chúc phúc cho sự phối hợp vợ chồng tiên khởi này. Do đó người nam từ bỏ cha mẹ, lưu luyến người nữ và cả hai trở thành "một thân thể” (St 1-2). Nhiều ngôn sứ (Hs 1,2; Gr 18,1;        Is 1,21; Ed 16.23... ) khi đề cập tới mối liên quan giữa Thiên Chúa và Dân Israel đã sử dụng hình ảnh tình yêu nam nữ. Thiên Chúa như người chồng chung thuỷ, trong khi đó Israel, dân tuyển chọn, như người vợ bất trung, phản bội chạy theo tình lang. Dù vậy, tình của Thiên Chúa cũng không dập tắt vì Người yêu đến cùng.
 
 Khi nói đến tình yêu nam nữ trong Cựu Ước không thể nào không nói tới sách Diễm Ca (Cantique des Cantiques) một bài ca  nói về tình yêu nam nữ thắm thiết và chung thủy. Đây là một quyển thơ ngụ ngôn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel giống như tình yêu nam nữ.
 
 Theo Tân Ước, tình yêu nam nữ chỉ tìm thấy toàn vẹn ý nghĩa khi trở thành tình yêu vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Thánh Phaolô so sánh tình yêu vợ chồng với tình của Chúa Kitô đối với Giáo hội. Tình yêu vợ chồng mà thường tình cho là trần tục, trở thành“mầu nhiệm vĩ đại” (Ep 5,32) vì được coi như mối tình mầu nhiệm không bao giờ phai, kéo dài vô tận trong thời gian, của "Thiên Chúa làm người" kết hợp với "nhiệm thể" của mình là Giáo hội (Ep 5, 23-25).
Nhiều lần Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như một tiệc cưới và tự ví mình như chàng rể (Mt 9,15; 22,1-14; 25,1-13; Ga 3,29).
 
Chúa Kitô đã dạy về tình chung thủy gắn bó, không có gì có thể phân chia tình vợ chồng trong hôn nhân : “Vợ chồng không còn là hai mà là một. Những người Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19,6). Giáo huấn này không phải dễ hiểu và dễ chấp nhận. Chính những môn đệ của Chúa Kitô cũng đã thốt lên: "Nếu số phận của người nam phải đối xử với vợ như vậy, thà đừng kết hôn còn hơn". Và Chúa Kitô đã trả lời: "Không phải ai cũng hiểu được. Chỉ có kẻ Chúa cho hiểu mới hiểu" (Mt 19,10-11).
 
Tình yêu nam nữ  và vợ chồng bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Đó cũng là con đường dẫn tới Thiên Chúa, dẫn tới cõi phúc. Thiên ý mong muốn con người bắt đầu được hưởng cõi phúc ngay tại đời này qua kiếp sống phu thê và sẽ còn nối tiếp đời đời trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là như vậy. Con người lấy gì để đền đáp lại? Chỉ có tình yêu mới đền đáp được tình yêu.
 
4. Tình yêu hôn nhân 
 Tình yêu liên kết hai người, tình yêu tạo cảm thông và thúc đẩy hai người hy sinh xây dựng hạnh phúc cho nhau. Chỉ có một tình yêu đích thực mới có thể đáp ứng được những yêu cầu đó. Tình yêu đích thực không phải chỉ là tình cảm, lời nói, sự âu yếm, sự say mê nét đẹp duyên dáng thể xác… nhưng là sự đón nhận với lòng kính trọng một con người để yêu và phục vụ vô điều kiện, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Tình yêu như thế trưởng thành và vượt mọi giới hạn, khuyết điểm và khó khăn:
Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
 
Trong đời sống chung, tình yêu ấy thúc đẩy mỗi người giúp nhau phát triển. Người nữ phát triển lòng quảng đại, sự hy sinh, khả năng yêu thương và phục vụ. Người nam phát triển tài năng, tinh thần trách nhiệm, sự che chở bao bọc... Vậy tình yêu đích thực gồm những yếu tố nào ?
 
a. Hy sinh. Tình yêu hôn nhân đòi hỏi hy sinh cá tính, sở thích, quyền lợi riêng. Hy sinh bằng nhẫn nhục, tha thứ, bằng chiến thắng tính ích kỷ, bằng cho đi và phục vụ (x. Ga 15,13).
 
b.Chấp nhận và cộng tác xây dựng. Hạnh phúc là ân huệ Chúa ban nhưng qua sự chấp nhận và xây dựng của hai người. Không phiền trách và đổ lỗi cho nhau, cho số phận, nhưng cùng nhau bắt tay xây dựng, có khi từ số không. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn
 
c.Tin nhau: Yêu nhau là phải tin nhau. Phải cương quyết loại bỏ những nghi ngờ, canh chừng, dò xét hoặc ghen bóng ghen gió. Những thái độ này có thể gây nên những hậu quả ngược lại: làm người bạn bực bội, xói mòn sự chung thủy và bền vững của hôn nhân. Thái độ tích cực nhất là tin nhau và làm mọi cách để phát triển lòng tin này : “Ơ đâu có tình yêu thì ở đó có lòng tin” (Gorky)
 
d.Chung thủy. Chung thủy có nghĩa là trước sau như một, không thay đổi. Đôi bạn hoàn toàn được tự do lựa chọn và quyết định, nhưng sự lựa chọn và quyết định này sau khi đã thực hiện hợp pháp sẽ không thể thay đổi trừ một trong hai người qua đời. Do đó, vợ chồng thuộc về nhau, có nghĩa vụ sống chung và yêu thương nhau suốt đời, trong mọi hoàn cảnh. Đây vừa là tình yêu vừa là bổn phận công bằng. Đặc tính này xuất phát từ ý định của Thiên Chúa và từ ý nghĩa mục đích của hôn nhân. Chúa Giêsu đã xác quyết: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6b). Tình yêu chung thủy đòi buộc vợ chồng:
- Chấp nhận yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh và yêu thương nhau đến mãn đời, không được dành tình cảm hay thể xác của mình cho người khác. Đặc tính này được gọi là vĩnh hôn.
- Không được tái hôn khi hôn nhân trước vẫn còn có giá trị. Do đó Hội Thánh không giải quyết ly dị như ngoài xã hội. Đặc tính này gọi là đơn hôn. Chỉ trong vài trường hợp rất đặc biệt, khi có lý do thích đáng, Hội Thánh cứu xét và quyết định theo Giáo luật.
 
5.Tình yêu và tính dục
Ngày xưa, do ảnh hưởng quan niệm triết học Hy lạp: tách biệt xác và hồn, coi khinh thể xác; nên đạo đức Kitô giáo coi vấn đề trai gái, tính dục như một chuyện cấm kỵ không nên nói đến. Ngày nay, người ta lại quá đề cao tính dục và chủ trương cuộc sống hưởng thụ ích kỷ và buông thả. Vì thế, cần nắm vững ý nghĩa giới tính, tình dục và tình yêu.
 
a.  Giới tính là toàn bộ những đặc điểm, tính cách, năng lực, bộ phận, nhờ đó ta phân biệt người nam và người nữ.
 
b.  Tính dục là việc sử dụng giới tính để tương giao, quan hệ nam nữ
 
c.   Tình dục là những cách thế mà người nam và nữ vận dụng giới tính để ước muốn kết hợp nên vợ chồng; nói cụ thể tình dục là quan hệ vợ chồng.
 
Giới tính, tính dục, tình dục, tình yêu... tất cả đều do Chúa ban nhắm mục đích tốt lành, hướng tới những lợi ích hôn nhân và phát triển đời sống gia đình. Nhưng một khi sử dụng giới tính để thoả mãn tò mò, đòi hỏi xác thịt, nghịch với mục đích Chúa muốn, thì đó là dâm dục. Kitô hữu cần nhận biết Chúa ban cho con người có giới tính để hấp dẫn, bổ sung, yêu thương nhau; cố gắng tự chủ bản thân, vận dụng giới tính theo mục đích Chúa muốn là trao đổi, hiệp thông trong tình yêu vị tha, chứ không bằng tình yêu vị kỷ là chỉ muốn tìm hưởng thụ khoái lạc nhục dục. Tính dục là để phục vụ tình yêu vị tha trong đời sống hôn nhân.
 
BÀI IV. ĐẶC TÍNH CỦA BÍ TÍCH HÔN NHÂN
 
     Theo Tin mừng Mt, sau khi tuyên bố:"Bởi lẽ đó, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ, và luyến ái người vợ của mình, và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục, như thế họ không còn phải là hai, nhưng là một huyết nhục", Chúa Giêsu kết luận: "Vậy điều gì mà Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19, 4-6).
 
     Dựa vào đó, Giáo Luật điều 1056 quy định: "Những đặc tính căn bản của Hôn phối là sự duy nhất bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn trong Hôn phối Kitô giáo". Hôn phối duy nhất là chỉ một vợ một chồng (nhất phu nhất phụ). Hôn phối bất khả phân ly là không có vấn đề ly dị.
 
1.   Nhất phu nhất phụ
Thiên Chúa đã ấn định đặc tính này của hôn nhân ngay trong việc sáng tạo loài người. Ngài chỉ dựng nên một Ađam và một Eva. Do đó, một vợ, một chồng là quy luật của Thiên Chúa. Luật này đã bị vi phạm rất nhiều lần, kể cả bởi các tổ phụ trong thời Cựu Ước. Đức Kitô đã tái lập lại trật tự của thuở ban đầu và ban ơn thánh để giúp vợ chồng sống chung thủy với nhau. Nghịch với đặc tính nhất phu nhất phụ là đa thê hay đa phu, hiện đang có ở nhiều tôn giáo và nhiều phần đất trên thế giới. Dân luật của nước Việt Nam chỉ chấp nhận chế độ "nhất phu nhất phụ".
 
2.   Bất khả phân ly
    Để trung thành với lệnh truyền của Chúa Giêsu :"Điều mà thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly", mỗi người trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân xác tín sống chung thủy trọn đời với nhau, không chấp nhận việc ly dị. Đây là điều đã được khẳng định trong Giáo Luật điều 1141: "Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào khác ngoại trừ sự chết". Hôn phối thành nhận (conclu) là khi đôi bạn đã làm hôn thú, đã lãnh bí tích. Hôn phối hoàn hợp (consommé) là sau ngày cưới, đôi bạn đã giao hợp với nhau.
 
3.Tại sao Giáo hội không cho phép ly dị ?
Có nhiều lý do:
a/ Trung thành với luật của Chúa, Đấng đã ấn định tính cách vững bền của hôn nhân khi truyền lệnh :"Điều mà Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6).
b/ Bảo đảm hạnh phúc cho đôi bạn,bằng cách giúp đôi bạn giữ trọn lời đã giao ước với nhau cách long trọng và công khai trong ngày lễ thành hôn, trước sự chứng giám của linh mục, hai nhân chứng và cả cộng đoàn. Người nam giao ước với người nữ: "Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh". Người nữ cũng giao ước với người nam như vậy. Sống trọn lời giao ước đó mỗi ngày là chìa khóa tạo hạnh phúc cho nhau.
 
    Việc ly dị đánh mất ý nghĩa và mục đích của sự tự hiến của hai người cho nhau và lòng trung tín trong tình yêu. Mục đích của việc bảo vệ và chăm sóc lẫn nhau là một điều tối cần thiết (nhất là trong khi gặp hoàn cảnh khó khăn). Điều này chỉ có thể đảm bảo trong bậc sống hôn nhân khi quan hệ vợ chồng là một quan hệ vĩnh viễn. Tình yêu chân thật trong đời sống hôn nhân không thể giới hạn trong một khoảng khắc nào đó, nghĩa là hôm nay thì tôi yêu em, nhưng ngày mai thì không yêu nữa. Việc khẳng định mối dây ràng buộc bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân tạo nên uy lực rất mạnh nhằm bảo vệ tình yêu vợ chồng và lòng trung thành. Nó đem lại một động lực giúp đôi vợ chồng chấp nhận chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong kiên nhẫn và bảo tồn sự hiệp nhất, hoà thuận với nhau. Nếu định chế hôn nhân và gia đình không có một nền tảng vững chắc, thì xã hội sẽ trở nên nghèo nàn, và điều đó đã làm mất đi cái nét yêu kiều của bộ mặt con người. Con người sẽ trở nên cô lập, tính toán so đo với nhau và những mối liên hệ giữa con người với nhau chẳng qua là để vụ lợi. Nó còn làm cho sự đoàn kết mỗi ngày một rạn nứt lớn hơn. Quả là chí lý khi nói rằng : "Mẹ đẻ của tình yêu chân thật là lòng trung thành."
 
c/ Bảo đảm hạnh phúc cho con cái. Càng thương nhau, càng chung thủy với nhau, đôi bạn càng chung sức trong trách nhiệm sinh dưỡng và giáo dục con cái. Kinh nghiệm thực tế minh xác điều đó. Một khi mối dây liên hệ ràng buộc trong đời sống hôn nhân bị lỏng lẻo, con cái bị tước đoạt đi tình cảm của bố hoặc của mẹ, hay cả hai; và điều ấy hiển nhiên ảnh hưởng đến sự tự tin của chúng, việc học hành và gây sự bất ổn trong tâm hồn. Sự mất mát với trẻ em thì không thể bồi hoàn lại được. “Có thể nói không ai chịu nhiều đau khổ hơn các em khi ba mẹ chúng ly dị. Các em là nạn nhân chính trong các cuộc ly dị… Thật vậy, các em là của hy sinh cho sự yếu hèn của cha mẹ. Ly dị được cảm nhận bởi các em như là một sự khước từ của cha mẹ đối với chúng." (Thư mục vụ của HĐGM Ái Nhĩ Lan, 1985). Lợi ích của con cái ít khi được sử dụng để coi đó như một sự ép buộc cha mẹ không được phép ly dị. Nhưng ngược lại, nó dùng để đấu tranh cho sự bền vững của mái ấm gia đình.
 
d/  Lợi ích của xã hội.Chỉ có phương cách ấy thì việc giáo dục lành mạnh cho các thế hệ trẻ có thể được bảo đảm; và sự tương thân, tương trợ đoàn kết lẫn nhau trong cùng một cộng đoàn mới được bảo vệ và nâng đỡ. Chính quyền không những chỉ có trách nhiệm và bổn phận giải thể những cuộc hôn nhân bị trục trặc, nhưng họ còn phải có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ tư vấn về phương diện gia đình hầu giúp đỡ việc hoà giải và tái lập những hôn nhân đã bị đổ vỡ.
 
       Những điều trên đây được đúc kết trong giáo huấn của Công đồng Vatican II: "Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ ‘không còn là hai nhưng là một xương thịt’ (Mt 19,6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly" (MV 48).
 
Kết luận: Hôn nhân Kitô giáo có những đặc tính sau đây.
1/ Đơn nhất và bất khả đoạn tiêutrong cả cuộc đời (Mt 19,6). Vợ chồng được kêu gọi luôn hiệp thông với nhau bằng sự trung tín hằng ngày với lời cam kết vĩnh thệ. Chế độ đa thê là trái nghịch với phẩm giá bình đẳng giữa người nam và người nữ, trái nghịch với tình yêu phu phụ là tình yêu độc nhất và độc chiếm.
 
2/ Trung thành: Tình yêu hôn nhân đòi phải chung thủy trọn vẹn suốt đời không phản bội lời cam kết dưới bất cứ hình thức nào.
 
3/  Chu toàn nghĩa vụ sinh sản và giáo dục:Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Đây là đỉnh cao và là kết quả hôn nhân (MV 48, 1). Sự từ chối sinh sản làm cho hôn nhân mất đi hồng ân tuyệt hảo nhất của đời sống phu phụ là con cái (MV 50, 1)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận