Cùng học phụng vụ, bài số 2

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/09/2017 01:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

PHẦN II-PHỤNG VỤ

 

Bài 02

 

PDF

 

NHẬP MÔN PHỤNG VỤ

 

 

1- Định nghĩa Phụng vụ

Phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, đặc biệt là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trong Phụng vụ, qua trung gian việc thực thi phận vụ tư tế của Đức Giêsu Kitô, sự thánh hóa con người được biểu lộ và thực hiện qua các dấu chỉ. Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, nghĩa là Đầu và các chi thể, thực thi việc thờ phượng công khai dành cho Thiên Chúa. (TYGL. 218)

Định nghĩa cũng cho thấy hai mục đích chính của Phụng vụ là “thờ phượng Thiên Chúa”“thánh hóa con người”. (x. GLHT. 206)

 

2- Phụng vụ quan trọng bậc nhất trong mọi hoạt động của Hội Thánh

Là hành động tuyệt đối thánh thiêng, Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của đời sống Hội thánh. Qua Phụng vụ, Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người. (TYGL. 219)

 

3- Phụng vụ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi

Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (TYGL. 221)

 

4- Phụng vụ là hoạt động của Đức Kitô toàn thể (Christus Totus)

Chính “Đức Kitô toàn thể” (Christus Totus), gồm Đầu và Thân thể, hoạt động trong Phụng vụ. Với tư cách là vị Thượng tế, Đức Kitô cử hành cùng với Thân thể Người là Hội thánh trên trời và Hội thánh ở trần gian. (TYGL. 233)

Phụng vụ trên trời được cử hành do các thiên thần, các thánh của Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông đồ, các thánh tử đạo và “một đoàn người thật đông” không tài nào đếm nổi, “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Khi cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các Bí tích, chúng ta được dự phần vào Phụng vụ vĩnh cửu này. (TYGL. 234).

 

Hội thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ với tư cách là dân tư tế, trong đó mỗi người hoạt động tùy theo phận vụ riêng của mình, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Các người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hiến dâng chính mình trong hy lễ thiêng liêng, các thừa tác viên có chức thánh cử hành theo thánh chức mà họ đã lãnh nhận để phục vụ tất cả các chi thể của Hội thánh; các Giám mục và linh mục hoạt động trong cương vị Đức Kitô, là Thủ lãnh. (TYGL. 235)

 

5- Phụng vụ được cử hành bằng các dấu chỉ và lời đọc

Việc cử hành Phụng vụ được kết thành bằng các dấu chỉ và biểu tượng… Một số dấu chỉ bắt nguồn từ công trình tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa, bánh, rượu, dầu); một số khác từ đời sống xã hội (tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh); một số khác từ lịch sử cứu độ thời Cựu Ước (các nghi thức Vượt qua, các hy lễ, việc đặt tay, việc thánh hiến). Những dấu chỉ này, có một số được qui định và bất biến, đã được Đức Kitô sử dụng và trở thành những phương tiện chuyển thông hoạt động cứu độ và thánh hóa của Người. (TYGL. 236-237)

Trong việc cử hành Bí tích, cử chỉ và lời nói liên hệ với nhau chặt chẽ. Thật vậy, dù các cử chỉ tượng trưng tự chúng đã là một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn cần có các lời thuộc nghi thức kèm theo và làm cho chúng sinh động. Trong Phụng vụ, lời đọc và cử chỉ không thể tách rời nhau vì chúng vừa là dấu chỉ vừa là giáo huấn; chúng cũng không thể tách rời nhau vì chúng thực hiện điều chúng biểu thị. (TYGL. 238)

 

6- Phụng vụ theo thời gian

Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa Nhật, nền tảng và cốt lõi của cả năm Phụng vụ. Năm Phụng vụ có chóp đỉnh là lễ Phục sinh, ngày “lễ của các ngày lễ.”  (TYGL. 241)

Trong năm Phụng vụ, Hội thánh cử hành toàn thể Mầu nhiệm Đức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến ngày Người lại đến trong vinh quang. Trong một số ngày, Hội thánh tôn kính Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, Mẹ Thiên Chúa, với một lòng trìu mến đặc biệt; Hội thánh cũng kính nhớ các thánh là những người đã sống cho Đức Kitô, đã chịu đau khổ với Người và hiện đang ở với Người trong vinh quang. (TYGL. 242)

 

7- Nơi cử hành Phụng vụ

Việc thờ phượng “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,24) của Giao ước Mới không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào đặc biệt, vì Đức Kitô là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa; nhờ Người, các người Kitô hữu và toàn thể Hội thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. (TYGL. 244)

Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh trần thế, cần đến những nơi chốn để cộng đoàn có thể qui tụ cử hành Phụng vụ, đó là “nhà thờ, còn gọi là thánh đường” là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội thánh đang sống tại đó cũng như  biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Đó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội thánh cử hành đặc biệt là Thánh lễ và tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.  (TYGL. 245)

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận