Cùng học giáo lý, bài số 14

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/12/2017 22:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

12 - 2017

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

 

Bài số 14

   

DẠY GIÁO LÝ LÀ MỘT VIỆC THÁNH

 

PDF

 

Vào dịp gặp gỡ GLV ở Uganda năm 2015, ĐTC Phanxicô nhắc nhở các GLV rằng “Anh chị em đừng quên rằng việc mình đang làm là một việc thánh.” 

 

1. Đem Tin Mừng đến cho mọi người

Để thấy việc dạy giáo lý là một việc thánh, thiết nghĩ GLV cần luôn được nhắc lại lời chỉ dẫn sau đây của Hội thánh: "Ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Đức Giêsu Kitô Nazareth, Con Một của Chúa Cha … Người đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta […] Dạy giáo lý là giúp người ta nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của đức Kitô, và các dấu lạ người đã thực hiện” (GLHTCG, 426). “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi Lời Nhập Thể và là Con Thiên Chúa” (GLHTCG, 427).

Vì thế, nhiệm vụ trọng yếu của GLV là cần chỉ cho học viên của mình biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Quả vậy, sau một thời gian huấn luyện, đào tạo, Chúa Giêsu chỉ hỏi các môn đệ của Ngài có một điều: “Dân chúng bảo Thầy là ai? […] Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Lc 9, 18;20). Trả lời đúng câu hỏi này sẽ giúp người ta có một sự hiểu biết thấu đáo toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa, vì như Thánh Phaolô dạy: Thiên Chúa “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã tiền định từ trước trong Đức Kitô” (Ep 1,9).

Dĩ nhiên, theo ĐTC Phanxicô, đành rằng việc học tập giáo lý là một sự loan báo Lời và phải tập trung vào Lời,  nhưng không chỉ để trình bày một hệ thống tín lý hoặc luân lý, mà, trước hết và trong mọi nơi mọi lúc, phải loan báo cho người ta biết rằng: “Đức Giêsu Kitô yêu thương anh; Người đã hiến dâng mạng sống của mình để cứu anh, và hiện tại mỗi ngày Người hằng cận kề bên anh, củng cố anh, giải thoát anh.” Tất cả sự đạo luyện Kitô giáo trước tiên là để đào sâu và làm nổi bật tình yêu cứu độ của Chúa; từ đó, mời gọi người ta sám hối, tin và bước theo Người.

 

2. Dẫn con người về với Chúa Kitô

Nếu trung tâm của việc dạy giáo lý là loan báo Đức Kitô, thì mục đích của việc dạy giáo lý lại nhắm vào lợi ích của con người. Quả vậy, “mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm con người không những được tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được hiệp thông với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần và với nhân loại”(HDTQDGL 2017,39; GLHTCG 426; HDTQ 1997, 81).

Để giúp người ta về với Chúa Kitô, GLV cần cho người ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô và bước theo Người “không chỉ là điều chân thật và chính đáng, nhưng còn là điều tốt đẹp, có khả năng bao trùm cuộc sống bằng một vẻ sáng chói mới mẻ và một niềm vui sâu xa, ngay cả trong thử thách,” nhờ đó mà người ta có thể được lôi kéo đến việc gặp gỡ Chúa Giêsu.” Và theo ĐTC, Phanxicô, đó là điều tốt đẹp nhất của công việc giáo dục.  

 

Thật vậy, qua việc dạy giáo lý, ngoài việc loan báo nội dung đức tin, Hội thánh “còn tạo ra một trường đào tạo, trong đó người ta vun trồng ơn đức tin đã lãnh nhận được, theo cách thế là tất cả mọi hành động và lời nói phản ảnh lại ơn được nên các môn đệ của Chúa Giêsu.”  Nói cách khác: “việc dạy giáo lý là một cuộc đào tạo Kitô giáo toàn diện, khai mở hết mọi nhân tố của đời sống Kitô hữu” (HDTQ 1997,84), ngõ hầu giúp người Kitô hữu trưởng thành trong đức tin, chu toàn ơn gọi nên thánh của mình (Mt 5,48).

3. Nơi nào tuyên xưng danh Chúa Kitô nơi đó có Thánh Thần

ĐTC nhắc nhở: “Thánh Thần ở giữa anh chị em bất kỳ lúc nào chúng ta nâng lòng trí lên Chúa trong lời cầu nguyện. Ngài sẽ ban ánh sáng và sức mạnh cho anh chị em. Lời dạy này làm vọng lại quả quyết của Thánh Phalô: “không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do Thánh Thần hướng dẫn” (I Cor 12:3b). Quả vậy, chỉ nhờ sự hướng dẫn của Thiên Chúa con người mới có thể hiểu biết mầu nhiệm về Người. Chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô: “Này anh Simon con ông Jonah, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Vì thế, Hội thánh dạy rằng, “trong việc dạy giáo lý […] phải dạy về Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm của đời sống theo Đức Kitô, người khách dịu hiền và người bạn linh hứng, hướng dẫn, sửa chữa và củng cố đời sống [theo Chúa Kitô]”(GLHTCG 1697). Lời dạy này giúp GLV nhận thức được công việc giáo lý mình phục vụ là việc thánh, việc của Thiên Chúa, để luôn biết phó thác và cậy trông vào sự hướng dẫn, giúp đỡ của Người.

Về điểm này, HDTQ 2017 bày tỏ: “Chúng tôi xác tín rằng việc dạy giáo lý hoàn toàn lệ thuộc vào hành động của Thiên Chúa, Đấng hoạt động nhờ Thánh Thần của Người, đồng thời hiệu quả của việc dạy giáo lý luôn là ân huệ của Thiên Chúa. Xác tín này giúp GLV luôn kiên nhẫn trong việc dạy giáo lý, vì biết rằng hạt giống Lời Chúa một khi được gieo vào tâm hồn, vẫn nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, cho dù người gieo thức hay ngủ” (HDTQ 2017, 78).

 

Kết luận:

Trọng tâm của việc dạy giáo lý là Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian, hôm qua, hôm này và mãi mãi  (X. Cv. 4,12; Dt 13,8); nhờ Người mà con người được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Hội thánh và với nhân loại.

Chính điều này mang lại cho việc dạy giáo lý một phẩm giá cao quí, một việc thánh! Mọi nội dung giáo lý, vì thế, phải được tập trung vào Chúa Giêsu; nếu không, việc dạy giáo lý sẽ mất hết ý nghĩa, như ĐTC Phanxicô vừa dặn dò các tín hữu hành hương về Roma rằng: “Nếu chúng ta bỏ Chúa Giêsu đi, thì Lễ Giáng Sinh còn gì? Chỉ là một lễ hội trống rỗng. Xin đừng bỏ Chúa Giêsu ra ngoài Giáng Sinh! Chúa Giêsu là trung tâm của Giáng Sinh, Chúa Giêsu chính là Giáng Sinh! Hiểu không?”

 

Merry Christmas And Happy New Year!

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

                                                                         

Từ khóa:

gặp gỡ, nhắc nhở

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận