Cùng học phụng vụ, bài số 4

Đăng lúc: Thứ năm - 30/11/2017 16:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

CÙNG HỌC PHỤNG VỤ

 

BÀI SỐ 4

BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

PDF

 

Theo lược đồ truyền thống : tên gọi, người ban, người nhận, nghi thức chính yếu, hiệu quả. (x. CĐTYGL-trang 24)

1- Tên gọi

Thánh Tẩy hay Rửa Tội đều dịch từ Baptizein trong tiếng Hy Lạp. Từ này có nghĩa là "dìm xuống": đây là nghi thức chính yếu trong bí tích Thánh Tẩy. Dìm xuống nước tượng trưng cho việc người dự tòng chịu mai táng trong cái chết của Ðức Ki-tô, và từ đó cùng sống lại với Người (x. Rm 6,3-4; Cl 2,12), trở thành "thụ tạo mới". (x. 2Cr 5,17; Gl 6,15, GLHTCG. 1214)

2- Người ban

Thừa tác viên thông thường của Bí tích Rửa tội là các Giám mục và linh mục; trong Giáo hội Latinh còn có cả các phó tế. Trong trường hợp cần thiết, mọi người đều có thể ban Bí tích Rửa tội, miễn là họ có ý làm điều Hội Thánh làm. Người ban Bí tích Rửa tội đổ nước trên đầu ứng viên và đọc công thức Ba Ngôi khi Rửa tội : “Tôi Rửa tội cho […] nhân danh Cha và Con và  Thánh Thần.” (TYGL. 260)

3- Người nhận

Mọi người chưa lãnh nhận đều có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội. (TYGL. 257)

Hội Thánh đòi hỏi người sắp nhận Bí tích Rửa tội phải tuyên xưng đức tin; trong trường hợp là một người trưởng thành thì việc tuyên xưng này phải do chính bản thân họ, nhưng nếu là một em bé, thì việc tuyên xưng do cha mẹ và Hội Thánh. Cha mẹ đỡ đầu và cả cộng đoàn Giáo Hội đều có trách nhiệm phần nào trong việc chuẩn bị Bí tích Rửa tội (cho người dự tòng) cũng như trong việc phát triển đức tin và ân sủng của Bí tích Rửa tội . (TYGL. 259)

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu nhận một tên gọi đặc biệt trong Hội Thánh, ưu tiên nên chọn tên của một vị thánh, vị này là gương mẫu thánh thiện cho người nhận tên, và ngài sẽ chuyển cầu cho họ nơi Thiên Chúa. (TYGL. 264)

4- Nghi thức chính yếu

Nghi thức chính yếu là phần quan trong nhất trong phụng vụ để bảo đảm việc cử hành thành sự. Phần khác gọi là nghi thức diễn nghĩa.

Nghi thức chính yếu của Bí tích này gồm việc dìm ứng viên xuống nước hay đổ nước trên đầu họ trong khi kêu cầu : nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. (TYGL. 256)

5- Hiệu quả

Bí tích Rửa tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh Người. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các người Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi : họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (ấn tín). (TYGL. 263)

*Tìm hiểu thêm

Người đỡ đầu : Mười sáu tuổi trọn, là người Công Giáo đã được Rước Lễ và Thêm Sức, có đời sống đức tin xứng hợp, không mắc hình phạt giáo luật đã được tuyên bố hợp lệ. (GL. 874)

Cần thiết cho ơn cứu độ : Bí tích Rửa tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được nghe rao giảng Tin Mừng và những người có khả năng xin lãnh nhận Bí tích này. (TYGL. 261)

Vì Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả mọi người, nên những người sau đây có thể được cứu độ dù không lãnh nhận Bí tích Rửa tội : những ai chết vì đức tin (Rửa tội bằng máu), những người dự tòng và cả những người, dưới tác động của ân sủng, dù không biết Đức Kitô cũng như Hội Thánh của Người, nhưng đã thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và cố gắng chu toàn thánh ý Người (Rửa tội bằng lòng ước ao). Về phần các trẻ em chết mà không được Rửa tội, Hội Thánh trong Phụng vụ phó thác các em cho lòng nhân từ của Thiên Chúa. (TYGL. 262)

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận